Mẹ đơn thân và 2 con trai ở TP.HCM cùng đi tình nguyện chống dịch


Cô Trương Yvonne làm nhiệm vụ trực tại chốt kiểm dịch. 2 con trai của cô nhiều tháng qua tham gia tình nguyện tại bệnh viện dã chiến, chờ khi hết dịch mới về nhà.

Hơn một tháng qua, cứ khi rạng sáng, cô Trương Yvonne (sinh năm 1965) lại đến chốt kiểm soát dịch Covid-19 phường 14, quận Gò Vấp, TP.HCM làm nhiệm vụ canh gác.

Là mẹ đơn thân, cô có 2 cậu con trai là Bảo Long và Bảo Vương. Giống như mẹ, hai chàng trai đã đăng ký làm tình nguyện viên tại bệnh viện dã chiến từ nhiều tháng trước.

Cô Yvonne luôn tự hào bởi mỗi thành viên của gia đình đều có thể góp sức cùng địa phương, hỗ trợ tuyến đầu chống dịch.


Cô Yvonne và 2 con trai Bảo Long, Bảo Vương.

Người phụ nữ làm nhiệm vụ gác đêm

Từ 3h đến 6h mỗi ngày, cô Yvonne có mặt tại điểm trực chốt. Nhiệm vụ của cô là phát hiện và hạn chế người dân ra đường không đúng quy định.

Ca trực lúc rạng sáng tưởng chừng không quá phức tạp, thế nhưng trên thực tế, cô Yvonne đã gặp không ít tình huống khó khăn.

“Nơi tôi trực là hẻm thông 2 đầu, lúc làm nhiệm vụ vừa phải kiểm soát người vượt chốt, vừa phải canh kẻ gian trộm cắp. Dù mới rạng sáng, nhiều người dân từ ngoài đã cố vượt chốt vào hẻm mà không có giấy tờ. Tôi phải cố gắng giải thích và yêu cầu họ quay đầu.


Cô Yvonne tại điểm trực chốt.

Nhiều lần khác, người nhà trong gia đình có F0 còn xin được ra ngoài mua đồ. Tôi hiểu tình cảnh của họ nhưng không thể cho qua. Trong lúc dịch bệnh căng thẳng, những người canh chốt như chúng tôi càng phải cứng rắn”, cô chia sẻ với Zing.

Kết thúc ca trực tại chốt, cô Yvonne lại cùng tổ dân phố phân chia, mang quà đến từng hộ dân gặp khó khăn.

Cơ sở vật chất có hạn, cô Yvonne cố gắng áp dụng các biện pháp 5K.

“Trời nắng thì tôi không sao nhưng mưa thì cực lắm. Có ngày, tôi chuẩn bị đi trực thì mưa lớn, tôi che dù rồi mà nước mưa vẫn tạt tứ phía. Tôi đành phải ghé vào hiên nhà dân trú tạm cho đỡ ướt và lạnh”, cô kể.

‘Ai cũng sợ thì ai sẽ xung phong?’

Huỳnh Bảo Long, con trai lớn của cô Yvonne, sinh năm 2000, là sinh viên Đại học Sân khấu Điện ảnh. Hơn 2 tháng trước, Long đã đăng ký làm tình nguyện viên tại bệnh viện dã chiến số 7 (TP Thủ Đức).

Trong khi đó, người em Huỳnh Bảo Vương, sinh năm 2003, lại là dân quân tự nguyện của phường. Hơn 4 tháng qua, Vương làm nhiệm vụ tại bệnh viện dã chiến số 2 (quận 12).

Suốt quãng thời gian tham gia tình nguyện chống dịch, Long và Vương không thể về nhà vì lo ngại mình làm việc gần nguồn bệnh, có thể ảnh hưởng đến gia đình.

Cô Yvonne rất nhớ và lo lắng cho 2 con, luôn nhắc nhở cả 2 phải giữ gìn sức khoẻ, chờ ngày về nhà với mẹ.

“Cả nhà đều đi chống dịch thế này tôi lo lắng nhiều vì nguy cơ lây nhiễm bệnh ở khắp mọi nơi. Nhưng tôi chỉ nghĩ nếu ai cũng sợ thì ai sẽ là người xung phong? Những gì chúng tôi làm đâu có là gì so với những y bác sĩ tuyến đầu.

Tôi cố gắng bảo vệ sức khỏe chính mình, không để bị nhiễm bệnh. Nhưng nếu có nhiễm thì tôi cũng đã sẵn sàng tâm lý điều trị. Tôi chỉ mong 2 con tôi khỏe mạnh, sớm hết dịch để cả gia đình lại được về cùng nhau”, cô nói.


Cô Yvonne và Bảo Vương trong một chuyến du lịch trước đợt dịch.

Từ bệnh viện dã chiến, Bảo Vương cũng đang cố gắng áp dụng đầy đủ các biện pháp phòng dịch theo quy định để bảo vệ bản thân. Hơn 4 tháng làm tình nguyện viên, Vương đã chứng kiến 3 đồng đội của mình nhiễm bệnh. Điều đó càng khiến cậu thanh niên chú ý hơn đến sức khỏe.

“Nhiệm vụ của mình tại bệnh viện dã chiến là hỗ trợ phun khử khuẩn cho người bệnh. Khi mới làm, mình lo lắng nhiều lắm, nhất là khi thấy những người bạn tình nguyện viên của mình dương tính.

Sau mỗi lần tiếp xúc với bệnh nhân, mình sẽ thay đồ bảo hộ ra và tắm ngay, tránh tình trạng lây nhiễm cho các bạn khác”, Vương chia sẻ cùng Zing.

Kể về mẹ và anh trai cũng đang cùng mình tham gia chống dịch, Vương cho biết cậu thực sự tự hào. Cậu và Long thường xuyên gọi điện về dặn dò mẹ phải cẩn thận, chỉ nên làm việc vừa sức và phải đặt sức khoẻ lên hàng đầu.

“Khi thấy mẹ và anh Long cũng đi chống dịch, mình thấy rất vui và tự hào vì gia đình mình đã giúp đỡ để cộng đồng an toàn hơn trong đợt dịch này.

Mình trong bệnh viện được phát đồ bảo hộ y tế nhưng mẹ ở nhà thì không có, mình rất lo lắng. Mẹ muốn đăng ký làm nhiệm vụ trong bệnh viện dã chiến nhưng cả 2 anh em đều động viên mẹ ở nhà. Mẹ mình đã có tuổi, chúng mình chỉ mong mẹ được an toàn, khoẻ mạnh.

Chúng mình rất mong dịch bệnh sớm chấm dứt để được về nhà ăn cơm với mẹ”, Vương nói.


Gia đình cô Yvonne chờ ngày hết dịch để được gặp nhau.

Theo Tổ điều phối nguồn nhân lực tham gia phòng, chống dịch Covid-19, TP.HCM cần bổ sung 12.000 người gồm 2.800 bác sĩ; 8.200 điều dưỡng, kỹ thuật viên và 1.000 giảng viên, sinh viên tham gia công tác phòng, chống dịch để phục vụ tại khu cách ly, điều trị F0 và khối cấp cứu.

Ngoài ra, lực lượng thanh niên xung phong chỉ đáp ứng 200 người làm việc 24/7 theo nhu cầu của Bộ Tư lệnh TP, trong khi Bộ cần tăng cường 300 người.

Theo Zing News


Hãy chia sẻ cho bạn bè qua: