Chợ sầm uất bậc nhất Sài Gòn được xếp hạng di tích


Chợ Bình Tây gần 90 tuổi do thương gia người Hoa Quách Đàm xây ở khu Chợ Lớn vừa được UBND TP HCM xếp hạng di tích cấp thành phố để gìn giữ, bảo tồn.

Tiểu thương Sài Gòn hối hả dọn hàng trước ngày đóng cửa chợ Bình Tây

Chợ Bình Tây sắp được công nhận là di tích cấp thành phố

TP.HCM đóng cửa chợ Bình Tây một năm để sửa chữa

UBND TP HCM vừa quyết định xếp hạng di tích cấp thành phố đối với công trình kiến trúc nghệ thuật chợ Bình Tây (đường Tháp Mười, quận 6). Mọi hoạt động xây dựng, khai thác trong khu vực di tích đã khoanh vùng bảo vệ đều bị nghiêm cấm. Trường hợp đặc biệt sử dụng đất ở khu vực di tích phải được UBND thành phố cho phép.

Chợ Bình Tây được biết đến với tên gọi Chợ Lớn (mới) do thương gia người Hoa là Quách Đàm bỏ tiền xây năm 1928 theo kỹ thuật của Pháp. Kiến trúc hình bát quái được cho là nét độc đáo nhất của chợ, gồm 12 cổng, bên trong có hoa viên rộng rãi để khách ngồi nghỉ. Hệ thống móng nền làm bằng đá sỏi, bêtông chắc chắn nên không có hiện tượng sụt, lún.

Chợ Bình Tây vừa được xếp hạng di tích cấp thành phố. Ảnh: Hữu Công.

Chợ Bình Tây vừa được xếp hạng di tích cấp thành phố. Ảnh: Hữu Công.

Sau hai năm xây dựng, chợ hoàn thành rất khang trang, sạch sẽ trên khuôn viên rộng 25.000 m2. Ngay khi được đưa vào hoạt động, với lợi thế về giao thông thủy bộ cũng như tay nghề của bà con tiểu thương người Việt và người Hoa, chợ nhanh chóng trở thành khu kinh doanh sầm uất, đầu mối bán buôn khắp Nam kỳ lục tỉnh, sang tận các nước láng giềng… Chợ có hơn 2.300 sạp hàng, mỗi năm có hơn 120.000 khách nước ngoài đến tham quan và mua sắm.

Sau gần 90 năm, chợ Bình Tây đã xuống cấp nghiêm trọng. Nhiều mái ngói trong nhà lồng chợ mục nát. Cuối năm 2016, chợ tạm ngưng hoạt động trong một năm để nâng cấp, sửa chữa toàn diện. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 104 tỷ đồng, từ ngân sách ngoài Nhà nước – nguồn thu trước tiền sử dụng điểm kinh doanh của các tiểu thương trong 10 năm.

Các hạng mục cải tạo, sửa chữa tại chợ gồm: thay mới toàn bộ hệ thống rui và lợp lại ngói theo mẫu cũ; sơn lại tường, cột, trần; cải tạo cầu thang, lan can; nâng nền và lát gạch sàn tầng trệt, tầng lầu, cải tạo văn phòng bảo vệ và cải tạo hệ thống cửa chính. Các hạng mục xây mới gồm khu vệ sinh công cộng và nhà đặt máy phát điện dự phòng.

Hiện TP HCM có hơn 170 công trình, địa điểm được xếp hạng di tích, trong đó có một di tích quốc gia đặc biệt, 58 di tích cấp quốc gia, còn lại là di tích cấp thành phố.

Theo vnexpress.net


Hãy chia sẻ cho bạn bè qua: