CẢM NHẬN NÉT SÀI GÒN ĐẾN TỪ NGƯỜI HÀ NỘI


Tôi đang ở quận 3. Được 2 tháng rồi. Vì yêu cầu công việc, mà tôi đã chuyển từ Hà Nội vào Sài Gòn vào những ngày đầu tháng 7. Với tôi lúc đó, Sài Gòn chỉ có vài từ khóa: “nóng”, “mưa nhiều”, “cướp” và “thị phi” quanh quẩn trong đầu. Còn lại, hầu hết là tâm trạng phấn khích, hồ hởi hào hứng vì được chuyển tới sống ở một không gian mới chứ cũng không có gì hơn.

Mấy ngày trước, một đợt “sóng” về Sài Gòn lướt qua cư dân mạng. Một vài người bạn tôi đọc và có những phản ứng rất khác nhau. Và một người trong đó huých vai tôi rồi nói: “Sài Gòn mà để cho người Sài Gòn nói, thấy giống mèo khen mèo dài đuôi quá! Hay là để cho “người Hà Nội” nói đi, khách quan và thuyết phục hơn!”. Tôi tỏ vẻ băn khoăn: “Mới ở có 2 tháng, sợ không “cảm” được hết!”. “Kệ chứ! 2 tháng sẽ có cái nhìn của 2 tháng!”.

Thế là tôi ngồi nhớ lại. Xem 2 tháng qua, Sài Gòn đối với tôi là những gì mới mẻ nữa…

1. Sài Gòn – Dễ ăn và dễ sống

Sài Gòn có quá nhiều đồ ăn. Quá quá nhiều! Từ đồ ăn no, cho tới đồ ăn vặt. Và đối với một đứa có máu Song Tử “cái gì cũng ham” trong người, thì đó là một “cực hình” vì bạn sẽ nhanh chóng hoa mắt chóng mặt, không biết chọn món nào với món nào. Có những món mà nguyên liệu của nó, tôi từng tưởng sẽ chẳng bao giờ dùng để làm đồ ăn, thì trong này nó được thêm nếm nhiều thứ và thành một món ăn khoái khẩu. Rồi có những món đọc tên lên mà không thể luận ra được nó sẽ có những gì bên trong, nó không đơn giản như “bún ốc”, “bún bò”, “phở gà”, “phở bò” cho ta dễ hình dung., mà nó kiểu như hủ tiếu, bánh canh, xí-quách… vậy đó, biết được chết liền!

Ví dụ như “bánh canh”, tôi đã từng tưởng tượng ra món đó là một bát nước dùng, sau đó người ta thả một miếng “giống-như-miếng-gia vị-thơm-thơm” vào trong rồi quấy lên cho nó tan ra – giống như một kiểu nước súp hay một bát nước canh mà thôi. Nhưng tất nhiên, sự thật không hề như vậy rồi! Giờ tôi nghiện món bánh canh điên đảo, kèm theo một lô xích xông nào bò bía, hột vịt lộn xào me, bắp xào bơ, hủ tiếu… luôn hành hạ tâm trí lúc nửa đêm!

cam-nhan-sg-1

cam-nhan-sg-2

Có thời điểm vì công việc, tôi phải ở lại nhà một người bạn để tiện trao đổi bàn bạc. Nhà của bạn trong một khu chung cư, xung quanh là chợ buôn bán đủ thứ, và tất nhiên, đồ ăn la liệt, cho đến 2,3h sáng vẫn có đồ để ăn. Thú thật là nếu nhà bạn mà gần công ty, thì tôi cũng cố tìm được một căn nhà ở khu đó. Đồ ăn ở đây rất rẻ, có những món tôi vẫn dùng “giá của Hà Nội” để chuẩn bị sẵn tiền trả, nhưng rồi tiền tôi được thối lại đã khiến tôi “sốc” đến mấy lần.

Một bát hủ tiếu giá 10k, một hộp xôi đầy đủ ruốc thịt chả giò cũng 10k, một ổ bánh mì đầy đủ cũng 10k, một ly rau má 5k, một ly nước mía 5k… Tất nhiên đồ ăn Sài Gòn vẫn có đầy đủ mọi thang bậc giá cả và không phải vào đâu giá cũng mềm oặt dễ chịu, nhưng đồ ăn rẻ và bình dân thì chắc chắn có đủ để cứu sống bạn vào những ngày cuối tháng, không cao lương mĩ vị nhưng đủ ngon, đủ no và đủ làm bạn hài lòng.

cam-nhan-sg-3

À, còn một chi tiết Sài Gòn ghi điểm tuyệt đối với những đứa workaholic xuyên màn đêm như tôi – hệ thống các minishop ở đây THẬT SỰ mở cửa 24/24, chứ không có treo bảng xong tắt ngóm điện, đóng cửa im ỉm văng vẳng theo tiếng gáy như những nơi tôi từng “đặt lòng tin” hồi còn ở ngoài Hà Nội. Đây là nơi cứu cánh tuyệt vời. Và thật ra, tôi rất khoái không gian của nó vào ban đêm. Sáng bưng, ê chề đồ ăn trong khi xung quanh vắng tanh, cứ “tây tây” thinh thích!

cam-nhan-sg-4

2. Sài Gòn – Phóng khoáng và hay cười

Giọng Sài Gòn đáng yêu, cái đó chẳng thể chối cãi. Nghe cứ ngòn ngọt, “tròn tròn”, dễ thương và thoải mái. Cộng thêm tính cách có cái gì đó “chơi chơi”, xởi nởi và sổi nổi, phải công nhận là, họ phóng khoáng và “dễ chịu” hơn Hà Nội. Hồi còn ở nhà, giữ một bộ mặt vừa vừa, ít nói và dửng dưng là một điều bình thường với tôi, thì khi vào trong đây, được “đối mặt” và “tiếp nhận” sự giao tiếp của mọi người, chính tôi còn thấy “sự dửng dưng, ít nói” đó của mình có phần lạc lõng, bất bình thường và rất-là-cần-thay-đổi.

cam-nhan-sg-5

Thật chứ, bạn làm sao lầm lì được khi người ta sẵn sàng mỉm cười và chỉ đường cho bạn lúc 5h sáng, trong khi trước đó 10s người ta còn bị giật mình hoảng hốt vì tự nhiên có một thằng thanh niên cao 1m8 to đuềnh đoàng lao tới họ lúc trời còn nhập nhẹm tối. Người ta chưa hô Cướp cho là may! Rồi thì những lúc lầm bầm khó chịu vì phải kéo xe máy của mình vào một bên cho một cái xe hơi đi qua thì người ta đã vội mở cửa xe và cảm ơn rối rít rồi.

cam-nhan-sg-6

Và đúng như những bài báo, những tấm hình “đặc biệt” về Sài Gòn, những bình nước miễn phí, những tấm bảng chỉ đường “đi lối này lúc tắc đường”… thật sự tạo thiện cảm cho những người “khách” vừa mới chân ướt chân ráo tới đây, không cảm thấy quá xa xôi và “nhớ nhà”.

cam-nhan-sg-7

3. Nhưng Sài Gòn “stress” và “kịch tính” quá

Trước khi vào ở đây, cảm giác rõ rệt nhất của tôi với Sài Gòn, đó là những người bạn Sài Gòn tôi biết họ thường xuyên rơi vào cảm giác tiêu cực, tự kỉ và “khủng hoảng”. Họ than vãn, mệt mỏi, khóc và buồn thảm đến tuyệt vọng trên facebook, cảm tưởng như ngay lúc đó, cuộc đời họ bi kịch, khắc nghiệt quá và “đường cùng tới nơi”.

Đôi khi vì gia đình, đôi khi vì tình yêu, đôi khi vì “một ai đó nhảy ra hãm hại”. Và điều đó cứ chốc chốc dăm bữa nửa tháng tái hiện một lần. Tôi hoàn toàn thấy khó hiểu, vì cảm giác “cực đoan” đó quá “kịch tính” so với cuộc sống của một người trẻ, nhất là ở Sài Gòn “phóng khoáng và dễ chịu” như tôi đã nói ở trên. Đôi khi tôi còn thấy phản ứng của những người bạn kia có phần bị chính lối sống bi quan “làm quá” lên mà thôi.

cam-nhan-sg-8

Một người bạn Sài Gòn của tôi thì giải thích rằng: “Sài Gòn quá đông đúc, quá nhanh và bận rộn. Con người ta chạy miết mải để bắt kịp được thêm nhiều thứ. Và như thế bắt buộc đôi khi họ quên hết những người thân xung quanh, khiến một ai đó trong số đó lạc lõng, cô đơn, không biết chia sẻ với ai và không biết cùng ai để vực dậy mình! Nghe một bài báo nào đó chưa? Sài Gòn hoa lệ, hoa cho người giàu và lệ cho người nghèo đó!”

Tôi nghe xong thì chỉ im lặng, ngồi nghĩ nghĩ “vậy chẳng nhẽ, cứ phải stress kiểu tuyệt vọng như vậy mới là người Sài Gòn?”

4. Sài Gòn – thiếu niềm tin?

Như ngay từ đầu bài viết này, “thị phi” là 1 trong 4 từ khóa tôi mặc định về Sài Gòn, nhưng đó là dành cho giới showbiz ở đây. Vậy mà thi thoảng tôi vẫn được cảnh báo “này, cẩn thận có đứa bán mai cho mày đấy nhé!”, dù cái người bị cảnh báo đó chẳng dính dáng gì tới showbiz. Được nghe nhắc đi nhắc lại, rồi hết status giãi bày này tới tâm thư “nói rõ bản chất” kia tôi góp nhặt được từ facebook, dần dà tôi lại thấy đúng là mọi thứ ở đây nó bị người ta gắn cho cái áo “thị phi” thật. Thế là bất giác, tôi lại phải kiềm mình lại, chú ý trước sau, chú ý câu chữ lời nói để không bị mang tiếng “bán mai bán đào” rồi lại bị “thị phi” qua lại. Nếu nói là “nhập gia tùy tục” thì cũng chẳng sai.

cam-nhan-sg-9

Tôi được biết những anh nhà báo sợ ngôi sao nọ kết bạn chỉ là để có bài đăng báo, những người bạn chẳng dám dùng facebook vì sợ bị đồng nghiệp, “thiên hạ” thọc mạch, buôn dưa lê về cuộc sống của mình. Ở đây, chẳng nhẽ họ thiếu niềm tin vào nhau đến thế? Rồi tự nhiên khiến cho người khác cũng thiếu niềm tin vào họ.

5. Nhưng ở nơi đâu mà chẳng có “sự tương đối”

Thật ra dù tới bất kì đâu, dù nơi đó có đẹp đẽ và thích thú thế nào, tôi luôn chuẩn bị sẵn tinh thần một lúc nào đó tôi sẽ phải “đối mặt” với mặt tối của nơi đó. Những thứ bên cạnh sự đa dạng, sự hồ hởi hiếu khách, bên cạnh sự hoàn hảo sẽ dần xuất hiện thôi. Sài Gòn cũng chẳng sẽ chẳng ngoại lệ. Tôi vẫn thi thoảng bị mua lố vài món đồ, thỉnh thoảng hỏi đường vẫn bị một vài bà cô cáu gắt nhặng xị. Sài Gòn vẫn có cướp, vẫn có công an “bất thình lình” nhảy bổ ra ở một nơi nào. Tôi vẫn bắt gặp những người ưa “nhiều chuyện”, những nhóm đồng nghiệp đúng “chuẩn” ở nơi công sở. Tôi vẫn nói đùa với bạn tôi, cho đến giờ Sài Gòn với tôi vẫn còn quá thoải mái, tôi đang chờ được “vỡ mộng” ở Sài Gòn đây. Như vậy mới thật, như vậy ta mới “thấm” được hết Sài Gòn.

cam-nhan-sg-10

Thường người ta khi tới một nơi mới, sẽ bất giác so sánh nó với những nơi mình đã qua. Khi tôi ở Thái, tôi so sánh nó với Việt Nam, với Hà Nội, rằng đường xá nó thế này, dịch vụ của bên mình thế kia, cảm giác ở Thái như này, cảm giác ở nhà như kia. So sánh chỉ cho vui, cho có thứ để suy nghĩ, để nói chuyện bàn tán với bạn bè những lúc ngồi ăn ở foodcourt, để biết rõ rằng Việt Nam mình còn đang thiếu và cần cải thiện thêm những gì. Giờ thì tôi đang ở Sài Gòn vì yêu cầu công việc, và theo quán tính, tôi lại tiếp tục so sánh. Giữa Sài Gòn và Hà Nội. Nhưng sự so sánh lúc này không giống như với Thái nữa. Nó không còn là tâm trạng “ăn thua”, “hơn kém”, vì thật ra tôi muốn tránh tâm thế “so bì” hoặc bị nói là “có mới nới cũ”, rằng chỉ là “cũ người mới ta” thoáng qua. So sánh Hà Nội với Sài Gòn rất dễ bị động vào mạch “nhạy cảm”, như một vài trường hợp trước đây những “người yêu”, “người thương” của nó lại “nhảy chồm chồm” lên bênh vực, như thế mất cả vui!

Với tôi, việc “so sánh”, giống như một cách để ta hiểu thêm về thành phố này một cách kĩ càng hơn, từ những thứ nhỏ nhất. Sài Gòn hoa lệ hay Sài Gòn tạp nham, tôi thấy những cái tên đó hơi xa vời và không thật chuẩn xác. Tôi thấy rằng, tự mỗi người có thể có cho mình một Sài Gòn “hoàn hảo”. Bằng cách nào? Đơn giản lắm! Hãy tận hưởng những cái đẹp, và chấp nhận những cái xấu. Sài Gòn lúc đó sẽ “thật” nhất, không quá được tâng bốc, cũng không làm ai bị “vỡ mộng” hay khó chịu vì nó cả.

Sài Gòn là Sài Gòn, là nơi bạn đang sống với nó, ghét nó hay yêu nó, thì vẫn sẽ nhớ nó như một trong những nơi đáng nhớ nhất cuộc đời!

Nguồn: http://see24h.biz/


Hãy chia sẻ cho bạn bè qua: