Người đàn ông sống hàng chục năm trong nhà mồ cổ giữa Sài Gòn


“Tui sống trong nhà mồ này lâu lắm rồi, không nhớ rõ năm nào. Chỉ biết bà Hai bán phở ở đầu hẻm gần 25 năm thì tui đã sống ở đây trước đó, lúc còn nhỏ xíu”, ông Nguyễn Tấn Thọ cho biết.

8 ngôi mộ cổ của người đi mở cõi Sài Gòn

Những ngôi mộ cổ trong nhà thờ Đức Bà Sài Gòn

Ai sống quanh con hẻm 472 nằm trên đường Trần Hưng Đạo (quận 5, TP HCM), đều biết ngôi nhà mồ cổ to, khang trang như căn hộ. Biết nhưng không ai rõ về gia thế của 3 tiền nhân đang nằm yên nghỉ.

Nhà mồ có hình vòm, theo kiến trúc Công Giáo của Pháp. Bốn mặt thiết kế hoa văn tinh xảo, gồm cổng chính và hai cổng phụ. Mặt sau ngôi nhà mồ có ghi năm xây dựng: 1914.

Ngôi nhà mồ trên trăm tuổi nhìn từ đầu hẻm

Lối vào cổng chính nhà mồ khắc dòng chữ màu đỏ, bằng tiếng La Tinh trích từ Kinh Thánh: “BEATI MORTUI QUI IN DOMINO MORIUNTUR” (Phúc cho ai chết trong vòng tay Chúa).

Mộ hai cụ Trịnh Khánh Tấn (1856-1913), Lê Thị Gương (1862-1922) bằng đá, nằm ở hai bên. Chính giữa là ngôi mộ nhỏ hơn của cụ Trịnh Thị Tiết, (1880-1880) con gái của hai cụ Tấn, Gương.

Đọc các tấm bia nằm trên mộ, chúng tôi biết chủ nhân nhà mồ này là một tri huyện: Dominique-Thomas Trịnh Khánh Tấn, Tri huyện. Nằm huyệt này, chờ ngày sống lại hiển vinh. Sinh năm 1856. Qua đời ngày 23 Janvier 1913. Nguyện cho người này lên chốn nghỉ ngơi

nguoi dan ong song hang chuc nam trong nha mo co giua sai gon

Chân dung tri huyện Trịnh Khánh Tấn và vợ trong nhà mồ

Nhiều bức tượng thiên thần trắng vây quanh 3 ngôi mộ. Ở vị trí trung tâm, một bàn thờ lớn, nổi bật bức tượng Đức Bà Maria đồng trinh. Dưới chân Đức Bà, hai bức tranh chân dung của cụ Gương và cụ Tấn, trong trang phục áo dài.

Một tấm bảng đen, khắc dòng chữ: “Trịnh Khánh Văn nghiệp chủ cho quan nắm huyệt mộ này -chờ ngày sống lại hiển linh”. Có thể cụ Văn là con trai trưởng của người quá cố, đã đứng ra xây ngôi nhà mồ.

Mặt trước của ngôi nhà mồ cổ

Bà Phạm Thị Hai bán phở ở đầu hẻm, hàng ngày mang bàn ghế, nồi xoong, bếp… vào gửi trong nhà mồ cho biết: “Tui năm nay 62 tuổi, bán phở ở đây mấy chục năm mà còn không biết gì về ông bà thì ai mà biết được. Ngôi nhà mồ này có từ thời Pháp thuộc lận. Trên 100 năm rồi đó”.

Chị Nguyễn Thị Kim Phượng, cháu chắt xa của của những người nằm trong nhà mồ, nói: “Tui cũng không rành. Nghe nói ngày trước ông bà là địa chủ, giàu có. Xi măng, gạch xây nhà mồ phải chở bằng tàu từ bên Pháp về”.

Bên trong nhà mồ

Cũng là cháu chắt xa mấy đời, ông Nguyễn Tấn Thọ (bà con xung quanh gọi là Nhí) có thâm niên sống trong nhà mồ hàng chục năm. Người đàn ông này tận dụng không gian trong nhà mồ làm chỗ tá túc và nhận giữ đồ đạc… cho quán phở vỉa hè của bà Hai, kiếm tiền đắp đỗi cơm cháo.

Những người sống xung quanh nói ông Thọ nghiện rượu. Năm nay đã ngoài 50 tuổi, người nhỏ thó, ông Thọ không có vợ, con.

Bưng tô cơm đạm bạc, chỉ có miếng cá nhỏ, vài miếng dưa leo, ông Thọ nói: “Tui sống trong ngôi nhà mồ này đã lâu nhưng cũng không biết nhiều. Thỉnh thoảng thấy có vài người lớn tuổi đến thắp nhang, cúng rồi đi”.

“Tui nghe nói ông bà là người ngoan đạo, hiền lành, có nhiều đất lắm. Ông bà nằm xuống, con cháu bán đất hết, chừa lại cái nhà mồ này, đi nơi khác sống. Những người đó bây giờ cũng chết hết rồi”, ông Thọ cho biết thêm.

Ông Thọ nói ông đang bệnh, liên tục cáu gắt, không muốn trả lời phóng viên: “Anh cứ việc vô nhà mồ tìm hiểu thoải mái đi. Tui nghèo đói, đang lo kiếm cơm ăn không ra. Còn bệnh hoạn nữa, khổ lắm. Hỏi… hỏi hoài”.

Một hàng xóm của ông Thọ cho biết do sống trong ngôi nhà mồ gần cả đời, tâm lý của ông Thọ không mấy ổn định , hay “nắng mưa” bất chợt.và không muốn tiếp xúc với người lạ.

Cuộc sống của ông Thọ trong ngôi nhà mồ cổ

Ông đã có hàng chục năm sống chung 3 ngôi mộ

Cận cảnh cuộc sống trong ngôi nhà mồ trăm tuổi của ông Thọ và kiến trúc Pháp độc đáo:

Những vật dụng linh tinh của ông Thọ nằm xung quanh ngôi nhà mồ cổ

Bếp nấu của ông Thọ

Chôn gần cả cuộc đời mình ở trong nhà mồ, ông Thọ thường xuyên cáu gắt, mặt phảng phất nỗi buồn phiền

Mỗi lần ra ngoài, ông Thọ cũng cửa đóng then cài cẩn thận

Cuộc sống vẫn hối hả bên ngôi nhà mồ cổ nguy nga, tráng lệ

Quán phở vỉa hè vẫn đông khách

Thực khách vẫn bình thản bên một di tích lịch sử của Sài Gòn_Gia Định xưa

Trời đứng bóng, bà Hai cùng con gái dọn dẹp bàn ghế, nồi xoong …vào nhà mồ sau khi bán hết phở

Bà Hai sống gần cả đời ở đây, bán phở trên 20 năm, hàng ngày vẫn ra vào nhà mồ gửi đồ nhưng không biết rõ về 3 ngôi mộ cổ

Mặt trước nguy nga của ngôi nhà mồ 104 tuổi

Các góc cạnh của ngôi nhà mồ rất vững chãi , toát lên sự giàu có, quyền lực của người quá cố

Câu trích lược Kinh Thánh bằng chữ La Tinh

Phù điêu tinh xảo ở bên hông nhà mồ

Con số đánh dấu mốc năm xây dựng hơn thế kỷ ở phía sau nhà mồ

nguoi dan ong song hang chuc nam trong nha mo co giua sai gon

Những chiếc bia mộ nhuốm thời gian

Người sống chen không gian với người chết, mọi thứ rất nhếch nhác

Bảng khắc bằng gỗ, ghi tên người lập mộ

Ngôi nhà mồ nguy nha, đồ sộ nhìn từ ngoài đường Trần Hưng Đạo

Chúng tôi tìm hiểu thêm về tri huyện Trịnh Khánh Tấn, thì được biết ông chính là người biên soạn ra quyển “Học tập quy chánh”, xuất bản năm 1921 tại Sài Gòn.

Sách được viết theo thể thơ lục bát, gồm 1850 câu, nội dung khuyên răn cách sống thuận hòa, nhân đức, cố gắng học hành. Xin trích dẫn đề tựa của quyển sách:

HỌC đạo cho thông, cứ lễ nghi.

TẬP rèn chữ nghĩa, phải theo thì.

QUI điều giảng dạy, lời ngay thảo.

CHÁNH lý biết tường, thế ít khi.

Sách nầy in ra để cho con trẻ, Nam, Nữ, các trường quốc ngữ trong các họ; hay là những trường sơ học, tập đọc, viết cho trúng tiếng An Nam ta, và dạy nó phép tắc nết na, khi còn nhỏ, hầu sau nó mới nên học tiếng ngoại quốc cùng phép tắc nước người.

Vậy những con trẻ nào học sách nầy, hay là coi, mà biết chuộng sự lành, lánh đều dữ, làm việc phải, tránh đàng quấy, nên trai hiền từ, xứng gái đức hạnh, cho thông đạo lý,lo mà thờ phượng Đáng Tạo Thành vạn vật, ở hết lòng khiêm nhượng, hiếu thảo với cha mẹ, ra sức học lễ nghi, gắng công tập chữ nghĩa, biết làm ăn chín chắn, ở đời với người ta, đến khi sau khôn lớn học thêm, đặng mà giữ gìn giềng mối trong ngoài, cho khỏi sự nghèo nàn khốn cực, đã được nên tiếng tốt, lại thơm danh cha mẹ, thì cuốn nầy có ích biết là chừng nào!

Trong sách nầy không phải là sách dạy cao kỳ nghĩa lý gì, nhưng mà làm thiệt là dày công lắm.

Chợ Quán, ngày 15 tháng ba An-Nam 1909.

DOMINIQUE-THOMAS TRỊNH KHÁNH TẤN,

Tri huyện Honoraire

Theo petrotimes


Hãy chia sẻ cho bạn bè qua: