Người Sài Gòn tham lam lắm!


Người Sài Gòn

Nhân câu chuyện xoay quanh việc giới trẻ lên án bừa những người đến lấy nhiều hơn một ổ bánh mì trong thùng bánh mì từ thiện ở Sài Gòn mà chẳng rõ đầu đuôi câu chuyện, để một người cha lấy lố tận…3 ổ bánh cho ông và 2 đứa con phải nuốt từng miếng bánh trong ức nghẹn, tui chợt muốn chia sẻ trải nghiệm của bản thân về lần đi phát bánh mì từ thiện của mình để những người trẻ có ít điều kiện tiếp xúc với xã hội do đầu tư phần lớn thời gian để gõ bàn phím có một cái nhìn phần nào đó rõ ràng hơn về tính tham lam của người Sài Gòn.

Lần nọ, cô hai tui ở Mỹ nhắn tin về giao cho một nhiệm vụ cao cả, đó là mang số bánh mì cô đặt đi làm từ thiện cho những người nghèo ở bệnh viện Nhi Đồng. Tui thích làm những việc mang tính cộng đồng thế này lắm nên đồng ý với cô ngay tắp lự, hăm hở chạy ra tiệm bánh mì Pác Gấu Mập lấy số bánh cô dặn đem đi phát.  Ngẫm nghĩ thế nào đến phút chót, tui lại tự thay đổi địa điểm và rủ nhỏ Nghị bạn thân chạy xe vòng vòng khu trung tâm để gửi bánh cho những người nghèo mà hai đứa gặp trên đường. Và đây là những người tham lam lấy hơn một ổ bánh mì mà tụi tui đã gặp.

Ngay góc đường nọ, có một chú xe ôm sau khi đón ổ bánh từ bọn tui đã thẳng thắn xin thêm hẳn ba ổ bánh nữa. Chú cưởi hề hề nói là “Tao hổng có xin thêm cho tao đâu nghe mậy. Ba thằng chiến hữu đánh cờ của tao đi chở khách gòi. Tao giữ giùm tụi nó để lát về mệt có chút gì bỏ bụng. Cho thêm được hông mậy?”.

Người Sài Gòn

Người Sài Gòn mắc cười thiệt. Có ổ bánh mì mà ai cũng đòi xin thêm!

Đi thêm một đoạn, hai đứa tui gặp một nhóm công nhân vệ sinh đang ngồi nghỉ ngơi. Thấy tụi tui mời bánh, ban đầu mọi người còn ngần ngại không biết nên nhận hay không. Nhưng sau khi có một chị lấy bánh ăn thì mọi người bắt đầu cởi mở hơn. Nhận được bữa xế giữa trưa nắng oi từ hai đứa chả rõ từ đâu xuất hiện, ai ai cũng vui ra mặt. Lúc sau, khi một cô nọ nói với tui cho cô thêm vài ổ nữa để cô phát cho những người khác trong tổ thi có anh nọ chạy ra ngăn lại bằng chất giọng trung pha nam lơ lớ: “Em ơi, em còn nhiều bánh không? Nếu được em có thể chạy đến tổ tụi anh phát cho mọi người không? Chắc ở bển cũng chưa ăn gì đâu. Anh em làm chung với nhau mình được nhận lộc thì cũng nên chia cho mọi người. Quý hóa lắm mới gặp được hai được đứa. Thấy vậy đó mà tiết kiệm được một bữa ăn chứ bộ.”. Rồi anh nọ cười hiền. Nụ cười chân thành nhất mà tụi tui từng thấy.

Hay lúc tui với con bạn phát bánh trên vỉa hè đường Trần Hưng Đạo, thấy có anh nọ ăn mặc tinh tươm lắm. Thấy tụi tui gửi bánh mì cho các bác xe ôm, ảnh đứng tần ngần nhìn hồi lâu. Rồi thì có bác xe ôm đánh tiếng: “Hai cô cho nó một ổ bánh luôn được không? Ngó bộ nó mặc đồ láng coóng dzị đó mà cũng chỉ chạy xe ôm như tụi tui thôi hà”. Nhỏ bạn vui vẻ đưa bánh cho anh thì ảnh cười hề hề, bảo chứ: “Trời ơi, tui tưởng hổng có phần cho mấy người nhìn hổng lem luốc chứ. Mà nói cái là hai cô tin liền luôn đó hả? Lỡ tụi tui thông đồng nhau gạt hai cô sao? Mà thôi lỡ rồi cho thêm ổ nữa lát chiều nhỏ con gái đi học dzìa tui cho nó nha. Bé nó thích ăn bánh mì lắm.”

Người Sài Gòn

Sài Gòn thì là nhà. Hễ đến Sài Gòn, ở lại với Sài Gòn thì ai ai cũng là thành viên trong gia đình. Và lẽ đương nhiên người trong một nhà sẽ thương yêu mà cho nhau, vậy thôi.

Ngẫm nghĩ về cái tình của người Sài Gòn thì thấy cũng hay hay. Phải có cơ duyên để được cọ xát nhiều hơn với xã hội mới thấy được người ở đây trọng nghĩa trọng tình thế nào. Có lẽ chẳng phải tự nhiên mà người tứ xứ đi tha phương lại gọi Sài Gòn là “miến đất hứa”. Do thắm đượm trong lẽ sống và tập tục của nơi đây tự bao giờ đã hình thành cái gọi là văn hóa đùm bọc, đỡ đần nhau. Ở Sài Gòn, lỡ hôm nào có rơi vào tình trạng nhẵn túi cũng chẳng lo phải đi ngủ với cái bụng trống rỗng do chỉ cần mở miệng thôi thì dì tám bán cà phê đầu hẻm hay anh năm nhà hàng xóm luôn sẵn sàng san sẻ cho một ít đồ ăn lót lòng. Bởi với người Sài Gòn, thành phố Hồ Chí Minh là thành phố, địa danh. Còn Sài Gòn thì là nhà. Hễ đến Sài Gòn, ở lại với Sài Gòn thì ai ai cũng là thành viên trong gia đình. Và lẽ đương nhiên người trong một nhà sẽ thương yêu mà lo cho nhau, vậy thôi.

Không sai khi nói người Sài Gòn tham lam. Nhưng họ tham chút vặt vãnh cho những người họ thương yêu vì cái nghĩa, cái tình. Thiết nghĩ thế cũng đáng.

Bài viết: Xuân Ngọc | Ảnh minh họa: Sưu tầm


Hãy chia sẻ cho bạn bè qua: