Cụ bà 80 tuổi nửa thế kỷ làm cửu vạn ở Sài Gòn


Dù đã gần 80 tuổi, tóc bạc, lưng còng nhưng bà cụ Sáu vẫn miệt mài theo đuổi công việc đẩy xe chở hàng đêm kiếm sống để không phụ thuộc con cái gần nửa thế kỷ qua.

sài gòn - cửu vạn 1

Tôi có một tình yêu bất tận đối với những nụ cười móm mém, những đôi mắt không còn tinh anh, những nét khắc khổ của thời gian đã in hằn lên từng nếp nhăn, và những câu chuyện cuộc đời trải dài chưa đến hồi kết.

Đoạn tôi có nghe câu chuyện về bà Sáu làm nghề “Cửu vạn” ở gầm cầu Ông Lãnh ( hồi xưa quen gọi là Cầu Muối), tôi thấy thương chi lạ, lại liên tưởng đến những hình ảnh ông bà cụ lọm khọm kiếm sống giữa Sài Gòn xô bồ, không con cháu, mà có con cháu cũng…như không. Trước nhà tôi nằm ngay đường Trần Đình Xu, người ta quen gọi đó là Chợ Cầu Kho, những trường hợp tuổi đã xế chiều mà vẫn làm lụng không ngơi tay như bà Sáu vốn không phải là trường hợp hiếm hoi.

Thế nhưng nghe đến chuyện bà Sáu thì lại cảm phục mà muốn rơi nước mắt.

Bà Sáu tên thật là Lê Thị Hai, là người lớn tuổi nhất hành nghề cửu vạn ở khu vực chợ Cầu Muối. Nghề cửu vạn được người ta đặt cho cái tên nghe có vẻ lạ lạ,nhưng thực chất là cái nghề ai kêu gì nấy làm, chủ yếu là đẩy xe hàng, khuân vác, bất cứ đâu cần thì làm nấy. Bà Sáu gốc ở Bến Tre, lưu lạc lên Sài Gòn rồi gắn bó với nghề này từ trước giải phóng.

sài gòn - cửu vạn 2

Nước mắt chảy xuôi chứ nào chảy ngược, bà cần mẫn kiếm sống, nuôi con nuôi cháu cho đến khi con cháu yên bề gia thất, bà vẫn chưa ngồi không hưởng phúc tuổi già một ngày nào. Bà Sáu vẫn tự mình kiếm sống, được bao nhiêu thì dùng bấy nhiêu.

Nhà bà ở Bến Vân Đồn, cứ tầm 10 giờ đêm là bà lóc cóc  đẩy xe qua cầu Ông Lãnh để bắt đầu ngày làm việc của mình. Công việc sẽ kết thúc vào lúc trời sáng hẳn và bà thường dùng chính chiếc xe đẩy của mình làm chỗ nghỉ lưng tạm thời những lúc không có việc hoặc không có khách.

sài gòn - cửu vạn 3

Bà bảo chiếc xe đẩy như đôi chân thứ hai của mình. “Từ lúc khởi nghiệp đến nay kẻ gian đã trộm của tôi ba chiếc xe. Chiếc mới nhất tôi phải bỏ 200.000 đồng để mua”, người phụ nữ 80 tuổi tâm sự.Thu nhập từ công việc cửu vạn này vốn không ổn định, ngày nhiều thì kiếm được 100,000 đồng , nhiều lúc chỉ được vài chục nghìn đủ trang trải qua ngày. Bà bảo :  “Còn đi được thì còn làm được. Nếu làm hết nổi thì đi lượm ve chai bán chứ vỗ vai ngửa tay xin người ta tiền thì kỳ lắm.”

sài gòn - cửu vạn 4

Bà bảo: “Ăn tiền của nhà nước (tiền trợ cấp cho người cao tuổi) được 5 tháng rồi, mỗi tháng 240.000 đồng. Mấy đứa con thấy già rồi đi làm cực quá cũng từng ngăn cản, nhưng nghỉ làm là tui bệnh. Hồi giờ làm riết rồi quen, thức đêm cũng quen rồi. Còn đi được thì phải tự kiếm tiền chứ không muốn phụ thuộc vào con”.

sài gòn - cửu vạn 5

22h, bà Sáu đã túc trực ở chợ. Xe xuống hàng thì bà thay chủ nhận, chủ yếu là cau trầu, trả tiền công xe rồi chở từng bịch hàng vào tận nhà của họ. Lúc này đã 4h sáng.

sài gòn - cửu vạn 6

Lúc rỗi, bà cụ lại ngồi nghỉ mệt và bóp chân. Nhưng những giây phút ấy rất ngắn ngủi bởi bà lại lọ mọ đi lượm ve chai. “Quày quả lượm lặt cạnh mấy bàn nhậu nhưng không bao giờ tui vỗ vai người ta xin tiền”, bà khẳng định.

sài gòn - cửu vạn 7

Bà Huỳnh Thị Nhung, chủ hàng cũng là bạn già của bà Sáu hơn 40 năm nay. Cứ 1h sáng xe của bà Cúc từ Hóc Môn xuống hàng, bà Sáu lại xúm xít thồ hàng và cười nói với người bạn già.

sài gòn - cửu vạn 8

Công việc ấy lặp đi lặp lại hằng ngày, kéo dài từ đêm hôm trước cho đến sáng hôm sau. 6h sáng, bà lại quày quả đẩy xe về nhà.

sài gòn - cửu vạn 9

Bà Sáu gắn với khu chợ ở chân cầu Ông Lãnh đã gần 50 năm. Bà vẫn lầm lũi nhưng lạc quan bởi công việc lương thiện của mình.

Theo Trần Việt Đức / Zing.vn


Hãy chia sẻ cho bạn bè qua: