Không thể nhìn Sài Gòn bằng tâm thế “lấy Hà Nội là trung tâm”


Sài Gòn, vẫn được cho là “vùng đất mới”, được khai phá bởi những lưu dân từ phía Bắc vào. Dường như đó mới là cái nhìn một cách quá vội vã, của “kẻ khác” – từ bên ngoài, về không gian văn hóa đa dạng này. Và cái nhìn đó đã dẫn tới nhiều hệ lụy trong phát triển, bảo tồn văn hóa Sài Gòn, có thể gây ra những đổ vỡ, đứt gãy đáng tiếc.

“Sài Gòn – nhìn từ một người “giao hòa Nam – Bắc””

Nhà thờ Đức Bà: Kiệt tác kiến trúc 138 năm tuổi giữa Sài Gòn

TS Nguyễn Thị Hậu và nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên tại buổi nói chuyện. Ảnh: Hảo Linh.

TS Nguyễn Thị Hậu và nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên tại buổi nói chuyện. Ảnh: Hảo Linh.

Trong buổi nói chuyện “Sài Gòn – nhìn từ một người ‘giao hòa Nam – Bắc’ ” vào ngày 14/4, TS. Nguyễn Thị Hậu, người “sống với” Sài Gòn, hiểu và nhìn Sài Gòn đa chiều, từ sự “phân thân” nhiều góc độ – nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa, xã hội – một người sống, chứng kiến bao thăng trầm ở Sài Gòn ngót nửa thế kỷ – và một người “giao hòa Nam – Bắc”, đã phân tích về những “định kiến” trong quan điểm phát triển Sài Gòn. Định kiến đầu tiên về Sài Gòn, là coi đây có niên đại muộn, và thường bị “nhìn từ phía trung tâm ở Hà Nội”. Tâm lý này thường thấy trong giới quản lý và thậm chí phổ biến ngay cả ở những người nghiên cứu lịch sử văn hóa xã hội. Thứ hai, Sài gòn luôn bị coi, bị gắn vai trò lớn nhất là kinh tế. Thứ ba, trong khoảng vài chục năm gần đây, người Nhập cư vào Sài gòn quá nhiều, rất nhanh. Tầng lớp cư dân mới này không thể đặt mình vào tâm thức của người Sài Gòn đã sinh sống lâu ở đây, và càng không thể đặt mình vào tâm thức của người Sài Gòn đã đi khỏi Sài Gòn từ lâu nên khó lòng hiểu được những giá trị văn hóa, những di sản của Sài Gòn.

Ba định kiến đó khiến cho những di sản bị thay mới, bị phá bỏ một cách tiêu cực, nhanh chóng hơn bao giờ hết. Bởi vì chỉ nhìn Sài Gòn là “muộn”, là “mới” thì sẽ dẫn tới tâm lý lướt qua, không thừa nhận những giá trị đã tồn tại lâu bền. Đồng thời, khi đặt nặng vai trò kinh tế của Sài Gòn, thì tất cả những yếu tố khác chỉ là thứ yếu. Ví dụ gần đây nhất là khu vực Thủ Thiêm, vì chỉ được coi là vùng đất mới, nên rất nhanh chóng, những xóm làng có hàng trăm năm lịch sử bị dẹp đi để xây dựng khu đô thị mới mà không cần thời gian nghiên cứu, thẩm định giá trị văn hóa.

Sài Gòn có thể sẽ trở thành một “thành phố không còn ký ức” nếu không gìn giữ di sản kịp thời.
Bà Phạm Chi Lan.

Đồng tình với TS Nguyễn Thị Hậu, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cảnh báo, Sài Gòn có thể sẽ trở thành một “thành phố không còn ký ức” nếu không gìn giữ di sản kịp thời. Bà nói: “Bây giờ người Sài Gòn có tiếc những cái cũ không? tiếc nhiều chứ! đã có một thời gian nhiều người bạn tôi ở Sài Gòn kêu trời lên, rằng giờ Sài Gòn chẳng lẽ là một thành phố không có ký ức nữa hay sao? Khi mà đem đập phá hết một lô những ngôi nhà cũ, những chỗ rất đẹp, hoặc ngay cả đổi tên những con đường một cách vội vã. Nhưng tôi muốn thật rằng, có muốn phá đi, và thay bằng những cái mới vào như vậy cũng không áp đặt [cái mới] được đâu”. Theo bà, không thể coi đây là vùng đất mới về văn hóa, lịch sử, mà chỉ có thể coi tính “mới” – vì đây là vùng đất “sẽ đang tiếp tục mở ra, sẽ phát triển tiếp, chứ không phải là không có cái gì để mà giữ cho nó”. Bà nhấn mạnh: “không nên chỉ coi Sài Gòn là một trung tâm kinh tế để mà coi kinh tế là số một. Mặc dù tôi là chuyên gia kinh tế nhưng không bao giờ tôi coi kinh tế là số một. Mà văn hóa mới là cội rễ, cội nguồn. Nếu vì kinh tế mà hi sinh văn hóa, chặt bỏ quá khứ thì đó là một sự thiển cận”.

Trước những thực trạng đó, TS. Nguyễn Thị Hậu cho rằng, chính quyền có vai trò quyết định trong việc ứng xử sao cho phát triển được Sài Gòn một cách hài hòa với bảo tồn những giá trị văn hóa, không đánh đổi vội vã để khiến nơi đây bị đứt gãy một cách đột ngột. “Khi mà chính quyền không có ý thức bảo vệ di sản, vẫn coi đây là vùng đất mới thì khó lòng có thể bảo vệ được, đặc biệt là đằng sau họ lại là những nhà đầu tư luôn muốn phát triển Sài Gòn vì lợi ích kinh tế”, bà nói.

Buổi nói chuyện do Tia Sáng tổ chức trong khuôn khổ chuỗi hoạt động thường kỳ đưa khoa học và nghệ thuật đến công chúng.

Theo tiasang


Hãy chia sẻ cho bạn bè qua: