Ông già sửa giày vui tính


“Nó thương mà đòi nuôi mình, nhưng thôi, mình còn sức khỏe, mình có cái nghề, mình cứ làm, không để con cái phải lo phiền”.

Trên đường Âu Dương Lân đoạn gần ngã ba Đặng Tất thuộc P.3, Q.8, TP.HCM, có ông lão cụt một chân, râu tóc bạc trắng, ngày ngày cần mẫn sửa giày (ảnh). Ông là Phạm Văn Bé, tức Chín Bé. Ông cười hở hai cái răng, giải thích: “Trong nhà tui thứ ba, kêu bằng Chín Bé là kêu theo thứ chín của bà xã”.

ong-gia-sua-giay

Tôi đến tìm ông để lấy đôi giày hở mép, bong đế đã giao cho ông may lại với giá 30.000đ. Thấy tôi ngạc nhiên vì không thấy đường may, ông nói: “Đường may nằm đây nè. Để tui đánh bóng một lượt nữa, cho con ruồi muốn đậu phải chống gậy, rồi giao”. Là sao? “Thì bóng quá, con ruồi mà không chống gậy là trượt té chớ sao!”, ông lại cười.

Đúng là ông may khéo đến mức nhiều khách hàng khi nhận giày cứ hỏi: “Ủa, vậy là ông đã may chưa?”. Ông cười như đứa trẻ: “Trời trời, bộ kiếm được mấy chục dễ lắm sao?”. Ông may giày chỉ bằng những dụng cụ tự chế: cái kim may ông tự mài mũi, uốn cong làm lỗ, chừa đường hở để móc thay vì xỏ chỉ; cái dao rạch ông cũng tự làm…

Ngày nắng cũng như ngày mưa, ông luôn ngồi đó, như đã ngồi 36 năm qua. “Chỉ có mồng Một tết tui mới nghỉ làm, còn thì ngày nào cũng ra đây” – ông lại cười, cặp mắt nheo nheo. Ông lại tiếp tục giới thiệu với tôi những món đồ tự chế. Đó là chiếc xe có gắn sẵn cái dù, dưới mái dù có mấy tấm bạt cuộn tròn.

“Khi mưa, tui banh bạt ra treo bốn phía, ngồi lên cái ghế này, không cách gì ướt được” – vừa nói, ông vừa chỉ tay vào cái hộp gỗ dùng đựng đồ nghề. Mỗi chiều, ông ngồi lên cái “ghế” trên xe để đứa cháu ngoại đẩy về nhà. Quanh chiếc hộp gỗ là hàng chục đôi giày đã sửa hoặc chờ sửa.

Chỗ ông hành nghề nép bên lề đường, ngay mép tường rào một căn nhà. Chốc chốc lại có người tấp xe vào, nhận giày hoặc giao giày; đa số là phụ nữ, đến gửi sửa giày cho mình, cho chồng, cho con. Ông Chín Bé cẩn thận hỏi tên khách để ghi vào giày cho khỏi lẫn lộn, rồi nói cách sửa (dán hoặc may), hẹn ngày lấy. “Cô tên gì?”, khách đáp: ‘‘Tên Mai”, ông phán: “Tên Mai hả? Vậy mai lấy nha. Tưởng tên Chiều thì chiều nay lấy”. Cả khách lẫn chủ đều cười vui vẻ. Cũng có người tấp vào hỏi giá may lại đôi giày, nghe báo giá 30.000đ thì than mắc, trả 20.000đ, ông nói: “Tiền chỉ, tiền công may, lấy giá vậy là đúng rồi cô ơi”.

Ông Bé sinh năm 1940. Năm 1964, ông đạp trúng quả mìn, phải cưa chân trái cao quá gối, còn chân phải đến giờ vẫn đầy sẹo. Vậy mà ông vẫn nuôi được đến tám người con, gồm hai trai, sáu gái. Giờ các con ông đã yên bề gia thất, ông có 20 cháu nội ngoại và nhiều cháu cố, nhưng ông vẫn lao động hàng ngày. “Tui có cháu cố rồi nhen. Chiều chiều, thấy tui ngồi xe đẩy về đầu ngõ, tụi nó ùa ra kêu ông cố, ông cố. Tui cho mỗi đứa hai ngàn đồng mua bánh, tụi nó mừng lắm” – mắt ông lấp lánh niềm vui.

Bảy năm qua, vợ ông đau cột sống, nằm một chỗ; ngồi phải có người đỡ, đi phải có người dìu. “Tui phải làm để lo cho tui với bà ấy”. Ông kể, các con ông, trai thì làm thợ hồ, gái làm công nhân hoặc buôn bán nhỏ, cũng vất vả lắm. Vì vậy, dù có người khuyên ông nghỉ đừng làm nữa, nhưng ông không chịu.

Ông lập luận: “Con gái thì có chồng, con trai có vợ. Nó thương mà đòi nuôi mình, nhưng thôi, mình còn sức khỏe, mình có cái nghề, mình cứ làm, không để con cái phải lo phiền”. Dù mất một chân nhưng ông không hề than vãn, lúc nào cũng cười nói vô tư: “Rủi mà cũng còn may, chứ bị cưa tay hay mù mắt thì mình đâu có làm được cái nghề may giày như vầy”.

Ông nhảy lò cò, đi kiếm các giấy tờ cũ đưa tôi xem. Tôi khen ngày trẻ ông đẹp trai quá, ông nheo mắt cười: “Ừ, hồi đó tui bảnh lắm, nhiều cô mê lắm nha”. Tôi hỏi bữa giờ có “cưa” thêm bà nào không, ông nghiêm mặt: “Có vợ rồi, phải lo kiếm tiền nuôi vợ con”

Ông kể, thuở nhỏ ông chỉ học đến lớp 4. Lớn lên, ông được cha cho đi học may giày bên Khánh Hội (quận 4). Làm nghề chưa được bao lâu thì ông bị bắt đi quân dịch, chẳng bao lâu đã dính mìn. Ông say sưa kể về các cô giáo trường làng của ông, về lớp học chỉ có mấy cục gạch làm ghế, viết chữ bằng cách vẽ than xuống nền. “Vậy chớ mấy cô giáo nhà dòng có dạy tụi tui tiếng Pháp nữa nha. Oong, đơ, tờ roa, cát trờ… Tui đếm được tới 100 đó” – ông lại ngẩng mặt lên cười, chòm râu bạc phất phơ.

Tiệm sửa giày của ông không bảng hiệu, nhưng khách khá đông. Mỗi ngày, ông sửa năm – sáu đôi giày, kiếm trên 150.000đ. Nhiều người quên đem tiền, ông bảo cứ mang giày về, bữa sau trả. Ông nói: “Tui không sợ người ta giựt tiền, mà chỉ sợ tui may không đúng ý khách, hay tui lẩn thẩn may sót, mất uy tín”.

Ông sửa giày lề đường đã 36 năm. Bộ pijama ông mặc lấm chấm xi giày. Hai bàn tay ông sần sùi, bám lớp lớp keo dán. Mười ngón tay ông co quắp vì phải gồng theo từng mũi may, nhưng nụ cười trên môi ông ít khi nào tắt. Nhiều người ở gần đó thương, vẫn thường cho ông đồ ăn trưa. Ông không ghiền cà phê, rượu bia hay thuốc lá nên ít khi đau ốm. 36 năm qua, ông gần như chưa nghỉ ngày nào.

Khi chia tay, ông ôm vai tôi, hẹn ngày gặp lại. Tôi nói, khi giày bung chỉ sẽ ghé thăm. Ông lắc đầu: “Vậy chắc chú phải mua đôi khác đợi nó hư, chứ giày tui đã may rồi, sao hư được nữa”. Ông lại cười sảng khoái.

Có lẽ, tôi sẽ nhớ mãi về mái tóc trắng, chòm râu bạc, nụ cười không tắt và những câu chuyện tếu của ông. Ở ông toát lên vẻ thiện lương của một người già vui sống, yêu nghề và cần cù lao động.

Nguồn: Ngọc Hồ


Hãy chia sẻ cho bạn bè qua: