Tín dụng ngân hàng tập trung hỗ trợ doanh nghiệp


Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh TP.HCM cho biết, tính đến 31/8 tín dụng của các TCTD trên địa bàn tăng trưởng 3,68% so với cuối năm 2019. Mặc dù tín dụng tăng trưởng thấp hơn so với cùng kỳ năm trước, nhưng dòng tín dụng vẫn được tập trung chủ yếu vào hỗ trợ DN duy trì sản xuất kinh doanh. 

Số liệu thống kê của NHNN chi nhánh TP.HCM, cho thấy trong những tháng đầu năm nay cơ quan quản lý tiền tệ ở TP.HCM đã phối hợp Sở Công thương tích cực kết nối nhằm tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ DN phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh sau dịch Covid-19 với tổng số vốn các TCTD hai đợt kết nối đạt trên 87,8 ngàn tỷ đồng.

Tại các hoạt động kết nối ngân hàng – doanh nghiệp do chính quyền quận, huyện tổ chức, các ngân hàng trên địa bàn cũng ký kết cho vay 2.747 tỷ đồng cho nhiều DN. Trong khi gói tín dụng các NHTM cam kết cho vay đầu năm 2020 đến nay đã giải ngân được trên 208 ngàn tỷ đồng. Tính chung các hoạt động này đã có gần 300.000 tỷ đồng vốn vay với lãi suất thấp được đưa ra thị trường.

Bên cạnh đó, các NHTM ở TP.HCM đã hỗ trợ DN bị ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 theo Thông tư 01/2020/TT-NHNN tương đương với số tiền 583.157 tỷ đồng cho 240.407 khách hàng. Trong đó, số dư nợ được cơ cấu lại thời gian trả nợ là có 142 ngàn tỷ đồng, số dư nợ được miễn giảm lãi vay là hơn 53 ngàn tỷ đồng, cho vay mới lũy kế (từ ngày 23/1 đến hết tháng 7/2020) đạt trên 387 ngàn tỷ đồng.

Đại dịch Covid-19 bùng phát đã khiến hoạt động sản xuất kinh doanh bị đình trệ, đẩy nhiều DN đứng trước khó khăn. Giữa tháng 8/2020 Hiệp hội DN TP.HCM khảo sát nhanh đối với 105 DN nhỏ có sử dụng từ 50-100 lao động, kinh doanh thương mại, dịch vụ, chế biến lương thực thực phẩm, xây dựng và vật liệu xây dựng, cơ khí, hóa chất… Kết quả cho thấy, số lượng DN gặp khó khăn chung chiếm tỷ lệ đến 84%, tỷ lệ DN gặp khó khăn cụ thể như thị trường bị thu hẹp cao nhất với 88%, cắt giảm lao động hơn một nửa (52%), thiếu vốn kinh doanh 40%, đứt chuỗi cung ứng nguyên liệu 14%, áp lực vi phạm hợp đồng 11%.

Báo cáo khảo sát của Hiệp hội DN TP.HCM cũng đưa ra dự báo, thời gian tới có đến 64% số DN sẽ phải nỗ lực, 64% nghĩ đến cắt giảm chi phí để tồn tại, 37% thu hẹp quy mô kinh doanh và 11% sẽ phải tạm ngưng hoạt động. Theo phản ánh của các DN, lãi suất ngân hàng giảm nhẹ trong thời gian qua, nhưng muốn tiếp cận được tín dụng, các DN phải đáp ứng được các điều kiện mà phía ngân hàng đưa ra.

Ông Nguyễn Đức Vinh – Tổng giám đốc VPBank cho biết, đầu năm nay  nhiều DN nhỏ vẫn nằm trong diện cho vay của ngân hàng, nhưng đến giữa năm diễn biến dịch bệnh Covid-19 phức tạp khiến sức khỏe của DN bị bào mòn đáng kể, dẫn tới chính những đơn vị đó lại không đủ điều kiện ngân hàng cấp tín dụng. Trong đó, các lĩnh vực nhà hàng, khách sạn, quán ăn, vận tải rơi vào thực trạng này do nguồn thu từ hoạt động kinh doanh sụt giảm, do tác động của thị trường bị thu hẹp bởi giãn cách xã hội.

NHNN chi nhánh TP.HCM đánh giá, thời gian qua hệ thống ngân hàng đã có nhiều giải pháp hỗ trợ DN. Qua thống kê, hiện nay nhiều DN sản xuất đã bắt đầu nối lại nguồn cung nguyên liệu, đáng kể nhất là một số ngành chế biến thực phẩm, nông lâm thủy hải sản ít ảnh hưởng dịch bệnh do sức mua của thị trường nội địa kéo thị trường xuất khẩu sụt giảm. Theo đó, các ngân hàng đã tăng cường cho vay vốn ngắn hạn bằng VND vào cho DN tổ chức lại sản xuất kinh doanh.

Theo ông Nguyễn Phước Hưng – Phó chủ tịch Hiệp hội DN TP.HCM, chính quyền thành phố cần hỗ trợ DN nâng cao khả năng tiêu thụ sản phẩm thị trường nội địa bên cạnh hoạt động xuất khẩu. Đồng thời, kiến nghị NHNN sớm sửa đổi Thông tư 01 theo hướng mở rộng diện DN được thụ hưởng chính sách gia hạn nợ, giảm điều kiện thủ tục cho DN được cơ cấu lại nợ không chuyển nhóm. Đặc biệt, nâng tỷ lệ cho vay thông qua thẩm định phương án kinh doanh và quản lý dòng tiền bằng nguồn thu của DN.

Hiện chính sách cho vay trả lương người lao động rất ý nghĩa đối với DN trong việc giữ chân người lao động, đặc biệt là những lao động kỹ thuật, để chờ sản xuất phục hồi. Theo đó, các DN mong muốn chính sách cho vay trả lương cho người lao động cần được “mở hơn” để tạo điều kiện cho DN trong việc tiếp cận nguồn vốn này.

Theo Thời báo Ngân hàng


Hãy chia sẻ cho bạn bè qua: