Sau tai nạn sập cầu, TP.HCM cấp bách rà soát cầu cũ, yếu


Các cơ quan chức năng đã thành lập một lực lượng bố trí gần cầu Bình Lợi để điều tiết 24/24 giờ. Khi thủy triều xuống sẽ cho phép tàu, thuyền và sà lan lưu thông để tránh sập cầu.

Theo thống kê của Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP HCM, đường thủy nội địa ở TP này lên đến 1.000 km, trong đó hơn 110 tuyến sông, kênh, rạch… Hiện ở các huyện Nhà Bè, Bình Chánh, Củ Chi có hàng loạt cầu cũ.

Đề nghị kiểm tra kỹ thuật

Trung tá Phan Văn Mẫn, Đội trưởng Đội 2 Phòng Cảnh sát Đường thủy (PC68) – Công an TP HCM, cho biết qua vụ tai nạn cầu Ghềnh, nhìn lại địa bàn TP HCM, thấy có một cây cầu tương đồng là cầu Bình Lợi. Cầu này xây dựng đã trên 100 năm, kết cấu bằng sắt và có tàu hỏa đi qua.

“Nếu xảy tai nạn đường thủy thì ở cầu Bình Lợi sẽ thiệt hại hơn cả cầu Ghềnh vì ở đây xe 2 bánh qua lại rất đông và cầu có kết cấu cũ hơn nhiều so với cầu Ghềnh” – ông Mẫn nhận định.

Theo ông Mẫn, độ tĩnh không của cầu Bình Lợi chỉ cao 1,5 m. Trong năm 2015, cầu Bình Lợi đã xảy ra 3 vụ va chạm. Ngoài ra, cầu Long Kiểng, cầu Rạch Dơi (huyện Nhà Bè) cũng bị sập do sà lan tông vào. Đặc biệt, cầu Cái Tâm (huyện Bình Chánh) bị sà lan làm sập toàn bộ vào tháng 9-2015, gây ách tắc cục bộ giao thông toàn tuyến.

Ông Mẫn cho biết thêm các cơ quan chức năng đã thành lập lực lượng bố trí gần cầu Bình Lợi để điều tiết 24/24 giờ. Khi thủy triều xuống sẽ cho phép tàu, thuyền và sà lan lưu thông.

Sáng 21-3, nước lên cao khiến nhiều sà lan phải neo đậu gần khu vực cầu Bình Lợi Ảnh: Đức Nam

Sáng 21-3, nước lên cao khiến nhiều sà lan phải neo đậu gần khu vực cầu Bình Lợi Ảnh: Đức Nam

Trả lời câu hỏi sau vụ sập cầu Ghềnh, PC68 – Công an TP HCM sẽ có những biện pháp trước mắt thế nào để phòng ngừa sự cố tương tự, ông Mẫn cho biết PC68 đã tổ chức điều tra, khảo sát cơ bản các cầu có độ tĩnh không thấp. Sau khi thu thập đủ tài liệu sẽ gửi kiến nghị đến các cơ quan quản lý đường thủy nội địa và Sở GTVT TP để lắp đặt thêm thiết bị báo hiệu, thanh bảo vệ trụ cầu. PC68 đã có công văn gửi Cục Đường sông Việt Nam đề nghị kiểm tra lại các phao neo. Quanh cầu Bình Lợi chỉ có 9 phao neo.

PC68 còn tổ chức các đợt phối hợp lực lượng cảnh sát đường thủy,  Cảng vụ Hàng hải TP HCM, Cảng vụ Đường thủy nội địa, Thanh tra giao thông… kiểm tra các khu vực có phương tiện neo đậu ở các cầu để giải quyết tình trạng neo đậu trái phép hoặc không cử người trông coi.

Theo ông Mẫn, các vụ tai nạn xảy ra hầu hết nguyên nhân do người điều khiển phương tiện chứ không phải dòng chảy. “Trước khi chui cầu, thuyền trưởng phải tìm hiểu kỹ độ cao, độ rộng của khoang thông thuyền để quyết định đưa phương tiện đi qua. Do chủ phương tiện không tính toán kỹ độ nước dâng lên, thời gian di chuyển khiến phương tiện va, đâm sẽ gây sập cầu” – ông Mẫn cho biết.

Nên xây ụ chống va chạm

Kỹ sư Vũ Văn Thành, giảng viên môn sức bền vật liệu Trường ĐH GTVT Hà Nội, cho biết để hạn chế việc sà lan va vào cầu, nên xây các ụ chống va chạm, thanh bảo vệ trụ cầu. Nếu không có kinh phí nâng cầu, có thể giải quyết trước mắt việc xây ụ chống va chạm và thanh bảo vệ, chi phí không cao nhưng góp phần bảo vệ cầu hiệu quả. Nếu sà lan bị dòng chảy cuốn trôi đâm vào cầu sẽ gặp phải ụ chống va chạm hoặc thanh bảo vệ sẽ ngăn lại hoặc làm chệch hướng. Không nắm vững luồng, lạch thì tài công không nên liều vì sẽ gây hậu quả đáng tiếc.

Ông Vũ Duy – Phó Trạm Điều tiết lưu thông của Công ty CP Quản lý, Bảo trì đường thủy nội địa số 10 – cho biết từ ngày 1-1, trạm tiếp nhận việc bảo đảm lưu thông đường thủy qua cầu sắt Bình Lợi. Đơn vị đã trang bị hệ thống ống nhòm, camera và ca-nô…

“Dòng nước sông Sài Gòn khá phức tạp, mực nước liên tục thay đổi vào những ngày 15 và 30 âm lịch mỗi tháng. Nếu thấy độ tĩnh không nằm trong mức an toàn, trạm điều tiết sẽ thông báo cho chủ phương tiện được phép lưu thông. Nếu tài công cố chấp, trạm sẽ thông báo lực lượng Thanh tra đường thủy lập biên bản xử lý” – ông Duy cho biết.

Sẽ xây cầu sắt Bình Lợi mới

Cuối tháng 4-2015, đã có buổi lễ động thổ công trình cầu sắt Bình Lợi (TP HCM) và nâng cấp tuyến đường sắt dài 71 km (kéo dài đến tỉnh Bình Dương) với tổng kinh phí lên đến 1.300 tỉ đồng. Tuy nhiên, do vướng mặt bằng và các thủ tục liên quan nên dự án đã chậm trễ.

Phó Chủ tịch UBND TP HCM Lê Văn Khoa cho biết sau sự cố cầu Ghềnh, lãnh đạo TP sẽ chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ xây dựng cầu sắt Bình Lợi, dự kiến trong tháng 4-2016 sẽ khởi công. Ngoài ra, điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư công trình sửa chữa cầu, cống kênh Chiến Lược (phường Bình Trị Đông, quận Bình Tân) từ 8,75 tỉ đồng thành 14,35 tỉ đồng để đẩy nhanh tiến độ.

Theo Lê Phong – Nguyễn Nhi | Người Lao Động


Hãy chia sẻ cho bạn bè qua: