Bỏ quên mấy mùa trăng


Ngôi chùa đối diện nhà giăng lên mấy dây đèn lồng. Tháng tám Âm lịch, Sài Gòn mưa trắng trời, đèn lồng vải đỏ rũ rượi lặng thinh. Nhóc con hàng xóm, ngồi trước hiên nhà ngóng màn mưa xiên xẹo, thấp thỏm lo, không biết trung thu năm nay chùa có phát bánh, phát đèn? Người lớn giật mình, ủa trung thu rồi hả, mới ăn Tết đây mà.

Những cặp trà bánh sinh ra đã là của nhau trong mùa Trung thu

Phố lồng đèn độc nhất Sài Gòn nhộp nhịp mùa trung thu, đón hàng ngàn lượt khách mỗi ngày

Mùa này chắc ngoài quê cũng bắt đầu trở gió.

Gió khô rốc thét gào trên mái nhà tôn, chái hiên lỏng lẻo, gió giật, miếng tôn riết róng nghe bén ngót rợn người. Cũng mùa này mấy mươi năm trước, má đi chợ về trong giỏ có thêm vài cọng dây. Má kéo vạt áo, lau mồ hôi bết dính tóc mai, biểu ba ràng lại mái nhà, sẵn ở trên cao, chặt thêm bẹ dừa tước cọng làm lồng đèn bánh ú.

Hai chia bột năng làm đôi, một nửa quậy đặc làm hồ, nửa nhiều hơn thêm miếng đường quậy loãng. Bột năng ngòn ngọt, dính dính, năm anh em thiếu thốn đồ ngon, chụm lại ăn vui quên cả đất trời. Gió bạc mặt, mấy anh em nhảy loi choi giữa sân nắng dữ, phải phơi lồng đèn cho giấy bóng kính gặp hơi nóng căng ra. Phơi xong cất đó. Để dành đến đúng bữa trăng tròn.

Trung thu là mùa “chơi ngu”. Hai bắn bi ăn được cả nắm thun dày, nhín tiền ăn mua hai trăm dầu lửa đem đi ngâm, sợi thun ngậm dầu nở to bằng cái chén. Buổi tối, nhóc con cả xóm tụ tập trước mảnh sân đất cát rộng thênh thang nhà mình. Nào đèn sáp cắm trong cái lon đục lỗ, cắm trên cái ly đựng nước bàn thiên, thằng nhỏ nọ được ba “nghiên cứu chế tạo” cái đèn cù, nó đẩy trên cát có chút khó khăn, mấy cánh đèn vẫn quay vun vút, nhìn sang thiệt là sang.

Hai đứng giữa đám nhóc, luồn dây thun bự đã thắt sợi dài vào cọng dừa, châm lửa đốt. Lửa cháy phừng, khói cao su khét lẹt, mấy chùm lửa bị bứt rời, rơi xuống xèo xèo rồi tắt ngấm. Lửa trên dây vẫn liếm lên cao, mấy đứa nhỏ ngó căng tròn con mắt. Như lửa này là đẹp nhất, tắt rồi vẫn cháy đến liên miên bất tận, như khoảnh khắc của pháo hoa, bùm một cái vụt tan, vẫn rực lòa trong tâm trí.

Mười mấy năm ở phố, bỏ quên một khoảng sân, bỏ quên mười mấy mùa trăng

Mười mấy năm ở phố, bỏ quên một khoảng sân, bỏ quên mười mấy mùa trăng

Trung thu là mùa “chơi ngu”. Hai lấy đèn sáp cắt ra từng khúc nhỏ, bỏ vào trong nắp bia, kê lên cục gạch, phía dưới đốt đèn, nấu sáp sôi sùng sục. Hai sẽ lùa tụi nhỏ né xa ra chục bước, rồi nhúng tay vào ca nước vẩy lên miếng sáp đang sôi, lửa lập tức phừng lên thành ngọn, trong chớp mắt bừng sáng cả mặt người. Bác hàng xóm sát vách chồm qua hàng rào mắng vốn, chơi vậy có ngày cháy nhà. Má đứng trước cửa tay cầm cán chổi, mấy đứa nhỏ biết ý mạnh ai nấy lủi về nhà. Khoảng sân đất lại thinh lặng miên man, chỉ còn mùi khói đèn váng vất.

Mười hai, mười ba, trăng dần đầy, sáng rực. Ban ngày còn oi nồng, khói nắng bốc lên gờn gợn, hun méo cả khoảng trời trước mặt, nhà cửa cây cối qua màn khói cũng mông lung. Vậy mà mới hết đứng bóng, mây đen nặng trịch như cái thúng úp sầm xuống trời quang. Lũ nhóc ngồi chóc ngóc trên bậu cửa, rầu rĩ tối nay mà mưa sao lên xã nhận quà.

Những đám mây cuồn cuộn xám xịt sũng nước, đến gió cũng ướt, táp lên mặt trẻ con một màn hơi ẩm. Cả năm chỉ chờ ngày này, được xã phát bánh trung thu, vài ba cuốn truyện màu. Sân khấu có trang trí lồng đèn cá ba đuôi, sao năm cánh, bươm bướm,… dĩ nhiên là đẹp hơn mớ lồng đèn bánh ú, đến giờ này còn treo lủng lẳng trên xà nhà, chưa có được chơi. Mưa tối sầm mặt mũi, giấc trưa con trẻ sâu đắm, ngon lành, mặc kệ đất trời đang cơn run rẩy, lồng đèn con cá vẫn bơi đến trong mơ.

Cái mùi nhân thịt quyện với mứt đường của bánh trung thu thập cẩm chất chồng thành hương thành vị, thành nỗi nhớ

Cái mùi nhân thịt quyện với mứt đường của bánh trung thu thập cẩm chất chồng thành hương thành vị, thành nỗi nhớ

Mười lăm, mười sáu được ăn bánh trung thu. Miếng bánh thập cẩm nào mứt bí, hột dưa, lạp xưởng, xá xíu… Má chê mặn ngọt lộn xộn, mùi gay gắt khó ăn mà năm nào cũng có. Con nhỏ cũng thấy bánh in trắng tinh lấp lánh đường, bánh dẻo chay ngọt thơm mùi nếp, thực sự ngon hơn, vậy mà vẫn thèm thuồng một miếng trung thu thập cẩm. Cái mùi nhân thịt quyện với mứt đường, ăn nghe kì kì nhưng chất chồng thành hương, thành vị của trung thu. Thứ hương vị không tan trên đầu lưỡi, lại vấn vít trong những cơn chiêm bao kéo về tuổi thơ bàng bạc mấy mùa trăng.

Người lớn rời quê trụ lại thành phố. Trung thu năm nào cũng ngờ ngợ như mình đã quên cái gì. Người lớn lật đật đặt bánh trung thu, phải “homemade” mới an toàn. Nhóc con phụng phịu xách đèn lồng pin, than thở mẹ không cho chơi đèn cầy, sợ phỏng tay, nên đêm nào trước nhà cũng tò te tí tiếng lồng đèn phát nhạc, chấp choá laze các kiểu. Thì thôi, thời nào thức ấy, đâu thể bắt con nít ngày nay phải ôn giúp người lớn những xa xưa. Việc của người hoài cổ, là lưu trữ.

Như hôm nay, trung thu cận kề, Sài Gòn vẫn mưa trắng trời. Người lớn dường như biết mình đã quên cái gì, nên ngồi trước cửa đốt đèn cầy, ăn bánh, gọi điện cho ba má hỏi han. Má kể, mới mùng một, mùng hai đã mưa úng đất, úng cát. Mình xui má làm mái che hết sân, má nói để chừa đó ngó đất ngó trời, mưa thì mưa, chứ tối thế nào cũng tạnh, trăng lên. Trăng lên treo giữa mảnh sân giờ đã bớt rộng, giữa thênh thang đó, mình liệu sẽ nhớ được bao nhiêu gương mặt ngày xưa túm tụm chờ ngọn lửa của anh Hai. Mình tắt điện thoại buồn buồn, ngắm lồng đèn vải đỏ bên chùa rực một màu ướt thẫm. Mười mấy năm ở phố, bỏ quên một khoảng sân, bỏ quên mười mấy mùa trăng.

 

Theo thegioitiepthi

 

 


Hãy chia sẻ cho bạn bè qua: