Độc đáo chợ trầu cau hơn nửa thế kỷ ở Sài Gòn


Giữa thành phố phồn hoa, nhộn nhịp, chợ trầu cau trên đường Lê Quang Sung (quận 6) vẫn lặng lẽ tồn tại hơn 50 năm qua. 

Nói là chợ, nhưng chỉ chừng mười gian hàng tập trung trên một đoạn chưa đầy 100m ở đường Lê Quang Sung, đoạn từ đường Chu Văn An đến đường Nguyễn Hữu Thuận (đối diện bến xe Chợ Lớn).

cho-trau-cau-1

Cứ 3h sáng hàng ngày, những người bán trầu cau đã tất tả dậy chuẩn bị rồi bắt xe từ Hóc Môn – Bà Điểm xuống quận 6 để kịp họp chợ.

cho-trau-cau-2

Lá trầu, buồng cau xanh mướt được hái từ 18 thôn vườn trầu, đây là thức quà không thể thiếu để mở đầu câu chuyện trong lễ cưới, hỏi.

Hầu hết, những người bán trầu cau ở đây đều trên 60 tuổi và điều thú vị là họ đều có biệt danh gắn với mặt hàng mình bán, và thứ tự lớn nhỏ được gọi theo số tuổi từng người, như bà Tám Cau, bà Năm Trầu, bà Sáu Lễ…

cho-trau-cau-3

Bà Năm Trầu (63 tuổi, ở xã Bà Điểm, Hóc Môn), có thâm niên buôn bán tại chợ hơn 40 năm cho biết, vào thời điểm hưng thịnh nhất, chợ Lê Quang Sung có hàng trăm sạp, người mua kẻ bán tấp nập. Đặc biệt, vào dịp cuối năm là thời điểm có nhiều hoạt động lễ hội, giỗ chạp, đám cưới nên lượng khách đông đến hàng ngàn lượt người, nhộn nhịp từ 3h sáng đến tối mịt mỗi ngày.

cho-trau-cau-4

Không chỉ người thành phố, còn có khách vãng lai, người tứ xứ mà đặc biệt là người vùng ven nội đô đều biết đến chợ trầu cau này. Họ đến để chọn mua những quả cau xanh ngắt, điểm xuyến thêm đôi miếng trầu cánh phượng, cùng bình rượu gói giấy đỏ để về đãi khách hay làm đám cưới, hỏi cho con cái.

Nguồn cung cấp cau trầu cho khu chợ này cũng khá đa dạng, trước đây các tiểu thương thường lấy cau trầu từ địa danh 18 thôn vườn trầu Bà Điểm – Hóc Môn, vì cau ở đây có quanh năm. Nhưng những năm gần đây, trầu cau Hóc Môn bị đốn dần, không còn đủ cung cấp nên những tháng cuối năm, tiểu thương phải lấy thêm trầu cau từ Bến Tre, Tây Ninh, Quảng Ngãi… mới phục vụ đủ cho nhu cầu cưới hỏi, lễ tết.

cho-trau-cau-5

Với đôi tay thoăn thoắt, chị Hồng đang buộc từng nhánh nhỏ lại thành buồng cau lớn để kịp giao hàng cho khách vào đầu giờ chiều.

cho-trau-cau-6

Những buồng cau cưới được người bán lựa chọn từng trái đẹp kết thành buồng 65 trái hoặc 105 trái, trên mỗi trái cau đều dán chữ hỷ. Một buồng cau có giá từ 120.000 – 200.000 đồng, giá này đã bao gồm cả trầu.

cho-trau-cau-7

Những quả cau được bổ đôi rồi phơi khô.

cho-trau-cau-8

“Bây giờ người già không còn ăn trầu như thế hệ trước nữa nên người mua ít dần. Đa số người ta tìm đến chợ này là để mua trầu, cau phục vụ cưới hỏi, lễ lạt. Do vậy mà cả trăm gian hàng cứ lần lượt nghỉ hết, chỉ còn lại vài người gắn bó với nghề. Bán trầu cau cũng chẳng đủ sống đâu nhưng tôi với mấy bà ở đây muốn giữ lại nét gì đó xa xưa cho nơi đây thôi”, cụ Nguyễn Thị Hon (68 tuổi, Hóc Môn) trầm ngâm tâm sự.

cho-trau-cau-9

Đang trong mùa cưới nên những ngày gần đây, chợ trầu cau nhộn nhịp cảnh người mua kẻ bán.

cho-trau-cau-10

Hằng ngày, những người bà ở tuổi thất thập này vẫn cần mẫn hái từng buồng cau, têm từng lá trầu cánh phượng để mong kiếm chút đồng lời. Họ đã ngồi đó hơn nửa đời người, mỉm cười chúc phúc cho từng đôi uyên ương tay trong tay đưa nhau đi sắm lễ vật cho ngày trọng đại của cuộc đời.

cho-trau-cau-11

Rồi khi vắng khách hay nghỉ ngơi giữa trưa, họ chia nhau cái bánh, củ khoai lót dạ rồi ngồi hàn huyên tâm sự.

Những người bà, người mẹ ở chợ trầu cau này vẫn ngồi đổ bóng xuống mặt đường từ khi họp chợ trong bóng chiếc đèn dầu leo lét sớm mai đến khi bóng nắng nhạt thếch trên vỉa hè lúc tan chợ. Họ vẫn mong bán được nhiều để đủ vốn, để có tiền trang trải cuộc sống tuổi xế chiều. Tuy nhiên, điều làm họ day dứt nhất là làm sao để níu kéo cái hoài niệm xưa cũ về chợ trầu cau hưng thịnh một thời giữa chốn thị thành náo nhiệt này.

Nguồn: Khánh Phương


Hãy chia sẻ cho bạn bè qua: