Bản hợp xướng Thành Hoa Lệ: Những địa đạo lộ thiên


Đạp gót chân tuổi trẻ lên những nẻo quanh đại lộ cho chí ngõ sâu của Sài Gòn về đêm, người ta vẫn có thể nghe tiếng bàn chân chính mình dẫm nghiến lên những chồng chéo địa tầng, những lớp trầm tích của những xác cổ thành từ nửa thế kỷ về trước oằn mình răng rắc dưới sức nện của bước chân bát phố, như thể tiếng vọng máy vi âm và những dư âm ma quái của những tràng vỗ tay, tiếng sột soạt của những rèm nhung và những ly cognac sóng sánhvẫn chưa dứt hẳn tiếng leng keng hoan hỉ. Hồn nhiên của Sài Gòn khi ấy lẫn với khi này…

Sài Gòn của tôi 50 năm trước

Mùi thị dân – Mùi Sài Gòn

Nấm mộ số 126 trên nền trầm tích Mả Biền Tru

Đêm, Sài Gòn bây giờ, vẫn xô lẫn nhốn nháo như một bức hoạ lập thể bạo tay, với những sầm uất hân hoan ngay trên nền sa mạc sầu, với gót phiêu linh tuổi trẻ vẫn nện đều gót đỏ gót son lên mộ phần những địa đạo vàng son.
Đêm, Sài Gòn bây giờ, vòng xoay lô tô loang loáng của bùng binh Dân Chủ khi đêm về khiến người ta cứ ráo riết lao vào rồi lại ráo riết thoát thân.

Nghe đồn đâu đó, dưới phần nền trầm tích của bùng binh Dân Chủ, còn đâu đó phế tích Mả Nguỵ, hay còn gọi là Mả Biền Tru, với gần 2.000 xác nghĩa quân thành Phiên An cũ mà cho tới bây giờ, khói hương oan khuất từ lâu đã bị nhận chìm bởi khói xe mùi người,

Trên bề mặt của phần nền trầm tích Mả Nguỵ xưa, bây giờ lại chớm phủ lên một lớp mồ ma của phế tích của nơi từng một thời là thánh địa của văn nghệ bình dân, một điểm hẹn trứ danh của dân Sài Gòn mê nghe hát, ra đời từ thời tiên khởi trào lưu những tụ điểm ca nhạc Sài Gòn.

Không có những bức trần cao mỹ diệu như những nhà hát Tây, hay những bức tường cách âm thơm mùi máy điều hòa của các salon văn nghệ, tụ điểm ca nhạc chính là thánh đường lộ thiên của mọi trào lưu nhạc nhẹ và các trò tiêu khiển sân khấu phục vụ đại đồng công chúng, với dàn siêu minh tinh từ hạng nặng tới hạng ruồi, và giá vé không nhót nhỉnh hơn dĩa cơm sườn chai xá xị vỉa hè là bao.

Chắc cũng bởi tính dã chiến và mức giá xuề xoà nọ mà hình thái này không chịu mấy trầm luân như các thánh đường nghệ thuật sang cả khác, mà cũng ít bị dòm ngó huýt còi bởi rào chắn siêu nhạy cảm của an ninh văn nghệ.
Sài gòn cuối những năm 80, thời hoàng kim của phim mì ăn liền và những tân minh tinh Diễm Hương, Việt Trinh, cũng là kỷ phục hưng của hình thức sân khấu tạp kỹ, hay còn gọi là đại nhạc hội, vừa coi kép cine Lý Hùng ca nhạc tình, Chánh Tín Bích Trâm ca nhạc quốc tế, vua sến Ngọc Sơn nhảy bốc như Michael, kiều nữ La Kim Phụng giựt disco hết sức ly kì, kèm thêm hai đại danh hài Bảo Quốc Duy Phương ứng tấu mấy màn hề hước mà thiên hạ coi đủ chục bận thuộc làu vẫn mê coi.

Sân khấu 126 trước khi di chuyển đến địa điểm mới để lấy đất làm nhà ga metro. Ảnh: TL

Sân khấu 126 trước khi di chuyển đến địa điểm mới để lấy đất làm nhà ga metro. Ảnh: TL

Từ sân khấu rạp Hòa Bình sáng Chúa nhựt cho tới những sân khấu lộ thiên, xây dựng đơn giản với mớ bậc thang xi-măng hoặc bục gỗ làm khán trường, chăng bạt dù đối phó nắng mưa với dàn loa bặm trợn là đã vực dậy cả một thị trường văn nghệ mang hơi hướm hoạt kê của món bánh mì thập cẩm ngon vui bổ rẻ.

Cho tới tận những năm đầu thế kỷ 21, đời sống của sân khấu tạp kỹ ngoài trời vẫn điềm nhiên là điểm chạy show của tất thảy ngôi sao nhạc nhẹ lớn bé, vẫn là khởi đầu sự nghiệp và bệ phóng cho mọi ngôi thứ minh tinh trên bầu trời kỹ nghệ giải trí, từ ca nhạc cho tới tấu hài, rõ nét nhất là sân khấu 126 và sân khấu Trống Đồng đều đặn sáng đèn hai mùa mưa nắng.

Cứ chiều cuối tuần, người ta tạt vô phòng vé, vớt một cặp bất kì cho cả gia đình hay bồ bịch là đã có thể nghiễm nhiên vương giả thưởng thức đủ mặt các ngôi sao lớn nhỏ, thật sát, thật gần, may ra có cặp vé gần sân khấu thì thậm chí có thể coi rõ tới từng cọng mi nhựa, từng vệt mồ hôi trộn mỹ phẩm.

Dã chiến vậy, nhưng cũng là chiếc nôi hình thành những kỷ cương, niêm luật bất thành văn của đạo nghề ca diễn, với đầy đủ trật tự lớp lang người trên kẻ trước, với bàn thờ Tổ Nghiệp bao giờ cũng nghi ngút khói hương, nơi hàng bao chục năm mỗi đêm bao thế hệ nghệ sĩ mướt mải trên nẻo chạy show vẫn tấp về nghiêm cẩn nghiêng mình cúng bái khấn khứa trước giờ thượng sàn.

Tiếc thay, trên những bàn thờ như vậy của các tụ điểm nhạc hội lại không có một bài vị giành cho ông tổ hình thức đại nhạc hội tạp kỹ Sài Gòn từ 1949: quái kiệt Trần Văn Trạch, bào đệ của cố giáo sư Trần Văn Khê.

Từ đại chiến hạm của Vua Nhạc Hội đến nghi thức hạ cờ của thánh đường lộ thiên

Nếu coi Trần Văn Trạch như ông tổ sân khấu tạp kỹ, thì Duy Ngọc chính là một đại tông đồ, người đã oanh tạc các rạp và các tụ điểm trong hơn 30 năm từ thập  niên 60.

Những năm 80, khi mà hoạt động nghệ thuật được quốc hữu hoá tại các đoàn ca nhạc nhẹ, thì sự tái xuất của hình thái đại nhạc hội là cú đạp rào hùng hồn của văn nghệ dân chủ, và cái tên Duy Ngọc đã khoả lấp cơn khát văn nghệ của những thượng đế đã lâu không được chiều chuộng, cho đến khi sức chứa của các nhà hát không còn đủ chỗ cho cuộc chơi, và đại nhạc hội đã làm nên tiền đề cho các tụ điểm ca nhạc như vậy, hoàn tất màn khai hoả cho cuộc cách mạng văn nghệ tái tư hữu cho Sài Gòn.

Những băng rôn bằng vải, những bục khán đài hay hàng ghế dã chiến, và những tấm bạt theo kiểu rạp xiếc dã chiến đã từ đó lưu dấu vào kí ức thị dân trẻ 2 thập niên hậu chiến, mà nổi danh nhất vẫn là hai tụ điểm hàng đầu: Trống Đồng và 126.

Lão đại quyền lực Duy Ngọc qua đời vào đầu năm 2016, sau một cuộc đời oanh liệt, với show diễn cuối cùng diễn ra bên quan tài, với lũ lượt những thế hệ ngôi sao tân cựu, từ nhạc trẻ, bolero, tới vọng cổ… hát tiễn trong nhang khói tạ từ Vua Nhạc Hội.

Đây cũng là khi lợi nhuận của mạch vàng tạp kỹ dẫu dư sức nuôi nghề bao thế hệ nghệ sĩ Sài Gòn, rồi cũng tới lúc cầm cự không nổi với đại dịch tống tháo phát mãi đất công và cuộc bành trướng của hàng chục kênh giải trí truyền hình. Trào lưu tụ điểm văn nghệ thoái trào.

Một trong những cuộc hành quyết cuối cùng được đánh dấu vào cái ngày mà người ta tháo dỡ khán trường tụ điểm 126. Miếng bạt dù bao thập niên ngạo nghễ tung bay được hạ xuống, như một chiến hạm hạ xuống cánh buồm đã bao thập niên căng gió. Miếng bạt lặng lờ long trọng đáp xuống, phủ sóng soài lên khán trường trứ danh như tấm khăn liệm trong nghi thức hạ cờ thiểu não sau cùng.

Bây giờ chốn cũ chỉ còn là một bãi xà bần ven công trường Dân Chủ. Người ta tận dụng làm quán cafe cóc dã chiến.
Thi thoảng đi ngang đây, lúc thật khuya, vẫn còn nghe âm ỉ rớt lại đâu đó, bên ngoài cửa xe, vài câu nhạc cũ, chẳng rõ của một tay thanh niên vui miệng nghêu ngao nơi quán mới, hay dội về từ sâu bên dưới lớp gạch vữa của nấm mộ không bia.

Cho đến nay, hình thức đại nhạc hội tạp kỹ vẫn tiếp tục được duy trì phương thức lưu diễn như đại bang Duy Ngọc năm xưa, dưới hình thức những hội chợ tỉnh lẻ, vừa dựng sạp bán buôn, vừa ghép chung với sân khấu ca nhạc. Cũng vẫn những hàng ghế dã chiến, lớp mái che bằng bạt dù đối phó hai mùa nắng mưa phương Nam, tiếng loa bán vé và những băng rôn phần phật dung mạo đỏ xanh những tân thần tượng.

Ông già cao bồi ngồi ngoài Đường Đá Lạnh

Đến đây, có lẽ tôi đã có thể hoàn tất đoản văn lẩn thẩn của mình, như điềm đạm khép lại một chương phần số của những tụ điểm ca nhạc và mô thức nhạc hội tạp kỹ. Nhưng chính cái đêm tôi nghe vọng lại từ bề mặt trầm tích trở mình, khi bát phố ngang đại lộ Charner xuối về Catinat, lại lẩn thẩn cho rằng thật thiếu sót nếu không mau tỉnh mộng hồi dương để trả độc giả trở về thời cuộc văn nghệ đương thời.

Sài Gòn đại nhạc hội bây giờ, tại thủ phủ của hình thức biểu diễn này, nay chỉ còn le lói vài tụ điểm cố định như Lan Anh hay Trống Đồng. Phần nhiều vẫn là những đợt công diễn theo kiểu “bao giàn” ngoài đường đi bộ Nguyễn Huệ.
Đại lộ thượng phẩm một thời nay đã là một quảng trường hoa cương trọc lóc. Trong khi chờ một đại công trình nào đó được hoàn thiện, như một cái cớ thuyết phục cho việc đại cải tổ đại lộ đẹp nhất nhìn Thành Hoa Lệ, người ta đã kịp nghĩ ra cách tận dụng cái diện tích trọc trụi ấy thành nên những sân khấu ngoài trời hiện đại, với dàn loa tân kỳ có khả năng chơi bung nóc khu cư xá xung quanh, có màn hình led, có đèn pha ngửa mặt phun hoả châu lên trời, có truyền hình truyền thông ủy lạo lu bu.

Nghe đâu cũng đã có lúc người ta định biến nơi này thành một đại nhạc hội kiểu mới, theo lối tụ điểm cho dân coi chơi. Cũng xuất hiện được vài tháng, với mấy cụm cổ nhạc mặc tứ thân xanh đỏ, vài nhóm nhạc trẻ thù lao thấp, rồi thôi. Đại lộ lại phơi mình nằm không, đợi chờ thi thoảng một trận rầm rộ tập dợt rồi đêm về rào bọc, tổ chức ca diễn rất xôm. Quan chức sở mỏ ngồi hàng ghế bọc vải, đám dân đen hiếu kỳ lố nhố đứng ngồi nhếch nhác ngoài vòng rào, ồ à một chút rồi tản mát trước khi cuộc diễn kịp vãn tuồng.

“Con đường Đá Lạnh”. Ảnh: Hồng Lam

“Con đường Đá Lạnh”. Ảnh: Hồng Lam

Quảng trường nhà hát về khuya đã vãn bớt thanh âm xe cộ. Nhịp thở trong giấc ngủ khuya của phố lớn không có cái thiêm thiếp bình yên của kẻ nghèo trong những xóm đêm sau ngày lao lực. Giấc khuya phố lớn nhọc nhằn, như cú ngã sóng xoãi trên giường nệm với đôi chân còn chưa kịp trút khỏi giày, với nút cravat lỏng lẻo dập dồn ngắt quãng theo hơi thở đậm mùi cognac và tiếng rền rĩ của hàng vạn máy điều hoà đang cùng lúc tạo thành dàn hợp hưởng đại hồ cầm, kéo dài đường vĩ cung trầm, rền trong lồng ngực đại thị nhịp thở giấc thượng lưu.

Tôi viết những dòng này sau một đêm muộn, chờ đám hát lối bao giàn của nhà nước vãn trò, dẫm lên đống bịch nilon và hộp xốp ngổn ngang trên quảng trường đá lạnh, dạo ngang Kho bạc Nhà nước tìm dấu tích ngôi chợ trước cổng thành năm xưa. Hồi đó, chợ Bến Thành là chính ở đây, sau lấp kinh Chợ Vải thành đại lộ Charner về sau, chợ Bến Thành dời vô thành Chợ Mới. Ngày khai trương hồi 1914, cũng cho diễn bao giàn không tính tiền, giống kiểu văn nghệ phố đi bộ bây giờ, quan thầy có ghế ngồi, dân cứ đứng bu vô coi cho đã. Nghe kể lại, khi đó có diễn tuồng hát bội hết sức linh đình…

Tiếng vọng mồ côi bên kia đường, phía Ngô Đức Kế như dặm thêm cho nỗi sầu hoài cổ. Ông già chơi vĩ cầm, với chòm râu bạc và chiếc nón cao bồi trứ danh từ Hà Nội vô tới Sài Gòn, cái tên Trí Hải của ông chắc thị dân trẻ sẽ còn kể lại về sau, thay tôi.

Vẫn còn miên man dòng suy tưởng về nấm mồ đại nhạc hội tạp kỹ ở bùng binh Dân Chủ, những thất thoát cũ kỹ, và nỗi ám ảnh của công trạng một tay quái kiệt thiên cổ, tôi rụt rè, không chắc lắm người nghệ sĩ đường phố có thể đáp ứng được:

“Một cái gì của Trần Văn Trạch ạ, s’il vous plait!”

Ông già cười tinh quái, chạm cây vĩ lên thân cây đàn…

Tôi đứng bần thần bên ông một lúc, rồi rảo bước xuôi lối Ngô Đức Kế, hướng về Đồng Khởi, nghe rền dưới chân, những trầm tích thành phố trở mình trong tiếng độc vĩ cứ đuổi theo phía sau…

“Trời khuya trên khắp bên đường Catinat

Người đi còn dăm ba khách không nhà

Ngàn mây sao chiếu trên trời đầy mơ

Hàng cây lặng im nghe gió dưới trăng mờ…”

Sài Gòn đã thở thật dài đêm hôm ấy, lúc trở mình giữa cọ xát xôn xao những mồ ma hiện sinh kim cổ luân hồi.

Theo nguoidothi


Hãy chia sẻ cho bạn bè qua: