Đến bao giờ người dân Sài Gòn hết nơm nớp lo sợ bị cướp giật?


Hình ảnh nữ du khách người Ai Cập bật khóc vì bị giật túi xách làm nhiều người xót xa và tự hỏi bao giờ người dân thành phố và cả những du khách nước ngoài đến đây không còn nơm nớp lo sợ bị cướp giật khi ra đường?

Một tên cướp bị bắt - Ảnh tư liệu.

Một tên cướp bị bắt – Ảnh tư liệu.

Trước đó, trong buổi làm việc với Trường ĐH Tôn Đức Thắng, Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng đã đề cập đến vấn đề phải xin lỗi du khách nhưng “ngành du lịch, công an hay ai phải xin lỗi?”, ông Thăng đặt câu hỏi.

Ra đường, đồ đẹp thì giấu hết đi

Trên mạng xã hội Facebook, rất nhiều video clip tổng hợp những vụ cướp giật trên đường được đăng tải và nhận được sự quan tâm của cộng đồng mạng. Không khó để bắt gặp những bình luận như: sợ quá, ghê quá, sao thấy bất an quá…

Cũng có không ít nạn nhân của các vụ cướp giật đăng tải câu chuyện của mình và cảnh giác mọi người về đoạn đường thường có cướp rình mò, giăng bẫy…

Anh Đỗ Vương, một người dân ở quận Gò Vấp, cho biết mong mỏi của anh là một ngày được đi bộ hoặc chạy xe ngoài đường mà không phải hồi hộp sợ bị cướp.

“Đi bộ trên đường, điện thoại reo mình cũng không dám lấy ra nghe. Mỗi lần dừng xe ở đâu đó phải quan sát xung quanh thật kỹ, thấy không có đối tượng khả nghi thì mới dám mở cốp lấy đồ. Nhiều khi có giỏ xách đẹp, đồng hồ hay dây chuyền đẹp cũng không dám đeo vì sợ bị cướp”, anh Vương chia sẻ.

Theo anh Vương, anh đã đi nhiều nước trong khu vực Đông Nam Á và cảm nhận riêng của anh là không phải dè chừng, hồi hộp như ở TP.HCM.

Chị Nguyên Thảo (Q.Bình Thạnh) kể mình từng là nạn nhân của một vụ cướp điện thoại và đến giờ vẫn còn bị ám ảnh.

“Mình đang đi bộ trên đường, vừa lấy điện thoại ra xem giờ thì một tên cướp từ đâu chạy vụt qua giật đi mất. Mình ú ớ một lúc vì không hiểu chuyện gì đang xảy ra, đến khi hoàn hồn thì tên cướp chạy mất rồi”, chị Thảo nhớ lại.

Mong mỏi của anh Đỗ Vương, chị Nguyên Thảo và có lẽ cũng là mong mỏi của nhiều người dân thành phố khác là sẽ không còn cướp giật lộng hành như hiện nay.

“Chỉ mong đến lúc nào đó có đồ đẹp thì dám mang lên người, mở cốp xe cũng không phải lo lắng, có ai gọi đến thì dám cầm điện thoại lên nghe chứ không phải giấu giấu giếm giếm như bây giờ”, anh Vương nói.

Từng có một nữ hướng dẫn viên đang dẫn đoàn đi tham quan thì bị cướp mất hơn 4.000 USD. Những đồng nghiệp khác phải góp tiền để giúp đỡ nhưng cũng không đủ. Cô gái này sau đó phải làm không công nhiều tháng trời để bù lại số tiền đã mất.

Phải xin lỗi ngay

Một vụ cướp táo tợn trên đường Trần Hưng Đạo, Q.5, TP.HCM

Một vụ cướp táo tợn trên đường Trần Hưng Đạo, Q.5, TP.HCM

Ông Nguyễn Văn Mỹ, chủ tịch Lửa Việt Tour, cho biết có lần khi ông dẫn đoàn đến Pattaya (Thái Lan), một số du khách nữ trong đoàn đã bị trấn lột tiền.

Ngay khi nhận được phản ảnh, Tổng cục Du lịch Thái Lan đã cử người đến xin lỗi, tặng quà và hứa sẽ điều tra vụ việc. Dù cảm giác không vui vì mất tiền nhưng những nữ du khách cũng được an ủi phần nào nhờ hành động can thiệp, xoa dịu kịp thời của ngành du lịch nước bạn.

Chiều 16-3, Công an phường Phạm Ngũ Lão đã tổ chức xin lỗi công khai nữ du khách Ai Cập bị giật túi xách tại khu vực phường này hôm 11-3. Được biết, ngay khi cô này đến trình báo bị cướp giật tài sản trên địa bàn phường, trưởng Công an P. Phạm Ngũ Lão đã thay mặt công an địa phương đứng ra xin lỗi nữ du khách và hỗ trợ chở cô về nơi lưu trú.

Ông Nguyễn Văn Mỹ cho rằng bất kỳ ai cũng có thể xin lỗi khách du lịch bị cướp giật ở TP.HCM, xin lỗi với tư cách là một công dân của thành phố.

“Lời xin lỗi không phải là nhận trách nhiệm về mình mà là sự sẻ chia với du khách – người đang bị hoảng loạn về tinh thần”, ông Nguyễn Văn Mỹ nói.

Ông Mỹ chia sẻ nhiều khách hàng đến Việt Nam nhiều lần và có kinh nghiệm về chuyện cướp giật còn “nhắc ngược” lại những người bạn Việt đi cùng là không nên mang giỏ xách ngoài đường, không nên mang trang sức đắt tiền… để tránh bị giật.

Ông Minh Bình, một người có kinh nghiệm nhiều năm trong ngành du lịch, nói thêm rằng không thể xem chuyện cướp giật là bình thường và người dân hay du khách phải “sống trong sợ hãi”, nhìn trước ngó sau khi bước ra đường.

“Chuyện cướp giật đã diễn ra nhiều năm nay và nếu chúng ta vô cảm, cho rằng đó là chuyện bình thường thì không được. Không thể xem một chuyện bất bình thường là bình thường và mang tâm lý “ra đường là phải thủ” mãi được”, ông Minh Bình thẳng thắn.

Theo các chuyên gia, câu chuyện một du khách người Ai Cập bị cướp và hoảng loạn được đăng tải trên các báo nhiều ngày nay một lần nữa đánh động về tình trạng an ninh trật tự trên địa bàn thành phố và việc dẹp tội phạm không chỉ là bảo vệ người dân mà còn là bảo vệ cho ngành du lịch phát triển bền vững.

“Khi du khách chọn thành phố chúng ta để du lịch, nghĩa là họ có tình cảm với thành phố này. Nhưng khi đến thì đối mặt với nạn cướp giật, giống như họ bị giội một gáo nước lạnh vào mặt vậy. Họ sợ, bạn bè họ sợ, rồi câu chuyện lan truyền… Không một đất nước, thành phố nào an toàn tuyệt đối, vấn đề ở đây là sự quyết tâm của các cơ quan chức năng trong việc bảo vệ người dân, du khách trước cái xấu, cái ác”, ông Nguyễn Văn Mỹ thẳng thắn.

Nhưng xin lỗi thôi là chưa đủ

Những biện pháp đối phó và phản ứng khi bị trộm cướp.

Những biện pháp đối phó và phản ứng khi bị trộm cướp.

Đánh giá việc xin lỗi là cần làm ngay nhưng ông Nguyễn Văn Mỹ cũng cho rằng chỉ xin lỗi thôi là chưa đủ, vấn đề quan trọng hơn là phải làm sao trấn áp được tội phạm và trả lại sự an toàn cho thành phố, sự yên tâm cho người dân, du khách khi ra đường.

Trao đổi với TTO, một chuyên gia về tội phạm học nhận định một số vụ cướp giật trên địa bàn TP gần đây rất manh động, trắng trợn, táo bạo, nạn nhân không chỉ là người trong nước mà cả người nước ngoài. Điều này đã khiến dư luận bức xúc và lo lắng.

Theo chuyên gia, đấu tranh chống tội phạm không phải là câu chuyện một sớm một chiều và để kéo giảm tội phạm cần phải tiến hành đồng bộ nhiều biện pháp, kiên trì, thường xuyên, liên tục.

Thứ nhất, phải xác định rõ và nêu cao tính trách nhiệm của lãnh đạo các lực lượng chuyên trách, các đơn vị, địa phương, nhất là người đứng đầu, trước sự ổn định, an toàn của địa bàn mình, của cơ quan mình và sự hoàn thành nhiệm vụ của lực lượng mình.

Thứ hai, cần phát động đợt cao điểm tấn công trấn áp các loại tội phạm. Đồng thời tập trung quản lý và kiểm soát chặt chẽ các tụ điểm phức tạp về an ninh trật tự và địa bàn trọng điểm như địa bàn giáp ranh, địa bàn công cộng, các khu vực, khu vui chơi, giải trí, nơi có nhiều dịch vụ “nhạy cảm” như nhà trọ, nhà nghỉ, karaoke, vũ trường, nhà hàng, quán bar…

Thứ ba, bố trí lại lực lượng, nhất là các lực lượng mũi nhọn tấn công trấn áp tội phạm. Phải tổ chức tốt công tác tuần tra, kiểm soát, nhất là trên các trục đường phố lớn, các tuyến đường thường xảy ra nạn trộm cắp, cướp giật để kịp thời phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật và tội phạm.

Bên cạnh đó cần quản lý tốt, chú trọng tổ chức tốt các lực lượng quần chúng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở nơi cư trú, địa bàn công cộng như bảo vệ dân phố, dân phòng, thanh niên xung kích, các lực lượng tự nguyện như “hiệp sĩ bắt tội phạm”…

Ở góc độ luật pháp, luật sư Lê Quang Vũ, Văn phòng luật sư Người Nghèo, cho biết tội cướp giật được quy định tại điều 136 Bộ luật hình sự hiện hành và điều 171 Bộ luật hình sự mới 2015 có hiệu lực từ ngày 1-7-2016. Tùy mức độ nguy hiểm của hành vi và hậu quả xảy ra mà kẻ cướp giật có thể chịu hình phạt tù từ 1 năm đến chung thân.

Điểm h khoản 2 điều 171 Bộ luật hình sự 2015 quy định hậu quả là gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội có thể áp dụng cho trường hợp cướp giật tài sản của khách du lịch, hình phạt từ 3 năm đến 10 năm tù.

Theo luật sư Lê Quang Vũ, hình phạt hiện nay đã đủ sức răn đe.

“Vấn đề quan trọng là biện pháp phòng ngừa, truy bắt tội phạm thế nào để kẻ cướp giật phải bị phát hiện và vây bắt ngay mà không có đường tẩu thoát. Cần tổ chức, huấn luyện các lực lượng cảnh sát du lịch, dân phòng, hiệp sĩ bắt cướp luôn sẵn sàng truy bắt tội phạm giao cho công an thì kẻ cướp giật không còn dám ra tay”, luật sư Lê Quang Vũ nói.

Người dân cũng phải tự bảo vệ mình (Chuyên gia tội phạm học)

Để đề phòng nạn trộm cắp, cướp giật, mỗi người dân phải tự trang bị cho mình một tinh thần và ý thức cảnh giác, tự bảo vệ mình.

Người dân không nên mang theo nhiều tiền hay những tài sản có giá trị cao khi ra ngoài đường.

Trường hợp cần phải mang theo thì phải có biện pháp quản lý, bảo vệ chặt chẽ, chu đáo. Các loại tài sản như xe máy, ôtô cần phải được gửi nơi trông giữ an toàn; nếu không có nơi trông giữ phải để nơi trong tầm kiểm soát và phải có các thiết bị khóa an toàn, chắc chắn.

Không đeo túi xách, dây chuyền vàng lớn, cầm điện thoại di động đắt tiền trên tay mỗi khi đi trên đường phố, nhất là cầm, đeo túi ở phía ngoài dễ bị đối tượng cướp.

Người có tài sản không nên đi vào đường vắng, đi đêm khuya. Trường hợp phải đi vào những nơi có nguy cơ bị cướp giật thì cần có biện pháp bảo đảm an toàn, có ý thức cảnh giác với những biểu hiện bất thường (như có người đi theo, có những dấu hiệu lạ…).

Khi phát hiện có biểu hiện nghi vấn hoặc bị tấn công cần kịp thời báo ngay đến cơ quan công an và các cơ quan chức năng để có biện pháp đấu tranh ngăn chặn hoặc truy bắt thủ phạm…

Theo Đặng Tươi – An Nhiên | Tuổi Trẻ


Hãy chia sẻ cho bạn bè qua: