Tây kiếm sống trên đường phố Sài Gòn: Lăn lộn, bán đủ thứ có thể


Người Sài Gòn xem sự hiện diện của những ông, bà “Tây ba lô” nói riêng là chuyện rất bình thường. Cũng giống như ta, Tây cũng mưu sinh bằng nhiều cách kiếm tiền để tiếp tục… vi vu. Chuyện ăn xin là cá biệt khi nhiều ông bà Tây rất sáng tạo lăn mình làm đủ nghề.

Ông Tây bán cà phê “cóc” giữa Sài Gòn cho khách đủ màu da

Người mẫu Tây lận đận giữa Sài Gòn

Những khách du lịch tự thân, hay còn gọi cách khác là đi “phượt”, họ tự đến Sài Gòn, tự thuê phòng trọ, tự khám phá vùng đất này theo ý thích riêng. Khoác lên mình cái áo thun, quần sooc, cùng ba lô sau lưng, mấy ông Tây ba lô đi khắp hang cùng ngỏ hẻm Sài Gòn đã từ lâu lắm.

Tây ba lô “đổi 2 lấy 1” kiếm tiền đi du lịch

Dân du lịch thường mang theo sách, đĩa nhạc, phim… để giải trí, nên ở khu phố Tây chẳng biết tự lúc nào cũng xuất hiện dịch vụ độc đáo mà khách Tây ba lô gọi là “swap books” (sách trao đổi), “swap CD, VCD” (CD, VCD trao đổi), hay “swap photos” (tranh ảnh trao đổi).

Người đi trước khuyên người đi sau bằng câu tiếng Anh cổ điển: “Usually two of yours for one of theirs” (Thông thường bạn phải đổi 2 cái mới lấy một cái của họ). Có thể tìm thấy trên đường Phạm Ngũ Lão và Bùi Viện (quận 1) rất nhiều nơi nhận đổi sách, băng, đĩa, hình ảnh bằng cách “đổi 2 lấy 1”.

Sự hiện diện của người nước ngoài nói chung và những ông, bà “Tây ba lô” nói riêng là chuyện rất bình thường ở Sài Gòn ẢNH: HẢI TRIỀU

Sự hiện diện của người nước ngoài nói chung và những ông, bà “Tây ba lô” nói riêng là chuyện rất bình thường ở Sài Gòn
ẢNH: HẢI TRIỀU

Hiệu sách second hand – sách cũ ngoại văn lớn nhất phố Tây ba lô hiện nay là của anh Võ Văn Trí nằm ở số 179 Phạm Ngũ Lão (quận 1). Anh Trí cho biết, khách du lịch ba lô tìm mua những cuốn sách cũ vì giá rẻ. Nguồn sách này từ các khách sạn do khách xem xong bỏ lại hoặc họ cho nhân viên phục vụ trong các quán ăn.

Hiện nay nhà sách của anh có khoảng 10.000 cuốn với rất nhiều loại như guide book, truyện, tiểu thuyết, sách tôn giáo, kinh doanh… Giá sách cũ bán theo đô, đắt nhất là loại guide book, có cuốn giá tới 10 – 12USD, nhưng so với sách mới thì giá chỉ bằng 1/3.

Khách Tây ba lô đem đồ đạc, tư trang ra trao đổi hoặc bán lại với đủ thứ lý do như: thiếu tiền sinh hoạt, vì dùng cũ rồi nên muốn bán hoặc trao đổi với những người khác để đỡ tiền mua cái mới…hay thậm chí là để kiếm tiền đi du lịch.

Nhớ lại hồi đầu năm nay (mồng 7, Tết Đinh Dậu), trên mạng xã hội xuất hiện tràn lan hình ảnh về một anh Tây ba lô ôm guitar đàn hát giữa Sài Gòn để người dân qua lại cho tiền ủng hộ. Điều khiến nhiều người thích thú là tấm bảng đặt bên cạnh anh chàng, với dòng chữ ghi: “Ủng hộ các nghệ sĩ trong hành trình châu Á”.

Tây ba lô còn phải đi làm thêm phục vụ nhà hàng, quán bar, dạy học...để có tiền tiếp tục đi du lịch ẢNH: ĐỘC LẬP

Tây ba lô còn phải đi làm thêm phục vụ nhà hàng, quán bar, dạy học…để có tiền tiếp tục đi du lịch
ẢNH: ĐỘC LẬP

Anh chàng Tây ba lô này là Tot Om, một giáo viên tiểu học đến từ Ukraine. Tot Om đến Việt Nam lần đầu tiên và đã đi qua hầu hết các vùng đất của Việt Nam trong vòng một tháng. Để kiếm thêm tiền cho các chuyến du lịch sắp tới của mình qua những quốc gia châu Á, Tot Om đã nghĩ ra cách thực hiện những buổi biểu diễn nhỏ trên đường phố phục vụ người đi đường.

Tôi chợt nhớ đến câu chuyện của một chị đồng nghiệp trong cơ quan vừa kể hôm qua: “Có một cô gái Tây trẻ đẹp lắm, mấy ngày rồi thấy ngồi bán hình ảnh do mình tự chụp ngay góc đường Lê Thánh Tôn và Đồng Khởi (quận 1)”.

Cô gái chọn địa điểm ngay trước cổng Vincom rồi trải một tấm vải caro ra đất, trên đó sắp rất nhiều những bức hình cô chụp lại được sau mỗi chuyến “phượt” và ngỏ ý muốn bán lại cho ai cần, với lý do…kiếm tiền đi du lịch. Bên cạnh cô là một tấm biển nhỏ có ghi dòng chữ “Trả bao nhiêu cũng được”.

Tây bán quần áo ở Sài Gòn… để mưu sinh

Không như những khách Tây ba lô trong các câu chuyện mà tôi kể ở trên, Ruth là một thanh niên 25 tuổi, người Anh, rời quê hương chọn cuộc sống nơi đất khách quê người chỉ với một mục đích là…mưu sinh.

Tôi được gặp và trò chuyện với Ruth trong một lần đi mua đồ “si đa” ở chợ Hoàng Hoa Thám (quận Tân Bình). Ruth tâm sự, ở Sài Gòn, công việc giúp anh mưu sinh là thu mua quần áo và dày dép, các mặc hàng xuất khẩu bị lỗi của công ty, xí nghiệp may mặc…dưới hình thức kinh doanh nhỏ lẻ.

Những sản phẩm này có thể dễ dàng tìm thấy tại các khu chợ lớn như: chợ Tân Bình, chợ Hoàng Hoa Thám, chợ Bà Chiểu… thông qua những “tay buôn” mua sỉ bán lẻ ra ngoài.

Nhiều khách Tây ba lô chọn công việc gia sư tiếng Anh để kiếm thêm thu nhập ẢNH: LAM NGỌC

Nhiều khách Tây ba lô chọn công việc gia sư tiếng Anh để kiếm thêm thu nhập
ẢNH: LAM NGỌC

Ruth thú thực với chúng tôi về hoàn cảnh khá khó khăn, vất vả của cả gia đình mình ở Anh. Ruth là con trai lớn và duy nhất trong nhà, sau Ruth là hai em gái tên Anne (14 tuổi) và Claire (8 tuổi). Cậu trai trẻ lý giải về nguyên nhân lập nghiệp nơi đất khách bởi “quần áo và giày giép mua ở Sài Gòn mang về tới quê hương anh bán lời lắm”.

Tuy nhiên, vì là người nước ngoài với đặc điểm “da trắng, tóc vàng, mắt xanh” nên ban đầu Ruth phải mất một thời gian mới có thể thích ứng được mới cuộc sống tại một đất nước hoàn toàn xa lạ.

Anh tâm sự: “Nhiều người lạ lắm, họ cho rằng người nước ngoài thì sẽ có nhiều tiền. Nếu như một người Việt mua cái áo có giá 100.000 đồng thì người nước ngoài sẽ phải mua với giá 150.000 đồng”.

Cô gái người nước ngoài còn khá trẻ đã nghĩ ra cách bày bán những bức hình chụp được sau mỗi chuyến du lịch của chính mình để lấy chi phí cho chuyến du lịch tiếp theo ẢNH: DU MIÊN

Cô gái người nước ngoài còn khá trẻ đã nghĩ ra cách bày bán những bức hình chụp được sau mỗi chuyến du lịch của chính mình để lấy chi phí cho chuyến du lịch tiếp theo
ẢNH: DU MIÊN

Trò chuyện với Ruth, chúng tôi bỗng thấy quý chàng trai này đến lạ. Quý nụ cười của anh khi kể về những ngày tháng xa quê, những đêm trằn trọc mãi không ngủ được vì nhớ nhà, chúng tôi cũng quý cả cái cách anh nhìn nhận về con người Việt Nam từ hiền hòa, hiếu khách cho đến những người khó tính, bủn xỉn.

Trở lại với câu chuyện về cô gái trẻ bán hình và chàng trai hát rong ở trên, tôi nghĩ như vầy, thực ra tôi không mấy quan tâm đến việc họ là ai, tên gì hay đến từ đâu… Điều duy nhất là tôi quan tâm chính là cái cách mà rất nhiều người nước ngoài đã nghĩ ra để có thể kiếm tiền ngay trên mảnh đất quê hương tôi, dẫu đối với họ thì mảnh đất này hoàn toàn xa lạ.

Giới trẻ mà chúng ta thường gọi là Tây ba lô còn phải đi làm thêm phục vụ nhà hàng, quán bar, dạy học…để có tiền tiếp tục đi du lịch.

Họ là người trẻ, mỗi ngày họ tự tìm cách thoát khỏi cái giếng ếch của cuộc sống mình bằng những chuyến đi khiến họ trưởng thành bằng mọi cách, trước khi quay trở về làm người có trách nhiệm với xã hội. Đó là cách họ lớn lên, không chỉ với màn hình và bàn phím…

Theo trang tin Bright Side, người trẻ ngày nay đã thay đổi về quan điểm hạnh phúc. Không phải bằng mọi cách để sở hữu nhà và xe hơi như thế hệ trước mà là đi du lịch càng nhiều càng tốt. Với họ, có công việc là có tất cả, từ thu nhập đó họ dùng để thuê nhà, chi tiêu sinh hoạt và đi khám phá thế giới. Khi đến VN, bất chấp khó khăn họ sẵn sàng làm mọi việc để có thu nhập và phục vụ đam mê của mình.

Theo thống kê chưa đầy đủ, đa số người nước ngoài đến VN là để dạy tiếng Anh, mỗi một ngày trên bản tin của nhóm Expats in Saigon đều xuất hiện yêu cầu dạy tiếng Anh của thành viên mới, tiếp theo là bán những món hàng mà mình mang theo. Có bạn chỉ đến VN ba ngày nhưng mang theo thực phẩm và mỹ phẩm, giá bán rẻ hơn tại thị trường VN nên được đa số người Việt ủng hộ.

Với họ, miễn là lao động chân chính, hình thức nào không quan trọng, giúp bạn trẻ VN nhìn lại mình khi cứ mặc cảm vì những nghề nghiệp nhỏ.

Theo TNO


Hãy chia sẻ cho bạn bè qua: