Phản đối chặt cây xanh làm ga tàu điện: Cần suy nghĩ thấu đáo!


Trước thông tin TP. HCM đốn hạ 12 cây xà cừ để xây ga metro ở Sài Gòn, nhiều người dân và sinh viên tụ tập trên đường Tôn Đức Thắng (quận 1, TP HCM) giơ biểu ngữ phản đối chặt cây xanh.

Nhóm người dân ở TP. HCM phản đối chặt cây xanh.

Nhóm người dân ở TP. HCM phản đối chặt cây xanh.

Vào ngày 23/3, ông Hoàng Như Cương, Phó trưởng ban Quản lý đường sắt đô thị TP. HCM, cho biết để phục vụ thi công nhà ga Ba Son thuộc gói thầu 1b dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị Bến Thành – Suối Tiên, TP chuẩn bị đốn hạ 12 cây xà cừ và bứng dưỡng di dời 4 cây khác trên tuyến đường Tôn Đức Thắng, Q.1.

Theo tiêu chí đưa ra cơ quan chức năng sẽ chỉ bứng dưỡng những cây có đường kính dưới 50cm, thân thẳng, không sâu bệnh, số còn lại buộc phải chặt hạ.

Đồng quan điểm này, đại diện Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh TP cho biết đã có những đánh giá kỹ lưỡng, qua đó họ đồng ý với phương án xử lý số cây như đề xuất của Ban quản lý đường sắt đô thị.

Ông Đồng Văn Khiêm – Phó chủ tịch Hội đồng phản biện xử lý cây xanh cho biết dù rất “xót xa” nhưng không thể để lại những cây này bởi ngoài việc vi phạm các hạng mục của nhà ga thì loài cây này còn thuộc danh mục cấm trồng mới trên đường phố.

Cũng theo ông Khiêm giá thành chặt hạ một cây xà cừ hiện khoảng 4 triệu đồng còn nếu bứng dường sẽ tốn 20 triệu, với những cây lớn phải mất đến 40 triệu do có bộ rễ rất lớn mà khả năng sống chỉ 50%.

Dự kiến việc đốn hạ, di dời 16 cây xà cừ nói trên sẽ bắt đầu thực hiện từ ngày 26/3 đến ngày 7/5.

Dự kiến việc đốn hạ, di dời 16 cây xà cừ nói trên sẽ bắt đầu thực hiện từ ngày 26/3 đến ngày 7/5.

Trong ngày 26/3, từ sáng sớm, nhóm thanh niên hơn 10 người tập trung ở đường Tôn Đức Thắng giơ biểu ngữ, băng rôn phản đối việc chính quyền chặt hàng loạt cây xà cừ trên 100 năm tuổi.

Nội dung biểu ngữ đề cập đến mong muốn được giữ lại hàng cây xanh để tạo bóng mát, không khí trong lành. Sau hơn 1 giờ, nhóm thanh niên đã tự động giải tán.

Trước đó, ngày 25/3, nhóm sinh viên Khoa Giáo dục tiểu học và Giáo dục mầm non (ĐH Sài Gòn) và nhiều người dân cũng đã lên tiếng về việc chính quyền chặt cây xanh trên đường Tôn Đức Thắng. Đến trưa 26/3, công tác chặt hạ cây xanh trên đường Tôn Đức Thắng vẫn chưa được thực hiện.

Nhóm sinh viên, thanh niên giơ biểu ngữ ngày 25/3.

Nhóm sinh viên, thanh niên giơ biểu ngữ ngày 25/3.

Sự việc đã dấy lên làn sóng tranh cãi giữa những người phản đối chặt cây xanh và những người ủng hộ. Nếu nói ở phương diện một người đã sinh ra và lớn lên ở mảnh đất này, thì việc thấy những hàng cây cổ thụ gắn bó với đất và dân Sài Gòn hàng trăm năm nay bị đốn hạ, bị di dời, bộ mặt quen thuộc của con đường bỗng trở nên thay đổi, rất khó để không thấy xót xa.

Dù là dân ở đây hay người phương nào đến, không ít người đã từng phải xuýt xoa khi đi dọc những con đường rợp bóng cây của Sài Gòn. Hẳn nhiên việc nhìn thấy những khung cảnh bình yên đó sẽ dễ chịu hơn nhiều việc thấy chung quanh chỉ toàn những công trình hiện đại hay nhà cao tầng.

Những ai muốn phản đối việc đốn hạ cây, có lẽ cũng một phần họ chỉ muốn chính quyền lắng nghe ý kiến dân một lần nữa, xem xét một lần nữa, để nhìn nhận lại những giá trị cũ mà chúng ta sắp sửa bỏ đi đó, có những ảnh hưởng nhất định nào đến sự phát triển về sau của chính thành phố này, sự phát triển của thế hệ mầm non của thành phố này hay không? Công cuộc đổi mới có đôi khi không tránh khỏi những đánh đổi, những mất mát rất lớn. Vậy thì những đánh đổi đó thực sự đem lại những lợi ích gì.

Chúng ta đã bao giờ tự hỏi, trong quá trình phát triển của mỗi cá nhân, chúng ta đã phải đánh đổi những gì, từ bỏ những gì để trở nên tốt hơn, hoàn thiện hơn? Vậy thì, thành phố chúng ta cũng như một cá thể sống vậy, chúng ta cần làm gì để nơi chúng ta ở được tốt hơn nếu không thể tránh khỏi tiến trình phát triển chung của con người?

Bảo tồn, giữ gìn và phát huy những giá trị xưa cũ là điều mà chúng ta luôn hướng tới, nhưng một thành phố không phát triển sẽ còn ảnh hưởng rất nhiều đến đời sống của người dân. Đó là chưa nói đến câu chuyện cơ sở hạ tầng ở Sài Gòn nói riêng, và toàn nước ta nói chung còn nhiều bất cập. Vậy thì việc giải quyết cơ sở hạ tầng để tạo nền tảng tốt, so ra vẫn có mặt lợi hơn mặt hại.

Số lượng xe máy và ô tô ở thành phố đang tăng đột biến, dù chính quyền có đưa ra nhiều hình thức nhằm hạn chế việc gia tăng phương tiện giao thông lưu hành trong thành phố, nhưng bài toán đó là không thể kiểm soát ở một khu vực đang phát triển rất mạnh mẽ và nhanh chóng như Sài Gòn. Cũng như rất nhiều thành phố lớn khác trên thế giới, đó là một vấn đề chung và nhức nhối mà chúng ta cần phải vượt qua để đưa thành phố lên một mức phát triển mới.

Nếu thực sự việc đốn hạ 12 cây cổ thụ có thể góp phần vào định hình lại cơ sở hạ tầng, xây dựng tuyến metro, vừa thuận tiện đi lại, giảm thiểu số lượng xe cộ, giảm thiểu tai nạn giao thông, giảm thiểu ô nhiễm thì đó chẳng phải là điều chúng ta đáng suy ngẫm hay sao?

Tinh thần yêu nước, yêu thiên nhiên, yêu quý những giá trị xưa đẹp của dân tộc đã bám rễ sâu tận đáy tâm hồn của mỗi người dân Việt Nam. Tuy nhiên trong thời kì mở cửa hội nhập, lòng yêu nước là chưa đủ mà cần có một sự hiểu biết nhất định. Cho dù là phản đối hay ủng hộ thì chúng ta cũng chỉ vì một mục đích là muốn quê hương, muốn thành phố được gìn giữ, được phát triển và trở nên tốt đẹp hơn mà thôi. Thế nên chũng ta hãy tỉnh táo, nhìn nhận vấn đề từ nhiều phương diện, nghe từ nhiều nơi, hiểu từ nhiều nguồn.

Minh Trí


Hãy chia sẻ cho bạn bè qua: