Ngắm Sài Gòn từ thuyền Phụng


Tour du lịch trên kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè chính thức hoạt động đã thu hút hàng nghìn người dân.

tour-thuyen-1

Đi qua mỗi một ngôi chùa, chiếc cầu… hướng dẫn viên kể lại câu chuyện lịch sử cho du khách nghe.

Ngày 2/9, tour du lịch trên kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè (TP HCM) chính thức hoạt động đã thu hút hàng nghìn người dân thành phố mang tên Bác đến thưởng ngoạn. Ngồi thuyền Phụng bềnh bồng, ngắm Sài Gòn, du khách còn được phục vụ nhạc truyền thống của dân tộc…

Thả hồn trên sông nước bình yên  

Sáng 2/9, vừa bước lên thuyền du ngoạn trên kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè, chúng tôi ngỡ ngàng khi được tận hưởng một góc nhìn khác về Sài Gòn văn minh, hiện đại mà gần gũi, thân quen. Không phải từ trên cao hay từ những tuyến đường bộ hành mà từ những chiếc thuyền chèo chống đã có từ thuở cha ông mở cõi về phương Nam.

Và bây giờ, những con thuyến ấy vẫn tiếp tục hiện diện cách điệu tại chính giữa lòng thành phố, đưa du khách trở về với bóng dáng một thuở quen thuộc mà không hề cũ…

Thú vị nhất là khi ngồi trên thuyền vào lúc hoàng hôn, ánh nắng bàng bạc rọi xuống mặt nước lung linh và huyền ảo, du khách được thả hồn trong làn gió mát và nghe tiếng nhạc đờn ca tài tử. Điều bất ngờ và ấn tượng của chuyến đi là khi thuyền đến giữa chặng đường thì nghe văng vẳng tiếng kèn saxophone nổi lên với những bài nhạc tình ca muôn thuở như: Tiếng xưa (Dương Thiệu Tước), Hạ trắng (Trịnh Công Sơn), Trở về dòng sông tuổi thơ (Hoàng Hiệp)…

Khi thuyền đến gần cầu Lê Văn Sỹ (gần chùa Quan âm tu viện), hướng dẫn viên đưa du khách mỗi người một chiếc hoa đăng và ai cũng thành tâm cầu một điều ước trước khi thả xuống nước. Đến điểm dừng, một nhân viên đứng ở nhà ga lịch sự cảm ơn và tặng  du khách một chiếc quạt bằng gỗ…

Du khách muốn đi thuyền Phụng, loại cao cấp có giá 220 nghìn/khách. Loại thuyền này có bốn ghế, du khách ngồi đối diện quanh một chiếc bàn vuông đã bày sẵn nước suối và bánh ngọt miễn phí. Mỗi thuyền có hai nhân viên phục vụ, người cầm chèo là phụ nữ duyên dáng trong tà áo dài xanh cách điệu; Người còn lại làm nhiệm vụ hướng dẫn viên giới thiệu cho khách hiểu thêm về lịch sử tuyến kênh, từng cây cầu bắc ngang qua kênh hay câu chuyện về những kiến trúc đã gắn chặt với sự hình thành và phát triển của thành phố…

Phát triển du lịch xanh từ… “dòng kênh đen”

Có thể nói, nằm giữa lòng thành phố như một dải lụa mềm, kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè biến đổi theo dòng lịch sử. Từ một dòng kênh bị ô nhiễm do rác thải sinh hoạt của hàng vạn hộ dân dọc hai bên bờ kênh và TP HCM, được đầu tư hơn 300 triệu USD để cải tạo, đến nay, dòng kênh đã sạch sẽ và trong xanh, mang diện mạo mới.

Từng chứng kiến sự thay đổi của dòng kênh, ông Năm (gần 80 tuổi, sinh sống lâu năm ở ven bờ kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè) chia sẻ: “Nhiều năm trước đây, dòng kênh này hôi thối và bị ô nhiễm trầm trọng. Nhưng đến bây giờ dòng kênh đã thay đổi ngoài sức tưởng tượng của tôi. Không những sạch sẽ, nước trong hơn mà thành phố còn cho phép hoạt động du lịch trên kênh này khiến người dân chúng tôi cảm thấy thích thú. Mấy ngày nay, chiều nào tôi và những người bạn cùng tuổi cũng ra đây hóng mát, tập thể dục vừa xem những chiếc thuyền qua lại và nghe tiếng nhạc trên kênh vọng về…”.

Trao đổi với PV, bà Văn Thị Bạch Tuyết, Giám đốc Sở Du lịch TP HCM cho biết, được sự ủng hộ về chủ trương của TP và sự hỗ trợ của Sở GTVT, Sở Du lịch, Công ty thuyền Sài Gòn đã nghiên cứu xây dựng và đầu tư tuyến du lịch đường thủy nội đô kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè. Đây là sản phẩm hoàn toàn mới, chưa từng có ở Việt Nam.

“Sản phẩm này là một trong những giải pháp nhằm góp phần phát triển du lịch xanh, du lịch văn hóa, khơi gợi ý thức bảo vệ môi trường trong người dân thành phố; Góp phần phát triển kinh tế và tạo thêm một dấu ấn trong lòng du khách về một Sài Gòn – TP HCM lạ lẫm mà rất gần gũi”, bà Tuyết nói.

Theo Ban tổ chức, lộ trình một chuyến thăm quan trên kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè dài 4,5 km đi qua các địa bàn quận 1, quận 3, quận Bình Thạnh và quận Phú Nhuận với thời gian 1 giờ 30 phút. Tất cả các thuyền đều được trang trí đẹp, phù hợp với cảnh quan và đậm đà bản sắc Việt Nam. Trên các thuyền có trang bị đầy đủ phương tiện cứu sinh cho khách và có mái che. Tuyến du lịch sẽ hoạt động đều đặn từ 15h đến 22h mỗi ngày, bắt đầu từ ngày 2/9. Du khách ngồi thuyền Phụng (từ 4-6 ghế) với giá 220.000 đồng/khách, còn đi thuyền chống với sức chứa 7-20 hành khách có giá 110.000 đồng/khách.

Khách có thể mua vé trực tiếp tại nhà ga (nhà ga quận 1 trên đường Hoàng Sa, cạnh chân cầu Thị Nghè và nhà ga quận 3 trên đường Hoàng Sa gần chùa Chantaransay). Bên cạnh đó, khách du lịch có thể mua vé tại các văn phòng tour, lễ tân các khách sạn và các đại lý công ty du lịch tại TP HCM.

Trên thuyền lớn có biểu diễn nhạc dân tộc truyền thống và các nghệ sĩ thổi kèn saxophone với những nhạc phẩm trong và ngoài nước như: Tiếng xưa, Hạ trắng, Trở về dòng sông tuổi thơ, Loving you, Don’t make me wait for love, Going home…

Nguồn: Theo Phương Loan / Báo Giao thông

(Zing đặt lại tiêu đề bài viết)


Hãy chia sẻ cho bạn bè qua: