Mưa xuống, dân Sài Gòn lại lo sợ sống cùng ‘những dòng sông’


Chỉ vài cơn mưa lớn đầu mùa đổ xuống đã làm cho những con đường ở Sài Gòn tiếp tục ngập, người dân lại trăm bề khổ sở.

Đường Tô Hiệu (Q.Bình Tân) luôn trong tình trạng ngập nặng mỗi khi mưa xuống /// Ảnh: Phạm Hữu

Đường Tô Hiệu (Q.Bình Tân) luôn trong tình trạng ngập nặng mỗi khi mưa xuống /// Ảnh: Phạm Hữu

Những rốn ngập nước này tồn tại dai dẳng trên địa bàn TP.HCM, tại một số tuyến đường trọng điểm như Nguyễn Văn Quá (Q.12), Nguyễn Hữu Cảnh (Q.Bình Thạnh), Kinh Dương Vương, Tô Hiệu, Phan Anh…(Q.Bình Tân).

Thức đêm tát nước

Vừa qua, cơ quan chức năng đã tiến hành nâng cấp một số tuyến như lắp cống hộp đường Nguyễn Văn Quá thoát nước ra kênh Tham Lương – Bến Cát nhưng hầu hết vẫn đang trong giai đoạn khởi công nên vẫn chưa giải quyết được tình trạng ngập úng, người dân vẫn phải sống chung với nước, đảo lộn mọi sinh hoạt thường ngày.
Theo ghi nhận của Thanh Niên, trận mưa lớn kéo dài hơn 3 giờ ngày 30.5 đã biến đường Nguyễn Văn Quá đoạn qua P.Đông Hưng Thuận (Q.12) ngập nặng, một số đoạn nước dâng cao gần 1m cuốn bùn đất tràn vào nhà người dân gây hư hại đồ đạc. Nhiều phương tiện ô tô và xe máy qua đây chết máy, đi lại khó khăn.

Đường Tô Hiệu nằm cạnh con kênh Tô Hiệu nên mỗi khi mưa, nước kênh tràn vào nhà dân bốc mùi hôi thối.

Đường Tô Hiệu nằm cạnh con kênh Tô Hiệu nên mỗi khi mưa, nước kênh tràn vào nhà dân bốc mùi hôi thối.

Chỉ về phía nhà mình, anh Sách nói: “Hôm bữa đi làm, không có ai ở nhà nên toàn bộ ba cái quạt máy để dưới nền, dàn karaoke mới mua mấy tháng cũng bị thấm nước, không sử dụng được. Nền nhà ngập gia đình tôi phải thức trắng đêm tát nước. Rút kinh nghiệm, tôi đã chuẩn bị 10 bao cát, hể mưa xuống là lấy ra dùng ngay”.
Cạnh đó, chị Trần Thị Kim An cũng cho biết, mưa xuống nước ở đường dâng lên rất nhanh, dù ở nhà nhưng đồ dùng để ở dưới sàn nhiều không kịp dời lên chỗ cao, tối đó cả gia đình phải đi thuê trọ qua đêm vì không có chỗ ngủ. Nước ngập kéo theo bùn đất chảy vào nhà rất mất vệ sinh. Phải hơn một ngày sau nước mới rút, nhà ẩm thấp, gia đình phải cật lực dọn dẹp mới xong.
“Bữa nay hễ thấy chuyển trời là tôi phải dời đồ dùng lên chỗ cao hoặc đem đi gửi chứ sợ ngập quá rồi”, chị An nói.

Ốc đảo giữa phố

Tại nơi được xem là rốn ngập ở Q.Bình Tân, nhiều người dân lo lắng trước tình hình ngập lụt trong những năm vừa qua.
Bà Phan Thanh Loan (45 tuổi, 3B, đường Tô Hiệu, P.Bình Trị Đông, Q.Bình Tân) than thở, năm nay không biết sẽ ngập đến mức nào nhưng chỉ hai cơn mưa vừa qua là con đường Tô Hiệu lại trở ngập. Tuy trước đó cơ quan chức năng có nạo vét dòng kênh Tô Hiệu cho thông thoáng nhưng tình hình cũng không khá hơn.
Quán cà phê của bà Loan nằm ngay mặt tiền đường Tô Hiệu, đối diện kênh Tô Hiệu, mỗi lần nước ngập ở đây trở thành con sông đen kịt, mùi hôi thối nồng nặc bốc lên. Mưa xuống quán của bà như một ốc đảo, nằm chổng chênh với mặt nước, hoặc có khi xe tải chạy qua nhanh tạo thành sóng lớn ập mạnh vào bên trong, ứ đọng nhiều giờ liền làm bà khổ sở dọn dẹp.
“Ở đây mưa to cũng ngập, mưa nhỏ cũng ngập, nói chung là ngập quanh năm. Môi lần mưa xuống tôi sợ lắm, buôn bán ế ẩm. Có khi ngập kéo dài làm tôi phải đóng cửa quán, thiệt hại phân nữa lợi nhuận so với những ngày bình thường”, bà Loan nói.

Khu hẻm 158, đường Phan Anh, Q. Bình Tân thường xuyên chìm trong biển nước trong nhiều ngày

Khu hẻm 158, đường Phan Anh, Q. Bình Tân thường xuyên chìm trong biển nước trong nhiều ngày

 Đường Bình Trị Đông (P.13, Q.6) cũng lâm vào cảnh tương tự


Đường Bình Trị Đông (P.13, Q.6) cũng lâm vào cảnh tương tự

Gần đó là khu hẻm 158, đường Phan Anh, Q. Bình Tân thường xuyên chìm trong biển nước trong đó có nhà bà Hồ Thị Tuyết Nga. Những lần như vậy bà cũng phải đóng cửa, nghỉ buôn bán. Khổ nhất là muốn đi ra ngoài phải lội nước, lấy xe đạp đi đưa rước cháu vì sợ xe máy sẽ không chạy được. Đồ đạc trong nhà phải dùng gạch để nâng cao, chống ngập úng gây hư hại.
Một điểm đen ngập nước khác mà mỗi khi nhắc đến người dân ở đây ai cũng nhăn mặt thở dài là khu vực đường Bình Trị Đông (P.13, Q.6). Chị Mai Ngọc Anh có nhà nằm trong con hẻm 958 lo lắng cho tháng mưa sắp tới. Bởi nhà chị cũng như nhiều nhà khác như bị cô lập, không thoát được cảnh ngập mỗi khi mưa xuống.
“Con hẻm lúc đầu sình lầy ghê lắm, nước ngập học sinh đi về té hoài, từ ngày ở phường xuống làm lại con đường xi măng đẹp đẽ tưởng đâu hết ngập ai ngờ hẻm này vẫn ngập. Cứ ngập là tôi phải lấy bạt, gạch đá chặn lại để ngăn dòng rác chứ nước thì tôi chịu thua. Không những vậy một số người trong hẻm này có nền thấp phải xây bờ tường cao lên”, Chị Anh thêm.

Theo Phạm Hữu – An Huy/Thanh Niên


Hãy chia sẻ cho bạn bè qua: