Những bông hoa buồn trên huyệt mộ Charner


Tàn đêm diễn, tôi cao hứng rủ người bạn cuốc bộ một đoạn từ gần cuối đường Nguyễn Huệ gần bến Bạch Đằng, ngược đại lộ Nguyễn Huệ để lên quán cà phê trên tầng thượng khách sạn Rex thưởng thức một ly gì đó vào cuối ngày.

“Đêm hàng rong” ở phố đi bộ Nguyễn Huệ

Chuyện ít biết về Sài Gòn xưa: Đại lộ Charner – Nguyễn Huệ, chốn cực phẩm phong lưu

Cuộc bách bộ ngẫu hứng chật vật len qua những tiệm trà sữa mọc lên nhan nhản trên con đường này, va đập mấp mô trên mặt đường ngổn ngang rác được vứt lại từ những cuộc đi bộ vào cuối tuần đã trở thành thứ sinh hoạt tiêu khiển khá khó hiểu của giới trẻ.

“Phố”, từ lúc nào đó, đại lộ vương giả từng được mệnh danh là “thượng phẩm phong lưu” Charner, hoặc về sau là đại lộ Nguyễn Huệ bậc nhất hào hoa của xứ minh châu Viễn Đông này đã bị gọi theo cách của người Bắc là “phố”, như thể từ thành phố trung tâm của đời sống đô thị miền Bắc, 36 con phố vẫn là chưa đủ. Người ta theo thói quen của những người Bắc mới, gọi luôn đại lộ Nguyễn Huệ, kể từ khi đập phá, biến thành quảng trường và cấm xe lưu thông hai đêm cuối tuần, thành Phố-đi-bộ như vậy.

Cuộc diễu hành của những thị dân buồn bã

Chúng tôi cùng nhau lắt lẻo băng qua dãy xe máy dựng ngổn ngang dọc theo bãi xà bần đang thành công trường nơi Thương xá Tax từng án ngự. Ngồi trên những chiếc xe dựng chống ngổn ngang là từng cặp từng cặp tình nhân trẻ đang vắt vẻo ngồi, vu vơ trò chuyện. Họ ngồi đó, cùng nhau buồn bã nhìn ra phố đi bộ về khuya, săm soi vài vị khách bộ hành vào cuối ngày đêm muộn.

– Từ khi nào mà nơi này đã biến thành bãi hẹn hò công cộng vậy? – anh bạn trẻ vừa chật vật dìu tôi lách qua những chiếc xe, vừa càu nhàu than phiền.

Từ khi tòa thương xá một thời là niềm hãnh diện đế vương của cung đường này bị đập sập, người ta tức thời dựng nên những miếng tôn chận lại khung cảnh của cuộc hoang tàn bên trong, như những manh chiếu vá víu che chắn tạm bợ trên thi thể đã phân hủy của trang giai nhân một thời lừng lẫy.

db989469-7121-4f11-8ecc-9b367e9a731d

Như thể chính thủ phạm sát nhân cũng ghê mắt trước cảnh phân hủy của thi thể, trước những cọc sắt bộ cốt lòi trơ ra nghều ngào giữa trung tâm thành phố, và bộ nội tạng hoang tàn của một châu thân từng nõn nường ngà ngọc là vậy nay sống sượng bầy hầy giữa cái thị thành mà người ta đang rắp tâm toan tính cho khoác bộ phục trang mãnh long châu Á.

Ngay tức thời, vừa khi những tấm chắn được dựng vội lên xung quanh khu mồ ma thương xá cũ, nơi đây mau chóng trở thành một tụ điểm hẹn hò có lẽ phi lãng mạn và kỳ khôi nhất trên đời.

Chạng vạng tối, khi mà những phiến đá trên mặt chảo rang khổng lồ bằng đá mang tên Nguyễn Huệ còn chưa kịp nguội sau một ngày nung nóng hết mức dưới cái nắng nhiệt đới, những người bán vài món ăn vặt rẻ tiền đã kịp khuân những thúng mủng dã chiến ra bày bán, và những tiệm trà sữa thời thượng vừa kịp vặn to hết mức mớ nhạc xập xình hỗn loạn, thì phía này, vắt vẻo trên những chiếc xe máy xếp san sát chênh vênh gạt chống đứng, lưng tựa vào lớp tôn công trường dã chiến còn âm ỉ nóng, từng cặp tình nhân sàn sàn đôi mươi đã kịp chiếm ngự và biến vỉa hè Nguyễn Huệ đoạn ngã tư Lê Lợi thành một khu hẹn hò tập thể.

Các cô gái vắt vẻo ngồi phía trước, chân gác thu lu lên bửng xe, với cậu bạn trai khuỳnh chân trụ vững, vòng tay ôm choàng từ phía sau.

Họ ngồi đó, xe này san sát với xe kia. Có cặp tíu tít những cuộc âu yếm với chai nước ngọt chuyền tay nhau uống chung, hay cả hai cùng cúi mặt chăm chú vào cùng một màn hình điện thoại hắt sáng lên lạnh tanh một ánh sáng ma trơi. Những cặp khác chỉ ngồi im lặng, những đôi mắt hở ra bên trên hai chiếc khẩu trang lơ mơ nhìn về phía con đường đi bộ ngổn ngang người và rác.

Họ ngồi đó, hết cặp này lên xe rảo đi lại lập tức có cặp mới tấp vào thế chỗ. Cứ thế, hết phiên này tới phiên khác, cho tới gần nửa đêm, những tấm tôn che chắn công trình mới lộ diện trên mặt vỉa hè về khuya, khi những cặp đôi đã theo nhau lên xe về hết.

Dưới vòm sử quân tử vô danh

Khó có thể tìm thấy chốn hẹn hò nào kém lãng mạn hơn nơi ấy, nếu xét theo góc nhìn của người ngoài. Người ta hầu như khó có thể thì thầm cho trọn một cuộc đổi trao, không có lấy một tàng cây khả dĩ để lọc những ánh đèn đường hiu hắt đặc thù của đêm hò hẹn thị thành. Tất thảy phơi phóng sống sượng trên một rẻo vỉa hè ngổn ngang rác và ngổn ngang bê tông gạch vỡ. Họ ngồi đó, trên những chiếc xe gạt chống đứng, chông chênh hẹn hò, chông chênh hôn nhau, và chông chênh dõi mắt nhìn ra những cuộc diễu hành nhếch nhác của người tản bộ trên đường Nguyễn Huệ.

Tôi đã không thể trả lời được câu hỏi như một tiếng cằn nhằn của anh bạn, cho đến một ngày, khi đôi giày cao gót đau tức gót chân và vướng víu bởi chiếc áo dài, anh bạn trẻ dìu tôi đi lẫn vào chính cái cuộc diễu hành buồn bã của thị dân ngược xuôi nấm mồ đại lộ ấy, chật vật tìm cho tôi một vuông ghế nghỉ chân dưới vòm sử quân tử. Chiếc ghế đã bị án ngữ bởi một thanh niên người ngoại quốc.

Ngay trên tàn tích của những hoa lệ cũ, của những toà thương xá đã ôm giữ ký ức của hàng bao nhiêu thế hệ thị dân Sài Gòn dẫu có trở ra thiên cổ trong bụi xi măng, thì ngay trên mảnh thi thể một thời hoa mộng ấy, những hoa mộng mới rồi cũng có cách trổ nở dẫu còi cọc nhọc nhằn.

Tôi e dè đưa mắt nhìn cậu thanh niên, anh ta bình thản ngồi nhích sang nhường chỗ cho người đàn bà ăn bận diêm dúa, nét mặt không tỏ vẻ vồn vã thân thiện, nhưng cũng không hề tỏ ra bực dọc. Chúng tôi yên tâm chia sẻ chiếc băng ghế với người thanh niên xa lạ, với cậu bạn trẻ ý nhị ngồi giữa tôi và cậu thanh niên lạ mặt.

Rồi ở đó, trong vòm sử quân tử còi cọc, chúng tôi cùng im lặng nhìn trống không ra mặt quảng trường chỉ còn lác đác vài cặp bách bộ vu vơ, vài đứa trẻ lặng lẽ vùn vụt trôi đi trên những chiếc xe thăng bằng kỳ cục, khéo léo lạng qua những mẩu rác người dạo chơi giờ sớm đã vứt lại. Một con rối khổng lồ hình chó bông chào mời vài pose hình với mấy nhóm bạn trẻ đi chơi khuya…

Bất giác, cậu bạn bên cạnh tôi cất lên một câu nhạc vàng đã cũ, héo hắt buồn. Tôi liếc qua, người thanh niên ngoại quốc kín đáo tháo chiếc tai nghe và trầm ngâm theo tiếng hát âm ỉ của bạn tôi. Lời hát chỉ vừa đủ cho một băng ghế nhỏ, dễ dàng vỡ vụn khi cố len qua vòm sử quân tử thưa rỉnh che chung ba mái đầu xa lạ, và cứ quẩn quanh tù túng rồi vụn vỡ như vậy. Phố đi bộ vật vờ trôi qua trước mắt, buồn như một thước video ca nhạc sầu thảm nhất trên đời.

***

– Rồi thì người ta sẽ luôn xoay xở để lãng mạn được, ngay giữa một bãi công trường nham nhở tục lụy nhất như thế này.

Tôi giải thích với anh bạn đang cằn nhằn như vậy, khi chúng tôi đã yên vị trên hai chiếc ghế chân cao từ sân thượng khách sạn Rex nhìn xuống mồ ma đại lộ Charner.

Ngay trên tàn tích của những hoa lệ cũ, của những toà thương xá đã ôm giữ ký ức của hàng bao nhiêu thế hệ thị dân Sài Gòn dẫu có trở ra thiên cổ trong bụi xi măng, thì ngay trên mảnh thi thể một thời hoa mộng ấy, những hoa mộng mới rồi cũng có cách trổ nở dẫu còi cọc nhọc nhằn.

Sẽ có lúc, biết đâu, rồi họ cũng sẽ tiếc nhớ bức tường rào bằng những tấm tôn dã chiến nọ, với những tình nhân vĩnh cửu và những tình nhân rồi sẽ chỉ ghé qua nhau trong đời.

Còn riêng với tôi, cậu bạn trẻ và anh thanh niên xa lạ người ngoại quốc đêm kia, cũng chỉ là những kẻ ngẫu nhiên ghé qua đời nhau, vắn dài chỉ bằng thời lượng của vài câu hát nọ, rồi cũng sẽ loay hoay xoay xở để sản sinh ra những ký ức riêng của mình trên cung đường vô hồn xấu xí nọ, dưới một vòm sử quân tử vô danh.

Anh bạn lặng im, tôi thở dài nói tiếp, như độc thoại cho chính mình nghe:

– Rồi thì người ta sẽ vẫn xoay xở cho những kỷ niệm lãng mạn của riêng thế hệ họ với Sài Gòn. Ai bảo một người đàn bà không còn trẻ đẹp thì không còn lãng mạn, ngay cả khi nàng đã là phế nhân? Những bông hoa vẫn xoay xở mọc ở nghĩa trang, ngay trên những nấm mồ đó thôi.

Theo nguoidothi


Hãy chia sẻ cho bạn bè qua: