Xuất khẩu: Điểm sáng từ doanh nghiệp nội


Trong bối cảnh đà phục hồi của nền kinh tế chững lại, tình hình kinh tế 8 tháng vẫn ghi nhận một số tín hiệu tích cực, điển hình là xuất khẩu tăng trưởng dương, thặng dư thương mại cao nhất trong vòng 4 năm. Đáng chú ý là tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của khối DN nội cao hơn đáng kể so với khối DN FDI. 

Nhiều nhóm hàng tăng trưởng bất ngờ

Theo số liệu thống kê mới nhất về tình hình xuất nhập khẩu vừa được Tổng cục Hải quan công bố hôm đầu tuần qua, tính đến hết tháng 8, tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước đạt 175,36 tỷ USD, tăng 2,3% và nhập khẩu đạt 161,9 tỷ USD, giảm 2,4% so với cùng kỳ 2019. Như vậy, tính chung trong 8 tháng đầu năm, cán cân thương mại xuất siêu gần 13,5 tỷ USD, gấp gần 2,5 lần so với số thặng dư cùng kỳ năm 2019 (5,47 tỷ USD). Mức thặng dư thương mại này cũng cao hơn đáng kể so với ước tính trước đó của Tổng cục Thống kê là 11,9 tỷ USD.

Cũng theo Tổng cục Hải quan, điểm sáng xuất khẩu 8 tháng qua là các nhóm sản phẩm mây tre, cói và thảm tăng hơn 19%, đạt 365 triệu USD. Nhóm gỗ và sản phẩm gỗ cũng tăng gần 10%; trong đó riêng kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ đạt 5,46 tỷ USD, tăng tới 14,3%, các sản phẩm nội thất từ chất liệu khác gỗ cũng tăng ngoạn mục tới 54,4%, đạt xấp xỉ 1,5 tỷ USD. Nhóm đồ chơi, dụng cụ thể thao mang về 1,7 tỷ USD khi tăng tới 63,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhóm hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện có trị giá xuất khẩu 8 tháng qua đạt hơn 27,7 tỷ USD, tăng hơn 25,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Có thể thấy, phần lớn các nhóm hàng đạt mức tăng trưởng xuất khẩu khả quan đều là các nhóm hàng mà khối DN trong nước nắm thế chủ lực.

Nhận định về tình hình xuất khẩu 8 tháng đầu năm, Tổng cục Thống kê nhấn mạnh, khu vực kinh tế trong nước tiếp tục là điểm sáng trong hoạt động xuất nhập khẩu khi kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu 8 tháng đều tăng so với cùng kỳ năm trước. Số liệu ước tính của cơ quan thống kê cho thấy, xuất khẩu của khu vực trong nước đạt 60,8 tỷ USD, tăng cao 15,3%; nhập khẩu đạt 72,05 tỷ USD, tăng 2,9%. Trong khi đó, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài có kim ngạch thương mại hai chiều đều sụt giảm, xuất khẩu giảm 4,5% và nhập khẩu giảm 6%.

Gấp rút nâng cao năng lực, sớm tận dụng cơ hội 

Trong bối cảnh thị trường thế giới chịu tác động tiêu cực của dịch Covid-19, kim ngạch xuất khẩu của khối DN trong nước vẫn duy trì tăng trưởng tốt, có thể lý giải trước hết là nhờ cơ cấu mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là các sản phẩm nông sản, hàng tiêu dùng thiết yếu, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng quốc tế.

Bên cạnh đó, theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), EVFTA đã chính thức có hiệu lực được 1 tháng, trong khoảng thời gian này, các DN xuất khẩu của Việt Nam bước đầu đã tận dụng ưu đãi thuế quan nhờ khai xuất xứ hàng hóa theo các mã HS xuất khẩu vào thị trường châu Âu. Cụ thể, trong 1 tháng kể từ ngày 1/8 đến hết 31/8, các tổ chức được ủy quyền đã cấp trên 7.200 bộ Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) mẫu EUR.1 với kim ngạch 277 triệu USD đi 28 nước EU. Các mặt hàng đã được cấp C/O mẫu EUR.1 chủ yếu là giày dép, thủy sản, nhựa và các sản phẩm nhựa, cà phê, hàng dệt may, túi xách, va li, rau quả, sản phẩm mây, tre, đan…

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng cho biết, chỉ sau hơn 1 tháng EVFTA có hiệu lực, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản vào EU trong tháng 8/2020 đã tăng trưởng 17% so với tháng 7/2020. Gạo, rau quả tươi, cà phê… là những mặt hàng điển hình được cơ quan này đề cập tới khi nói về khả năng tận dụng cơ hội xuất khẩu vào EU nhờ EVFTA.

Ông Lương Hoàng Thái – Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công thương cho rằng, Hiệp định chỉ tạo tiền đề để chúng ta tận dụng cơ hội, còn sử dụng thế nào phụ thuộc nhiều vào năng lực của cơ quan quản lý và DN. Chính vì vậy thời gian qua, các bộ, ngành đã thúc đẩy mạnh mẽ công tác chuẩn bị, trong đó ưu tiên hàng đầu là chuẩn bị về pháp lý, sẵn sàng các văn bản pháp luật để ngay khi hiệp định có hiệu lực thì DN có thể tận dụng ngay.

Điển hình là hôm đầu tháng 9 vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 103/2020/NĐ-CP quy định về chứng nhận chủng loại gạo thơm xuất khẩu sang EU. Ngay sau đó, ngày 7/9, Bộ NN&PTNT ban hành quyết định hướng dẫn các DN thủ tục làm chứng nhận chủng loại gạo thơm xuất khẩu sang EU. Năm 2019, lượng gạo của Việt Nam xuất khẩu vào EU là 50.000 tấn, trị giá 28,5 triệu Euro.

Sau khi EVFTA có hiệu lực, EU dành cho Việt Nam hạn ngạch 80.000 tấn gạo/năm; trong khi tổng nhập khẩu gạo của EU là 2,3 triệu tấn, kim ngạch 1,4 tỷ Euro. So với các nước ASEAN khác, xuất khẩu gạo của Việt Nam vào EU chỉ bằng 1/6 của Thái Lan, 1/10 Myamnar, 1/4 Campuchia. Điều đó cho thấy gạo Việt Nam có tiềm năng lớn để xuất khẩu vào EU khi mở rộng được hạn ngạch.

Việc sớm hoàn thiện các quy định xuất khẩu mặt hàng này sẽ giúp DN nhanh chóng tận dụng cơ hội và sớm xuất khẩu được sản phẩm gạo thơm sang thị trường EU. Nếu thực hiện tốt các quy định của EU và xuất khẩu được 30.000 tấn gạo thơm nói riêng và 80.000 tấn gạo nói chung theo hạn ngạch sang EU với giá bán cao sẽ góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất lúa gạo của Việt Nam.

Bà Nguyễn Thị Thu Trang – Giám đốc Trung tâm WTO và hội nhập, VCCI cho rằng, sở dĩ các DN nội tận dụng tốt cơ hội trong bối cảnh hiện nay là nhờ cơ cấu hàng xuất khẩu trong nước không phải cạnh tranh trực tiếp mà là bổ sung với hàng hoá mà thị trường thế giới đang cần. Trong bối cảnh như vậy, chỉ cần nâng cao năng lực cạnh tranh là chúng ta có thể tận dụng cơ hội từ EVFTA.

Chẳng hạn, muốn tận dụng DN phải có điều chỉnh nhất định trong sản xuất, như đáp ứng quy tắc xuất xứ, quy trình sản xuất, đáp ứng yêu cầu về nguồn cung. Phải thay đổi mua nguyên liệu từ nguồn cung nội địa dù đắt hơn, thay vì mua từ các nguồn cung bên ngoài. Nhìn chung, hiện nay các nhóm hàng nông sản, đồ gỗ… đang tự chủ được nguồn cung trong nước nên cũng thuộc nhóm tận dụng cơ hội từ EVFTA sớm nhất.

Theo TBNH


Hãy chia sẻ cho bạn bè qua: