Xã hội cần lắm “mấy đứa rảnh” ở ngã tư Hàng Xanh!


“Mấy đứa này rảnh quá, về nhà ăn cơm đi” là câu nói của một người đàn ông với nhóm sinh viên ở ngã tư Hàng Xanh (Q.Bình Thạnh, TP.HCM), khiến cộng đồng mạng “dậy sóng” với nhiều luồng ý kiến ngày qua.

Các sinh viên Trường ĐH Giao thông vận tải chuyển tải thông điệp bảo vệ môi trường tại ngã tư Hàng Xanh - Ảnh: Ngọc Hiển

Các sinh viên Trường ĐH Giao thông vận tải chuyển tải thông điệp bảo vệ môi trường tại ngã tư Hàng Xanh – Ảnh: Ngọc Hiển

Dù nhiều lần bị chọc ghẹo như thế nhưng nhóm sinh viên này vẫn nở nụ cười, tay giơ những tấm biểu ngữ đứng giữa ngã tư để người đi đường hướng mắt vào những thông điệp ghi trên giấy.

Đó là những dòng chữ được viết bằng tay: “Nhận tờ rơi, đừng đánh rơi xuống đất”, “Tắt máy 25 giây vì môi trường”, “Hãy sử dụng sản phẩm tái chế”, “Hãy sử dụng xăng E5”…

Dòng người đừng đèn đỏ ngay ngắn đọc các thông điệp - Ảnh: Ngọc Hiển

Dòng người đừng đèn đỏ ngay ngắn đọc các thông điệp – Ảnh: Ngọc Hiển

Vũ Thị Bích Ngọc (sinh viên khoa Quan hệ quốc tế, ĐH KHXH&NV TP.HCM), cho biết đã một tuần nay Ngọc cùng những người bạn của mình tự nguyện đến ngã tư Hàng Xanh để truyền tải những thông điệp ý nghĩa này đến người dân.

Khi đèn đỏ, nhóm này ra đứng thẳng một hàng giơ thông điệp, đến khi đèn xanh, nhóm lại đồng loạt cúi đầu chào người dân rồi lên lề đứng nghiêm túc.

Một người dân bày tỏ sự thân thiện với các sinh viên - Ảnh: Ngọc Hiển

Một người dân bày tỏ sự thân thiện với các sinh viên – Ảnh: Ngọc Hiển

Nguyễn Tuấn Anh (sinh viên ĐH Kinh tế TP.HCM) cho biết những thông điệp này nó hết sức thiết thực mà nhiều khi con người ta không để ý. Ví dụ một người mỗi ngày dừng 20 trụ đèn đỏ, mỗi lần như thế tắt máy 30 giây thì họ đã tiết kiệm đến 10 phút tiêu tốn nhiên liệu của xe.

Nếu con số này nhân lên cho một tháng thì thời gian xe không chạy nhưng vẫn tiêu tốn nhiên liệu mà chúng ta tiết kiệm được lên đến 5 tiếng đồng hồ.

“Trước tiên đó là tiết kiệm cho mỗi người, sau đó là giảm thiểu ô nhiễm môi trường nên mình thấy việc đứng giữa đường nhưng mang lại lợi ích, tạo ra sự thay đổi cho xã hội thì đó là một việc làm rất ý nghĩa” – Tuấn Anh nói.

Không riêng gì nhóm của Ngọc, tại ngã tư Hàng Xanh có đến 3 nhóm sinh viên khác của các trường đại học cũng ra đứng ở các ngã tư quanh vòng xoay để tạo sự chú ý của người đi đường bằng việc giơ những dòng chữ khi có đèn đỏ.

Khi đèn đỏ, người đi đường dừng xe, các sinh viên lại xuống đường giơ các thông điệp - Ảnh: Ngọc Hiển

Khi đèn đỏ, người đi đường dừng xe, các sinh viên lại xuống đường giơ các thông điệp – Ảnh: Ngọc Hiển

Mỗi ngày, các nhóm đều luân phiên thực hiện công việc trên vào 16g đến 18g, kéo dài đến 19-3. Đây là một hoạt động trong chiến dịch Giờ trái đất năm 2016, truyền tải thông điệp bảo vệ môi trường trực tiếp cho người dân khi dừng đèn đỏ tại các ngã tư lớn ở các quận trung tâm TP.HCM.

Nhiều người trong đám đông mỉm cười, bày tỏ sự thân thiện, ủng hộ. Nhiều người tắt máy xe. Đôi người đi ngang vỗ vai các bạn “làm tốt lắm”. Đâu đó nhiều người bày tỏ: “Tụi này khùng”, “rảnh quá”, “chắc bị điên”…

Bạn đọc ủng hộ hành động của “mấy đứa rảnh”

Từ bức xúc với chuyện xả rác, đại đa số ý kiến ủng hộ hành động của nhóm bạn trẻ. Trong đó nhiều bạn đọc cho rằng cần phải duy trì, nhân rộng hành động đẹp và thiết thực này ở nhiều địa phương khác.

Bạn đọc Văn Minh nhận xét: “Hoan hô các bạn sinh viên. Các hành động này rất thiết thực cho xã hội để đánh thức những ý thức chưa tốt. Thiết nghĩ chính quyền các cấp phải mạnh tay nhờ những chương trình truyền hình như kịch, phim ảnh nhằm mở rộng tuyên truyền để cuộc sống người Việt Nam ngày càng văn minh hơn. Không hút thuốc nơi công cộng, không ném rác ngoài đường, không vứt giấy tiền vàng bạc ngoài đường, không chửi tục, tiết kiệm điện nước…”.

Tương tự, bạn đọc Long Phạm cho rằng việc này phải thực hiện lâu dài, chứ không nên hưởng ứng “Giờ trái đất” rồi sau đó mất hút.

Tuy nhiên, theo một số bạn đọc, sinh viên phải chọn vị trí hợp lý, không làm ảnh hưởng đến giao thông công cộng và đảm bảo an toàn cho bản thân. Một số ý kiến cũng cho rằng việc tắt máy 25 giây để bảo vệ môi trường cần phải có một nghiên cứu đáng tin cậy trước khi tuyên truyền đến cộng đồng.

Theo Ngọc Hiển | Tuổi Trẻ


Hãy chia sẻ cho bạn bè qua: