Cảm phục trước “gia tài giàu có” của cụ ông bán vé số


Dường như ông không biết mệt, dù tập vé trên tay ông còn rất dày, và trời ngoài kia đang rất nắng…

Trưa Sài Gòn những ngày rất nắng, một người đàn ông bại liệt điều khiển chiếc xe lắc tay dành cho người khuyết tật tấp vội vào một quán cà phê cóc vỉa hè. Khi ông ta xuống xe, người ta chỉ có thể nhìn thấy ông từ phần đầu đến thắt lưng, và bên dưới hoàn toàn biến mất trong lớp vải quần lùng nhùng.

ong-cu-ban-ve-so
Ông di chuyển vào bên trong quán bằng hai đôi bàn tay lành lặn và nhanh thoăn thoắt. Một trong hai bàn tay đang giữ một tập vé số dày. Mặc dù ông vẫn còn đôi chân, chỉ có điều là nó rất bé, bé đến mức không thể chịu được sức nặng của cơ thể, để giúp người đàn ông di chuyển một cách bình thường như bao người.

Ông mời một người thanh niên trong quán mua vé số. Không chắc rằng anh thanh niên có phải là một “tín đồ” của vé số hay không, nhưng hẳn là không ai muốn từ chối ông. Chẳng ai muốn từ chối một người già và khiếm khuyết, trên con đường mưu sinh đầy vất vả của họ.

ong-cu-ban-ve-so 2

Tôi cũng vậy. Tôi không rành lắm cách thức dò vé số, và chẳng mấy hi vọng vào những ước mơ có một khoản tiền tỉ từ trên trời rơi xuống mang nhiều tính chất đặt cược với lòng tin như thế này. Tôi chỉ quan tâm đến nụ cười của ông. Dường như ông không biết mệt, dù tập vé trên tay ông còn rất dày, và trời ngoài kia đang rất nắng.

Và tôi đã nhận ra nhiều điều đằng sau nụ cười ấy.

ong-cu-ban-ve-so 3
Tên ông là Tới, quê ở Hải Dương, năm nay ông 65 tuổi. Khi mới sinh ra, ông cũng có một đôi chân lành lặn như mọi đứa trẻ khác. Đến năm 5 tuổi, một trận sốt bại liệt đã khiến chân ông teo lại và không thể phát triển được nữa. Từ đó mọi hoạt động và sinh hoạt của ông đều dồn hết vào đôi tay. Mà chẳng sao cả, thuở đó, ông còn quá nhỏ để hiểu được hết nỗi đau của việc mất đi đôi chân là như thế nào. Đến khi lớn lên thì chuyện cơ thể khiếm khuyết đã trở thành một phần của cuộc đời ông. Ông hiển nhiên chấp nhận như mọi chuyện nó vốn là như thế.

Năm ông 27 tuổi, người nhà mai mối ông với một cô gái. Ông cười hạnh phúc khi nhắc đến người phụ nữ này: “Bà ấy đẹp lắm! Rất đẹp! Người ta không chê tôi nghèo, không chê tôi tật nguyền. Người ta chỉ nói với tôi vầy nè: giờ tôi gặp ông tôi thương ông rồi tôi biết làm thế nào? Thế là cưới thôi. Người ta thì đẹp bao nhiêu chàng trai theo đuổi, còn tôi tật nguyền… Rõ là cái duyên cái số nó vồ lấy nhau thì sao tránh được…”.

ong-cu-ban-ve-so 4
Cưới nhau về, chỉ với hai bàn tay, ông làm bao nhiêu là việc. Từ việc đồng áng đến sửa xe, lợp nhà…, ở đâu có người thuê là ông đều nhận việc, kiếm ít đồng còm nuôi vợ nuôi con. Vợ ông cũng là một người chăm chỉ giỏi giang. Dù ông có cố gắng thế nào đi chăng nữa, thì khi thiếu mất đôi chân, ông cũng khó mà sinh hoạt hay làm việc một cách bình thường, trọn vẹn. Thế là bà trở thành đôi chân của ông, cùng ông đi qua bao nhiêu bão giông. Những năm tháng khổ cực nhưng hạnh phúc đó đã mang đến cho hai ông bà một tổ ấm với 3 người con lành lặn, khỏe mạnh lần lượt ra đời.

Sau này, khi kinh tế suy thoái khiến cuộc sống trở nên khó khăn hơn, 3 người con lớn lên với gánh nặng học hành, sinh hoạt ngày một lớn, bà lại bị tai biến mạch máu não, thế là một mình ông thân chinh vào Sài Gòn và gắn bó với nghề bán vé số để kiếm tiền gửi về cho vợ nuôi con.

ong-cu-ban-ve-so 5
Hàng ngày ông đi xe lắc tay đến điểm lấy vé số rồi cứ thế rong ruổi khắp các nẻo đường trên địa bàn quận Gò Vấp. Từ 4g sáng đến 9g tối, mỗi ngày, đều đặn, dù nắng hay mưa, người ta vẫn cứ thấy ông túc tắc cùng tập vé số mỏng dần trên tay.

Ông tâm sự: “Ngày nào tôi cũng bán được hết 150 vé, tiền kiếm được tôi gửi về hết cho bà ấy. Người ta đã đỡ đần tôi suốt một thời thanh xuân rồi, bây giờ tôi phải bù đắp cho người ta chứ”. Nói đoạn ông rút từ trong túi áo ra một cái điện thoại đã cũ, “đây này, ngày nào tôi chả phải gọi về an ủi động viên, nghe được giọng người ta rồi tôi mới yên tâm mà đi bán tiếp”.

Có một điều tôi hơi bất ngờ. Khi nhìn thấy một người với hình hài không lành lặn, mải mưu sinh vất vả với một công việc buộc phải dãi nắng dầm mưa, người ta thường liên tưởng đến những thán từ: thương tâm, cảm động, đau lòng, chua xót… Như một mặc định cho sự tội nghiệp, đánh động lòng trắc ẩn trong mỗi người. Nhưng tất cả những điều đó, tôi chưa từng nhìn thấy ở người đàn ông này.

ong-cu-ban-ve-so 6
Ông kể cho tôi nghe hoàn cảnh của mình bằng những câu nói nhẹ bẫng, bằng ánh mắt lấp lánh niềm vui, bằng nụ cười sáng bừng gương mặt. Một điều mà bạn có thể nhận ra rất rõ khi đối diện với ông: ông ấy nghèo nhưng không đói, đau nhưng không khổ, tàn nhưng không phế. Ngược lại, ông hạnh phúc hơn rất nhiều người trong chúng ta, vì ông bằng lòng với những gì ông đang có.

Cũng chính vì vậy, khi tôi giơ máy lên chụp ảnh ông, đùa rằng để mọi người biết đến ông và mua vé số giúp ông nhiều hơn, ông cười rất tươi và bảo: “Cô cứ chụp tôi rồi quăng lên facebook, để các con tôi đi học ở trường đại học, có máy tính, nhìn thấy bố chúng nó vẫn khỏe mạnh là được rồi, tôi chỉ cần như vậy là đủ rồi cô à”.

Tôi tự hỏi: trên đời này, có mấy ai có được cái điều mà mình cảm thấy là đã ĐỦ, như ông?

Theo Hồng Hạnh/SKCĐ


Hãy chia sẻ cho bạn bè qua: