Trẻ sống hạnh phúc nhờ những bậc cha mẹ như thế này


Phương pháp dạy con luôn biến đổi theo sự tiến bộ của xã hội. Nhưng dù văn minh đến đâu, muốn con cái sống hạnh phúc và lớn lên thành người có ích, vẫn cần vài điều bất di bất dịch mà bố mẹ cần khắc ghi.

Đời người luôn Có: 2 việc không thể đợi, 2 thứ không thể sợ, 2 điều không thể lựa chọn

9 điều cha mẹ nên nói với trẻ mỗi ngày

Các nhà khoa học xã hội gia đình đã đúc kết được một số điểm chung về những bậc cha mẹ có các đứa con thực sự sống hạnh phúc.

1. Dành nhiều thời gian với nhau

Các bậc cha mẹ hiện đại luôn có thời khóa biểu bận rộn mỗi ngày. Khi thấy mệt mỏi, cách dễ nhất để bọn trẻ ngồi yên không quấy rầy là bố mẹ chỉ việc bật ti vi lên cho chúng. Nhưng cũng còn những hoạt động khác mà cả bố mẹ, con cái tìm được sở thích chung. Trẻ sẽ quên nhanh thứ bạn mua cho chúng, nhưng lại không bao giờ quên những giờ phút cả gia đình quây quần bên nhau. Mối quan hệ đầm ấm thắm thiết với người bố sẽ tác động đến khả năng xây dựng các mối quan hệ gắn bó và hạnh phúc của trẻ khi chúng trưởng thành.

2. Cả nhà cùng ăn cơm

Các nhà khoa học đã kết luận rằng những bữa cơm gia đình quen thuộc diễn ra đều đều có liên hệ trực tiếp đến tỉ lệ thấp về trầm cảm và có ý định tự tử ở trẻ đến tuổi dậy thì. Những đứa con thường được ăn cơm chung với bố mẹ cũng hay có cái nhìn tích cực hơn về cuộc đời so với trẻ thiếu vắng bóng bố mẹ trong bữa cơm chung.

3. Biết dạy trẻ quan tâm, chăm sóc

Dạy con cái biết quan tâm đến người khác và biết ơn những ai lo cho chúng trong cuộc sống là một điều quan trọng đối với các bậc phụ huynh. Nhiều nghiên cứu đã cho thấy những ai quen biểu lộ lòng biết ơn sẽ dễ vị tha, cảm thông và có lòng tương trợ tha nhân. Chính nhờ những đức tính ấy mà chúng sống mạnh khỏe và hạnh phúc sau này.

4. Dạy trẻ biết phân tích và đối phó với các vấn đề

Cứ mãi kiểm soát, che chắn cho con có thể dẫn đến mối quan hệ xấu trong tương lai. Cha mẹ hãy tin ở trẻ và để chúng tự quyết định. Hãy bắt đầu bằng những điều nhỏ nhặt như để tự chúng chọn mặc quần áo nào hay ăn gì cho bữa điểm tâm. Làm thế, trẻ sẽ dần dần trở nên độc lập và hiểu mình muốn gì trong đời. Hãy lắng nghe kỹ khi con cái quyết định chia sẻ vấn đề gì đó, rồi tìm cách giúp chúng có sự lựa chọn đúng đắn nhất.

5. Giúp con cái phát triển kỹ năng giao tiếp

Những nhà nghiên cứu thuộc đại học Pennsylvania và Duke (Mỹ) đã khảo sát 700 trẻ từ nhỏ cho đến khi chúng được 25 tuổi. Kết quả cho thấy, những trẻ hồi học mẫu giáo có tính quảng giao xã hội gần như lớn lên đều đậu vào đại học và có công ăn việc làm bảo đảm. Trong khi đó, trẻ gặp khó khăn trong giao tiếp từ nhỏ thường có khuynh hướng dẫn đến phạm tội, nghiện ngập.

6. Cha mẹ ít bị stress

Nhiều nghiên cứu cũng kết luận tính khí và cảm xúc của người mẹ ảnh hưởng trực tiếp đến các thành viên gia đình. Tất nhiên cảm xúc tiêu cực sẽ gây ảnh hưởng xấu. Những căng thẳng về cảm xúc của cha mẹ vô hình chung cũng khiến lớp trẻ trong nhà có chung cảm xúc như vậy.

7. Mối quan hệ của cha mẹ ảnh hưởng đến con cái

Trẻ nhỏ chỉ học được về sự quan tâm và lòng kính trọng khi chính cha mẹ đối xử với nhau như vậy. Một khi cảm nhận được tình yêu giữa bố và mẹ, chúng sẽ trở nên gắn bó với hai người hơn. Mối liên kết bố mẹ con cái ấy giúp chúng có thể định giá trị sự việc và học hỏi sự đời nhanh hơn. Cha mẹ hãy dành nhiều thời gian chất lượng với con cái như cùng đọc truyện với nhau trên giường, nói chuyện với chúng và luôn lắng nghe những khó khăn chúng chia sẻ.

8. Không nói gạt hay đùa cợt với trẻ

Đánh phạt, nói gạt hay đùa cợt với trẻ trong nhà không làm chúng thay đổi hành vi. Ngược lại, chúng sẽ cố tìm ra cách để khỏi bị cha mẹ phạt rồi dần dần dễ trở thành trẻ nói dối, hư hỏng. Ngược lại, những trẻ nào không bao giờ bị bạo hành sẽ ít bị trầm cảm, biết kiềm chế cảm xúc và có trí nhớ tốt hơn.

9. Làm gương cho con cái

Trong những năm 1990, một nghiên cứu của đại học California (Mỹ) cho thấy có 3 hình thức dạy trẻ chính: dễ dãi, độc đoán và quyền uy. Cha mẹ của những đứa trẻ hạnh phúc thường chọn cách thứ ba: bọn trẻ biết kinh trọng người lớn nhưng không bị ngột ngạt bởi quyền bố mẹ áp đặt. Để con cái có thể kính trọng chúng ta, mỗi bậc cha mẹ cũng phải nhìn ra những khiếm khuyết và lầm lỗi của chính mình. Chúng ta cần trung thực, nhưng đồng thời cũng công bằng và tôn trọng quan điểm của con cái.

10. Không xét đoán mà khuyến khích trẻ học thái độ “thử một cơ hội nữa”

Cũng giống như người lớn, trẻ nhỏ nghĩ đến thành công theo hai kiểu khác nhau. Một là, muốn thành công chỉ có cách bằng mọi giá tránh để thất bại. Hai là xem thất bại chính là cơ hội để một người chứng tỏ tài và khả năng của mình. Hãy khuyến khích trẻ phát triển theo suy nghĩ thứ nhì, tức không cho mình thành công chỉ do khả năng tự nhiên, đồng thời cha mẹ cũng nên biết đánh giá nỗ lực của con cái.

11. Giúp trẻ đối phó với những cảm nghĩ tiêu cực

Trẻ nhỏ gặp bất lợi khi không được sinh ra có sẵn khả năng kiểm soát cảm nghĩ của mình. Chúng cần cha mẹ giúp đỡ để phát triển kỹ năng ấy. Lợi thế này sẽ bảo vệ các mối quan hệ tương lai khi chúng bị giận dữ, ghen tương hay các cảm xúc tiêu cực khác tác động. Trẻ cần hiểu và nói ra được những cảm xúc ấy. Cho trẻ ví dụ điển hình về cách dùng cơ thể kềm chế cảm xúc: ngừng lại một giây, hít sâu thở nhẹ ra đàng miệng rồi đếm đến 5.

12. Cha mẹ có óc hài hước

Thiên chức làm cha làm mẹ có lẽ là một “nghề” khó khăn và quan trọng nhất với đầy áp lực và thách thức luôn đe dọa tâm hồn. Thế nên, điều căn bản là cha mẹ cần duy trì được tính lạc quan lành mạnh, tức có óc hài hước trước bất kỳ tình huống vui buồn nào xảy ra trong gia đình. Trẻ sẽ được hưởng một không khí ít căng thẳng và tiếng cười sẽ làm tâm hồn chúng ít bị vẩn đục.

Theo thegioitiepthi


Hãy chia sẻ cho bạn bè qua: