Mỗi tấc vỉa hè đều có một cuộc đời


Mỗi hàng quán, gánh chiếm một chỗ khiêm tốn trên vỉa hè là một cuộc đời, thậm chí là nhiều cuộc đời…

Phát hiện thú vị nhất là về mức độ tin tưởng và hợp tác xã hội diễn ra trên vỉa hè. Hầu hết những người bán hàng rong chia sẻ rằng các cửa tiệm thường giúp đỡ họ, cho họ dùng điện nước miễn phí và gửi đồ qua đêm. Lý do để giải thích cho sự giúp đỡ này là vì mọi người hiểu rằng những người bán hàng rong cần phải kiếm sống. Thậm chí các cửa tiệm cũng coi những gánh hàng rong là phần bổ sung cho dịch vụ của họ, ví dụ các nhà hàng thì phục vụ đồ ăn còn cà phê được bán trên vỉa hè. Lý do khác nữa là người dân thấy sự tiện lợi mà những gánh hàng rong mang lại. Những người bán hàng rong cũng hợp tác với nhau như trường hợp ba người bán hủ tiếu, bán nước và bán kẹo góp chung tiền mua bàn ghế nhựa và linh động về chuyện khách ngồi ở đâu. Tất cả sinh hoạt trên vỉa hè, bao gồm cả buôn bán, chỉ chiếm 10-40% không gian, còn để lại khá nhiều chỗ trống cho người đi bộ. Trong khi đó, hoạt động chiếm nhiều không gian nhất là đỗ xe máy.

Trên những vỉa hè TP.HCM, nhiều người cùng chia sẻ không gian cho những hoạt động khác nhau, vào những thời điểm khác nhau. Ở một góc phố, lúc 5g sáng, vỉa hè là nơi gặp gỡ của những người muốn hưởng sự thoáng đãng của khí trời. Sau đó là nơi phục vụ bữa sáng và cà phê. Có một khoảng lặng trước khi vỉa hè lại đông đúc trong giờ ăn trưa. Vào lúc xế chiều, vỉa hè là nơi mọi người ngồi nghỉ, ngắm phố phường hoặc mua bán. Tất cả những câu chuyện này diễn ra trên một đoạn vỉa hè. Thật kỳ diệu khi ta nhận ra rằng bao nhiêu phần của cuộc sống có thể được nuôi dưỡng trong không gian công cộng khiêm nhường này.

via-he-2

Không gian đô thị sống động của TP.HCM có nhiều điều để thế giới học hỏi. Và phần lớn sự sống động đó diễn ra trên vỉa hè. Các thành phố trên thế giới đang bối rối với việc quy hoạch và quản lý không gian công cộng như thế nào khi có quá nhiều người nhập cư và các đô thị trở nên đông đúc. Cho tới nay, hầu hết các nhà quy hoạch tập trung vào những không gian công cộng hoành tráng như quảng trường. Tuy nhiên, chính những vỉa hè khiêm nhường mới là không gian công cộng quan trọng nhất, nơi mà mọi người sử dụng, gặp gỡ và tương tác với nhau mỗi ngày.

via-he-4

Cuộc sống vỉa hè là một trong những ấn tượng đậm nhất mà TP.HCM để lại trong lòng du khách. Họ chia sẻ rằng đi bộ trên vỉa hè là phần thú vị nhất. Họ yêu thích các món ăn, uống cà phê, trò chuyện với người dân địa phương, ngồi trên những chiếc ghế nhựa và nhìn cuộc sống diễn ra trên vỉa hè. Đô thị Sài Gòn khiến nhiều du khách hồi tưởng về quá khứ và tiếc rằng cuộc sống vỉa hè đã biến mất khỏi quê hương họ. Nhiều nhà nghiên cứu cũng đã chỉ ra rằng kinh tế vỉa hè là một phần quan trọng của an sinh xã hội. Một số ước tính rằng nền kinh tế vỉa hè cung ứng tới 30% việc làm và lượng thực phẩm cho thành phố.

via-he-1

Vỉa hè cũng là nơi có thể giúp rất nhiều người kiếm sống, đồng thời mang lại lợi ích cho xã hội. Liệu vỉa hè có phải chỉ dành cho người đi bộ? Vỉa hè đa chức năng, cũng giống như khái niệm sử dụng đất hỗn hợp, là một phần tạo nên một thành phố sôi động, bền vững và đóng góp vào sinh hoạt cộng đồng. Vỉa hè ở TP.HCM còn dạy cho các nhà quy hoạch về chiều thời gian trong quy hoạch không gian công cộng, vốn cho phép sự linh hoạt và chia sẻ không gian, đặc biệt ở những thành phố chật chội.

Mỗi hàng quán, gánh chiếm một chỗ khiêm tốn trên vỉa hè là một cuộc đời, thậm chí là nhiều cuộc đời…

Nguồn: tuoitre.vn


Hãy chia sẻ cho bạn bè qua: