Cảnh đối lập dưới khu chợ ngầm ở Sài Gòn sắp phải di dời


Khu chợ ngầm Sense Market ở trung tâm TP.HCM đang phải đối mặt với việc phải di dời. Bên trong chợ, khu ẩm thực tấp nập khách trong khi khu mua sắm ế ẩm.

Những “kỷ vật thời gian” trong khu chợ đồ cũ bí ẩn nhất Sài Gòn

Nhộn nhịp khu chợ bán đồ siêu rẻ trong hầm chui 27 tỷ ở Sài Gòn

Sense Market là khu chợ dưới lòng đất đầu tiên của TP.HCM được đưa vào hoạt động đầu năm 2017 tại tầng ngầm của công viên 23/9. Đây là khu vực đắc địa của trung tâm TP.HCM, cận kề khu phố Tây Bùi Viện, khu chợ được nhiều khách du lịch nước ngoài chọn làm điểm đến bên cạnh chợ Bến Thành cách đó không xa.

Sau cải tạo, tầng hầm của Sense Market có diện tích rộng 11.000 m2, trong đó có hơn 6.000 m2 được sử dụng làm bãi đỗ xe, phần còn lại là khu ẩm thực và mua sắm với 3 lối vào từ công viên, đường Phạm Ngũ Lão và Lê Lai.

Khu ẩm thực châu Á với gần 100 cửa hàng bán các món ăn Việt Nam, Lào, Campuchia, Nhật Bản… nằm thấp hơn khu mua sắm Taka Plaza. Toàn bộ khu chợ được thiết kế xây dựng khá bắt mắt, rộng rãi.

Nằm tách biệt hẳn với khu vực bên trên công viên, Sense Market từ khi khai trương được kỳ vọng trở thành một điểm đến mới, văn minh, sạch sẽ, thân thiện thu hút khách du lịch khi đến TP.HCM.

Khu ẩm thực có hàng trăm quầy, phong phú các loại hình ẩm thực, dịch vụ hết sức đặc trưng, truyền thống của Việt Nam và mô hình ẩm thực đường phố châu Á.

Các quầy ẩm thực được sử dụng không gian chung với bàn, ghế rộng rãi, được trang trí khá đẹp mắt. Bên cạnh đó khu chợ còn bố trí đội bảo vệ, vệ sinh riêng thường xuyên túc trực và dọn dẹp.

Theo chủ đầu tư Công ty CP Đầu tư phát triển Saigon Co.op – SCID, sau khi mở cửa, trung bình mỗi ngày khu chợ thu hút hơn 3.000 lượt khách địa phương và khách quốc tế. Một tiểu thương kinh doanh ẩm thực cho hay tính trung bình khách nước ngoài chiếm khoảng 50%, còn lại là dân văn phòng ăn trưa và khách trong nước.

Vào thời điểm giữa trưa, tối và các ngày cuối tuần khu vực ẩm thực luôn chật kín người dân, du khách trong và ngoài nước thưởng thức các món ăn.

Chị Thúy Nga (giữa) cùng nhóm bạn từ Buôn Ma Thuột xuống TP.HCM du lịch cho hay khu chợ rất sạch đẹp, được phân theo các khu vực rất hợp lý và giá cả cũng phải chăng.

Tuy nhiên, thông tin các đơn vị đang sử dụng mặt bằng tại công viên phải hoàn tất di dời trước ngày 30/4/2019 khiến các tiểu thương rất lo lắng. “Trước khi vào đây kinh doanh, tôi bán đồ ăn Nam bộ bên vỉa hè nhưng không ổn định. Bỏ khá nhiều vốn, buôn bán bắt đầu quen khách, 8 người nhà cùng có công ăn việc làm thì nay phải tính đường buôn bán khác”, anh Võ Hoàng Phúc thẫn thờ nói.

Còn anh Nguyễn Văn Tùng cho hay hiện anh kinh doanh đặc sản dừa Bến Tre rất thuận lợi, đây là sản phẩm phù hợp với khách du lịch nước ngoài. “Từ hôm nghe thông tin sắp tới phải di dời tôi lo lắng lắm, giờ chưa biết tìm nơi đâu được như nơi đây để bán lại”, anh chia sẻ.

Khi nghe tin khu chợ sắp phải di dời, Bích Ngọc tỏ ra tiếc nuối vì nơi đây lâu nay đã trở thành nơi ăn trưa rất tiện lợi cùng đồng nghiệp. “Khu ẩm thực này được thiết kế không gian ấm cúng nhưng rất mát mẻ, thoải mái, có nhiều loại đồ ăn và thuận tiện cho dân văn phòng quanh khu vực”, nhân viên văn phòng này đánh giá.

Trong khi đó bà Robyn và chồng Bill Allen, khách du lịch Australia, rất ngạc nhiên khi vừa nghe tin về khu chợ. “Đây là lần thứ 5 hai vợ chồng tới TP.HCM. Tôi rất thích ý tưởng thú vị này khi các bạn xây dựng dưới lòng đất, vừa mua sắm vừa ăn uống ngay giữa trung tâm thành phố. Nếu dời nó đi thì thật đáng tiếc”, nữ du khách nói.

Chị Nguyễn Thị Ngọc Oanh, nhân viên bán chè Việt, cho hay chị đã làm việc tại đây từ lúc khai trương, công việc, thu nhập ổn định nhưng sắp tới nếu phải nghỉ việc thì rất tiếc và khá buồn.

Thông tin về khu chợ từ gần hai tháng qua đã khiến cho các tiểu thương khu mua sắm Taka Plaza rất hoang mang. Thời gian qua lượng khách ghé mua hàng giảm rõ rệt, các tiểu thương buôn bán cầm chừng, hàng ngày phần lớn chỉ ngồi nhìn nhau, nói chuyện và lướt điện thoạ

Khu mua sắm Taka Plaza với hơn 400 gian hàng lớn nhỏ, cung cấp hàng hóa đa dạng theo tiêu chí bán đúng giá, không nói thách. Nơi đây còn có cửa hàng tiện lợi, nhà sách, quầy dịch vụ viễn thông, chuyển đổi ngoại tệ…Nhưng tất cả nay trở nên ế ẩm.

Nhiều người cho hay tình trạng này đã kéo dài khoảng một tháng ngay khi có thông tin thu hồi mặt bằng.

“Cực kỳ hoang mang, chúng tôi đã đầu tư cả một đống tiến cho 4 sạp. Sau một năm khách bắt đầu biết tới, kinh doanh ổn định thì nghe thông tin như vậy cả khu mua sắm lại đang dần trở lại vạch xuất phát”, tiểu thương Lương Văn Quỳ ngán ngẩm nói.

Thời gian qua, khu mua sắm có hàng chục cửa hàng đang hoạt động nhưng treo bảng “sang sạp” hoặc nhiều quầy đóng cửa im ỉm, chỉ để lại số điện thoại cho ai có nhu cầu thì liên hệ.

Mới đây, UBND TP.HCM đã có văn bản gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Quy hoạch – Kiến trúc, Sở Giao thông – Vận tải, Sở Tài chính về việc khẩn trương thực hiện quy hoạch, chỉnh trang tổng thể, trả lại đúng chức năng không gian công cộng tại công viên 23/9 (quận 1) cho người dân.

Theo đó, các đơn vị đang sử dụng mặt bằng tại công viên phải hoàn tất di dời trước ngày 30/4/2019. Đơn vị nào có thời hạn cho thuê thì phải thương thảo đối tác kết thúc trước thời hạn trên. Bên nào đang sử dụng mặt bằng nhưng trong các văn bản pháp lý không ghi rõ thời gian hoàn trả cũng phải di dời theo quy định.

Theo news.zing


Hãy chia sẻ cho bạn bè qua: