Thị trường hàng hóa tuần 14-18/9: Giá nhiều loại mặt hàng tăng


Việc nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới Trung Quốc hồi phục khiến nhu cầu tiêu thụ hàng hóa từ thị trường này tăng mạnh, kéo giá cả nhiều loại mặt hàng tăng lên trong tuần qua.

Ảnh Internet

Kim loại: Giá đồng đạt đỉnh 2 năm
Là nước tiêu dùng kim loại hàng đầu thế giới, việc sản lượng công nghiệp tháng 8 của Trung Quốc tăng mạnh nhất kể từ đầu năm 2020 đến nay khiến nhu cầu về kim loại công nghiệp tăng cao, từ đó kéo tăng giá đa phần mặt hàng này.
Kết thúc phiên 18/9, giá đồng kỳ hạn giao sau 3 tháng trên sàn London đứng ở mức 6.837 USD/tấn, tăng 0,8% so với phiên liền trước, thậm chí có thời điểm trong phiên đạt 6.850 USD/tấn – mức cao nhất kể từ tháng 6/2018. Như vậy, giá đồng đã tăng 6 tuần liên tiếp và tăng 55% kể từ sau khi giảm xuống mức thấp nhất 45 tháng vào tháng 3/2020.
Tương tự, giá kẽm tăng 1,1% lên 2,542 USD/tấn, nhôm tăng 0,7% lên 1.792,5 USD/tấn, trong khi giá chì giảm 0,1% xuống 1.908,5 USD/tấn, nickel giảm 1,2% xuống 14,91 USD/tấn và thiếc giảm 0,4% xuống 18,12 USD/tấn.
Giá quặng sắt kỳ hạn trên thị trường Trung Quốc cũng đảo chiều đi lên trong phiên cuối tuần qua khi số liệu cho thấy lượng quặng lưu tại các cảng biển nước này tăng chậm lại trong tuần.
Trên sàn Đại Liên, quặng giao tháng 1/2021 kết thúc tuần tăng 1,6% lên 803 CNY/tấn (tương đương 118,90 USD)/tấn. Tuy nhiên, tính chung cả tuần, giá quặng vẫn giảm 3,6% – mức giảm mạnh nhất trong gần 7 tháng qua, do đã giảm liên tiếp ở 3 phiên cuối tuần.
Trên sàn Singapore, quặng sắt phiên cuối tuần tăng 2,5% lên 120,66 USD/tấn và tính chung cả tuần cũng giảm 4,5%.
Giá thép tại Trung Quốc tăng trong phiên 18/9, với hợp đồng thép cây kỳ hạn tháng 1/2021 trên sàn Thượng Hải tăng 23 CNY (khoảng 3,4 USD) lên 3.603 CNY/tấn; thép cuộn cán nóng giao cùng kỳ hạn cũng tăng 36 CNY lên 3.723 CNY/tấn.
Về kim loại khác như bạc giảm 0,8% xuống 26,88 USD/ounce, bạch kim giảm 1,3% xuống 928,51 USD/ounce, trong khi paladi tăng 1,1% lên 2.360,26 USD/ounce.
Nông sản: Ngũ cốc tăng giá mạnh
Kế thúc phiên cuối tuần qua, giá đậu tương trên sàn Chicago tiếp tục tăng, đạt mức cao nhất 2 năm do nhu cầu mạnh từ Trung Quốc. Trong khi đó, giá lúa mì tăng 3% do lo ngại nguồn cung của các nước sản xuất chủ chốt bị thắt chặt, giá ngô cũng tăng phiên thứ 3 liên tiếp trong tuần.
Cụ thể, giá đậu tương kỳ hạn tháng 11 tăng 5 US cent lên 10,43-1/2 USD/bushel vào lúc đóng cửa, có thời điểm đạt 10,46-3/4 USD/bushel, mức cao nhất kể từ tháng 5/2018. Lúa mì kỳ hạn tháng 12 tăng 18-3/4 US cent lên 5,75 USD/bushel vào cuối phiên, có thời điểm đạt 5,78 USD/bushel – cao nhất kể từ ngày 21/2/2020. Ngô giao cùng kỳ hạn cũng tăng 3-1/4 US cent lên 3,78-1/2 USD/bushel.
Nguyên liệu công nghiệp: Đường, dầu cọ, cao su tăng giá, trừ cà phê
Kết thúc phiên 18/9, đường thô kỳ hạn tháng 10 tăng 0,15 US cent (1,2%) lên 12,77 US cent/lb – là phiên tăng thứ 4 liên tiếp và là mức giá cao nhất kể từ 1/9. Tính chung cả tuần, giá đường thô tăng 7,2% do nhu cầu mua mạnh đối với hàng physical.
Đường trắng cũng đi lên với hợp đồng kỳ hạn tháng 12 tăng 3,3 USD (0,9%) lên 371,50 USD/tấn, cả tuần tăng gần 4%. Mức chênh lệch (rẻ hơn) giá đường trắng giữa hợp đồng kỳ hạn tháng 12/2020 với kỳ hạn tháng 3/2021 giảm gần đây cho thấy nhu cầu đang cao.
Giá dầu cọ kỳ hạn tháng 12 trên sàn Bursa (Malaysia) tăng 107 ringgit (3,6%) lên 3.082 ringgit (749,88 USD)/tấn, cao nhất kể từ ngày 13/1. Tính chung cả tuần, giá tăng 9,6% và là tuần tăng mạnh nhất kể từ 25/9/2015.
Trung Quốc – khách hàng mua dầu cọ lớn thứ 2 thế giới sau Ấn Độ – sẽ bước vào kỳ nghỉ lễ kéo dài một tuần, bắt đầu từ 1/10. Theo đó, giá dầu đậu tương trên sàn Đại Liên tăng 2,66%, dầu cọ cũng tăng 2,74% trong cùng phiên cuối tuần.
Giá cao su trên sàn Osaka kỳ hạn tháng 2/2021 tăng 0,7 JPY (0,4%) lên 186 JPY/kg – mức cao nhất kể từ 2/9. Tính chung cả tuần, hợp đồng này tăng giá 5%, là tuần đầu tiên tăng trong vòng 3 tuần qua. Tại Thượng Hải, hợp đồng kỳ hạn tháng 1/2021 tăng 1% lên 12.550 CNY/tấn.
Ngược lại, giá cà phê arabica giảm suốt 5 phiên của tuần qua do các quỹ hàng hóa bán mạnh sau khi dự báo sẽ có mưa ở Brazil, điều kiện giúp cây cà phê sinh trưởng tốt. Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần, cà phê arabica kỳ hạn tháng 12/2020 giảm 4,5 US cent (3,8%) xuống 1,135 USD/lb, mức thấp nhất trong 1,5 tháng qua.
Cà phê robusta phiên này cũng giảm, với hợp đồng kỳ hạn tháng 11 giảm 31 USD (2,2%) xuống 1.356 USD/tấn. Tính chung cả tuần, cà phê arabica giảm 14%, trong khi robusta giảm 5,4%.

Theo ĐTCK


Hãy chia sẻ cho bạn bè qua: