Kiếm sống ở Sài Gòn trước năm 1945


Năm 1941, một thanh niên gần tuổi đôi mươi ở làng Hướng Phương, huyện Quảng Trạch, Quảng Bình vừa thi đậu Sơ học yếu lược xong. Lúc đó, trong làng của anh, một số người nhắc đến Sài gòn, thành phố phương nam xa xôi, là nơi dễ làm ăn, dễ kiếm tiền và hấp dẫn với nhiều thú vui. Anh quyết định lên đường khám phá Sài Gòn. Trong suốt hai năm ở lại thành phố này dưới thời Pháp thuộc, anh va chạm với đủ người tốt kẻ xấu, học được những bài học về giá trị của công sức lao động, giá trị của sự trung thực…

Dưới đây là một đoạn hồi ký của người thanh niên năm xưa. Đọc lại phần hồi ký này, ta có thể hình dung phần nào cuộc sống, sinh họat, không khí làm ăn cần mẫn của vùng đất Sài Gòn bảy mươi năm trước. Trong đó, luôn có phần cho người nhập cư nào có ý chí vươn lên, thay đổi cuộc sống.

“…Xin cha mẹ đi Sài Gòn. Trước là làm ăn kiếm tiền giúp cha mẹ, sau là để biết Sài Gòn, nghe các người đi về nói là đẹp lắm. Tôi đi Sài Gòn bằng hỏa xa lên ở ga Minh Lễ, đi với anh Nghị là em Dì Bài. Lúc này, anh đã có vợ là người làng Đơn Sa ở tại Sài Gòn.

Vào Sài gòn, tôi chẳng quan tâm đến cái đẹp, cái lạ và cũng chẳng quan tâm đến mọi sự lôi cuốn ở đô thị phồn vinh. Chỉ chắm kiếm việc làm để tiền gửi về giúp cha mẹ. Bà con vào đây trước gặp tôi, như bác Đại, anh chị Đạo và Lẹ, chú Đính, anh Cu Trinh (Anh Cu: Khẩu ngữ của người Quảng Bình dùng kèm sau một số danh từ chỉ người để gọi thân mật người nông dân có con trai đầu lòng còn bé ) và nhiều người khác biểu tôi chơi cho đã đạ sẽ đi làm sau, nhưng tôi hằng ngày đi lang thang hết đường phố này đến đường phố khác xem ngoài cổng nhà ai có treo giấy mướn người như tôi là vào xin. Đi qua dòng tu kín phía sau nhà Bưu điện Sài Gòn có treo giấy cần một đứa vào làm cỡ tuổi tôi, vào đây xin và được việc. Lại biết trong này có Cu Cư người làng mình nữa.

Ông Đặng Ngọc Lịnh thời trai trẻ. Tư liệu của gia đình.

Ông Đặng Ngọc Lịnh thời trai trẻ. Tư liệu của gia đình.

Công việc của tôi như sau: Sáng 4 giờ ra giúp xà ích cho xe ra, cặp ngựa vào và lên xe ngồi với một bà phước người Pháp, mập, nói sọi tiếng Việt, ra chợ Bến Thành xách giỏ cho bà phước ấy đi các hàng trong chợ mua thực phẩm. Đầy giỏ, tôi đưa ra xe và lúc đó đã mua xong lại lên xe trở về nhà như cũ. Ngoài việc đi chợ buổi mai, cả ngày nhổ cỏ ở các bồn hoa và ngoèo xoài trong vườn tu viện. Lương tháng 10 đồng Đông Dương.
Tôi làm được độ nửa năm vẫn lương 10 đồng. Một buổi sáng tôi ngủ quên ra trễ không kịp giúp thắng xe ngựa, bị bà phước ấy cự, tôi cự lại…và thấy việc xách giỏ cho bà phước đi chợ chẳng thú gì cho tuổi bước vào thanh niên đầy hứa hẹn này. Tôi xin thôi việc.

Cảnh chợ Bến Thành trước 1945. Ảnh internet.

Cảnh chợ Bến Thành trước 1945. Ảnh internet.

Lại đi lang thang kiếm việc. Đến một nhà máy cà-rem, có dán giấy cần người. Tôi vào xin và được việc. Làm phụ người thợ chính làm cà-rem cây. Tại đây đã có ba thanh niên làng mình làm trước: anh em anh Nghi con bà Châu ở gần nhà dì Bài, anh Cương (Hường). Làm được ít lâu, hình như lương tháng 15 đồng Đông Dương. Sau đó không lâu, ông chủ ở Đa Kao đưa giấy lại, biểu các thanh niên trong hãng thi một bài chánh tả ngắn chữ Việt. Bốn năm thanh niên chỉ có tôi và anh Cương biết viết. Tôi, anh Cương viết bài dự thi. Qua ngày sau có xe đến và cho biết là tôi đậu, lên xe về Đa Kao làm việc khác. Ông chủ này là là chủ tiệm cà-rem và chỗ tôi đến là nhà hàng ăn, tức là gia đình ông chủ ở nhà sau. Ông người Việt nhưng nói tiếng Pháp như tiếng mẹ đẻ, có hai vợ là chị em ruột, bà nào cũng có con bồng cả. Tuy là chị em ruột nhưng ghen nhau quá cỡ. Tôi được ông chủ và hai bà chủ mến lắm vì thấy tôi khôi ngô và chất phác. Giao cho tôi hai việc rõ ràng:

Sáng độ hai giờ ra phía trước đợi hai xích lô mối, khi hai xe này đến thì vào báo tin cho ông chủ. Ông chủ lên xích lô trước, tôi lên xích lô sau, qua nhà máy nước đá Khánh Hội. Đến đây, ông chủ đứng đợi còn tôi đến nhà người gác máy lấy chìa khóa mở cửa vào. Ông chủ ngồi bàn xem sổ sách và xem báo. Tôi ngồi một bàn nhỏ ghi chép vào sổ các xe ngựa đến nhận nước đá của hãng. Xong việc, trời vừa sáng, tôi và ông chủ lại lên xích lô về nhà hàng ăn. Về đây ăn sáng xong là tôi phụ người bồi chính mở cửa hàng và dọn các bàn ăn. Cả ngày khách Việt, Pháp vào ăn rất đông. Nhà hàng này ở đối diện rạp ciné Đakao. Tôi phụ với anh bồi chính sẹc-via cho khách suốt ngày. Lúc khách để lại tiền lẻ cho bồi gọi là Puốc-boa (pourboi), tôi phải giao cho bồi chính hưởng, tôi không được gì. Có một bữa vắng bồi chính, tôi tự sẹc-via, khách cho tôi được một ít đồng, nó hỏi lấy hết. Tôi đưa nhưng vẫn bất mãn cự lại. Tuy tôi là bồi phụ nhưng công tôi làm!

Có một buổi sáng, trong lúc tôi ngồi biên chép tại hãng nước đá Khánh Hội, thì anh bếp hàng ăn nơi tôi ở đến nói gì với ông chủ và biểu tôi về theo. Khi về đến nhà, nó biểu tôi mở rương ra để khám, có sự chứng kiến của hai bà chủ và các người trong nhà. Tôi mở rương cho khám, chẳng có gì khác ngoài áo quần và ít tiền lẻ của tôi. Tôi hỏi tại sao khám rương tôi, tên đầu bếp nói là đêm ấy nó mất áo quần và tiền bạc, nghi cho tôi lấy. Sự thể đã rành rành là đêm ấy tôi nghỉ tại nhà hàng với mọi người trong nhà, lúc ra khỏi nhà thì hai tay không đi với ông chủ nên mọi người trong nhà không nghi cho tôi nữa. Ông và hai bà chủ an ủi tôi ở lại nhưng thấy anh bồi chính và anh bếp đa nghi không đúng chỗ thì có ngày tính nóng trực của tôi sẽ có chuyện nên xin thôi về nhà của anh chị Đạo đang ở làm bồi bếp cho ông Cò Duboi tại bót lính kín trước nhà thờ Đức Bà.

Tôi nghỉ đươc một ngày, lại đi lang thang trong thành phố. Gặp nhà một ông lai Tây xin làm và ông đưa tôi lên làm bồi phụ tại nhà hàng ăn ở Thủ Dầu Một. Tôi ăn ở nhà hàng, ngủ tại nhà sau của ông chủ gần đó với anh bếp cũng thanh niên lớn tuổi hơn tôi. Ngoài việc giúp bồi chính, chiều chiều sau khi đóng cửa nhà hàng tôi về nhà ông chủ phải ủi áo quần cho bà chủ. Bà chủ chưa có con nhưng quần lót có những cái vàng vàng nghe khét lẹt lúc bàn ủi đẩy qua. Được ít lâu, tôi chán mùi áo quần lót của bà chủ quá nên xin thôi việc. Ông chủ thấy tôi thanh niện sáng sủa và tận tuỵ, không đành lòng để tôi đi nên đưa tôi lên toà thánh Tây Ninh làm bồi cho nhà hàng ăn của trại lính đóng tại Toà thánh bỏ thầu. Pháp có , Khố đỏ đến ăn ở đó. Tôi làm được ít lâu, chán ở chung với lính nên xin thôi về Sài Gòn về ở nhà anh chị Đạo như trước.

Bên hông nhà thờ Đức Bà trước 1945. Ảnh internet.

Bên hông nhà thờ Đức Bà trước 1945. Ảnh internet.

Tôi lại đi lang thang kiếm việc. Đến nhà hàng ăn Khánh Hội, gặp hai anh em người Pháp chưa vợ là chủ nhà hàng (nó nói giỏi tiếng Việt), nhà hàng thiếu hai chỗ bồi. Tôi về rủ chú Đính về cùng làm. Cả ngày ở lại nhà hàng, đêm về nhà anh chị Đạo ngủ.

Có một đêm đi qua rạp hát lớn tại đường Tự Do – Nguyễn Huệ, chú Đính rủ tôi vào xem. Hết giờ bán vé nên hai chú cháu chui đại vào xem cho được vì gánh hát mới nghe nói hay lắm. Không biết đường nên chui vào lô riêng trên gác của viên Toàn quyền Đông Dương đang xem hát. Họ nghi là hai tên thích khách nên bọn lính kín và cảnh sát gác bảo vệ cho Toàn quyền bắt hai chú cháu tống vào Khám lớn mấy ngày. Sau khi xét hỏi lăn tay chụp hình, truy mãi chỉ thấy là hai thanh niên vô sự xem hát vào cóp lạc chỗ mới tha. Chú Đính không biết có bị không, còn bị tôi bị mấy roi đau nhớ đời đến nay vẫn còn nhớ cảm giác đau. Lúc được bảo lãnh ra hai chú cháu làm nhà hàng Khánh Hội ít lâu nũa. Thấy đêm phải đi về khuya thấy bất tiện quá nên xin thôi.

Về nghỉ nhà anh chị Đạo vài ngày, tôi lại đi lang thang tìm việc, thấy giấy dán tìm người và xin vào làm được. Tôi làm bồi cho vợ chồng anh Tây trên đường Tự Do, khu nhà bảy tầng. Anh Tây này nói sọi tiếng Việt, còn vợ chưa biết. Đôi này chưa có con. Ngày làm đêm lại về ngủ nhà anh chị Đạo gần đó. Lương tháng 40 đồng Đ.D. Lúc đó 40 đồng đối với với số người đi làm thuê là hạng cao đấy. Nơi làm ban đầu là 10 đồng, thôi chỗ cũ đi làm chỗ mới, cứ mỗi nơi lên một cấp cho đến 40 đồng. Chủ có hứa hẹn là tăng nữa nhưng vừa lúc đó nhận được điện tín của nhà, báo là em Duệ đau nặng, phải về gấp. Tôi xin thôi việc để về nhà. Vợ chồng ông Tây tiếc lắm. Cho là tôi khôi ngô thật thà chất phác nên họ nói đi nói lại: về rồi vào làm, nó sẽ đợi tôi không kiếm người mới. Họ thích tôi là người không gian manh, qua thử thách của họ: những ngày đầu tiên tôi vào làm, họ như vô ý để bạc chỗ này chỗ khác hoặc rơi giữa nhà. Tôi không biết việc họ làm, vẫn để bạc chỗ cũ và bạc dưới nhà tôi xếp lên đủ hẳn hòi. Sau đó ít lâu, nghe chị bếp nói là ông chủ khen sự thật thà của tôi lắm và giao chìa khoá phòng cho tôi những lúc vợ chồng làm việc. Ở nhà tôi mặc sức tắm giặt cho đến lúc gần giờ thì mở cửa cho ông vào, còn mình làm bổn phận bồi.
Tôi đi xe lửa về nhà. Đêm hôm không có ai về làng để về theo. Tôi phải đi đò dọc, họ chở tôi về cửa sông Gianh…

Tôi ở Sài gòn độ hai năm, khoảng 1941 – 1943. Làm ăn tiêu rồi còn dư gửi về nhà độ 200 đồng đến 300 đồng. Lúc tôi đi Sài gòn, cha làm cái nhà ngói, còn hai mái ngói Tây ấy là do tiền tôi gửi về, lúc ấy 100 đồng Đông Dương là quý lắm !”

Theo hồi ký của ông Đặng Ngọc Lịnh để lại cho con cháu họ Đặng tại Hoa Kỳ và Việt Nam trước khi mất.

Phạm Công Luận/ Sài gòn chuỵện đời của phố – Tập 2 


Hãy chia sẻ cho bạn bè qua: