Hàng loạt đường trung tâm Sài Gòn được nghiên cứu thành phố đi bộ


Dự kiến khu phố đi bộ bao trọn trung tâm Sài Gòn, rộng hơn 220 ha, gồm các đoạn trên đường Lê Duẩn, Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Pasteur, Hai Bà Trưng, Mạc Đĩnh Chi…

Cocochin – Khu ẩm thực trên phố đi bộ Nguyễn Huệ với các món ăn ba miền và không gian phố cổ

Phố đi bộ Nguyễn Huệ – điểm đến không thể bỏ lỡ khi du lịch Sài Gòn

Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP. HCM đang xem xét đề án chuyển một phần khu trung tâm (930 ha) thành khu đi bộ, trình UBND TP. HCM trong quý 2.

Theo đề cương đề án, khu phố đi bộ ở trung tâm có chu vi 7,35 km, rộng hơn 220 ha, bao gồm một số đoạn trên đường: Lê Duẩn, Pasteur, Hai Bà Trưng, Mạc Đĩnh Chi, Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Đồng Khởi, Nguyễn Du, Lý Tự Trọng, Lê Lợi và một số tuyến đường nhỏ ở quận 1.

Đây là khu vực có nhiều công sở, công trình văn hóa như trụ sở UBND thành phố, TAND TP. HCM, Hội trường Thống Nhất, chợ Bến Thành, Công viên Tao Đàn, Nhà hát lớn thành phố, Thảo Cầm viên Sài Gòn, Đại học Y dược, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn…

Những tuyến kết nối được với phố đi bộ Nguyễn Huệ (ảnh) được ưu tiên làm trước. Ảnh: Thiên Chương.

Những tuyến kết nối được với phố đi bộ Nguyễn Huệ (ảnh) được ưu tiên làm trước. Ảnh: Thiên Chương.

Tại cuộc họp hôm 24/3, các đơn vị liên quan đã đưa ra một số nhiệm vụ nghiên cứu chính như khảo sát điều tra, xây dựng mô hình giao thông, xác định được các vùng phát sinh chuyến đi bộ tương lai; đồng thời tiến hành nghiên cứu kinh nghiệm quy hoạch tổ chức phố đi bộ của các thành phố tiên tiến trên thế giới như Copenhagen, London, New York…Để phục vụ người dân vào phố đi bộ, cơ quan chức năng sẽ bố trí một số bãi đậu xe ở khu vực vành đai như: đường Lê Lai, Phạm Ngũ Lão, Nguyễn Thị Nghĩa, Nguyễn Hữu Cảnh.
Người dân di chuyển trong khu vực phố đi bộ bằng xe buýt điện, monorail. Trong tương lai, tuyến metro số 1 Bến Thành – Suối Tiên được đưa vào hoạt động sẽ giúp hành khách vào khu trung tâm thuận tiện.

Họ cũng đánh giá các tác động giao thông, kinh tế – xã hội và môi trường của đề án; tổ chức phỏng vấn lấy ý kiến người dân và chuyên gia, tham vấn các bên liên quan; lập quy hoạch chi tiết và kế hoạch triển khai thực hiện các tuyến phố đi bộ; ước tính kinh phí và xác định các khung phối hợp thực hiện.

Trước mắt, Sở GTVT thành phố sẽ chọn một số tuyến để triển khai. Các tuyến này có thể kết nối với phố đi bộ Nguyễn Huệ, đường Lê Lợi, Đồng Khởi về khu vực nhà thờ Đức Bà, đường Lê Duẩn.

Trong thời gian đầu, chỉ đi bộ vào các buổi tối thứ bảy, chủ nhật, các ngày lễ. Sau đó, thời gian đi bộ sẽ tăng dần và tiến tới đi bộ các ngày trong tuần.

Theo vnexpress.net


Hãy chia sẻ cho bạn bè qua: