TP Hồ Chí Minh: Đánh thức tiềm năng du lịch đường sông


Việc phát triển du lịch đường sông được xem là mũi nhọn, sự đột phá về phát triển sản phẩm du lịch của TP Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, trên thực tế sự phát triển của loại hình du lịch này vẫn chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế sẵn có. Ngành Du lịch TP đang tập trung lập kế hoạch khai thác và phát triển, từng bước đánh thức loại hình du lịch giàu tiềm năng này.

Đặc sản nào tạo thương hiệu du lịch TP.HCM?

Nên đi du lịch một mình hay đi du lịch theo nhóm?

Những điểm du lịch thú vị ít người biết ở Vũng Tàu

Vài lưu ý nhỏ cho du khách khi du lịch Sài Gòn

Các doanh nghiệp du lịch bằng đường thủy được triển khai tại Bến Tân Cảng - Khu Du lịch Tân Cảng. Ảnh: CT

Các doanh nghiệp du lịch bằng đường thủy được triển khai tại Bến Tân Cảng – Khu Du lịch Tân Cảng. Ảnh: CT

Doanh nghiệp tham gia khai thác còn chưa nhiều

Du lịch đường sông là trọng tâm, là sản phẩm chiến lược trong định hướng phát triện du lịch giai đoạn 2015 – 2020 của TP nhằm góp phần phát triển du lịch xanh, du lịch văn hóa, mang lại một ấn tượng mới cho du khách khi đến với TP Hồ Chí Minh.

Tính đến năm 2015, Sở Du lịch đã tham mưu và triển khai được 7 tuyến du lịch gồm 2 tuyến tầm ngắn (Bạch Đằng dọc theo đại lộ Đông Tây, Bạch Đằng – Phú Mỹ Hưng); 3 tuyến tầm trung (Bạch Đằng – Cần Giờ, Bạch Đằng – địa đạo Củ Chi và Bạch Đằng – chùa Hội Sơn) và 2 tuyến tầm xa kết nối với các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long và Campuchia với sự tham gia của một số công ty như Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn, Saigon River Tour…

Đồng thời, Sở Du lịch cũng thực hiện thí điểm vận hành tuyến xe buýt không trợ giá, sử dụng xe điện nhằm kết nối với 2 bến thủy trên đường Trường Sa, dọc kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè góp phần làm đa dạng thêm các loại hình du lịch đường sông…

Tính đến hết năm 2015, hoạt động vận tải hành khách du lịch bằng đường thủy của các doanh nghiệp được triển khai tại Bến Tân Cảng – Khu Du lịch Tân Cảng.

Hiện nay, toàn TP có 19 doanh nghiệp đang tham gia khai thác du lịch đường sông với hơn 100 phương tiện vận chuyển các loại gồm: Tàu, thuyền, du thuyền, ca nô…

Theo số liệu của Sở Du lịch TP, 9 tháng đầu năm 2016, số lượt khách tham quan trên sông đạt 68.000 lượt. Tổng lượng khách tham quan trên sông từ năm 2013 đến hết tháng 9/2016 đạt khoảng hơn 257.000 lượt, bình quân mỗi năm tăng 11,5%…

Du lịch đường sông của TP sẽ phát triển hơn nữa trong thời gian tới. Ảnh: CT

Du lịch đường sông của TP sẽ phát triển hơn nữa trong thời gian tới. Ảnh: CT

Một số giải pháp phát triển du lịch đường sông

Với thực trạng du lịch đường sông như hiện nay, bà Lưu Thị Hồng Diễm – Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Dịch vụ Địa Trung Hải (đơn vị kinh doanh du lịch đường sông bằng du thuyền King Yacht) cho rằng, du lịch đường sông của TP còn chưa phát triển được là do 3 vấn đề chính là: Thiếu quy hoạch cụ thể về bến bãi, cầu tàu; môi trường ô nhiễm; cuối cùng là hạn chế về thiết kế và quảng bá sản phẩm.

TP cần có quy hoạch rõ ràng về bến bãi, cầu phà cho tàu thuyền neo đậu cùng những chính sách cho nhà đầu tư tham gia cũng như nạo vét lại một số đoạn kênh và chống xả rác. Khi giải quyết được vấn đề này thì doanh nghiệp sẽ tích cực tham gia vào phát triển sản phẩm…

Để du lịch đường sông thực sự phát triển trong thời gian tới, ngành Du lịch TP đã kiến nghị với UBND TP chỉ đạo các đơn vị liên quan đẩy nhanh tiến độ dự án về môi trường như nạo vét rạch Bến Nghé, kênh Tàu Hủ, giải tỏa các hộ dân đang sinh sống ven kênh rạch, tuyên truyền vận động cộng đồng dân cư thực hiện nếp sống văn minh; đầu tư một số bến tàu, nâng cấp, xây dựng tạm thời các cầu tàu, nhà chờ đón khách đủ tiêu chuẩn du lịch tại bến Bạch Đằng.

Bên cạnh đó, tích cực hoàn thành kế hoạch lập quy hoạch và phát triển bờ tây sông Sài Gòn, xây dựng bến tàu du lịch mới. Tổ chức và thực hiện việc khai thác và phát huy hiệu quả toàn bộ các sông rạch dọc Đại lộ Võ Văn Kiệt như xây dựng các trạm dừng kết hợp đường bộ, đường sông…

Giám đốc Sở Du lịch Bùi Tá Hoàng Vũ cho biết, trong thời gian tới Sở Du lịch tiếp tục khảo sát nhằm thu thập những số liệu cụ thể, đánh giá các điểm mới dọc sông làm cơ sở xây dựng quy hoạch và sớm đưa vào khai thác các tuyến du lịch trên sông, kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư, hình thành các sản phẩm du lịch đặc trưng. Đồng thời, có chính sách thu hút vốn đầu tư ngoài công lập, hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp khai thác được nhằm hình thành các sản phẩm du lịch mang dấu ấn đặc trưng “trên bến dưới thuyền”, chợ nổi… Song song đó, sẽ đẩy mạnh hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch đường sông của TP đến người dân và du khách mạnh mẽ hơn, giúp du khách có thêm góc nhin khám phá vẻ đẹp khi đến TP Hồ Chí Minh…

Mới đây, tại một hội thảo về hướng phát triển cho du lịch đường sông ở TP Hồ Chí Minh, ông Phan Xuân Anh, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Công ty Du Ngoạn Việt kiến nghị TP dành ra 800m Cảng Nhà Rồng để cho ngành Du lịch khai thác, tạo điều kiện cho các tàu du khách viễn dương được neo đậu. Qua đó, tăng thời gian cho du khách nghỉ đêm, đồng thời thúc đẩy việc chi tiêu của du khách nhiều hơn, mang lợi tức cho người dân TP.

Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho biết, TP xác định du lịch là ngành kinh tế dịch vụ có giá trị gia tăng cao. Tuy nhiên, để du lịch là kinh tế mũi nhọn thì một trong những việc cần làm là đa dạng hóa sản phẩm du lịch để du khách đến chi tiêu và còn quay trở lại. Việc đa dạng hóa sản phẩm du lịch chính là việc làm cần thiết lúc này để giữ chân du khách…

Trước quyết tâm của lãnh đạo TP Hồ Chí Minh cùng sự chung sức, đồng lòng của doanh nghiệp du lịch, hy vọng trong tương lai không xa, du lịch đường sông của TP sẽ phát triển hơn nữa, là một trong những niềm tự hào của người dân TP khi giới thiệu những sản phẩm du lịch của TP Hồ Chí Minh đến với du khách.

Theo thanhtra.com.vn


Hãy chia sẻ cho bạn bè qua: