‘Cò’ vé dập dìu trước ga Sài Gòn


Bên ngoài cổng, trong sân ga Sài Gòn, “cò” vé chợ đen nhộn nhịp mời chào hành khách với tuyên bố: “Em về đâu, vé ngày nào cũng có”!


Những ngày qua, tình trạng “cò” vé diễn ra rất nhộn nhịp tại ga Sài Gòn. Thậm chí dù lực lượng dân phòng, bảo vệ ga Sài Gòn có mặt đẩy đuổi, “cò” vé vẫn tiến sát cổng nhà ga vẫy gọi mua vé diễn ra công khai. Nhiều “cò” vé còn bám theo “con mồi” vào tận chỗ gửi xe của ga để mời chào.

Có vé không thua nhà ga

Ngày 13-1, khi PV vừa đến cổng ga Sài Gòn (phường 9, quận 3, TP.HCM) thì một phụ nữ ngồi trước cổng chồm ra vẫy tay và đon đả mời chào: “Mua vé tàu tết phải không? Em về đâu, ngày nào cũng có. Chị lấy vé bán cho”.

Người phụ nữ này nhanh chóng dẫn chúng tôi đến gặp một phụ nữ khác ngồi đợi sẵn bên đường. Người này giới thiệu mình tên Hà có khả năng “cung cấp vé tàu tết không thua gì nhà ga”. Theo bà Hà, giá vé thì theo như niêm yết nhưng phải lót tay “phí dịch vụ” mỗi vé là 350.000 đồng.

Chúng tôi hỏi mua một vé tàu về ga Đông Hà (Quảng Trị) và bốn vé về ga Tuy Hòa (Phú Yên) vào ngày 29 tết, bà Hà đảm bảo nhất định có vé. Theo đó, bà Hà đề nghị để lại thông tin cá nhân, số điện thoại và tiền đặt cọc là 150.000 đồng/vé. “Em mua năm vé, chị giảm giá còn 750.000 đồng. Em phải đặt cọc trước và viết biên nhận đàng hoàng. Đợi đến ngày tàu khởi hành chị sẽ điện trước ba giờ để em lấy vé và khi tàu lăn bánh mới đưa tiền vé” – bà Hà nói như đinh đóng cột.

Ga Sài Gòn - co-ve-van-dap-diu-truoc-ga-sai-gon1

Chúng tôi e ngại khi đặt tiền cọc lớn, liệu đến đó không được vừa mất tiền và có thể không về quê được, bà Hà chắc nịch: “Chị làm ăn ở đây đã lâu rồi, đảm bảo uy tín. Đấy công an đầy ra nên em yên tâm. Mọi năm thì đơn giản hơn nhưng năm nay trên vé phải ghi tên (thực chất việc này đã được thực hiện nhiều năm – NV) nên mới khó khăn vậy”.

Ga Sài Gòn - co ve van dap diu truoc ga sai gon

Các “cò” vé hoạt động ở ga Sài Gòn. Ảnh: NT

“Cò” vé tố nhau

Chúng tôi cho rằng “phí dịch vụ” khá đắt thì bà Hà “chốt” lại chỉ lấy 200.000 đồng tiền đặt cọc cho năm vé. “Vé này là vé có mã vạch hẳn hoi. Em an tâm, chính nhân viên soát vé sẽ đưa vé và lấy tiền, còn chị chỉ lấy chi phí dịch vụ thôi” – bà Hà trấn an.

Lấy lý do phải cầm vé ngay trong tay thì mới an tâm, chúng tôi từ chối và đi vào ga. Hai phụ nữ khác thấy vậy liền hỏi: “Mua vé hả, đi ngày bao nhiêu? Cẩn thận bị nó (chỉ qua bà Hà – NV) lừa đó” – một người lên tiếng.

Theo quan sát, hai phụ nữ này đứng tìm khách ở cổng, khi có khách hàng sẽ tiến hành thỏa thuận rồi sẽ điện thoại cho một người khác đến để lấy thông tin như số CMND, số điện thoại để đi “làm vé”.

Từ đề nghị mua vé của chúng tôi như đã nêu, một người nói: “Để chị hỏi nhà ga” rồi móc điện thoại gọi. Sau một hồi trao đổi, người này nói còn vé loại ghế ngồi và giường nằm tầng một về ga Đông Hà với giá lần lượt là hơn 800.000 đồng/vé và gần 1,8 triệu đồng/vé.

“Vé về Phú Yên chỉ còn ghế ngồi. Em để lại CMND và thông tin là chiều có vé, giao tiền. Nếu em không tiện đặt CMND lại thì “cọc” 500.000 đồng” – một người nói.

Người này nói không cần đưa trước tiền cọc và sẽ lấy “phí dịch vụ” với giá phải chăng là 250.000 đồng/vé. Sau đó, một phụ nữ khác chạy xe máy đến lấy thông tin đi mua vé nhưng chúng tôi nói giá cao và từ chối.

Lừa khách hàng

Ông Đỗ Quang Văn, Giám đốc chi nhánh Vận tải đường sắt Sài Gòn, cho biết hiện tại ngành đường sắt dùng vé in có thông tin cá nhân, mã vạch để đảm bảo không để “cò” vé mua vé và bán lại cho người dân. “Giấy này có thể in nhiều lần. Đặt giả thiết là “cò” vé có thể dùng kỹ thuật thay đổi thông tin trên vé nhưng vé đó sẽ không hợp lệ vì mã vạch và thông tin đã được lưu lên hệ thống không thay đổi” – ông Văn nói.

Ga Sài Gòn - co ve van dap diu truoc ga sai gon 2

Một số cò mồi vé tàu đang đứng bên trong ga Sài Gòn.

“Cò” sẽ viện các lý do để chây ỳ trong việc giao vé, trả tiền, cuối cùng hành khách luôn là người bị thiệt nếu không đủ cẩn trọng. Đặc biệt là khi “cò” yêu cầu đưa CMND hay thông tin cá nhân vì “cò” có thể ăn cắp thông tin để dùng vào việc khác nhằm mưu lợi cá nhân” – ông Văn cảnh báo.

Cũng theo ông Văn, việc làm vé giả rất khó và “cò” không làm việc này. Riêng về vé do hành khách trả lại trong đợt cao điểm từ TP.HCM đi các tỉnh vào khoảng 200 vé/ngày. Số vé này được trả lên hệ thống một cách ngẫu nhiên ở nhiều thời điểm để đảm bảo công bằng cho người dân. Hiện tại vé chưa hết!

Ông Thái Văn Truyền, Giám đốc đoàn tiếp viên Phương Nam, cho biết thêm: “Đối với các nhân viên trên tàu là tuyệt đối nghiêm cấm có mối liên hệ, giao dịch, tiếp xúc với “cò”. Nếu ai có vi phạm thì sẽ bị xử lý rất nghiêm, cao nhất là đuổi việc và từ trước tới nay chưa có trường hợp nào bị phát hiện”.

“Cò” chẳng có vé nào lận lưng!

Hiện nay, trước cửa ga Sài Gòn có 19 người “hành nghề” “cò” vé tàu. Thực chất họ chẳng có vé tàu nào lận lưng nhưng lại luôn chèo kéo, rao chào có đủ loại vé, đi đủ loại tàu, đi ngày giờ nào cũng có… Số này đã được Công an phường 9, quận 3 nắm rõ danh sách, nơi cư trú nhưng rất khó xử lý. Chúng tôi chỉ có thể đẩy đuổi ra khỏi ga. Còn xử lý hành chính phạt tiền thì họ quá nghèo, đưa đi trường trại thì cũng vướng vì họ có nơi cư trú.

Xử lý hình sự họ về hành vi lừa đảo thì cũng chưa đủ cơ sở vì mức tiền “ăn cò” chỉ 200.000-300.000 đồng. Tương tự, họ nhận “tiền cọc” của khách 300.000-400.000 đồng nhưng đến giờ tàu chạy không gửi được khách lên tàu, “ăn” luôn tiền cọc thì cũng không xử được. Chỉ có năm rồi quận 3 xử được một người vì gây mất trật tự công cộng.

Ông NGUYỄN VĂN THÀNH, Trưởng ga Sài Gòn

Theo PLTP


Hãy chia sẻ cho bạn bè qua: