Sài Gòn và kẻ giật chiếc mũ trên đại lộ Nguyễn Huệ năm ấy


Trong sách “Sài Gòn: Những biểu tượng”, nhà văn Phan Triều Hải nhớ về tuổi thơ 40 năm trước, khi chiếc mũ còn ấm nước mắt của mẹ bị giật khỏi đầu anh, ngay trên đường Nguyễn Huệ.

Sài Gòn xưa: Quán của một thời và những ký ức vui buồn

Những mùa Tết xưa trong ký ức một người Sài Gòn

Nước mắt của mẹ

Rốt cuộc rồi cũng đã thấp thoáng nhiều hơn những khoảnh khắc ngồi bất động. Bất động lâu đến nỗi với ai quan sát, không có mô tả nào sát hơn các cụm từ minh triết hay trầm tư, nhưng thật ra trong cơ thể người đàn ông tuổi gần năm mươi ấy, đơn giản chỉ có nhịp thở phì phò trong cái nóng sót lại của chiều muộn và một cái đầu trống rỗng tuyệt đối.

Vậy mà trong buổi chiều này, từ chỗ ngồi quen thuộc bên bãi xe gần phố đi bộ mà mỗi khi có một chiếc xe hơi ra vào bụi bốc lên mù mịt, anh chợt phát hiện ra trên cái cột đồng hồ bốn mặt giữa vòng xoay, hai mặt hướng về phía anh có kim giờ kim phút chạy giống y hệt nhau. Một sự chính xác hiếm có bởi lâu nay anh vẫn quen với việc chúng được đặt ở đó chỉ để làm một thứ trang trí không hơn không kém. Vậy là không cưỡng lại được nỗi tò mò về độ chính xác của hai mặt đồng hồ còn lại, anh trả tiền cà phê sớm hơn thường lệ mười phút và bước về phía trước.

Nhưng khi ngẩng lên nhìn, thay vì xem đồng hồ, anh thấy mình trong hình hài của một thằng nhóc bốn mươi năm trước, lần đầu tiên đến Sài Gòn.

Thằng bé ấy mặc chiếc quần cộc, sơ mi tay ngắn nghiêm nghị như đang dự lễ khai giảng trường tiểu học, ngửa cổ nhìn lên cái khách sạn nay đã mang cái tên mới, bóng bẩy, nhưng không giấu được cái thần thái thân thiện xưa cũ vốn chôn chặt trong trí nhớ của kẻ từng xem nó là thần tượng.

Cái khách sạn ấy – nay có kiễng chân cũng không đến vai cái Sunwah mới toanh hiện đại đối diện – từng là miếng mồi ngon để khiến những con người chậm chạp đầy những ngại ngần, mạnh dạn bỏ lại những gì quen thuộc để dấn thân vào nơi mà bất kỳ ai có ý định đổi đời cũng-biết-là-nơi-nào ấy : Sài Gòn!

Cuốn sách Sài Gòn: Những biểu tượng.

Cuốn sách Sài Gòn: Những biểu tượng.

“Trong đó chỉ có những tòa nhà cao, cao đến nỗi khi ngước nhìn, mũ con sẽ rớt” – Cha nói.

Nếu đúng như vậy, đó là một thế giới khác. Cho đến năm sáu tuổi, thế giới của thằng bé đen nhẻm, áo đứt nút lòi rốn và hai be sườn, mê đọc không thích học, ghét đến trường mà chỉ thích chân đất lết phết, là không gian bí ẩn giữa hàng rào dày đặc cây bông cẩn nối nhà này với nhà khác. Các cuộc phiêu lưu vĩ đại nhất của nó những năm cuối 1970 là ngồi trong chiếc thau nhựa lớn, khi cơn lụt hàng năm nối hồ Kim Mưng với hồ Tịnh Tâm thành một vùng biển nhỏ, để cha mẹ đẩy bập bềnh đến nhà ngoại, ở đó, căn gác nhỏ sẽ biến thành ốc đảo trong vài ngày và người lớn cãi nhau khi loay hoay nhóm lửa từ củi ướt để nấu những bữa cơm chỉ toàn sắn trong khi chờ nước cạn.

Nhưng các cuộc phiêu lưu ấy không kéo dài lâu, nước sẽ rút để lại lớp bùn non và mọi người sẽ im lặng dọn dẹp, chậm rãi sắp xếp lại đồ đạc, và nắng sẽ lên đến tê dại mắt và nó sẽ muốn ngủ ngay khi đặt lưng lên tấm phản gỗ bóng lưỡng kê bên cửa sổ.

Thế nên, câu quảng cáo về tòa nhà rất cao ấy dễ dàng đẩy nó lên tàu mà không rơi giọt nước mắt nào cho mẹ và các em còn ở lại. Trước ngày đi, mẹ lấy tiền dành dụm mua một chiếc mũ vải mới. Mẹ hôn lên chiếc mũ đó trước khi ướm lên đầu nó. “Nếu trong đó sống được, anh sẽ đón tất cả vào cùng.” Cha nói.

Mẹ không khóc, không hề có tiếng khóc, nhưng khi nó cầm chiếc mũ cho vào túi, bàn tay nó nắm lấy một góc ươn ướt – nước mắt của mẹ. Sài Gòn, nơi vẫn còn những bữa ăn có cơm trắng tinh chứ không phải gẩy từng hạt trên mỗi lát sắn chai sượng. Sài Gòn, nơi vẫn còn mua thức ăn sáng chứ không phải lục lọi những gì còn sót lại trong nồi qua đêm. Nó huy động những hình ảnh ấy của Sài Gòn, ép chúng lặp đi lặp lại trong đầu để chống chọi cơn say đứ đừ mùi mồ hôi người và dầu máy suốt hai ngày xình xịch chuyến tàu xuyên Việt dài tưởng chừng bất tận.

Ai cũng có một chỗ của mình ở Sài Gòn

Và rồi, vào một buổi trưa, tàu chậm rãi vào ga và nó hơi thất vọng với những căn nhà lắp ghép và mái tôn hỗn độn, những người phụ nữ xắn cao quần giặt giũ hay làm cá ngay bên đường ray tàu, những người đàn ông uể oải nằm trên chiếc xích lô chờ khách dưới bóng lá èo uột với một nửa tờ báo phủ trên mặt.

Nếu có gì khác biệt hay đặc sắc hơn nơi nó vừa rời bỏ, có lẽ là bọn trẻ con; chúng mặc những chiếc áo mới hơn, không mấy đứa lòi xương sườn, và dường như nhà nào cũng có một con chó mõm dài đứng hay ngồi hay nằm ngáp vặt trước cửa.

Ngay trong buổi chiều đầu tiên ở Sài Gòn, hãy còn lắc lư theo nhịp tàu và rã rời, hai cha con quyết định đi bộ từ Thị Nghè ra đứng trước cái khách sạn ấy. Danh bất hư truyền, khi vừa ngước nhìn tầng trên cùng, chiếc mũ trên đầu thằng bé biến mất. Những năm ấy, đi cùng với mốt quần jeans xủng xoẻng dây kéo là những chiếc mũ vải và bọn thanh niên hư hỏng có thú vui giật mũ trên đầu người đi bộ.

Phố đi bộ Nguyễn Huệ ngày nay. Ảnh: Lê Quân.

Phố đi bộ Nguyễn Huệ ngày nay. Ảnh: Lê Quân.

Thằng bé chết lặng. Sau cơn sững sờ, cha nói, “Con sẽ có một chiếc mũ khác.” Nhưng ông không biết chỉ chiếc mũ ấy mới có những vệt nước mắt mà ở trên tàu nó đã kịp lấy bút chì viền lại trước khi nắng làm mất dấu.

Cái khách sạn đã được sơn mới và mang một cái tên khác, nhưng anh vẫn nhìn thấy rõ hình ảnh nó trong chiếc áo cũ kỹ thuở nào. Nó là một góc riêng của mình, anh nghĩ. Một nơi thuộc về anh, cho dù anh chưa từng sống một đêm trong đó.

Rồi anh nhớ bốn mươi năm qua mình có rất nhiều nơi như thế ở thành phố này; trong hồ bơi Rạch Miễu anh nhớ về cái mõm đất ra sông có tên Cù Lao nặng mùi bùn non, nơi chiều chiều hai anh em đi học về kéo dây giúp ông chủ nhà trọ lội sình chích điện cá sặc, ngồi trong các quán cà phê san sát bên chợ quận 8 anh nhớ đây từng là bãi cát rộng mỗi cuối tuần đem báo sang trải giữ chỗ cho cả nhà, ruột quặn lên vì phấn khích khi tiếng máy chiếu bắt đầu quay rè rè và từ hai cái loa treo trên cột điện, tiếng người thuyết minh phim khọt khẹt thử giọng.

Ai cũng có một chỗ của mình ở Sài Gòn. Thành phố này là một con tàu, mỗi nơi chốn vô danh trong thành phố này là một chiếc phao thả bên mạn tàu để những người đang chấp chới trên biển có thể bám vào. Mỗi người ghi nhớ chiếc phao đã giữ mình lại, khắc ghi vào tâm trí bước chân đầu tiên mình trên miền đất mới, nơi mà ngay từ giây phút lựa chọn ở lại, không còn phân biệt người cũ mới mà chỉ còn là một – Người Sài Gòn.

Theo news.zing

(Trích sách “Sài Gòn: Những biểu tượng” của Nhà văn Phan Triều Hải)


Hãy chia sẻ cho bạn bè qua: