Sài Gòn phát triển công nghiệp sản xuất hàng hóa


Hầu hết các ngành công nghiệp nhẹ sản xuất hàng hóa ở SG đều có trình độ sản xuất đạt đến mức tiên tiến của châu Âu, bởi vì máy móc và công nghệ được nhập khẩu toàn bộ dây chuyền từ Pháp, Đức.

Ngắm tòa nhà “9 tầng mây” cao top 10 thế giới ở Sài Gòn

Những công trình tiêu biểu của Sài Gòn xưa

Nửa cuối thế kỷ 18, đô thị Sài Gòn được người Pháp hình thành như một thủ phủ miền Nam phục vụ khai thác thuộc địa. Cũng vì tính chất trung tâm của mình mà từ rất sớm, Sài Gòn đã hình thành nên một nền sản xuất công nghiệp, sản xuất hàng hóa, dịch vụ phát triển nhất cả nước. Tạp chí Khám phá trân trọng giới thiệu loạt bài của nhà nghiên cứu Nguyễn Thái An về bức tranh toàn cảnh ngành công nghiệp Sài Gòn xưa.

Cùng với việc hình thành nên các cơ sở công nghiệp nặng và cơ sở sản xuất phục vụ cho chế biến xuất khẩu thì Sài Gòn cũng sớm hình thành nên một nền tảng các ngành công nghiệp nhẹ sản xuất hàng hóa phục vụ cho đời sống. Hầu hết trong số đó có trình độ sản xuất đạt đến mức tiên tiến của châu Âu bởi vì máy móc và công nghệ được nhập khẩu toàn bộ dây chuyền từ Pháp, Đức.

Chế biến nước mắm tại một cơ sở sản xuất ở Sài Gòn

Chế biến nước mắm tại một cơ sở sản xuất ở Sài Gòn

Các ngành công nghệ nhẹ sau đây phát triển khá mạnh vào thời gian đó:

Công nghiệp sản xuất thực phẩm và đồ uống

Đây là một trong các ngành sản xuất và kinh doanh phát triển mạnh nhất ở Sài Gòn mà ảnh hưởng của nó còn duy trì đến ngày nay.

Năm 1910, Công ty Rượu Đông Dương thành lập năm nhà máy, trong đó Nhà máy rượu Bình Tây là nhà máy có công suất lớn nhất. Vào năm 1943 công ty này có vốn rất lớn, lên đến hơn 100 triệu franc.

Hầu hết các nhà máy rượu bia của Pháp được xây dựng ở khu vực Chợ Lớn, cho đến trước năm 1954 ở Sài Gòn-Chợ Lớn có tất cả 17 hãng, nổi bật nhất là các nhà máy mang tên BGI.

Bia B.G.I Sài Gòn xưa

Bia B.G.I Sài Gòn xưa

Công nghiệp sản xuất thuốc lá

Ở Sài Gòn, ngành công nghiệp nhẹ có quy mô lớn đứng sau rượu bia là sản xuất thuốc lá. Đây cũng là ngành phát triển rất nhanh chóng và mang lại lợi nhuận khổng lồ cho các nhà tư bản Pháp.

Tại Sài Gòn có bảy hãng thuốc lá danh tiếng, trong đó các hãng thuốc lá nổi tiếng là Mic, Cotab, Bastos, Mitac với tổng số vốn đầu tư là hơn 33 triệu franc và sử dụng hơn 2.500 công nhân. Sản phẩm của nó một phần sử dụng trong nước, phần khác xuất sang các nước trong khu vực Đông Nam Á và còn xuất sang các nước thuộc địa thuộc Pháp trên toàn thế giới.

Công nghiệp dệt

Công nghiệp dệt cũng là một ngành phát triển khá mạnh mẽ. Năm 1924 Pháp thành lập Công ty Vải sợi Sài Gòn với hai nhà máy lớn, vốn đầu tư trên 12 triệu franc và tăng lên 20 triệu franc vào năm 1927. Cùng với các nhà máy của Pháp thì các nhà tư sản nhỏ người Việt cũng tham gia vào lĩnh vực dệt may.

Ảnh: Xưởng dệt của Vinatexco

Ảnh: Xưởng dệt của Vinatexco

Ngành dệt may luôn được coi là làm ăn phát đạt vào các thời kỳ phát triển khác nhau của TP này, cho đến trước giải phóng và cả hiện nay ngành dệt may vẫn là một trong những ngành chủ lực của TP. Trước giải phóng, các nhà máy dệt của TP có tiếng tăm ở châu Á như dệt Phong Phú, Vinatexco, Vimitex…

Công nghiệp chế biến mía đường

Đây cũng là ngành công nghiệp phát triển mạnh mẽ. Vào năm 1923 Công ty Đường Đông Dương ra đời, công ty này vừa trồng mía, chế biến đường tinh khiết, cồn và rượu. Nhà máy Đường Hiệp Hòa có công suất 1.500 tấn mỗi ngày, mỗi năm sản xuất được 17.000 tấn đường trắng và hàng triệu lít cồn, rượu, nhà máy cũng sử dụng khoảng 3.000 công nhân. Năm 1953 xây dựng thêm Nhà máy đường Khánh Hội có công suất 70 tấn/ngày.

Công nghiệp hóa chất và các sản phẩm từ hóa chất

Công nghiệp hóa chất là một trong các ngành được người Pháp chú ý phát triển. Vào năm 1909 người Pháp thành lập Công ty Hóa chất Oxygene và Acetylene. Tổng vốn đầu tư của công ty vào khoảng 20 triệu franc (1942).

Nhà máy hóa chất ở Sài Gòn có sản lượng cao hơn gấp hai lần so với nhà máy chi nhánh của công ty ở Hải Phòng.

Một số ngành công nghiệp khác cũng khá phát triển ở Sài Gòn vào thời kỳ đầu chẳng hạn như giấy, tái chế giấy, diêm, thủy tinh (năm 1927 trên địa bàn Chợ Lớn đã có 12 xưởng sản xuất thủy tinh có quy mô vừa và nhỏ). Ngoài ra, các ngành thuộc da, xà phòng, kem đánh răng, cũng khá phát đạt. Trong số đó phải kể đến hãng xà phòng Trương Văn Bền với sản phẩm “xà phòng Cô Ba” rất nổi tiếng.

Các sản phẩm Xà bông Cô Ba

Các sản phẩm Xà bông Cô Ba

Cho đến trước năm 1975, TP Sài Gòn có khoảng 38.000 cơ sở công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Trong số đó có 706 công ty, 8.548 cơ sở công nghiệp tư nhân, bao gồm nhiều ngành công nghiệp nhẹ như dệt, cơ khí tiêu dùng, lương thực, thực phẩm, hóa chất, nhựa, thủy tinh, gỗ, giấy. Khu công nghiệp Sài Gòn – Biên Hòa tập trung hơn 80% năng lực sản xuất công nghiệp của toàn miền Nam.

Theo khampha


Hãy chia sẻ cho bạn bè qua: