Từ đường họ Lê: Nơi ẩn chứa một dòng văn hóa đặc biệt thiêng liêng


(2saiGon). Một ngày mưa tháng 6, chúng tôi đáp chuyến bay chiều muộn từ Tp. Hồ Chí Minh ra thành phố Vinh để về Đức Thọ (Hà Tĩnh). Cảnh đồng quê thanh bình, yên ả của núm ruột miền Trung luôn gợi trong lòng người con xa xứ Lê Văn Tuấn một cảm giác khó diễn tả. Tôi thấy ánh mắt của ông đăm chiêu nhìn xa vờ vợi về phía dòng sông La nước xanh thắm và cánh đồng hoa màu non tươi mùa vụ. Ở đó, có một Từ đường họ Lê đang chứa đựng nhiều bí ẩn cần được giải mã.

1.Nơi hòa quyện giữa đạo và đời

Chiếc xe ô tô nhẹ nhàng lướt trên con đường nông thôn mới, những làn gió mát lành từ đồng nội tràn vào cửa kính, cảm giác thân thương vô ngần. Hôm nay áp thấp nhiệt đới xa bờ, trời Đức Thọ vần vũ mưa giông, cái lạnh bất chợt đổ về giữa mùa hè nóng bức như tình đất, tình người chào đón người con trở về quê cha đất mẹ. Xe chạy qua nhiều ruộng ngô đang trổ đòng và những bãi lạc điểm xuyến sắc hoa nhỏ nhắn màu vàng tươi rói, long lanh dưới ánh sương chiều. Nhà thờ họ Lê nằm khiêm nhường trên một gò đất thoai thoải, hướng mặt ra “thị trấn” của người âm.

Thành kính thắp hương trên mộ của Lục Thế Tổ khảo Lê Hữu Tuấn

Thành kính thắp hương trên mộ của Lục Thế Tổ khảo Lê Hữu Tuấn

Tiến sĩ Lê Văn Tuấn chậm rãi châm hương dâng lên bàn thờ Bà Chúa Liễu Hạnh và các bậc quan thần phù giá đang ngự tại nhà thờ. Trong làn khói hương bãng lãng, giữa không gian làng quê bình yên như thinh không, chúng tôi được Tiến sĩ Lê Tuấn, người con nặng nghĩa với quê hương, được các bậc thánh hiền giao sứ mệnh khôi phục, bảo tồn, phát triển từ đường họ Lê ngày nay kể về lịch sử đầy biến cố thăng trầm của nhà thờ.

Từ Đường họ Lê đã có từ rất lâu rồi. Trải qua binh biến thời cuộc, các dữ liệu lịch sử đã không còn và những bậc bô lão chứng nhân cũng lần lượt về với đất mẹ. Thực tế vẫn chưa có tài liệu cụ thể chứng minh nó xuất hiện vào thời gian nào. Theo bút tích ghi lại trên tấm bia đá thì nhà thờ được hoàn thành vào năm Bảo Đại (1926- 1945). Ngày đó, nhà thờ tọa lạc tại thôn Yên Mỹ (nay là xã Liên Minh, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà tĩnh ) nằm giữa sông Cả và sông Hoàng Phố . Cứ vào tháng 7, tháng 8 mùa mưa bão về, cả làng Yên Mỹ không có đê điều chống đỡ nên nước mặc sức tràn vào, dâng cao, nhà thờ có lúc bị ngập gần tới tận nóc.

Thôn Yên Mỹ thủa ban đầu chỉ có 6 ngôi nhà lập thành một xóm. Người dân nhẫn nại căng mình khai khẩn đất hoang, trồng trọt, chăn nuôi rồi sinh con đẻ cái. Cho đến bây giờ, Yên Mỹ đã trở thành một vùng đất khá phì nhiêu, cá tôm không bao giờ cạn. Ở đây có 2 dòng họ chính là họ Trần và Lê nhưng lại có rất nhiều chi. Họ Lê với chi chính bắt đầu từ ông Lê Trác. Dòng họ đầu tiên này có 5 anh em gồm ông Y, ông Kiệm, ông Dương, ông Hựu và ông Bát. Thời hoàng kim của từ đường họ Lê với sự uy nghi, danh tiếng vào đời ông Lê Hựu (thập kỷ 50 – 60 của thế kỳ 20).

Ngôi mộ Lục Thế Tổ Khảo nằm giữa cánh đồng xanh ngát

Ngôi mộ Lục Thế Tổ Khảo nằm giữa cánh đồng xanh ngát

Từ Đường rất khác so với các nhà thờ khác vì không chỉ thờ tổ tiên dòng họ Lê mà chủ yếu là thờ thánh, thờ bà chúa Liễu Hạnh . Bà được thờ ở ngôi cao nhất dẫn dắt và che chở cho dòng họ Lê như vị trí của một tộc trưởng. Chính vì lẽ đó mà từ xưa, chỉ còn lại một ngôi mộ duy nhất to lớn – Đó là mộ của Tiên tổ Đức Lê nhị đại – Ngôi vị Nhất đại thuộc về Bà chúa Liễu Hạnh.

Ông Lê Hựu, tuy không phải là tộc trưởng, cũng không có một chức vị cụ thể nào, nhưng ông là người cầm cân nảy mực cho nhà thờ. Văn hay chữ tốt, chữ hán, chữ nôm, bày lễ, xướng lễ, đặt lễ, văn khấn tổ tiên, văn khấn bà chúa, văn khấn thành hoàng, văn khấn long mạch, thủy thần, thần đất, thổ địa… đều do ông Lê Hựu đảm nhận. Ông viết và xướng lễ, điều khiển các buổi hành lễ nhà thờ. Trải qua từng năm tháng, tiếng vang khắp nơi, đây cũng là thời kỳ đỉnh cao của nhà thờ. Xuất hiện những buổi lên đồng đặc biệt, kỳ lạ và đầy linh ứng. Những nhân vật được chỉ định lên ứng làm quan đồng rất cụ thể, lần nào cũng như vậy và không thay đổi. Việc lên đồng rất tỉ mỉ và mang tính hiện thực cao, đi vào cuộc sống của người dân bằng những lời phán của thầy pháp khi lên đồng hiệu nghiệm như thế nào? Linh thiêng như thế nào? Mà tiếng tăm của nhà thờ ngày một vang xa. Tiếng lành đồn xa, các nơi thay phiên nhau về lễ để được mua may bán đắt, có bệnh thì cầu khỏi bệnh, cầu thánh chỉ cho đường đi nước bước trong lúc khốn khổ, nghèo nàn, hoạn nạn, lỗi lầm trong cuộc sống, chỉ ra tai họa để biết đường tránh, giải trừ những nỗi oan khuất…

Ông Nghiệm, một Vị thiếu tá quân đội ở Đức Thọ về hưu làm nghề cúng tổ tiên để xem bệnh bốc thuốc cho bà con rất được mọi người tin tưởng. Ông luôn nói với bà con, rằng chỉ có Từ Đường họ Lê bên Đức Minh (tên cũ) là thiêng nhất, không có nơi nào bằng. Bởi nhà thờ Tổ nhưng lại thờ Thánh.

Từ đường có hạ điện để cho công đồng, những người hầu hạ nhà thờ và cho bà con các nơi đến lễ. Trung điện gồm tiên tổ Đức Lê Nhị Đại và sau này là Lục Thế Tổ Khảo Lê Hữu Tuấn là ngôi mộ giữa cánh đồng hiu quạnh được Tiến sĩ Lê Văn Tuấn phục chế xây dựng ngày 10 tháng 10 năm 2001 âm lịch (nhằm ngày Mậu Dần).

Qua bao nhiêu mùa nước lũ, nhiều người có ý kiến nên đưa ngôi mộ đặt chung với nghĩa trang nhưng đều không đưa lên được, mà nguyên nhân vẫn là một ẩn số. Cho đến bây giờ thì không ai có ý định đưa ngôi mộ lên nữa, kể cả chính quyền địa phương. Nó vẫn nằm sừng sững, uy nghiêm giữa cánh đồng canh tác của bà con nông dân.

  1. Những buổi hầu đồng – Sự đặc biệt khác lạ của một dòng văn hóa

Lịch sử nhà thờ họ Lê đã chứng kiến quá trình của các nhân vật huyền thoại của trời đất. Có 4 vị quan đồng lần lượt được chọn. Vị quan đồng thứ nhất được chỉ định là ông Đồng Chất, đây là quan đồng được bà chúa Liễu Hạnh nhập vào. Vị quan đồng thừ hai được vua Mai Hắc Đế nhập là ông Thọ Thắm. Vị quan đồng thứ ba là ông Lê Kỷ được Tiên Tổ Đức Lê Nhị Đại giáng vào. Thứ tư là ông Ẩm được Lục Thế Tổ Khảo Lê Hữu Tuấn nhập vào. Bốn ông quan đồng này không bao giờ thay đổi. Mỗi buổi hầu đồng bày biện lễ, mời Thánh, Tiên Tổ về để nhập vào quan đồng đều do ông Lê Hựu xướng lễ và điều khiển cả buổi hầu đồng đó. Khi ông Đồng Chất bước lên đứng trước hạ điện, ông Lê Hựu trao cho một dải lụa đỏ tầm 1,5 – 2m. Hai người thanh niên đứng hai bên xiết tấm lụa thắt cổ ông Đồng Chất ngoẹo đầu, miệng há ra. Lúc này, ở ngoài đốt một bó hương to đang cháy cắm chặt vào miệng ông Chất. Ông ngửa cổ lên , miệng vẫn ngậm hương nhưng phát ra tiếng nói đầy quyền uy của bà Chúa Liễu Hạnh:  “Nương nương các em ta đâu mau mang một thau nước cho ta rửa mặt, mang gương để cho ta soi, mang lược ra cho ta chải đầu, mang guốc ngọc cho ta đeo”.

Tiến sĩ Lê Tuấn dâng bảng vinh danh các thành tích của mình lên Từ Đường họ Lê

Tiến sĩ Lê Tuấn dâng bảng vinh danh các thành tích của mình lên Từ Đường họ Lê

Đến phiên hầu đồng khác ông Thọ Thập được chỉ định làm quan đồng. Sau khi làm xong các thủ tục như trên, nghĩa là quan đồng bị thắt cổ bằng tấm lụa đỏ. Cổ bé lại bằng cổ tay, đầu nghẹo rũ ra, mồm há hốc, lưỡi thè lè. Người ta cắm nén hương to vào miệng ông. Ông giật mình tỉnh lại và người ông biến thành màu đen như con quạ. Vua Mai Hắc Đế đã giáng vào cất giọng vang rền như sấm: “Bớ vạn quân hàng ngũ phải chỉnh tề, gươm giáo tuốt ra. Ngựa xe binh mã tất cả sẵn sàng theo ta đi đánh giặc…” Sử sách ghi lại vua Mai Hắc Đế da đen nhưng nhiều học giả không tin mà chỉ nghĩ rằng ông sinh ở cửa sông nhờ ơn thủy thần nuôi dưỡng giúp ông có được sức mạnh. Thủy thần đen nên ông được mẹ đặt tên như vậy. Nhưng buổi hầu đồng này đã chứng minh điều mà xưa này chưa sáng tỏ rằng vua Mai Hắc Đế có làn da màu đen. Nhà thờ giúp lịch sử Việt Nam xác định được màu da một vị vua vị anh hùng dân tộc. Phải chăng đây như một sự sắp đặt của Thánh thần và là một lời giải đáp câu hỏi mà ngay cả lịch sử cũng chưa có câu trả lời chính xác?

Người thứ ba được ủy thác lên đồng là ông Lê Kỷ được Tiên Tổ Đức Lê Nhị Đại giáng vào. Ông phán ngay về các chuyện lớn của làng, rồi giảng về đạo nghĩa, dạy cho những điều cụ thể phải làm, chỉ ra những người làm trái lời Thánh. Ông chính là người cai quản sự nghiêm minh của nhà thờ và mọi người phải làm theo lời dạy của thánh. Nếu các vị Thánh chỉ cách làm ăn buôn bán, trị bệnh, mua may bán đắt, giải trừ oan khuất, … thì Tiên Tổ Đức Lê Nhị Đại lại xem dân làng có làm đúng như lời dạy không? Những đạo lý làng xã, đạo nghĩa con cháu đối với Tổ tiên. Tiên tổ là người thay mặt Thánh lĩnh ấn những chỉ dụ, điều Thánh dạy và chỉ đạo thi hành nó. Quan đồng thứ 4 là ông Ẩm được Lục Thế Tổ Khảo Lê Hữu Tuấn giáng. Ông là người dạy cho những người được chỉ định thay mặt làng làm những việc được Thánh ban cho. Ông chỉ dạy cho chữ Hiếu, che chở, bảo ban cho đường đi nước bước để thoát khỏi họa hoằn, vượt qua nguy kịch hay đói nghèo, lại hỗ trợ để cho dân làng hay những người đại diện đạt được thành tích, vinh quang.

Cổng vào Từ đường họ Lê

Cổng vào Từ đường họ Lê

Nhà thờ thiêng liêng đến độ người ta mang người bệnh ốm đau từ khắp các nơi về để xin thuốc. Những người nghèo mang con đến và bỏ đó. Nếu cứu được thì nhờ nhà thờ nuôi dưỡng còn chết thì nhờ chôn hộ. Sau đó, nhà thờ đã nuôi dưỡng đến 17 đứa trẻ. Đó là những đứa trẻ bệnh tật mà nhà thờ đã cứu được.  Sau này lớn lên, chúng lần lượt đi làm ở khắp nơi hoặc quay về với gia đình…

Vào ngày 8- 3 hằng năm là ngày cúng Tổ – Thánh hiện về nhập vào các quan đồng để phán xét, dạy dỗ. Thánh thiêng đến mức, khi cúng trầu cau mà lỡ héo, Thánh hiện về bắt mang đi hết, chỉ rõ quả cau nào bị sâu, lá trầu nào bị héo và ai dâng lễ vật đó. Sau khi ông Lê Hựu mất, nhà thờ rơi vào thời kỳ trầm lặng và đi xuống vì không có ai cai quản. Gia phả bị mất, lễ nghi cũng nhạt phai, bị xem thường, bị lãng quên. Những người lớn biết việc thay phiên nhau lần lượt ra đi. Vào thời hoàng kim đời ông Lê Hựu, thầy cúng cho nhà thờ họ Lê lại là một người họ Trần và đó là ông Trần Văn Cận . Điều này nói lên giữa họ Trần và họ Lê đã có một mối khăng khít từ lâu. Nhiều người kể lại rằng, sau khi ông Lê Hựu mất, nhà thờ đã không còn thiêng nữa . Ngay từ khi sửa chữa năm 1985 thì các Thánh đã bỏ đi hết. Ngày trước mỗi lần có người muốn đến xin Thánh giúp đều có xăm (gồm 2 loại). Nhưng bây giờ không còn nữa, gia phả thì không biết đã mất từ lúc nào. Mà muốn dựng lại Gia phả đâu phải dễ – Không thể viết theo trí nhớ hay nghe ai đó nói Thánh giáng.

Vào lúc 22h đêm năm 1985, Thánh giáng tại Lễ sau khi sửa chữa nhà thờ. Ông Lê Bá là một trong những nhánh nhỏ của dòng họ Lê bên Sà Nam về nhà thờ khấn vái thì được Tiên Tổ Đức Lê Nhị Đại giáng vào, lúc này không biết chiêng trống từ đâu nổi lên. Ông Chất Tính sống sát vách nhà thờ lấy vải điều đỏ dài 2 m cuốn vào cổ ông Lê Bá và xiết. Ông Bá ngậm cả bó hương to đang cháy, cổ bị thắt lại bé bằng cổ tay. Ông phán: “Ông Lê Tính không phải tộc trưởng nhưng bà con nghe lời ông ấy được. Đây là nhà thờ Thánh chứ không phải nhà thờ gia tiên, không được cúng đồ mặn, đang có mấy mâm cúng đồ mặn đem ra ngoài ngay, ở đây nhà thờ thánh không được cúng đồ sát sinh (trước đây thường thờ cúng xôi, chè không có đồ mặn)”.

12 năm sau khi ông Lê Hựu mất người dân đã quên mất chuyện Thánh dạy phải cúng đồ chay. Nhưng những lời phán của Tiên Tổ đã khẳng định lại rằng, tộc trưởng là bà chúa Liễu Hạnh và không ai có thể thay thế được mặc dù ông Lê Tính cũng xứng đáng. Cả việc bát hương của người bên chi là ông Bân bị trôi dạt do lụt đã được vớt và đem vào nhà thờ. Tiên tổ phán là đem bát hương này ra ngoài ngay không được để lung tung ở đây. Đó như một lời nhắc nhở đây là nhà thờ thánh chứ không phải nhà thờ gia tiên mà đem vào thờ. Buổi Lễ khánh thành biến thành buổi lễ giáng quan đồng của Thánh. Lúc đó không ai bảo ai, mọi người đang đi sông, làm đồng đều ngưng làm việc đổ về  nhà thờ họ Lê. Kể từ khi ông Lê Hựu mất cho đến nay họ mới được nghe thánh chỉ dạy.

Song Hoa (Còn tiếp)


Hãy chia sẻ cho bạn bè qua: