Hẻm góp tiền xây “nhà” cho cụ bà đáng thương ở Sài Gòn


Tại một góc hẻm nhỏ trên đường Đoàn Văn Bơ (Q.4, TP. HCM), cụ bà Nguyễn Thị Huê (86 tuổi, quê Bạc Liêu) đang ngày ngày sống nhờ vào lòng nhân ái của bà con nơi đây. Với cụ Huê, đây là chuỗi ngày cụ “sống tạm” để… chờ đến ngày về với tổ tiên.

Đến mái lều của cụ Huê trong con hẻm nhỏ, chúng tôi không khỏi nghẹn ngào trước hoàn cảnh của cụ. Nhưng đối với cụ Huê, những ngày cuối đời được sống trong sự che chở, sẻ chia của bà con trong hẻm là một điều may mắn:”Tôi có hai đứa con gái, nhưng hiện tại một đứa đang bệnh nặng, đứa còn lại đi làm cho người ta. Hai đứa con của tôi kêu tôi về ở với chúng, thế nhưng tụi nó quá nghèo, phải làm việc vất vả nuôi con, nuôi cháu, tôi không muốn thêm gánh nặng cho nó. Tôi “sống tạm” ở đây để chờ ngày đi gặp ông bà. Bà con chỗ này thương tôi như người nhà, cuối đời được như vậy là đã vui rồi”.

cu-gia-1

Cụ Huê được người dân tại hẻm Đoàn Văn Bơ thương tình dựng tạm cho “căn nhà” che mưa che nắng những năm tháng cuối đời.

Tuy đã 86 tuổi và không thể đi lại, nhưng cụ Huê còn rất minh mẫn, nói chuyện mạch lạc, ai đến thăm cụ đều hỏi “Nhà có xa không?”,”Từ nhà con qua nhà cụ có tiện không”… và nắm chặt tay cảm ơn họ. Cụ biết ơn vì khi cụ đang sống những ngày cuối đời, nhiều người đã đến, đã sẻ chia khó khăn với cụ, giúp cụ có thêm những ngày vui vẻ

Cụ Huê nói rằng mình đang ở bên kia con dốc của cuộc đời, không biết hôm nay, ngày mai, hay một ngày không xa nào đó, cụ sẽ được ra đi trong vòng tay yêu thơng của mọi người. Nên mỗi khi có người đến thăm, những giọt nước mắt tưởng như đã cạn theo tuổi già lại chực chờ rơi xuống, làm cho người đến thăm không khỏi ngậm ngùi, giọt nước mắt hạnh phúc của cụ già không nơi nương tựa. Và mỗi lần như thế, cụ lại chia sẻ về cuộc đời cơ cực của mình…

cu-gia-2

Tuy diện tích “căn nhà” chỉ vừa đủ so với cụ, nhưng cụ Huê cho rằng mình đang rất giàu vì mình có được tình yêu thương, và sự đùm bọc của bà con nơi đây.

cu-gia-3

Cụ không muốn bỏ những đồ đạc trước đây của mình, nên người dân làm cho cụ một cái kệ nhỏ, nơi để tất cả “tài sản” của cụ.

Cụ Huê không nhớ mình rời quê đã bao lâu, chỉ biết lúc đi, hai người con của cụ còn nhỏ xíu, nhưng giờ họ cũng đã đi được nửa cuộc đời. Lúc mới tới Sài Gòn, cụ thuê nhà ở hẻm Đoàn Văn Bơ, việc gì hai vợ chồng cụ cũng làm, có chút vốn cụ mở tiệm tạp hóa sống qua ngày. Sau đó, cụ bàn với chồng đi qua các tỉnh lân cận lập nghiệp, thế nhưng làm ăn thua lỗ, chồng cụ mất đi, cụ mang hai người con về lại con hẻm cũ ở luôn đến bây giờ.

Ban đầu cụ Huê làm thuê, tiết kiệm được chút vốn cụ nấu bánh canh rồi gánh ra đầu đường bán, khi không còn sức gánh, cụ mở tiệm bán quán ở góc đường. Gần 10 năm trước, không thể cố được nữa, lại không có tiền thuê nhà, cụ Huê ngủ tạm tại nơi cụ bán (576/76/45 Đoàn Văn Bơ, Q.4, TPHCM).Hai người con của cụ, một bị bệnh, một vì quá nghèo nên không thể giúp gì hơn việc cứ chiều tối họ đến giăng mùng cho cụ ngủ. Thấy cụ quá đáng thương, người dân quanh nơi cụ ở góp tiền xây cho cụ một cái nền nhỏ, rồi cùng nhau dựng lên một cái lều nhỏ để cụ che mưa che nắng.

cu-gia-4

Tuy cụ già yếu, nằm liệt một chỗ vì căn bệnh thoái hóa cột sống, nhưng cụ còn rất minh mẫn và thường quan tâm hỏi han những người đến thăm mình.

Mái lều được đặt trước nhà cô Trương Thị Xuân (SN 1966, Q.4, TP. HCM) nên cô Xuân thường xuyên qua chăm sóc cụ. Theo cô Xuân, cụ Huê ở góc đường này được gần 8 năm, lúc đó các cô chỉ góp tiền lại để cụ có cơm ăn qua ngày. Những năm gần đây cụ Huê ngày một yếu đi, cụ không thể tự chăm sóc cho mình, thậm chí bây giờ vì bị thoái hóa cột sống quá nặng, cụ Huê không thể ngồi dậy được, ăn uống, vệ sinh một tay cô Xuân chăm sóc.

Cô Xuân chia sẻ:”Trước đây thấy cụ không có nhà ở, tôi và chồng đưa cụ vào nhà, nhưng cụ nói trong nhà tù túng quá, cứ đòi ra để ngắm làng, ngắm xóm. Thấy vậy tôi và bà con xung quanh dựng tạm cho cụ cái lều nhỏ, khi nào mưa thì tôi đưa cụ vào nhà mình. Trước đó, cụ có thể qua nhà tôi để làm vệ sinh cá nhân, nhưng giờ cụ không đi nổi, tôi và những người xung quanh thay phiên nhau qua chăm sóc, làm vệ sinh cho cụ. Đại diện của phường thường xuyên đến hỏi thăm sức khỏe của cụ, lần nào đến họ cũng tặng quà cho cụ, đề nghị cụ vào viện dưỡng lão nhưng cụ vẫn xin được ở đây vì cụ xem nơi đây là nhà rồi. Thấy cụ tuổi cao và mong mỏi nên bên phường cũng chấp nhận cho cụ ở, và gửi gắm cụ cho bà con. Họ rất tốt với cụ”.

cu-gia-5

Từ khi cụ đến, bà con nơi đây luôn quan tâm chăm sóc cụ, đặc biệt là cô Xuân, cô là người vệ sinh, thay tã hằng ngày cho cụ Huê.

Theo cụ Huê, cả đời cụ kiếm sống chưa có được đồng dư, nên cụ được “căn nhà” như vậy đã là hạnh phúc, càng ấm áp hơn khi cô Xuân xem cụ như mẹ ruột của mình. Không những cụ được cô Xuân đút cơm từng bữa, cụ thèm gì cô Xuân cũng mua cho, ngoài bữa chính cụ còn được ăn trái cây, uống sữa. Cô Xuân còn không ngại dơ bẩn để làm vệ sinh cho cụ, thế nên hơn 7 tháng cụ nằm liệt một chỗ, cụ không bị lở loét, mà còn rất sạch sẽ.

“Nhà” cụ được sáng đèn, được quạt mát cũng nhờ kéo điện từ nhà cô Xuân qua. Cụ cho biết “Bà con nơi đây rất tốt với tôi, đặc biệt là cô Xuân, ngày nào cũng qua hỏi xem tôi thích ăn gì rồi đi chợ, cô ấy lo cho tôi  từng chút một. Những người biết tôi ngày nào họ cũng đến hỏi thăm, động viên, an ủi kể chuyện để tôi vui. Nhờ thế tôi cảm thấy rất ấm áp, tôi không còn gì để nuối tiếc, có tiếc là không cảm ơn được hết mọi người. Ai cũng tốt, ai cũng thương tôi”.

cu-gia-6

Những tưởng nước mắt thường khô cạn theo tuổi già, thế nhưng ai đến thăm cụ Huê đều xúc động.

Theo một người dân nơi đây, họ lo lắng, bảo bọc cho cụ bởi lúc trước cụ là người hiền lành. Buôn bán không lời bao nhiêu nhưng hễ thấy ai khó khăn là cụ giúp, cụ cho không. Cụ sống có tình, có nghĩa, và gắn bó với nơi này đã lâu, nên mọi người nơi đây người muốn trả ơn, người yêu quý cụ nên chung tay đùm bọc. Nói là nói vậy, nhưng hiện tại cụ Huê rất khó khăn, bà con nơi đây cũng không khá giả gì, bây giờ cụ Huê chỉ nằm một chỗ, lại thêm nhiều bệnh, nên rất cần sự giúp đỡ của mọi người.

Về trường hợp của cụ Huê, đại diện UBND phường 14 cho biết:”Chúng tôi đã biết về hoàn cảnh của cụ Nguyễn Thị Huê. Từ năm cụ 80 tuổi phường chúng tôi đã hỗ trợ để cụ được lãnh trợ cấp người cao tuổi, mỗi tháng hơn 300.000 đồng. Chúng tôi cũng đã đề nghị cụ đến viện dưỡng lão để được chăm sóc tốt hơn nhưng cụ không chịu vì đã xem bà con nơi đây là người thân của mình, cụ không muốn xa họ”.

Mọi sự giúp đỡ xin liên hệ qua SĐT: (gặp cô Xuân) hoặc STK: 060070935662 ngân hàng Sacombank chi nhánh TPHCM, chú Bùi Văn Được (chồng cô Xuân).

Hoặc đến địa chỉ 576/76/45 Đoàn Văn Bơ, P.14, Q.4, TPHCM gặp cụ Huê.

Nguồn: trí thức trẻ


Hãy chia sẻ cho bạn bè qua: