“Chở thật thà vào lòng dối trá”!


Bạn có thể học ở bất kỳ trường nổi tiếng, nhưng nếu không học với thầy giỏi, thầy tốt, tên tuổi của trường cũng không có ý nghĩa nhiều.

Thiêng liêng và ý nghĩa ngày Nhà giáo Việt Nam tại Trường ĐH Nguyễn Tất Thành

Ký ức về thầy: Quay ngược thời gian

Là một nghiên cứu sinh về giáo dục Hoa Kỳ, tác giả Nguyễn Thị Lan Hương bày tỏ những suy nghĩ về việc xây dựng thương hiệu đại học.

Theo đó, tác giả đề cao vai trò tên tuổi của các thầy cô giáo trong việc thu hút học sinh quan tâm đến trường. Ngoài ra, yếu tố chất lượng giáo dục cũng cần được nâng cao.

Xin trân trọng gửi đến độc giả bài viết này:

“Mấy tháng vừa rồi, có nhiều bài viết trên báo chí đưa ra lời khuyên với các đại học, nhất là đại học ngoài công lập của Việt Nam về việc xây dựng thương hiệu cho đại học bằng nâng cao chất lượng giáo dục.

Đây là điều đúng, chỉ có điều bằng cách nào, thì mỗi đại học, mỗi hệ thống giáo dục đều phải tự tìm ra câu trả lời cho bản thân.

Có một số ví dụ nhỏ trong quá trình học tập tại Việt Nam và nước ngoài, đã làm cho tôi hiểu, thế nào là một thương hiệu giáo dục được xây dựng tốt, bất chấp nó được đầu tư bao nhiêu tiền.

Giảng viên là thương hiệu số 1 của bất kỳ trường học nào

Những năm tháng tôi vào học ở Trưng Vương cấp 1 cho đến Thăng Long cấp 3 và sau này đại học ở Tổng hợp, rồi ra nước ngoài học tập, tôi luôn nhìn thấy giáo viên chính là thương hiệu của trường học.

Bạn có thể học ở bất kỳ trường nổi tiếng, nhưng nếu không học với thầy giỏi, thầy tốt, tên tuổi của trường cũng không có ý nghĩa nhiều.

Thương hiệu đại học được quyết định bởi tiêu chí nào? (Ảnh minh họa trên Mực tím)

Thương hiệu đại học được quyết định bởi tiêu chí nào? (Ảnh minh họa trên Mực tím)

Điều này chắc ai đã “luyện chuyên” đều biết nguyên tắc đi tìm lớp học là tìm theo tên thầy giỏi. Nguyên tắc này không thay đổi, dù học lên đến tiến sỹ.

Khi đi tìm học một ngành, một môn nào đó, tôi luôn nỗ lực tìm kiếm tên tuổi của những thầy có uy tín trong lĩnh vực đó, và hầu như, những người có uy tín trong cùng ngành đều “quen biết” nhau cả.

Họ có mạng lưới kết nối, và việc mình đọc, học từ một trong những người thầy có uy tín giúp học sinh đi nhanh, đi sâu hơn trong lĩnh vực, và theo đó, tiết kiệm được thời gian hơn rất nhiều.

Do vậy, nếu ai muốn nghiêm túc xây dựng thương hiệu cho trường mình, hãy tìm thầy giỏi! Đó là lời khuyên chân thành của cá nhân tôi.

Việc có được thầy giỏi cũng như có được viên ngọc quý và nó tự tỏa sáng trong quá trình làm việc với trường.

Và ngược lại, để ngọc tỏa sáng, trường cũng cần có đủ khả năng và tạo điều kiện giúp thầy giỏi làm đúng với sở trường của mình.

Câu chuyện về mời giảng viên có uy tín về giảng dạy và nghiên cứu không bao giờ là bài toán dễ, đặc biệt ở môi trường Việt Nam.

Chúng ta bị nhiều rào cản trong tâm thức, trong cơ chế và trong tính toán được-mất hay “ăn bánh trả tiền”, khi sử dụng nhân lực cao cấp.

Điều này ảnh hưởng lớn đến khả năng tuyển dụng và sử dụng nhân tài là thầy giỏi của giáo dục Việt Nam, mà vụ việc pháp lý kiện Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng là một ví dụ nên được nghiên cứu.

Tôi đã từng được chứng kiến việc một nhà đầu tư sẵn sàng bỏ hàng trăm nghìn đô la chi phí cho quảng bá thương hiệu, nhưng mặc cả tiền làm việc của giáo viên trên từng trăm nghìn đồng!

Chưa kể đến những kiểu “giao dịch đặc trưng Việt Nam”, khi hợp đồng ký cứ ký, nhưng đến lúc thực hiện thì không ai tôn trọng cả, dẫn đến khi có những trục trặc, hai bên khó có thể trao đổi có văn hóa và sòng phẳng.

Cuối cùng, nhiều trường có danh tiếng một thời, tan nát hết thương hiệu gây dựng bao năm, chỉ có những ngư ông ngồi chờ đắc lợi!

Dạy “sống đẹp” cho học sinh chính là thương hiệu của trường

Một câu chuyện được hỏi ở đại học Mỹ, rằng có bao nhiêu người biết tên Tổng thống Mỹ hiện thời? Có bao nhiêu người nhớ được tên hoa hậu Mỹ hay thậm chí lịch sử cận đại Mỹ?

Tỷ lệ người biết được khá thấp, và sau đó, người ta đã làm khảo sát về việc điều gì sẽ gây ấn tượng và làm sinh viên nhớ lâu về trường nhất.

Kết quả tìm được hầu hết là những ví dụ về việc người thầy, hay ai đó trong trường đã có cư xử “tử tế”, “tốt bụng”, “chân thành”… với học sinh.

Không có nhiều người còn nhớ mình đã có điểm như thế nào, nhưng sinh viên sẽ nhớ đến ai giúp đỡ họ trong lúc họ muốn bỏ học, trong khi họ khủng hoảng tinh thần hay khi gia đình họ, đơn giản là không có tiền ăn và trả học phí.

Từ nghiên cứu nhỏ trên, nhiều nhà khoa học Mỹ đã đặt vấn đề về việc dạy học sinh “sống đẹp” bằng những hành xử đẹp của chính thầy cô, nhà trường có lẽ là cách xây dựng thương hiệu tốt nhất, rẻ tiền nhất và hữu hiệu nhất.

Cũng như ngược trở lại, không có gì tệ hơn việc chính trong môi trường giáo dục, những thói hư tật xấu được “trình làng” từ chính những người đang là tấm gương về giáo dục.

Ở Việt Nam trước đây, có một trường đại học đã gây ấn tượng với cá nhân tôi về tuyên ngôn “Sống tử tế, học đàng hoàng, kết nối năm châu” như một khẩu hiệu, một sứ mạng của trường.

Giữa một thời kỳ kim tiền, thật giả lẫn lộn, mà có những nhà giáo, những con người dám đặt ra cho mình và cho trường mình một tuyên ngôn sống tử tế, thật đáng khâm phục!

Dạy được học sinh sống tử tế, sống đẹp, sống trung thực là một trong những điều khó khăn nhất, bởi có ai dám nói mình luôn trung thực, luôn tử tế và tốt đẹp.

Chính vì vậy, tôi luôn tin vào việc khi chúng ta dám đưa ra những chuẩn mực hành xử tốt đẹp trong nhà trường, điều này không chỉ để cho học sinh, mà cho chính giáo viên và nhân viên nhà trường phải tuân thủ và thực thi ở mức tận tâm, mới có thể giúp học sinh lấy đó là tấm gương học hỏi.

Sự xuống cấp về giáo dục Việt Nam hiện nay, đâu đó có phần đóng góp không nhỏ của sự xuống cấp đạo đức làm thầy của giáo viên và nhà trường.

Những tấm gương “xấu” trong giảng dạy, trong nghiên cứu, trong quản trị nhà trường là những “bài học” có sức mạnh vô hình để học sinh noi theo, bất chấp những lý lẽ giáo dục nào chúng ta giảng dạy.

Hãy cứ nhìn vào chuyện tiêu chuẩn chức danh tiến sỹ, giáo sư tranh cãi mấy tháng qua sẽ đủ thấy được những mặt trái của giáo dục đại học, mà đào tạo tiến sỹ và chức danh giáo sư chỉ là một phần nhỏ trong câu chuyện lớn.

Thú vị hơn nữa là dù mọi người bàn bạc gì về chức danh giáo sư, từ lâu nay, đã tồn tại một trang website mang tên Tạp chí Giáo Sư Dỏm Việt Nam để “bình”!

Thật thà, trung thực với mình, với người thì dù không làm thương hiệu, vẫn có thương hiệu

Đâu đó trên các diễn đàn, người ta đã nói đến việc chấm dứt thời “hữu xạ tự nhiên hương” (dịch nôm là, nếu bạn cung cấp dịch vụ tốt, bạn sẽ có thương hiệu).

Và bây giờ là phải đi marketing, phải “nổ”, phải trình diễn, phải tiếp cận chủ động, vân vân và vân vân.

Cá nhân tôi đồng ý với cả hai cách tiếp cận.

Việc bạn xây dựng thương hiệu bài bản, có truyền thông mạnh, tiếp cận với nhiều người… sẽ giúp bạn tăng cơ hội đến được với nhiều đối tượng tiềm năng và theo đó, có nhiều cơ hội thu hút học sinh đến với bạn.

Nhưng, dù bạn có làm truyền thông tốt đến đâu, nếu dịch vụ bạn cung cấp không tốt, chất lượng giảng dạy không được đảm bảo, học sinh ra trường không có nhiều kiến thức và kỹ năng để làm việc, thì việc truyền thông kia cũng phí hoài mà thôi.

Nhiều người đã bình về việc, nếu đọc chương trình học của nhiều trường về kinh tế, thương mại, tài chính… có lẽ khá giống nhau về tên và đề mục chương trình.

Vậy điều gì sẽ giúp học sinh lựa chọn trường A chứ không phải trường B?

Chất lượng của học sinh (mà cụ thể là các khóa học sinh trước), tỷ lệ có việc làm sau ra trường, các dịch vụ hỗ trợ sinh viên, các hoạt động ngoại khóa, các chương trình kỹ năng, các tổ chức “vừa học – vừa làm”, các hoạt động cộng đồng, các sinh hoạt khoa học và nghiên cứu, chương trình hỗ trợ học đường, vô vàn các hoạt động khác nữa giúp cho học sinh nhìn thấy mình là một phần trong cộng đồng đó, mình đại diện cho những giá trị đó, mình tự hào là học sinh của trường đó.

Đấy chính là sự lựa chọn thương hiệu và giá trị đi cùng!

Chính vì điều này, nhiều trường đã “quên” giữ những gì mình cam kết lúc tuyển sinh sinh viên và lúc sinh viên đã vào học.

Một bức tranh nhiều gam màu được vẽ ra, nhưng thực tế vào học thì buồn tẻ, ngao ngán cho cả mấy năm đời sinh viên!

Có lẽ không gì tội lỗi hơn việc làm cho những giấc mơ con trẻ về cuộc đời sinh viên lại nhuốm màu “đời” nếu khi họ vào học, mà không được hưởng trọn vẹn những gì mà một sinh viên tuổi trẻ cần có.

Theo đó, yêu cầu về thông tin minh bạch, về thầy cô, về trường, về chương trình, về học phí và học bổng, về những hỗ trợ học tập, cần được giữ trung thực, từ lúc đi tuyển sinh cho đến khi các em tốt nghiệp.

Có như thế mới hy vọng thương hiệu được xây dựng, được giữ gìn qua chính các thế hệ học sinh.

Tôi có thể thấy được từ những đại học uy tín trên thế giới, học sinh và học sinh đã tốt nghiệp, đã thành đạt là những đại sứ thương hiệu không gì thay thế được của bất kỳ đại học nào.

Vậy, để xây dựng thương hiệu đại học ư? Hãy làm những gì tốt nhất cho học sinh của mình, vậy thôi!”

 Theo giaoduc.net

Hãy chia sẻ cho bạn bè qua: