Học tại nhà: Dao sắc không gọt được chuôi


Bộ Giáo dục và đào tạo hiện chưa có chủ trương gì về mô hình học tại nhà. Tuy nhiên, cha mẹ dạy con có cái khó bởi dao sắc không gọt được chuôi, theo TS Lương Việt Thái, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu giáo dục phổ thông.

Nghỉ học phổ thông, tự học ở nhà

Nhiều quy định trong giáo dục áp dụng từ tháng 5

Câu chuyện một gia đình có truyền thống nghề giáo ở Tp HCM, vì thất vọng với cách giáo dục ở nhà trường, đã quyết định cho 2 cậu con trai học tại nhà đã làm dấy lên một cuộc tranh luận trong cộng đồng suốt tuần qua về mô hình này.

Homschooling- học tại nhà thực tế là mô hình đã có từ hàng chục năm nay trên thế giới, nhưng với Việt Nam, hãy còn xa lạ. Rất nhiều câu hỏi nóng đã đặt ra về ưu nhược điểm của mô hình này.

Để tìm hiểu rõ vấn đề này, chuyên mục Góc nhìn thẳng của báo VietNamNet đã có cuộc trao đổi với TS Lương Việt Thái, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu giáo dục phổ thông, Viện Khoa học giáo dục, Bộ giáo dục và đào tạo.

Sau đây là cuộc trò chuyện giữa nhà báo  Phạm Huyền với TS Lương Việt Thái – Giám đốc Trung tâm nghiên cứu giáo dục phổ thông, Viện KHGD, Bộ GD-ĐT

Nhà báo Phạm Huyền:Thưa ông, là nhà nghiên cứu tư vấn chính sách cho Bộ Giáo dục và đào tạo, ông có ủng hộ mô hình học tại nhà?

TS Lương Việt Thái: Theo quan điểm của tôi, nhìn chung, giáo dục theo mô hình học tại nhà trường vẫn là cần thiết cho sự phát triển hài hòa của học sinh, khi các em được tương tác xã hội, tiếp xúc với với các bạn cùng trang lứa. Đây là điều đặc biệt quan trọng ở lứa tuổi tiểu học, trung học cơ sở.

Theo tôi biết, hiện nay, Bộ Giáo dục và đào tạo cũng chưa có chủ trương hay các quy định về phương thức học tại nhà. Tuy nhiên, theo tôi, việc ủng hộ hay không còn tùy thuộc vào đối tượng cụ thể, đặc biệt là đối tượng học sinh, làm sao để tốt nhất cho các em. Ví dụ, có những em có điều kiện đi lại, đến trường rất khó khăn, hoặc có nhu cầu giáo dục đặc biệt thiết yếu mà nhà trường khó đáp ứng được, trong khi điều kiện gia đình của em đó có thể đáp ứng được tốt thì vẫn có thể ủng hộ.

Ở đây, tôi cũng xin nói thêm liên quan đến cái chung, hiện Bộ Giáo dục và đào tạo cũng đang rất quan tâm. Trong những năm gần đây, Bộ đã chỉ đạo giao cho các địa phương, nhà trường, giáo viên chủ động xây dựng kế hoạch giáo dục làm sao phù hợp với thực tế nhu cầu địa phương, nhà trường, đối tượng học sinh của mình. Trong đổi mới chương trình giáo dục phổ thông hiện nay, những vấn đề này đang tiếp tục được quan tâm.

Ngoài ra, Bộ cũng rất quan tâm đến việc dạy học phân hóa, học sinh có thể lựa chọn về môn học, chủ đề học tập, nội dung giáo dục phù hợp khả năng nhu cầu của các em. Những vấn đề đổi mới phương pháp dạy học, đánh giá kết quả học tập, xây dựng một môi trường học thân thiện cũng đang được Bộ thúc đẩy mạnh.

Nhà báo Phạm Huyền: Tại các nước được cho là có nền giáo dục tiên tiến như Mỹ, vẫn có tới 2 triệu học sinh học tại nhà. Vậy theo ông, sự khác biệt, ưu nhược điểm ở mô hình học tại nhà và tại trường là gì?

Báo Tuổi Trẻ ngày 2/5 đăng câu chuyện về gia đình anh Đặng Quốc Anh và chị Lê Thị Thanh – cha mẹ của 2 cháu Nhật Anh (19 tuổi) và Thái Anh (14 tuổi). Anh chị đều là giảng viên Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông TP.HCM, ông ngoại là nhà giáo. Cả hai con trai nhà anh chị đều học tiểu học, trung học ở trường công lập. Sau đó, nhận thấy những bất cập khi theo học tại hệ thống này, năm 2014, anh Quốc Anh xin nghỉ làm giảng viên để ở nhà đảm trách việc dạy dỗ con cái.

TS Lương Việt Thái, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu giáo dục phổ thông, Viện KHGD, Bộ GD-ĐT

TS Lương Việt Thái, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu giáo dục phổ thông, Viện KHGD, Bộ GD-ĐT

TS Lương Việt Thái: Chúng tôi nghĩ rằng, khi dạy học và học tại nhà cũng là một phương thức xã hội hóa cao. Ít nhiều ở Việt Nam, việc bố mẹ giúp con học ở nhà vẫn đang tồn tại.

Tuy nhiên, xét về khía cạnh quyền lợi của học sinh, những em do điều kiện địa lý, đến trường gặp nhiều khó khăn thì học tại nhà sẽ khắc phục được khó khăn này. Việc học tại nhà cũng có thể phù hợp với các em có nhu cầu học chương trình cá biệt cao hơn (ví dụ để đi du học nước ngoài…), quan hệ giữa các em và bố mẹ cũng gắn bó gần gũi hơn…

Đó là ưu thế của học tại nhà. Tuy nhiên, ưu thế này còn phụ thuộc vào điều kiện của cha mẹ học sinh như các bậc cha mẹ phải có kiến thức, có khả năng sư phạm, phải rất kiên trì… Chưa kể, cha mẹ dạy con cũng có cái khó của nó, bởi dao sắc không gọt được chuôi.

Về nhược điểm, tôi nghĩ nhược điểm đáng lưu ý nhất là khi học tại nhà, học sinh ít có điều kiện tiếp tục xã hội, giao tiếp với các bạn nên sự phát triển năng lực xã hội của các em sẽ bị hạn chế, trong các vấn đề như giao tiếp, làm việc theo tinh thần hợp tác, hay những sự cảm thông, biết chia sẻ… sẽ khó khăn hơn.

Các em học ở trường, không chỉ có kiến thức từ sách vở, thầy cô giáo mà ngay cả trong quá trình trao đổi với các bạn với nhiều quan điểm khác nhau thì các em sẽ học ngay từ bạn, có cái nhìn đa chiều, toàn diện hơn về vấn đề mình được học.

Hai em Nhật Anh- Thái Anh tại Tp HCM học tại nhà

Hai em Nhật Anh- Thái Anh tại TP. HCM học tại nhà

Một số môn học đặc biệt đòi hỏi điều kiện trang thiết bị thí nghiệm thực hành thì sẽ rất khó để làm tại nhà mà phải ở trường. Dù cho các em có vào internet làm thí nghiệm ảo thì so với thật, vẫn là hạn chế hơn. Rõ ràng, những nhược điểm này sẽ làm ảnh hưởng đến quá trình tiếp thu kiến thức, rèn luyện kỹ năng cho các em.

Khi học tại nhà và không đáp ứng được đủ các yêu cầu, điều kiện theo quy định (tại Việt Nam), các em sẽ bị khó khăn trong việc được cấp bằng, được chứng nhận và sẽ có ảnh hưởng đến công việc của các em sau này.

Nhà báo Phạm Huyền:Theo ông, trong tương lai, Bộ Giáo dục và đào tạo có nên mở cửa, tạo khuôn khổ pháp lý cho mô hình học tại nhà?

TS Lương Việt Thái: Theo chúng tôi, hiện để có thể xác định được phương thức học tại nhà thì cần có nghiên cứu đầy đủ, liên quan đến nhu cầu thực tiễn. Giả sử có chấp nhận phương thức này, cần có các quy định cụ thể như đối tượng học sinh cụ thể nào, cấp học nào, độ tuổi nào, cần có yêu cầu gì về chương trình học, rồi các yêu cầu cụ thể về đánh giá, kiểm tra, thi cử… Hoặc có thể cần có giấy chứng nhận về quá trình rèn luyện học tập tại nhà của các em.

Chúng tôi nghĩ cũng có thể tính đến xem xét nghiên cứu mô hình kết hợp học tại nhà và học tại trường hay không? Rõ ràng, nếu có chấp nhận mô hình học tại nhà thì cũng có thể áp dụng phối hợp như vậy, một số nội dung các em học tại nhà và một số nội dung có thể học tại trường.

Theo VietNamNet


Hãy chia sẻ cho bạn bè qua: