Trường trung học lớn nhất Sài Gòn kỷ niệm 100 năm thành lập


Sáng 17/11, đông đảo cựu học sinh, trong đó có Phó thủ tướng Trương Hòa Bình đến dự lễ kỷ niệm 100 năm thành lập trường THPT Marie Curie (TP HCM).

Trường học không bục giảng lẫn người dạy ở Sài Gòn

Bốn ngôi trường trung học trăm tuổi ở Sài Gòn

Thành lập năm 1918, trường THPT Marie Curie (quận 3, TP HCM) từng nổi tiếng là trường trung học lớn nhất nước với hơn 5.000 học sinh mỗi năm. Ngôi trường được đặt theo tên của nhà vật lý, hóa học người Ba Lan – Pháp, cũng là người phụ nữ đã nhận hai giải Nobel.
Sáng 17/11, ban giám hiệu trường đã tổ chức lễ kỷ niệm 100 năm thành lập trường, thu hút hơn 1.000 người tới dự.

Thầy Nguyễn Đăng Khoa, Hiệu trưởng trường THPT Marie Curie làm lễ thắp đuốc, đánh dấu cột mốc lịch sử của trường. Trong diễn văn khai mạc, thầy Khoa nhấn mạnh: “Một thế kỷ đã trôi qua với bao thăng trầm nhưng ngôi trường vẫn luôn làm tròn thiên chức trồng người. Nhà trường luôn xác định việc nâng cao chất lượng dạy và học là nhiệm vụ hàng đầu và là bước đột phá cần thiết trong thời kỳ hội nhập hiện nay”.

Phó thủ tướng Trương Hòa Bình trao tặng quà cho các nguyên hiệu trưởng của trường. Phát biểu tại buổi lễ, Phó thủ tướng bày tỏ niềm vui và xúc động khi được trở lại ngôi trường đã gắn bó với ông hơn 40 năm trước. Ông cũng mong các thầy, cô giáo tiếp tục là những tấm gương sáng về tinh thần tự học và sáng tạo, mong các thế hệ học sinh giữ vững bầu nhiệt huyết của tuổi trẻ, với tinh thần hăng say cống hiến và lý tưởng cách mạng trong sáng.

Phó thủ tướng Trương Hòa Bình vui mừng gặp lại cô giáo cũ, nhà giáo Tôn Tuyết Dung, nguyên Hiệu trưởng trường THPT Marie Curie niên khóa 1975 – 1977. “Ngày ấy tôi làm hiệu trưởng quản lý hơn 5.000 học sinh nhưng vẫn nhớ như in trò Bình, lúc bấy giờ là Bí thư Đoàn trường, học rất giỏi và năng nổ”, cô Tuyết Dung chia sẻ.

Các cựu học trò thành đạt của trường, gồm bà Tôn Nữ Thị Ninh, kỹ sư hạt nhân Hoàng Xuân Hòa, nhà thiết kế thời trang Sỹ Hoàng… cùng giao lưu với học sinh và thầy cô.
Tại buổi giao lưu, cựu Đại sứ Việt Nam tại châu Âu – Tôn Nữ Thị Ninh động viên thế hệ học trò muốn thích ứng trong thời hội nhập “cần tìm tòi để hiểu, không phải chỉ biết vấn đề, đồng thời coi việc học tập là chia sẻ”.

“Chúng em rất tự hào về ngôi trường mình đang học. Em thấy không gian trong trường vừa thân thiện và sáng tạo, và có cảm giác thoải mái giống như mình đang ở nhà”, Lê Thảo Hiền (học sinh lớp 10A14) chia sẻ.

Ca sĩ Đông Nhi, cựu học sinh trường hát tặng các thầy cô và học sinh ca khúc “Nụ cười Việt Nam”.

Màn trình diễn áo dài của nhà thiết kế Sỹ Hoàng gợi nhớ lịch sử và văn hóa Sài Gòn xưa và nay.

Bà Hồ Bích Thủy, cựu học sinh trường cầm tấm ảnh kỷ niệm chụp năm 1977, trò chuyện với cô giáo cũ. “Được trở lại mái trường xưa tròn 100 tuổi, tôi rất bồi hồi, nhớ bạn bè và nhớ thầy cô cũ. Ngôi trường này sẽ mãi là kỷ niệm đẹp theo tôi suốt cuộc đời”, bà xúc động, nói.

Những gian hàng bày bán đồ lưu niệm, đồ “hand made” do học sinh của trường tổ chức để phục vụ cựu học trò và khách tham quan.

Bên góc sân trường, những thế hệ học trò trường Marie Curie cùng trò chuyện, ôn lại kỷ niệm xưa.

Các cựu học trò và du khách chụp hình lưu niệm trước cổng trường.
Trường THPT Marie Curie có tên gọi ban đầu là Cao đẳng Tiểu học nữ sinh người Pháp (EPS des J.F. Francaises), chỉ giảng dạy các môn học bằng tiếng Pháp cho các nữ sinh người Pháp và một số ít người Việt xuất thân từ các gia đình giàu có, quyền quý.
Từng là trường tư thục dành riêng cho nữ sinh, đến năm 1970, trường mới tiếp nhận thêm nam sinh. Ngày nay, trường trở thành trường THPT công lập. Trường có diện tích hơn 21.000 m2, được thiết kế theo lối kiến trúc Pháp từ cổng chào, vườn cây, đài phun nước, các dãy lớp học… Năm 2015, trường được UBND TP HCM công nhận là di tích lịch sử – văn hóa – danh lam thắng cảnh của thành phố.

Theo vnexpress

Hãy chia sẻ cho bạn bè qua: