Sài Gòn xa quê mưu sinh đón Tết


(2SaiGon) – Mỗi mùa Tết về thì cũng là lúc những người làm ăn xa quê hối hả sửa soạn về quê. Tết nguyên Đán là dịp mà người Việt chờ đợi nhất trong năm, Tết là dịp để họ đoàn tụ, sum vầy bên gia đình, quay quần bên mâm cơm. Thế nhưng, đâu đó vẫn còn vô số những hoàn cảnh vì mưu sinh nên phải lưu lạc nơi đất khách Sài Gòn này.

Cảm nhận Sài Gòn…

Tháng Chạp Sài Gòn – Thời khắc chuyển giao của gió

1e15a6429ddd06cedd654fce02e5f289

Tết xa, người ta bảo nhau rằng “tết là để về nhà”. Có ai mà lại không trông cho một năm qua đi rồi lại được về gần hơn bên mái ấm. Cuộc đời bộn bề những lo toan, mệt mỏi và xô bồ, nhịp sống cứ thế trôi ngày này qua ngày khác. Tìm đâu cũng không ra một nơi nào bình an bằng bên người thân. Tết – thời gian được mong chờ nhất, trẻ con mong bao lì xì đỏ, cha mẹ mong thấy bóng dáng đứa con đi học xa nhà, con cái đợi cha mẹ sau những tất bật của mưu sinh cơm áo gạo tiền trở về bên cạnh.

Thế nhưng chẳng phải ai cũng có thể vẹn tròn đón một cái tết hân hoan. Có những đứa con vì chẳng đủ tiền mua một tấm vé về quê mà không muốn cha mẹ lo lắng đành nghẹn nước mắt ở lại Sài Gòn để đón mùa sum vầy cô đơn. Có những người cha người mẹ vì thương cho đàn con thơ nơi quê hương không có manh áo mới mà đành ngậm ngùi bươn chải cho qua ba ngày Tết, “vé nó rẻ hơn nên mới đủ tiền mua”.

Xót biết mấy cánh hàng rong buổi sớm khuya, ánh mắt hằn lên vết thời gian, vết gian khổ nhọc nhằn nắng mưa. Thương lắm khi đông bão vùi mặt đất những người mẹ trùm bao nilon ôm lấy gánh hàng, chẳng dám về lỡ đâu trời tạnh mưa.

photo-3-1464744462110

Tôi từng biết một vài người phụ nữ xứ Trung. Cái xứ mùa nắng thì cây cỏ héo úa, mùa mưa lũ thì nước lên ngập nóc nhà. Họ rời quê, vào cái đất Sài Gòn hoa lệ này. Hoa cho người giàu và lệ cho người nghèo. Có gánh hàng rong vài ba món ăn vặt của đám sinh viên chúng tôi, cũng biết là không bổ dưỡng gì nhưng vẫn hay mua, một phần vì ngon, một phần vì thương.

Qua cuộc trò chuyện với cô, khi được hỏi về hoàn cảnh gia đình và kế hoạch về quê đón Tết, cô buồn bã cho biết: “Chỉ còn hơn 1 tuần nữa là tới Tết, cô thấy mọi người xóm trọ của cô hối hả thu xếp công việc bận rộn thường ngày để chuẩn bị về quê. Quê cô vừa rồi chạy lụt dữ lắm con, muốn về lắm chứ, mấy đứa nhỏ nhà cô ngồi hết lên nóc nhà, củ mì không có mà ăn, lại còn bị cô lập. Buồn dữ lắm”. Rồi cô có về không? – “Không con ơi, về lấy tiền đâu mà gửi cho ở nhà. Nhà còn đâu nữa!. Cũng chẳng ruột thịt, chẳng máu xương ma sao lại thấy đau đau. Đau vì đời người phụ nữ lam lũ, đau vì nhìn vết chân chim trên khóe mắt, sao cô giống mẹ con!

Cô cho biết thêm: “Cô vào Sài Gòn cũng hơn 7 năm rồi, chồng cô ở lại để lo cho sắp nhỏ, cô có 4 đứa con. Hai đứa đầu thì học hết lớp 9 và hiện đang đi làm tại quê để phụ giúp bố mẹ, hai đứa úc còn đang đi học nên cần phải có tiền gửi về quê”.

tet-xa-xu-cua-thuc-tap-sinh-nhat-ban-2016

Một hoàn cảnh khó khăn khác vì mưu sinh phải xa quê, hàng ngày phải bươn trãi trên vỉa  hè: “Mấy năm trước Tết nào chị cũng về quê, năm nay chắc là phải đón Tết tại tại đây rồi! Năm nay bết quá em ơi! Buôn bán ngày khó khăn mà cận Tết là vé xe nó lại tăng, thấy người ta rộn rang về quê mà thấy tủi nhưng thôi tiết kiệm được đồng nào hay đồng đó! Sau lũ chị gửi hết tiền về cho gia đình rồi, dân quê mình khổ lắm em ơi!”.

Đối với tôi, Tết không chỉ là vui chơi, ăn uống mà chính là sum họp, là tình thân, còn là sau một năm dài mệt nhoài có thể an yên bên gia đình, nghe tiếng ba mẹ cãi nhau vì một bộ phim truyền hình, nghe anh trai tôi vật vã với con gà cúng đêm 30, nghe chị lạch cạch dưới bếp nấu vài ba món giao thừa. Tôi thì co ro trùm mền nghe hơi thở của năm mới tới gần. Gia vị của hạnh phúc là bình yên. Vậy lúc tôi bình yên, ngoài kia còn biết bao người đang mưu sinh, kiếm từng đồng tiền, mồ hôi, nước mắt và cô đơn.

nhung-hinh-anh-nhuc-long-nguoi-xa-que-ngay-tet

Sài Gòn sầm uất, nhộn nhịp, đầy ánh đèn rực rỡ nhưng ở một góc nhìn khác ta lại bắt gặp được những mảnh đời khó khăn phải đón Tết xa nhà. “Tết này có về không con?”, “Con về vào ngày mấy?” đó là những câu hỏi mà ta thường bắt gặp trong cuộc trò chuyện điện thoại từ quê gọi lên trong những ngày cận Tết, nó khiến những người không có điều kiện về quê phải nghẹn lòng. Họ mong muốn, nhớ mong cái Tết ở quê nhà, sum vầy bên mâm cơm gia đình nhưng vì công việc mưu sinh, mong kiếm thêm tiền thu nhập từ những ngày nghỉ nên họ dành phải ở lại, phải ăn Tết nơi đất khách quê người. Sài Gòn niềm vui nhiều đấy nhưng nỗi đau buồn mấy ai hay!

Phạm Minh Tâm


Hãy chia sẻ cho bạn bè qua: