Thí sinh “Quyền Lực Ghế Nóng” tranh luận về sự hy sinh và hạnh phúc của phụ nữ


(2SaiGon) – Với những góc nhìn khác biệt cùng lợi thế là một giảng viên chuyên ngành Biên kịch của trường Đại học Sân khấu điện ảnh TP.HCM, thí sinh Nguyễn Quốc Việt đã nhận được số điểm cao nhất trong đêm thi thứ 5 có chủ đề Thoại kịch của chương trình Quyền Lực Ghế Nóng, vừa phát sóng vào tối thứ Tư ngày 18/10/2017 trên kênh VTV3.

Dàn diễn viên “Cô Ba Sài Gòn” diện áo dài tự tin dạo phố Hàn Quốc

NTK Trương Thanh Hải và NTK Phan Anh Tuấn tham gia Sự kiện Ngày hội Phái đẹp 2017

Đêm thi đã tái hiện lại trích đoạn thứ 4 của vở kịch Bến bờ xa lắc- một vở kịch tâm lý xã hội rất nổi tiếng, với sức sống đã hơn 20 năm,do NSND Xuân Huyền làm đạo diễn và kịch bản của nghệ sĩ Lê Thu Hạnh,từng đoạt rất nhiều giải thưởng sân khấu. Không chỉ tham gia với vai trò diễn viên chính trong trích đoạn, NSND Lê Khanh còn làgiám khảo khách mời của chương trình, bên cạnh NSƯT Chí Trung. Cả hai không chỉ đòi hỏi khả năng quan sát, diễn đạt của 4 thí sinh Quốc Việt, Minh Mẫn, Việt Hồ, Tuấn Đạt mà còn đòi hỏi những góc nhìn khác biệt, đa chiều và chuyển tải đúng thông điệp của tác phẩm. Trong đêm thi này, 4 thí sinh nam đã đưa ra những góc nhìn hết sức thú vị về tình yêu, sự hy sinh và hạnh phúc của người phụ nữ. Có những quan điểm hết sức trong trẻo, thánh thiện nhưng cũng có những quan điểm rất thực tế mà người xem có thể bất ngờ. Đây là một đêm thi hấp dẫn, đặc biệt với chị em phụ nữ nhất là khi sắp đến ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10.

5. Giam khao Chi Trung va Le Khanh (1)

Trích đoạn kịch Bến bờ xa lắcđược chia làm 2 phần. Phần 1 nói về buổi hẹn hò củaQuang (nghệ sĩ Thanh Sơn) và cô bạn gái Phương (nghệ sĩ Thu Quỳnh). Trong buổi gặp, Phương khoe với Quang rằng cô tình cờ gặp mẹ của anhtrang điểm rất đẹp và gương mặt vô cùng hạnh phúc khi đi cùng một người đàn ông lạ vào rạp hát. Quang gần như không tin vào tai mình bởi từ trước đến nay, mẹ anh gần như không tiếp xúc với cuộc sống bên ngoài và bà chỉ đi từ nhà ra chợ rồi từ chợ trở về nhà. Anh cảm thấy khó chịu và cho rằng mẹ mình – bà Thúy (NSND Lê Khanh) – đã vi phạm vào những phạm trù đạo đức, thói quen, nề nếp của gia đình. Và đặc biệt là sự thay đổi của bà đang phá vỡ hình ảnh đẹp, sự tự hào của anh về một người mẹ hết lòng hy sinh cho gia đình. Bất ngờ trước những quan điểm của người yêu khi lấy sự hy sinh của mẹ để làm chuẩn mực để tự hào, Phương cho rằng Quang đang ích kỷ với mẹ. Phương cũng dần nhận ra Quang và bố của anh – ông Tùng (nghệ sĩ Sĩ Tiến) – đã thiếu sự quan tâm dành cho bà Thúy khi không ai có thể dành ra một ngày để đưa bà đi chơi, hay đi xem kịch… Cô thẳng thắn tuyên bố với Quang nếu cả hai cưới nhau thì cô sẽ không lấy hình ảnh mẹ Quang để làm tấm gương noi theo vì cô không muốn chôn vùi cuộc đời mình trong 2 từ “đảm đang” mà người đàn ông mặc định và không muốn đứa con của mình sau này có suy nghĩ tất cả mọi việc trong gia đình đều là của người mẹ.

5. Giam khao Le Khanh (3)

Trong trích đoạn này, thí sinh Phạm Minh Mẫn (MC – Copywriter) cho rằng dù vở kịch ra đời đã hơn 20 năm nhưng vấn đề mà vở kịch đặt ra đến nay vẫn chưa bao giờ cũ. Anh cũng đặt ra câu hỏi rằng không biết từ bao giờ người ta lại lấy sự hy sinh để làm chuẩn mực đánh giá người phụ nữ?

5. Giam khao va cac thi sinh

Thí sinh Nguyễn Việt Hồ(Biên tập viên – MC) thì cho rằngcòn rất nhiều người phụ nữ Việt ở quê, chưa một lần, thậm chí cả đời cũng chưa được thưởng thức trực tiếpnhững vở kịch như thế này.Rất nhiều người trong đó chấp nhận hoàn cảnh của mình, cũng có nhiều người được quyền lựa chọn con đường tốt hơn nhưng vì con, vì gia đình hạnh phúc của mình, họ lại cam chịu từ hôm nay đến ngày mai và thậm chí có cả những phụ nữ cam chịu suốt cả một đời. Với vở kịch này, Việt Hồ nghĩ người Việt nên xem nhiều hơn bởi đất nước mình, đàn ông gia trưởng quá nhiều.

6. MC Dinh Tien Dung (2)

Thí sinh Trần Tuấn Đạt (Thạc sĩ ngành Quan hệ quốc tế trường ĐHKHXH&NV) cho rằng câu chuyện mà vở kịch đặt ra vẫn đang diễn ra hàng ngày. “Có những người mẹ, người chị rất hạnh phúc khi được chăm sóc cho gia đình mình nên tại sao lại khuyến khích họ đi ra ngoài trong khi họ không thích. Còn những người rất muốn được đi ra ngoài nhưng lại không được vì những rào cản, những thói quen, nề nếp của gia đình, của chồng hoặc của cả xã hội áp đặt lên mình”Chính vì vậy anh không đả kích nhân vật nào trong trích đoạnkịch và cũng không đứng về phía nào bởi câu chuyện chỉ mới là phần đầu.

7. Cac nghe si tham gia vo dien

Thí sinh Nguyễn Quốc Việt (Biên kịch trường Đại học Sân khấu điện ảnh TP.HCM) đưa ra góc nhìn khác biệt: “Trích đoạn vừa rồicó thể chia làm 2 phần. Ở phần đầu tiên, tôi nghiêng về chiều hướng những người sống trong vùng tối đó không nhận thức được vấn đề của mình, có khi cần phải có người đứng ở bên ngoài để nhìn nhận và đánh giá nó. Các vấn đề của cậu con traiđược chỉ ra bởi nhân vật đứng phía ngoài là Phương, nhưng tôi nghĩ rằng cô gái ấy cũng có những vấn đề riêng tronggia đình mình nhưng cô ấy không nhận ra, bởi sự văn minh cách mạng của cô cũng sẽ có những câu chuyện của cô với bố mẹ cô ấy. Ở trích đoạn thứ 2 khi ông bố về nhà, cái tôi nhận thấy ở đây là sự sợ hãi, ngại thay đổi. Người ta vẫn nghĩ rằng hãy cứ như cũ đi thì sẽ là an toàn nhưng đôi khi chính sự mãi không thay đổi mới là sự mất an toàn.

Phan doan 1 cua trich doan Ben Bo Xa Lac (1)

Phần hai của trích đoạn nói về cuộc đối thoại giữa hai vợ chồng ông Tùng (nghệ sĩ Sĩ Tiến) và bà Thúy (NSND Lê Khanh) sau khi ông Tùng đi làmvề và nhận thấy sự thay đổi từ vợ của mình. Bà Thúy đã không ở nhà, chờ đợi ông với mâm cơm đã được chuẩn bị tươm tất như mọi ngày và mọi năm. Bà về nhà muộn với tâm lý khác với mọi ngày. Bà yêu đời hơn, ánh mắtlong lanh và nhịp tim cũng đập mạnh hơn. Cách nói chuyện hào hứng và đôi lúc bối rối của bà Thúy cũng khiến ông Tùng cảm thấy bất an. Nhiều năm qua, ông đã quen với việc bà luôn luôn lắng nghe và không bao giờ hỏi lại, luôn luôn mỉm cười và chẳng hề tỏ ra ngạc nhiên. Còn với bà Thúy, bà cảm thấy những điều đó ngày càng làm cho bà trở nên tẻ nhạt. Trước giờ bà vẫn luôn cho rằng nếu có thể làm được điều gì để chồng và con hạnh phúc thì bà cũng sẽ hạnh phúc. Và bà cũng đã từng hạnh phúc nhưng đó là hạnh phúc trong sự hy sinh.

Phan doan 1 cua trich doan Ben Bo Xa Lac (3)

Và sau nhiều năm vất vả, thu hẹp cuộc đời mình trong gian bếp và đàng sau cánh cửa của ngôi nhà, bà Thúy cảm thấy mình trở thành cái bóng lẻ loi, cô đơn trong ngôi nhà, chỉ dám nhìn nhận mọi thứ bằng ánh mắt của chồng, đánh giá mọi thứ cũng phải dựa vào ý kiến của chồng. Bà miệt mài chăm sóc chồng con trong nhiều năm nhưng cả hai chưa từng nghĩ rằng bà cũng cần được chăm sóc, hoặc chỉ là một lần được động viên, thăm hỏi và chia sẻ. Và cho đến hôm nay, bà cảm thấy mệt mỏi và không thể chịu đựng được thêm. Chính vì vậy mà bà đã nhờ một người bạn là ông Trung tìm cho mình một việc làm trong nhà hát. Bà cần đi làm, cần bước ra không gian rộng lớn hơn để trút bỏ tâm trạng nặng nề của mình. Tuy nhiên, quyết định của bà đã không được ông Tùng đồng ý. Ông chỉ có thể nghĩ rằng bà đi làm để có thêm tiền tiêu riêng. Câu nói của chồng như xát muối vào trái tim bà Thúy. Bà bắt đầu so sánh chồng mình với ông Trung – một người có suy nghĩ thoáng hơn và đối xử với bà chân thành, tế nhị hơn. Với bà, ông Trung là hiện thân của cuộc sống hôm nay: tự tin, dám nghĩ, dám làm, dám chấp nhận và quan trọng hơn là được sống đúng là mình. Dù bà Thúy có nói thế nào, ông Tùng vẫn nhất quyết không cho vợ đi làm và lần đầu tiên sau bao nhiêu năm sống chung, bà Thúy đã quyết định làm trái ý chồng. Đây cũng là cảnh kết thúc phần thứ 2 của trích đoạn.

Phan doan 2 cua Trich doan Ben Bo Xa Lac (1)

Nhận xét về phần thứ 2 của trích đoạn, thí sinh Tuấn Đạt chia sẻ qua phần thể hiện của NSND Lê Khanh, anh nhìn thấy một phần hình ảnh của mẹ anh, dì anh và những người bạn đã lập gia đình của anh. “Trích đoạn kịch này có nhiều thông điệp và giá trị của nó cũng đã được thể hiện qua những giải thưởng mà vở kịch nhận được…Những người mẹ, những người phụ nữ hãy nói lên những điều mình muốn và điều mình nghĩ để người đàn ông như chúng tôi có thể hiểu, thông cảm. Hãy sống đúng là mình như những gì nhân vật Thúy chia sẻ thì chúng ta mới tạo ra được những nguồn năng lượng tích cực”.

Thí sinh Quốc Việt nhìn nhận khác hơn: “Tôi nghĩ rằng bi kịch nằm ở một khía cạnh khác. Đó chính là nhân vật nữ (bà Thúy) sợ mất kết nối với người khác, còn nhân vật người đàn ông (ông Tùng) lại sợ mất thể diện của bản thân nên cả hai không hiểu được nhau, gây ra những bi kịch mà chính bản thân hai nhân vật trong đoạn trích vừa rồi có thể vì bị cảm xúc dẫn dắt nên khiến họ không nhìn thấy. Trong đoạn kịch có chi tiết đắt giá là nhân vật người đàn ông hỏi vợ mình: “Cần tiền à?”. Tự dưng lúc đó tất cả đều im lặng dù chỉ trong tích tắc thôi và tôi thấy được sự mất kết nối, sự cô đơn của người phụ nữ đó”.

Thí sinh Nguyễn Việt Hồ: “Đạo diễn viết rất thâm thúy và lúc đầu tôi đã bị lừa khi cho rằng đây là một người đàn ông khó tính nhưng thật ra không phải. Ông chỉ ích kỷ thôi. Ông không hề độc tài, cũng không gia trưởng, vẫn biết quan tâm vợ, yêu thương vợ, chứng tỏ đây là một gia đình hạnh phúc, một người đàn ông rất văn minh. Suy nghĩ ích kỷ thì ai cũng có. Khi chúng ta lớn rồi, đã trưởng thành và ở tuổi 50-60 thì điều quan trọng không phải con cháu mà chính là người vợ, người chồng bởi món ăn tinh thần là cái quyết định cuộc đời con người”.

Phan doan 2 cua Trich doan Ben Bo Xa Lac (4)

Thí sinh Minh Mẫn thì mong rằng ba mẹ của mình và những cặp vợ chồng cóthể xem được vở kịch này để mọi người có thể suy nghĩ về hạnh phúc của chính mình. Anh cho rằng, khi các cặp đôi mới cưới nếu gặp trục trặc thì nên nói chuyện với nhau để những khúc mắc không lớn dần. “Khi bạn thật sự yêu ai đó, hãy hỏi người đó: Điều tôi làm bạn có thật sựcảm thấy hạnh phúc không? Tình yêu hay tình thương mình không thể dành cho nhau khi mình đem cái mình nghĩ là đúng áp đặt lên vai người khác”.

Kết thúc đêm thi thứ 5, Quốc Việt đã nhận được số điểm cao nhất 19,5 điểm, kế đến là Minh Mẫn với 19 điểm, Tuấn Đạt 17,5 điểm và Nguyễn Việt Hồ 16,5 điểm. Số điểm này đã thay đổi bảng xếp hạng của 4 thí sinh sau 3 đêm thi. Dẫn đầu là thí sinh Minh Mẫn với 115,5 điểm, kế đến là Tuấn Đạt 111,5 điểm, Quốc Việt 111,5 điểm và Nguyễn Việt Hồ: 105 điểm. Với số điểm thấp nhất, Nguyễn Việt Hồ đã phải chia tay với chương trình.

Đêm thi thứ 6 của chương trình Quyền Lực Ghế Nóng sẽ tiếp tục với chủ đề Thoại kịch của bảng thi Nữ với phần tranh tài của 4 thí sinh: Mộng Tuyền, Diệu Anh, Phương Thảo và Tường Yên.

Minh Nguyễn


Hãy chia sẻ cho bạn bè qua: