Lạ lùng nghề mót củi giữa Sài Gòn


Mót củi, một nghề khá quen thuộc với người dân ở nông thôn nhưng giữa đất Sài thành phồn hoa này, nghề quen ấy trở nên rất đỗi lạ lùng.

Mót củi: nghề lắm gian truân

Chạy xe dọc Hương Lộ 8 đoạn qua chân cầu Bình Mỹ ở ấp 3, xã Đông Thạnh, huyện Hóc Môn (TP. HCM), chúng tôi đã đến được một khu đất rộng hàng ngàn mét vuông – bãi rác công ty Công viên cây xanh TP.HCM, nơi khoảng chục con người đang hì hục kéo và mót củi. Công việc diễn ra liên tục, thi thoảng mọi người mới tạm dừng tay nghỉ ngơi trong cái lán dựng tạm. Ai nấy đều thở hổn hển, mặt mướt mồ hôi.

mot-cui-1

Bãi rác công ty công viên cây xanh TP.HCM

mot-cui-2

Chiếc chòi dựng tạm của những người mót củi

mot-cui-3

Những chiếc võng mắc giữa lùm cây để mọi người tạm nghỉ ngơi

Cô Lê Thị Hồng (47 tuổi, ngụ ấp 3, xã Đông Thạnh) vừa lấy tay quệt mồ hôi đầy trán, vừa nói trong hơi thở gấp gáp: “Tôi đến đây làm từ 7 giờ sáng, dọn dẹp cây vụn từ hôm qua rồi chờ đến tầm trưa xe đến mới bắt đầu nhặt củi, cứ thế mà làm đến 5 giờ chiều luôn”.

Khoảng 12 giờ – 13 giờ, xe đầu tiên chở rác cây xanh (những cành, khúc cây đã chặt bỏ) từ thành phố chạy đến, đậu và đổ cây. Bất chấp cái nắng gay gắt trên cao và xe cần cẩu hoạt động trên đầu, mọi người chạy cho nhanh đến để giành được những khúc cây to và vị trí tốt.

mot-cui-4

Mọi người cố gắng giành cho được những khúc cây tốt

Trai tráng thì dùng sức trèo lên thùng xe, phụ giúp cẩu cây xuống đất, phụ nữ thì sục sạo trong đống cây, kéo, lôi cành cây về đống củi của mình. Họ cột dây vào từng khúc cây to, kéo đầu cẩu buộc vào, cứ thế từng khúc cây có khi to bằng cả người ôm được chuyển qua đầu, tiếp đất an toàn.

Đó là những công việc thường ngày nên có trầy xước hay chảy máu cũng chỉ là chuyện bình thường đối với người lao động nơi đây. Một ngày có khoảng 7-8 chuyến như thế là có hơn 7-8 lần mọi người thử tài thi gan với xe cẩu.

mot-cui-5

Nhảy lên xe để kéo cây

Bây giờ, không còn nhiều người sử dụng củi để nấu nên nghề mót củi cũng ít người biết tới. Chỉ có những quán ăn nhỏ, những lò nấu bánh tét, sấy hạt điều, nấu cám heo… còn dùng nên những “tiều phu” nơi đây vẫn bám trụ.

mot-cui-6

Vất vả bám trụ với nghề

“Một xe ba gác củi kiếm được khoảng 200-250 ngàn đồng, một xe máy cày đầy củi được khoảng 550-600 ngàn đồng, đầy được xe ba gác có khi đến cả tháng, bán được thì có tiền. Nhưng chỉ khi có người đến mua thì mới có xe vào chở thôi nếu không thì củi cứ để chất đống ở đó, tính ra lần họ vào chở gần đây nhất chắc vào vào dịp Tết, lâu quá rồi mà vẫn chưa thấy ai”, lời tâm sự đầy nước mắt của cô Hồ Thị Thoa (54 tuổi), một lao động mót củi lâu năm ở đây.

mot-cui-7

Cô Hồ Thị Thoa nói trong nước mắt

mot-cui-8

Củi xếp chồng đống chờ người đến mua

Lớn tuổi nhất ở đây là bà Nguyễn Thị Ra, năm nay đã ngoài 70 tuổi và có gần 10 năm làm nghề mót củi. Tuổi già, sức yếu nhưng bà vẫn ráng làm để có chút thu nhập ít ỏi sống qua ngày.

mot-cui-9

Bà Ra vẫn ráng làm dù tuổi cao sức yếu

mot-cui-10

Làm được một chút là bà Ra phải ngồi nghỉ

Theo ông Ngô Hữu Hoàng (46 tuổi), lái xe xí nghiệp vận tải chế biến gỗ công ty Công viên xanh: “Bãi rác này thực ra không cho người vào, nhưng thấy hoàn cảnh mọi người khó khăn quá nên cũng thông cảm. Ngày trước mọi người còn ruộng, còn đất để làm, quy hoạch hết rồi thì nhiều người cũng lâm vào cảnh túng thiếu, đành làm nghề này thôi”.

Mót củi: kiếm sống, lo tương lai

Nhỏ tuổi nhất trong những lao động ở đây có cậu bé Lê Hoàng Anh, năm nay chỉ mới 12 tuổi. 12 tuổi là tuổi ăn tuổi học, tuổi vô lo vô nghĩ nhưng cậu bé đã phải vào đời với cuộc mưu sinh. Quê Đồng Tháp, không kịp thi học kì I thì phải bỏ giữa chừng năm học lớp 6 vì nhà không đủ điều kiện, Hoàng Anh cùng mẹ vào thành phố hi vọng kiếm việc làm, mong có một tương lai tươi sáng hơn.

Mẹ vào Bình Dương làm công nhân may, cậu bé theo dì mót từng khúc củi, phụ dì kiếm vài ba đồng kiếm từng bữa qua ngày và thực hiện ước mơ có vẻ khá xa xôi với cậu là được cắp sách đến trường.

mot-cui-11

Còn nhỏ nhưng Hoàng Anh vẫn làm việc như những người lớn ở đây

Làm ở đây được khoảng 5 tháng, cứ tối về lại đau ê ẩm cả người và những chuyện va vào cây trầy xước hay chảy máu là chuyện thường tình của cậu. Cậu bé tâm sự: “Có lần em bị tét chân do quệt phải dây cáp trên xe, hẳn một vệt dài, máu chảy quá chừng nhưng em cũng không sợ, vào lấy nước rửa rửa là xong à!”, nụ cười với ánh mắt ngây thơ của Anh vẫn còn nhìn chăm chú vào đống cây phía trước trong lúc nghỉ ngơi

mot-cui-12

Nhưng nói về nghề, Hoàng Anh vẫn cười tươi

Hay một tấm gương nghị lực khác như anh chàng sinh viên năm nhất khoa Vật lí, trường Đại học Khoa học Tự nhiên Tp HCM, Phan Văn Lời: nghề nhặt củi đã giúp cậu bước tiếp trên con đường đại học. “Làm ở bãi củi được 6-7 năm rồi, kỉ niệm lần đầu làm việc thì không có, chỉ có những lần nguy hiểm đến thắt người thôi.

Như cái lần xe đang đổ mà mình chạy vào bị cây đè hay đang cẩu cây, mình đang đứng trên thùng xe thì dây bị đứt, cây rơi xuống. Cũng may chỉ trầy xước, chảy máu nhẹ mà mạng mình còn giữ đến hôm nay.” Lời chợt cười xuýt xoa với những “chiến tích” của mình.

mot-cui-13

Lời vất vả ở bãi rác

Những năm học trôi qua là những ngày tháng Lời đội nắng trên lưng, gánh củi trên tay. Vất vả, cực khổ cậu không hề gì, chỉ mong sao đỡ đần giúp cha mẹ. Cha lớn tuổi hay đau bệnh, mẹ bán vé số, nhà có 7 anh chị em nhưng một người anh gãy chân sau tai nạn giao thông, trong khi một người anh khác nghề nghiệp không ổn định, gánh nặng gia đình cậu chỉ gắng san sẻ một chút với mẹ mà thôi.

Câu chuyện về Lời giống như một điểm son của bãi rác này. Khi mà dù vất vả, người ta vẫn tin tưởng vào sự cố gắng sẽ mang lại kết quả tốt trong tương lai.

Nguồn: Trí thức trẻ


Hãy chia sẻ cho bạn bè qua: