Chạm vào Sài Gòn (Kỳ 2): Người Sài thành ‘lười biếng’


Người Sài Gòn có thể siêng năng ở nhiều việc, nhiều lĩnh vực, nhưng chắc chắn là lười… đi bộ. Tôi ở Sài Gòn 3 tháng và thường xuyên cuốc bộ nên dám khẳng định điều đó. Trên vỉa hè, trong công viên và ngay trên phố đi bộ cũng chủ yếu là khách du lịch “tây” và mấy ông bà trung niên đi dưỡng sinh là chính.

Chạm vào Sài Gòn

Một quán nhậu đêm trên vỉa hè Sài Gòn. Ảnh: Trần Nam Luân

Lười đi bộ gây kẹt xe?

Văn hóa xe máy khiến không chỉ người Sài Gòn mà người Việt ở các thành phố nói chung thuộc dạng lười đi bộ nhất thế giới. Đó là số liệu của Đại học Stanford (Anh) đưa ra chứ không phải của người viết. Theo bảng xếp hạng trên, người dân Hong Kong (Trung Quốc) là “chăm chỉ” đi bộ nhất, trung bình mỗi người đi 6.880 bước mỗi ngày, tương đương với khoảng 6km. Người Việt chỉ đi chưa đầy 4.000 bước, dưới mức trung bình thế giới, thuộc nhóm ít vận động.

Cũng lạ, là một đất nước bắt nguồn từ văn minh lúa nước, người Việt xưa trừ vài ông vua quan võng lọng, còn thì 100% chân trần cuốc bộ. Trong kháng chiến, bộ đội, dân công lên Điện Biên cũng bằng đôi chân. Sau nữa, hàng triệu người lính đi bộ dọc Trường Sơn cả nghìn cây số vào Nam, leo đèo vượt suối trên những đôi dép caosu. Ấy vậy mà thoắt cái, khoảng đầu những năm 1990, khi chiếc “Honda” xuất hiện ồ ạt, rồi ồ ạt xe Trung Quốc giá rẻ tràn qua biên giới, nhiều người Việt đã không còn biết đi bộ nữa.

Ở Sài Gòn, không kể phương tiện cá nhân, tìm một phương tiện công cộng cũng dễ dàng. Ngại đi xe bus vì lý do “đến trạm phải đi bộ xa” thì đã có Grab, GoViet… Tôi đã thử đi “xe ôm công nghệ” GoViet, quả là rẻ và tiện, gọi vài phút có mặt. Chỉ có điều tài xế chủ yếu dân miền Tây, miền Đông không thuộc đường đi lòng vòng hoặc chạy ẩu, chạy xe một tay, tay kia lăm lăm điện thoại xem bản đồ khiến người ngồi sau vã mồ hôi.

Nhìn cái cảnh Sài Gòn kẹt xe kinh hoàng mỗi chiều, ông bạn cùng đoàn khảng khái nêu quan điểm: “Văn hóa xe máy” khiến người ta lười đi bộ và bỏ qua những phương tiện công cộng, là “thủ phạm” gây nên nạn kẹt xe. Kỳ lạ là nhiều người có thể thức dậy sớm để chạy bộ tập thể dục mà quãng đường vài trăm mét từ trong nhà ra đầu hẻm thì lại leo tót lên xe máy. Ở các nước phát triển, mỗi sáng người ta đi bộ (từ nhà tới bến xe, hoặc ga tàu), lên phương tiện giao thông công cộng, sau đó lại đi bộ (từ bến xe đến công ty). Trong khi ở ta, phần lớn đi phương tiện cá nhân (ô tô hoặc xe máy) từ nhà đến thẳng nơi làm việc. Ăn trưa trong bán kính vài trăm mét cũng sử dụng phương tiện cá nhân.

Góp vào câu chuyện, Dung chỉ tay về phía hàng xe máy dựng chắn hết đoạn vỉa hè trước mặt khiến chúng tôi phải bước xuống lòng đường (đường Lê Lai, quận 1), giọng triết lý: “Đi bộ là đi trên vỉa hè, mà vỉa hè lại để nhiều xe thế này lấy chỗ nào đi? Vậy xe này ai để? Nếu không có ai đi xe máy thì sẽ không có xe nào để trên vỉa hè cả đúng không? Vỉa hè còn bị lấn chiếm bởi những người bán hàng rong, nhưng sao ta vẫn mua hàng rong, vẫn ngồi uống trà đá vỉa hè, thậm chí còn coi đó là “văn hóa”? Kết luận: Vẫn phải ủng hộ đến cùng “cha” Đoàn Ngọc Hải, và chính chúng ta phải thay đổi đầu tiên các anh ạ”. Dung nói như… lãnh đạo quận, nhưng dễ hiểu.

“Xe ôm công nghệ” luôn sẵn sàng chờ đón bạn trên mọi con đường Sài Gòn. Ảnh: Trần Nam Luân

Bình thản trên biển nước triều cường

Chúng tôi đến Sài Gòn vào dịp thành phố này đang chịu một đợt triều cường khủng khiếp. Nước dâng làm ngập hàng loạt quận, huyện. Có những nơi nước ngập đến yên xe máy. Ở đường Huỳnh Tấn Phát (quận 7), nhiều người ngã cắm mặt xuống nước. Có nơi, người ta sáng tạo làm cái cống nổi hẳn trên mặt hẻm để thoát ngập. Song song đó, người dân cho xây kiên cố một bức tường cao khoảng 50cm chắn ngay cửa nhà, bà già trẻ nhỏ trèo vào trèo ra bất tiện vô cùng.

Theo chính quyền, có khoảng 100 khu vực ngập, tập trung ở quận 7, 10, 12, Thủ Đức, Bình Thạnh, Bình Tân, các huyện Củ Chi, Bình Chánh và Hóc Môn. Các con đường cửa ngõ vốn đã kẹt xe nay vì nước dâng trở thành những thảm họa giao thông thực sự. Kẹt xe và ngập lụt là hai nỗi ám ảnh của Sài Gòn. Ở Thanh Đa (Quận Bình Thạnh), nước vào tận nhà dân từ nhiều bữa trước, bèo và rều rác nổi lênh phênh, đi lại bì bõm, cuộc sống đảo lộn. Dân ở Thanh Đa phần đông là người nghèo, cuộc sống mưu sinh vốn đã khốn khó.

Đoạn gần chân cầu Thanh Đa, chúng tôi lần đầu tiên được chứng kiến những hình ảnh thật đỗi bình an. Mặc cho nước đã ngập mênh mông, mấy người đàn ông bận áo thun quần xà lỏn kê bàn ghế ra vỉa hè trước nhà thảnh thơi ngồi nhậu, chân co chân duỗi trên ghế, mặc cho nước đen kịt đã gần tới… mông. Cạnh đó, cũng trên vỉa hè lênh láng nước, một nhóm khác kê bàn ngồi đánh bài. Kế bên, mấy bà luống tuổi ngồi “buôn dưa lê”, hai chân gác hẳn lên ghế không thẹn thùng. Bên trong, một cụ ông ngả giường xếp nằm nghỉ, 6 cái chân giường cắm sâu xuống nước bẩn.

Trước lời mời rất thịnh tình, tôi ngại ngùng ghé vào bàn nhậu uống một ly nhỏ. Chân để nguyên cả giày co lên ghế. Trên bàn, không có gì ngoài chai đế và con khô cá (tôi không rõ loại gì). Người đàn ông có vẻ là già nhất trong 5 người bảo: “Có chi phải lo nhỉ? Có chắn nước cũng chẳng được. Bơm nước ra thì nước lại vô. Đồ đạc trong nhà đã được kê cao rồi, đến bữa vẫn phải ăn, phải nhậu chút đỉnh chứ”…

Sự thảnh thơi đến kỳ lạ. Người dân ở đây có lẽ chẳng cần biết người ta đang cãi nhau chuyện thay thép Châu Âu bằng thép Trung Quốc cho những đường ống chống ngập, cũng không cần biết vì thế mà cái dự án 10 nghìn tỉ đồng chống ngập cho thành phố đang bị chậm trễ hết năm này qua năm khác. Hay chuyện sở dĩ Sài Gòn thành biển nước là do sai lầm trong quy hoạch đô thị? Họ cũng không thèm quan tâm luôn đến cái nhà hát tầm cỡ thế giới 1.500 tỉ đồng nào đó đang định xây ở Thủ Thiêm, vì nó không lấy đất của họ, không làm căn nhà của họ ngập úng thêm.

Họ nhẹ nhàng lướt qua những cơ cực, phiền toái, như đến hẹn lại lên, như chuyện thường ngày vậy thôi. Người nghèo ở Sài Gòn giỏi vượt khó, bằng một thái độ bình thản. Họ không thấy khổ như cách ta nhìn họ. Thậm chí có khi họ còn thấy ta mới là khổ sở, ít ra là lúc này đây, khi mấy thằng đi giày tây cứ lóng ngóng rụt rè tìm cho mình một chỗ đứng, chỗ ngồi cao hòng giữ cho bàn chân được khô ráo, trong khi chẳng hay đôi giày tây đã ướt nhẹp từ lúc nào…

Ăn và nhậu

Nhân chuyện mấy người ở Thanh Đa co chân bình thản nhậu giữa biển nước, không thể không nói đến cái sự ăn nhậu ở xứ này. Người ta bảo “ăn Bắc, mặc Nam”, song “sự nghiệp” ăn nhậu ở Sài Gòn mới đáng nể. Cả Sài Gòn là một quán nhậu khổng lồ với đủ món cao cấp, bình dân, trên trời dưới biển… Cái “thành phố ăn nhậu” ấy mở cửa hầu như thâu đêm.

Trong một quán chuyên hải sản ở quận 5, gần nửa đêm mà dân nhậu vẫn nhộn nhịp, bàn ghế bò hết ra vỉa hè Nguyễn Tri Phương, một “bợm nhậu” hỉ hả: “Ăn quận 5, nằm quận 3, múa ca quận 1…”. Và anh lý luận: “Thế nào là ăn Bắc mặc Nam? Là ở miền Bắc, các món ăn thường được nấu khéo, ngon. Còn ở miền Nam, thời trang hiện đại và phong phú hơn”. Lập tức một “bợm nhậu” khác cướp lời: “Sai bét. Là dân Bắc ăn sao cũng được, miễn có cái bỏ vào bụng, nhưng lại chú trọng hình thức bên ngoài. Còn người Nam thì mặc sao cũng được, nhưng ăn phải sang, phải ngon và mấu chốt là… luôn có đủ tiền trả!”. Ai cũng có lý, dù tôi thích cái lý của gã “bợm nhậu thứ nhất” hơn.

Khách sạn chúng tôi ở trên đường Trương Định, quận 3, chéo công viên Tao Đàn. Trong bán kính chừng 300m có đầy đủ các loại nhà hàng tây – tàu, nam – bắc, đắt – rẻ… Ăn sáng, ăn trưa, ăn tối, café trong cái bán kính 300m ấy thôi đã không bữa nào trùng bữa nào. Trước mặt khách sạn là một dãy nhà hàng, café, cơm văn phòng, có quán lẩu cua đồng và các món ăn vặt Hà Nội ở ngõ 8 rất bắt mắt. Phía Nguyễn Du có bún bò Huế Đông Ba nổi tiếng. Đường Võ Văn Tần tiếp giáp là quán bún chả Hà Nội Phố và đối diện là Nam Định Quán có cơm trắng, canh cua, cà pháo mắm tôm và lòng lợn (heo) cực ngon. Rồi kế đó là hủ tiếu Ba Hoàng, lẩu mắm Bà Huyện, cơm tấm Hùng, bánh tráng Trảng Bàng, hải sản Hương Xưa… Thoải mái mà lựa, nay món Huế, mai món Quảng, mốt món Bắc. Chán món Việt thì ăn món Thái, món Âu, món Nhật, món Hàn, món Hoa…

Người Bắc vào Nam ít nhiều bất ngờ và cảm tình với cung cách phục vụ của người Sài Gòn. Một dạ hai vâng, cung kính, nhiệt thành, tận tụy. Cái câu “khách hàng là thượng đế” không biết bắt nguồn từ đâu nhưng rất đúng với thành phố này. Đi ăn, uống, vào tiệm hớt tóc, spa hay nói chung là làm dịch vụ, bạn sẽ thường xuyên nghe câu thưa gửi, câu cảm ơn và nụ cười. Sẽ rất hiếm gặp câu “không có” mỗi khi bạn cần gì đó từ người phục vụ. Nếu nhà hàng không có, họ sẽ chạy đi mua cho bạn, trừ khi cả Sài Gòn không có. Nhóm chúng tôi có một anh chưa đến 60 nhưng tóc đã bạc nhiều, vào quán, mấy em phục vụ ngoan ngoãn gọi ngoại xưng con, răm rắp “thưa ngoại, ngoại ơi, ngoại à” cực kỳ lễ phép và dễ thương khiến anh vừa cảm động, vừa… bực. Chúng tôi được bữa cười thoải mái. Tôi sực nhớ cái cảm giác “choáng váng” của nhà văn Nguyễn Quang Lập, khi ông mô tả lần đầu tiên đến mảnh đất này sau giải phóng, ông được nghe hai chữ “thưa cậu”. Rồi ông sửng sốt vì tiếng “dạ” ngọt ngào của cô phục vụ, nó khác hẳn cung cách của mấy cô mậu dịch viên quê ông…

Khác Hà Nội, người Sài Gòn thường nhậu tối thay vì nhậu trưa. Bạn tôi vài lần từ Sài Gòn ra Hà Nội chơi thường “trách” tôi là đồ sợ vợ và ăn cắp giờ nhà nước bởi thường uống bia rượu buổi trưa, đến quá chiều, chớm tối là “xoắn” lên về với vợ. Tôi nhớ một câu “đúc kết” không rõ của một nhà thơ hay “bợm nhậu” nào: “Sài Gòn nhậu tối – Hà Nội nhậu trưa – Cả nước say sưa – Từ trưa đến tối”…

Có mấy điểm khác biệt nhỏ so với xứ Bắc khi đi ăn nhậu ở đây là: Nước chấm rất phong phú, rau nhiều, đá nhiều, và bạn đừng ngại ngùng gọi thêm. Chỉ dùng khăn lạnh, ít hoặc không có giấy khô. Đồ ăn thường có đường. Nhà vệ sinh cơ bản “ăn đứt” quán xá ngoài Bắc về sự rộng rãi, sạch sẽ và thường trang bị máy lạnh… Và vài lưu ý: Đã uống bia là phải bia ôm – mỗi người “ôm” một lon. Cấm rót lon người này cho người kia. Rót hết bóp lon. Bóp hết mới khui tiếp. “Lên bia” đều nhưng cho phép lai rai chứ ít khi 100%. Phụ nữ thường uống bia bằng… ống hút. Ăn xong gọi “tính tiền”, cấm kêu “thanh toán” (dễ hiểu nhầm là “tiêu diệt, trừ khử”). Tính tiền xong nên típ (hay bo, boa) cho nhân viên phục vụ bàn và giữ xe, nhiều ít không quá quan trọng. Thuật ngữ típ (hay boa) bắt nguồn từ “pour boire” trong văn hoá Pháp. Tiền típ là khoản tiền nhỏ để cảm ơn người phục vụ. Sài Gòn gần với phương tây ở “văn hóa” này, tất nhiên chỉ ở các nhà hàng bậc trung trở lên. Ở Hà Nội, típ có vẻ gì đó bất thường với cả người cho và người nhận…

Sài Gòn cũng gây ấn tượng với du khách bởi những món ăn đường phố. Hầu như không thiếu thứ gì trên những chiếc xe đẩy, xe máy hoặc xe đạp, từ hủ tíu, mì gõ, bánh mỳ, trái cây ngồn ngộn mùa nào thức nấy. Trên chiếc xe là cả một căn bếp nghi ngút khói, đầy đủ thực phẩm, rau quả, bát dĩa nồi niêu… tỏa đi khắp phố phường, mọi ngõ ngách… Cách đây 2 năm, Sài Gòn được CNN xếp vào danh sách 23 thành phố trên thế giới có món ăn đường phố ngon nhất, cùng với Bangkok (Thái Lan), Tokyo (Nhật Bản), Honolulu (Hawaii)… Hãng tin nổi tiếng này viết về Sài Gòn như thế này: “Ngồi trên một chiếc ghế nhựa ở vỉa hè, trước mặt là một bát phở nghi ngút khói, bạn có thể vừa thưởng thức món ăn quốc hồn quốc túy của Việt Nam vừa ngắm thành phố ồn ã đông đúc. Thực tế, đó là một buổi chiều hoàn hảo (…) Không muốn ăn phở, bạn cũng có thể chọn bánh mì, một món ăn đường phố đã thành công trong quá trình vươn ra thế giới. Những ổ bánh mì được xẻ dọc, nhét vào đó những loại thịt khác nhau, có pa tê, xúc xích, thịt nguội và cả da heo băm nhỏ”…

Theolaodongtre


Hãy chia sẻ cho bạn bè qua: