Giới trẻ Sài Gòn xưa nghe nhạc gì?


Sớm mai ở Sài Gòn luôn đẹp, có thể nói là đẹp quanh năm, cả trong mùa mưa dầm. Vì nó luôn có nắng. Trong một buổi sáng đẹp như vậy, khi bước vào ngôi nhà của một thầy giáo cũ, tôi chợt sững sờ, một cảm giác có thật không cường điệu chút nào..

Đó là khi tôi nghe được một bài hát cũ từ một cái máy đĩa. Cái máy đĩa không xưa như cái máy đĩa loa kèn đâu cũng thấy trong các quán cà phê hoài cổ (thật ra toàn đồ phục chế), mà là một cái máy to như một cái tủ, có nắp đậy bằng gỗ. Đĩa hát quay trên mâm phát một bài quá quen thuộc với những người thuộc thế hệ 5X, 6X nói theo ngôn ngữ bây giờ. Giọng ca của Charles Aznavous, nam ca sĩ gốc Armenian với bài Et Pourtant. Bài này sau có lời Víệt: “Anh vẫn biết, vẫn biết, rằng em chỉ yêu mình anh…”. Giai điệu da diết, trữ tình như ấp ủ một thời nghe nhạc trẻ của tôi. Đã xa lâu rồi mà như còn đâu đó.

Nhạc Pop bây giờ đã trở nên quá nhẹ nhàng, lãng mạn so với tai nghe của bạn trẻ hiện nay nhưng khi mới du nhập vào Việt Nam, chính xác là vào Sài Gòn hơn bốn mươi năm trước, nó vẫn còn quá mới mẻ và sôi động. Một số người lớn tuổi ở Sài Gòn nay đã thành ông bà nội, ngoại chắc hẳn còn nhớ những cái tên quen thuộc như Tino Rossi, Edith Piaf…Tôi nhớ hồi bé xíu, các anh chị ở nhà mê Dalida như điều đổ khi cô xuất hiện với các ca khúc Bambino, Romantica, Pazle-Moi D’ Amour. Cô nầy ngăm ngăm vì là người Pháp gốc Ai Cập, từng đến Sài Gòn năm 1958. Và bài Bambino, khi ngồi trong một quán café già cỗi như Givral, Brodard ở Đồng Khởi ta vẫn nghe như còn vẳng lại như còn ấp ủ giai điệu ấm áp từ đôi môi hồng Dalida nay đã mất.

 giai điệu ấm áp từ đôi môi hồng Dalida

Giai điệu ấm áp từ đôi môi hồng Dalida

Khi đi qua Xuân Thu, một hiệu sách chuyên bán sách ngoại văn trên Đồng Khởi, tôi nhớ những buổi sáng Chủ nhật đi mua sách nhà Khai Trí cùng ông anh Hai. Lúc đó, tôi không thích Xuân Thu (tên cũ là Albert Portail) vì nó chỉ có sách tiếng Anh, Pháp mà tôi không đọc được, trừ mấy tập Tintin hay Astérix Obélix rất đẹp để xem hình. Nhưng Xuân Thu, cùng với tiệm Anna trên đường Lê Lợi là nơi thu hút các anh chị đang là học sinh Đệ Nhị cấp (nay là cấp 3) ở Sài Gòn. Dân học các trường Pháp như Jean Jacques Rousseau (nay là PTTH Lê Quý Đôn), Marie Curie ( vẫn còn tên cũ), Lasan Tabert (nay là Trung học Sư phạm) đến để mua đĩa nhạc trẻ. Dù khi ấy văn hóa Mỹ đang lan tràn, nhạc Pháp vẫn đứng vững trong giới trẻ Sài Gòn, Nha Trang, Đà Nẵng, Cần Thơ…Sylvie Vartan, ca sĩ Pháp gốc Bulgaria với trở thành thần tượng ở những thành phố miền nam. Tôi còn nhớ bà chị bà con của tôi bắt chước kiểu tóc mái tóc ngắn vén sau tai y chang cô ca sĩ này. Những bài hát Sylvie hát như La Maritza, Si Je Chante, đặc biệt là Quand Le Film Est Triste, lời Việt có tên là Chuyện phim buồn rất được ưa thích. Lúc đó, khá nhiều nữ sinh Marie Curie trở thành ca sĩ chuyên hát nhạc Pháp. Trong đó có ca sĩ Thanh Lan sau này.

Ca sĩ Thanh Lan

Ca sĩ Thanh Lan

Những năm sáu mươi, cô ca sĩ nổi tiếng Cher (giờ thỉnh thoảng vẫn lên báo với trang phục rất bốc dù hơi… quá lứa) đã nổi đình đám với Bang bang mà ai cũng biết lời Việt là Khi Xưa Ta Bé. Lúc ấy, ca sĩ Thanh Lan xuất hiện. Khi cô lên truyền hình, ở nhà tôi, màn hình cái tivi đen trắng hiệu Denon được anh em trong nhà dán chặt mắt vào vì đôi mắt quá đẹp và long lanh của cô (chắc có xài nước nhỏ mắt hiệu Bella gì đó). Dù đang bé xíu, tôi đã cảm nhận nét đẹp khi diễn xuất của các ca sĩ, nhạc sĩ trẻ. Trong chương trình ca nhạc dành cho các trường trung học thời đó, có một anh học trò trường trung học Mạc Đĩnh Chi chít khăn đầu rìu bận áo vải hát Hòn Vọng Phu III rất hay và rất cuốn hút vì vẻ đẹp nam tính. Anh chính là Nguyễn Chánh Tín, ca sĩ, diễn viên kịch và ngôi sao điện ảnh trong vai Nguyễn Thành Luân sau này mà ai cũng biết. Có thể lúc đó anh chưa quen một cô gái nữ sinh trường Saint Paul, từng được bầu là giọng ca nhạc trẻ dễ thương nhất của Teenager’s Club vào năm 1965 vì hát những nhạc phẩm của ca sĩ France Gall như Poupée de Cire Poupée de Son ( Búp bê không tình yêu). Cô ca sĩ tuổi teen đó là Berthe Ngọc Bích, cũng chính là Bích Trâm sau này là vợ của anh.

Nhạc Mỹ theo các cuốn phim ca nhạc đã vào Việt Nam, trong đó có bài Que Sera Sera – Biết ra sao, ngày sau ?. Thể loại Rock n’ Roll phổ biến ở Mỹ những năm 50 nhưng mãi đến đầu những năm 60, nó mới xuất hiện tại Sài Gòn cùng sự xuất hiện của Phạm Ngọc Phương – với nghệ danh là Elvis Phương, một người tôn sùng Elvis Presley. Một số ca sĩ trẻ đã hát nhạc Mỹ, trong đó có Tuấn Ngọc, một danh ca Việt Nam ở hải ngoại mà sắp tới đây sẽ trình diễn liveshow tại TPHCM. Sau đó, xuất hiện thêm những tên tuổi nay vẫn còn hát như Khánh Hà, Anh Tú (đều là em Tuấn Ngọc. Anh Tú vừa mất), Công Thành…

Elvis Phương và bạn bè trung học biểu diễn văn nghệ khắp Sài Gòn.

Elvis Phương và bạn bè trung học biểu diễn văn nghệ khắp Sài Gòn.

Khoảng đầu thập niên 70, phong trào hippy từ Mỹ tràn vào Việt Nam. Thanh niên hầu như ai cũng thích để tóc dài dù có rất nhiều phản ứng từ các phụ huynh và các thầy cô giáo. Tôi nhớ lúc đó ở đâu cũng có quần xanh-gai màu xanh da trời, vải sô, hơi giống vải jean nhưng mềm hơn. Rất nhiều hình ảnh bông hoa hướng dương vàng là biểu tượng của phong trào dán trên túi xách, những chiếc xe Yamaha màu xanh rất đặc trưng.. Nhạc Mỹ lúc này coi như đã lấn lướt nhạc Pháp. Tuy vậy, nhạc trẻ đã trở nên phổ biến hơn với thanh niên khi được Việt hóa. Một số nhạc sĩ soạn lời Việt cho nhạc nước ngoài, và họ soạn rất khéo đến nỗi có những ca khúc tưởng như do chính nhạc sĩ Việt sáng tác. Hàng loạt bài đuợc biết đến như Khi ta 20 (All I have to do is dream), Yêu nhau đi (Besame Mucho), Thú đau thương(Godfather), Tình yêu mờ khuất (Love is blue)….Nhạc sĩ Phạm Duy lúc đó dù đã già nhưng tích cực đóng góp phong trào Việt hóa nhạc trẻ như viết lời Việt cho Bang Bang thành Khi xưa ta bé. Bài này được Thanh Lan hát năm 1973 và Mỹ Tâm cũng đã hát. Nghe đồn rằng có một nhạc sĩ trẻ nổi tiếng ở TPHCM nhận mình là người soạn lời Việt cho bài này. Nếu đúng như vậy thì thật là …

Nhạc sĩ Phạm Duy cũng viết lời cho nhiều bài khác rất hay như Ngày tân hôn, Tình ca Romeo và Juliette (A time for us), Chuyện Tình (Love story), Gọi tên người yêu (Aline)…Bên cạnh Phạm Duy là các tên tuổi khác mà học sinh, sinh viên thời đó ái mộ chỉ vì đặt lời hay quá như Vũ Xuân Hùng (Chuyện Phim Buồn, Búp Bê Không Tình Yêu, Hôm Nay Không Sữa…) Tuấn Dũng (Donna), Lê Hựu Hà (Đồng Xanh) và nhiều tên tuổi khác…Một số ca nhạc sĩ, từ phong trào nhạc trẻ này, đã trở thành những người sáng tác và vẫn tiếp tục đóng góp cho đến nay như nhạc sĩ Đức Huy, Elvis Phương, Quốc Dũng….

Cách nay hơn chục năm, tôi gặp lại anh bạn Sogo Yamaguchi, người đã giới thiệu và phát hành nhạc Việt (CD Tam ca Áo Trắng) đến Nhật Bản. Anh nói: “Cách nay mấy năm, tôi từng tin là ca khúc Việt do người Việt sáng tác sẽ đứng đuợc trong lòng người nghe. Bây giờ anh có thấy điều đó ?”. Lúc đó, chương trình Làn Sóng Xanh đang rất mạnh ở phía Nam và đã xuất hiện những cái tên sau này thành sao như Phương Thanh, Trần Thu Hà, Lam Trường, Đan Trường và cả những người sáng tác mới. Đó là điều đáng mừng mà tôi chia sẻ với Sogo. Có những bài hát của thời đó mà nhiều người còn nhớ như Có đôi khi, Bước chân lẻ loi, Có phải em mùa thu Hà Nội…Từ đó, nhạc trẻ Việt đã có chỗ đứng vững chắc trong lòng giới trẻ hiện nay.

Lam Trường - Phương Thanh - Đan Trường biểu diễn ca khúc "Tát nước đầu đình" trong liveshow Làn sóng xanh năm 2002

Lam Trường – Phương Thanh – Đan Trường biểu diễn ca khúc “Tát nước đầu đình” trong liveshow Làn sóng xanh năm 2002

Tuy vậy, tôi tin rằng một thời nhạc trẻ sôi động và lãng mạn vẫn đọng lại, không chỉ trong ký ức của người nghe, mà cả trong cảm hứng sáng tác của các nhạc sĩ đương thời. Dù sao, mỗi lứa tuổi đều có giai điệu riêng của mình, và khi ngồi đặt một cái đĩa hay một cái băng Magné của cái máy AKAI cũ rích, tôi lại thấy như mình sắp trở lại một cõi mơ mới vừa ở đâu đó chưa xa…

Theo Phạm Công Luận


Hãy chia sẻ cho bạn bè qua: