Hoa báo xuân, trái báo hè và kể một chuyện tình


 Sau 1975, có một bài hát mà đọng lại trong tôi bao tò mò “Ai về miền Nam, qua Đồng Tháp Mười, gặp hoa ô môi, biết mùa xuân đã tới…” (Huy Du). 

Khu vườn hoa Thạch Thảo – Bà Rịa

Cây bàng vuông 16 năm tuổi ở Sài Gòn vào mùa nở hoa

Ô môi mùa hoa nở

Ô môi mùa hoa nở

Nhiều người bảo hoa ô môi chỉ có ở vùng Tây Nam bộ. Các bạn cùng trang lứa ở đồng bằng sông Cửu Long thường kể nghe bao hoài niệm về ô môi, thời tuổi thơ chân quê nghịch ngợm.

Không ai rõ cây ô môi đến Việt Nam từ lúc nào và vì sao chỉ chọn vùng đất giàu phù sa của Tây Nam bộ để an cư. Cũng chưa nghe ai kể về lai lịch và tên gọi ô môi không đụng hàng. Chỉ biết cây ra hoa suốt cả mùa xuân, lai rai đến đầu hè mới cho ra trái.

Lũ trẻ quê dùng hoa ô môi kết vương miện, bày trò bán hàng. Còn trái ô môi chín là món quà quê hào phóng. Quanh năm, cây ô môi bình dị như người nông dân lam lũ, chẳng ai để ý. Cuối đông, lá rụng, hoa ô môi rực hồng, như cánh dù no gió, lộng lẫy đến kinh ngạc, báo xuân về.

Đầu hè, khi cành sinh lá và trái mới là trái ô môi của mùa trước bắt đầu chín rộ. Nếu hoa báo xuân thì trái báo hè. Trái ô môi chín, có màu đen tuyền, từ vỏ cho tới cơm, vị ngọt nồng dung dị, ngai ngái phù sa.

Trái ô môi dùng ăn chơi, để nhuận trường. Ngâm rượu làm thuốc giúp ăn ngon miệng, tiêu hóa tốt, chữa đau lưng, đau xương, nhức mỏi. Hạt ô môi hình trái tim, ngâm nước nóng, lớp vỏ cứng bong mềm, lấy nhân bên trong, nấu chè giải khát, ngon như sâm bổ lượng. Lá ô môi dùng tươi giã nát, chữa hắc lào, lở ngứa. Lá sắc nước làm thuốc có tác dụng như trái. Với nhiều công dụng làm thuốc, cây ô môi được ví như “Canhkina” của Việt Nam.

Trái ô môi dài khoảng nửa mét, khi ăn chặt ra từng khúc. Lấy dao róc bỏ phần vỏ hai bên, dùng ngón tay cầm hai sống còn lại, đẩy tới đẩy lui vài lần để lấy phần cơm của trái. Cơm trái ô môi xếp thành từng múi tròn mỏng đều nhau và phủ lớp mật màu đen, có vị ngọt, hơi nồng cay, mùi thơm đặc trưng. Mỗi múi có chứa một hạt màu vàng ở một bên mặt.

Cây ô môi gắn liền với chuyện tình son sắt và chung thủy của người Khmer. Nàng sắc sảo, xinh đẹp, con nhà giàu có. Chàng tuấn tú thông minh, chỉ tội nghèo khó nên tình yêu trắc trở. Hai người không đến được với nhau. Chàng buồn tình bỏ xứ phiêu bạt.

Thấy chàng khỏe mạnh, giỏi giang, có mấy gia đình mai mối, muốn cưới làm chồng cho con gái (người Khmer theo chế độ mẫu hệ, con gái cưới chồng, con trai ở rể) nhưng chàng đều từ chối vì trái tim chàng đã thuộc về nàng, dù xa cách vẫn không nguôi nỗi nhớ. Ở quê, nàng mỏi mòn đợi chờ héo hắt, trốn cha mẹ đi tìm người yêu.

Đi mãi, đi mãi… nàng kiệt sức, gục chết bên vệ đường. Nơi nàng chết bỗng mọc lên loài cây lạ, thân hơi sù sì, ngăm đen như nước da người Khmer nhưng trái thì ngọt nồng như tấm lòng son sắt. Đặc biệt hoa nở hồng thắm như tình yêu tinh khôi, chung thủy.

Cây mọc ba năm không ra hoa ra trái. Một ngày nọ, chàng lang thang đi làm thuê, ngồi nghỉ dưới gốc cây lạ. Cây rùng mình rụng lá, những búp non bé tí hồng nhạt lớn dần, nở òa hồng thắm, như tình cảm chất chứa dồn nén bao năm.

Rồi hoa kết trái, đung đưa mời gọi. Bẻ trái ăn thử, chàng nhận ra vị ngọt nồng môi hôn của người yêu. Chàng xót xa, đau đớn, ôm cây thương nhớ, gọi tên nàng khản tiếng. Chàng dừng chân, sống bên cây thân thiết để ngày ngày chăm sóc. Ai hỏi cây tên gì, chàng trả lời là “Ô muôi”.

Theo tiếng Khmer, “ô” là cây, “muôi” là số 1, sau đọc trệch thành ô môi. Nghĩa là cây số một, đứng đầu, quan trọng nhất. Với chàng, nàng luôn là số 1 và không thể thay thế. Cũng như tình cảm họ dành cho nhau vậy.

Sau này, dời chỗ nhiều lần, chàng đem theo hạt giống ô môi, trồng khắp nơi; để hai người lúc nào lúc bên nhau, bền chặt…

Tây Nam bộ mùa này, ô môi chín trĩu cành. Hỏi mua, mấy chủ nhà xuê xoa: “Bán buôn gì, cứ vô nhà lấy cây mà thọc, ăn bi nhiêu hái bi nhiêu”.

Thời bao cấp, trái ô môi là món quà quê phổ biến. Ngày nay, lâu lâu, thấy bán ngoài chợ, rẻ như cho, chỉ vài ngàn. Với dân quê lên phố thị, trái ô môi chỉ còn là hoài niệm của người lớn, tương tư hương vị quê nhà.

Cây và hoa đẹp, có nhiều công dụng và ý nghĩa như thế mà lâu nay bị lãng quên. Thật đáng tiếc và cả đáng buồn. Có nơi còn chạy theo những cây ngoại lai thô kệch, tốn kém.

Mùa xuân, miền Bắc có hoa đào, miền Trung và Đông Nam bộ có hoa mai, Tây Nam bộ nhất thiết phải là hoa ô môi, còn gọi là hoa báo xuân độc đáo. Đào, mai chỉ cho hoa làm cảnh, còn báo xuân có thêm nhiều vị thuốc chữa bệnh.

Nghe đâu huyện Thanh Bình và vài địa phương ở tỉnh Đồng Tháp đang có kế hoạch phục hồi, nhân giống, trồng thêm cây ô môi; như nét đặc trưng cốt cách con người xứ này.

Trái ô môi trên cành giữa mùa hoa

Trái ô môi trên cành giữa mùa hoa

Cây ô môi có tên khoa học là Cassia grandis, thuộc họ vang. Thân gỗ cao 10 – 20m, phân cành lớn, mọc ngang thẳng, vỏ nhẵn, cành non có lông màu nâu nhạt, cành già màu nâu đen. Lá kép lông chim với 8 – 20 đôi lá phụ, dạng thuôn tròn cả hai đầu, dài 7 – 12cm, rộng 4 – 8cm, phủ lông mịn, màu xanh bóng, gân rõ.

Cụm hoa nở rộ khi lá rụng, dạng chùm dài mang hoa lớn, xếp thưa. Hoa màu hồng tươi mọc thành chùm ở những kẽ lá đã rụng. Quả hình trụ dẹt dài 40 – 60cm, hơi cong, đường kính 3 – 4cm, có 50 – 60 ô, mỗi ô chứa một hạt dẹt màu vàng cứng, quanh hạt có cơm màu nâu đen, vị ngọt, mùi hắc.

Cây có nguồn gốc Nam Mỹ, trồng lấy bóng mát, hoa đẹp ở nhiều nước trên thế giới.

Ở Việt Nam, ô môi trồng chủ yếu ở vùng Tây Nam bộ.

Thân ô môi làm củi dễ nấu mà khó chẻ. Xưa, nhà gái thường thử sức chàng rể tương lai bằng màn chẻ củi ô môi. Không chỉ cần sức mạnh mà còn phải tinh ý, biết vận dụng các nguyên tắc vật lý, mới có thể qua ải, lọt mắt xanh nhà nàng.

Theo TTO


Hãy chia sẻ cho bạn bè qua: