Nối dài cánh tay trong cung cấp dịch vụ tài chính


Theo kế hoạch, trong thời gian ngắn sắp tới NHNN sẽ trình các Nghị định liên quan tới một số vấn đề lớn, trong đó có đại lý ngân hàng nhằm góp phần tạo hành lang pháp lý cho phát triển tài chính toàn diện. 

Giải pháp đột phá

Đại lý ngân hàng là mô hình cộng tác giữa ngân hàng với các đại lý bán lẻ phi ngân hàng để cung cấp những dịch vụ tài chính tại những nơi ngân hàng không có chi nhánh. Theo bà Nguyễn Thị Hoà – Viện trưởng Viện Chiến lược Ngân hàng, mô hình này có một ưu điểm nổi bật, đó là các giao dịch thanh toán kịp thời, thuận lợi, tiết kiệm chi phí, do đó khách hàng không phải di chuyển quá xa nơi cư trú. Các dịch vụ thực hiện thông qua đại lý thường là các dịch vụ ngân hàng cơ bản như thanh toán hoá đơn, rút tiền, chuyển tiền, gửi tiết kiệm…

“Mô hình đại lý ngân hàng là một giải pháp trọng tâm trong Chiến lược tài chính toàn diện của nhiều quốc gia trên thế giới. Và báo cáo của Ngân hàng Thế giới, đến năm 2017, có 105/124 quốc gia áp dụng mô hình này, tới nay con số này cũng đã tăng lên nhiều”, bà Hòa chia sẻ thêm.

Trên thực tế nhiều quốc gia áp dụng mô hình đại lý và có những bước tiến đáng kể trong tài chính toàn diện. Ví dụ như tại Malaysia, sau 6 năm triển khai mô hình, tỷ lệ dân số của Malaysia tiếp cận thuận tiện với các dịch vụ ngân hàng chính thức tăng từ 82% của năm 2012 lên 99% của năm 2018. Brazil sau 12 năm áp dụng mô hình này, sự hiện diện của các ngân hàng trải đều trên khắp 5.564 hạt, có thêm 13 triệu người dân tiếp cận với các sản phẩm dịch vụ tài chính.

Ở Việt Nam, từ năm 2015 cũng đã có những mô hình tương tự đại lý ngân hàng đã được thí điểm với một số loại hình dịch vụ thanh toán/chuyển tiền hướng tới vùng sâu, vùng xa, giúp nâng cao khả năng tiếp cận tài chính cho người dân: dịch vụ chuyển tiền nhanh của PGBank hợp tác sử dụng mạng lưới các cửa hàng xăng dầu của Petrolimex, dịch vụ chuyển tiền giá trị nhỏ của Vietcombank hợp tác sử dụng mạng lưới các đại lý viễn thông của Công ty M-service (ví điện tử MoMo); dịch vụ chuyển tiền của MB sử dụng mạng lưới của Tổng công ty Viễn thông Quân đội Viettel (ngân hàng điện tử Bankplus)… Thực tế hoạt động của các mô hình thí điểm này cho thấy kết quả tốt, không có rủi ro, có cơ sở để có thể triển khai tiếp mô hình này.

Trao đổi với phóng viên, TS.Nguyễn Trí Hiếu – chuyên gia ngân hàng cho rằng, việc hình thành và phát triển mô hình đại lý ngân hàng có vai trò rất quan trọng trong tiến trình hiện thực hoá các mục tiêu của Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia, bởi như đã thấy ở một số quốc gia, mô hình này là kênh phân phối mới gia tăng tiếp cận và sử dụng dịch vụ tài chính của người dân rất hiệu quả.

Thêm nữa, thực tế, chi phí thành lập một đại lý chỉ bằng 2% đến 4% chi phí mở một chi nhánh, thậm chí như tại Brazil chi phí thiết lập một đại lý ngân hàng chỉ bằng 0,5% chi phí thiết lập một chi nhánh/phòng giao dịch. “Có sự tham gia và phối hợp chặt chẽ của khu vực nhà nước và tư nhân để tận dụng nguồn lực sẵn có cũng là một trong những quan điểm xây dựng và triển khai Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia tại Việt Nam”, chuyên gia này cho hay.

Phát triển nhưng phải đảm bảo kiểm soát rủi ro

Không phủ nhận lợi ích mang lại của mô hình này, song giới chuyên gia cũng cho rằng đại lý uỷ quyền của ngân hàng vẫn là hình thức khá mới đối với thị trường Việt Nam. Theo quan điểm của một chuyên gia tài chính, chính việc chuyển mọi giao dịch trực tiếp với khách hàng cho bên đại lý bán lẻ sẽ là rủi ro so với trường hợp giao dịch trực tiếp với ngân hàng.

Thêm nữa, theo Tổng Giám đốc TPBank Nguyễn Hưng, các hoạt động của đại lý uỷ quyền cần dựa trên cơ sở hạ tầng kỹ thuật và công nghệ ổn định, cập nhật liên tục, mang tính bảo mật cao. Trong khi đó tại các vùng nông thôn, các tỉnh thành xa trung tâm, việc cung cấp và sử dụng công nghệ thông tin chưa được đảm bảo. Chính bởi thế, yêu cầu đặt ra về hoàn thiện khuôn khổ pháp lý để tạo nền tảng cho mô hình này phát triển, mang đến những thay đổi đáng kể trong tiếp cận dịch vụ tài chính mà vẫn đảm bảo an ninh, an toàn là vô cùng quan trọng.

Theo đó chỉ các ngân hàng đáp ứng đủ điều kiện theo quy định mới có thể xem xét được mở các điểm cung ứng dịch vụ qua đại lý tại những nơi mật độ chi nhánh, phòng giao dịch của các TCTD còn thấp. Đồng thời tạo điều kiện cho các tổ chức không phải ngân hàng có mạng lưới rộng khắp hoặc địa bàn hoạt động tại vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa (như các quỹ tín dụng nhân dân, các tổ chức tài chính vi mô, bưu điện, trạm xăng, mạng lưới của các tổ chức viễn thông, mạng lưới của một số tổ chức khác không phải ngân hàng…) trở thành đại lý của ngân hàng.

Chia sẻ thêm, ông Nguyễn Hưng cũng nhận thấy, cần xây dựng các quy chuẩn đánh giá và lựa chọn đại lý uỷ quyền đủ khả năng cung cấp các dịch vụ ngân hàng, cũng như tạo lập hạ tầng kỹ thuật và bảo mật thông tin để các đại lý vận hành tốt, hạn chế rủi ro và đảm bảo an toàn thông tin của khách hàng.

Chuyên gia cũng lưu ý, cần nghiên cứu khuôn khổ pháp lý cho các loại dịch vụ mà các đại lý được và không được phép cung cấp. Đồng thời có sự phối hợp, hỗ trợ để các đại lý uỷ quyền thực hiện tốt nhiệm vụ của ngân hàng bên cạnh phòng chống rửa tiền, hạn chế rủi ro và bảo mật thông tin. Kinh nghiệm từ Bangladesh cho thấy, các đại lý uỷ quyền sẽ được phép cung cấp các dịch vụ rút/gửi tiền mặt, hỗ trợ giải ngân vay vốn nhỏ và thu hồi nợ/trả góp, hỗ trợ thanh toán hoá đơn, hỗ trợ chuyển vốn, truy vấn số dư, thu thập và chuyển tiếp các đơn vị đăng ký mở tài khoản, mở tiết kiệm, vay và thẻ tín dụng.

Tuy nhiên, các đại lý không được phép phê duyệt quyết định mở tài khoản/thẻ/khoản vay, thẩm định tài chính và thực hiện giao dịch ngoại tệ. Ngân hàng Bangladesh cũng đề cập trong quy định cách thức vận hành, những hoạt động chống rửa tiền và quản trị rủi ro của các đại lý.

Hay như với các ngân hàng tại Brazil sử dụng hai hình thức uỷ quyền là uỷ quyền toàn bộ và uỷ quyền tín dụng. Đại lý uỷ quyền toàn bộ sẽ cung cấp đầy đủ các dịch vụ từ thu nhận và chuyển tiếp hồ sơ đăng ký mở tài khoản thanh toán, tài khoản tiết kiệm, giao dịch nộp/rút tiền, chuyển khoản, thanh toán cũng như tiếp nhận đơn đăng ký vay và mở thẻ tín dụng. Trong khi đó, đại lý uỷ quyền tín dụng sẽ chỉ cung cấp các dịch vụ về thanh toán, vay và tín dụng.

Theo TBNH


Hãy chia sẻ cho bạn bè qua: