Mở cao tốc để thúc đẩy phát triển


Mặc dù giao thông vùng Đồng bằng sông Cửu Long có đủ 4 phương thức vận tải đường bộ, thuỷ, biển, hàng không – nhưng toàn hệ thống lại không đồng bộ và ngày càng xuống cấp. Vì vậy, nhu cầu cấp thiết cho vùng là phải đẩy mạnh việc hình thành các tuyến cao tốc để thúc đẩy phát triển nhanh, bền vững.

Quy hoạch đô thị tại TP.HCM – Bài 2: Phát triển các khu đô thị hiện đại

                                                           Cầu Mỹ Thuận.

“Điểm nghẽn” ở đồng bằng

Giao thông ở vùng ĐBSCL vẫn đủ 4 phương thức vận tải chính là đường bộ, đường thủy nội địa, đường biển, đường hàng không. Trong đó, hệ thống đường bộ có tổng chiều dài là 44.352 km. Tuy nhiên, theo Bộ Giao thông vận tải, cả vùng mới chỉ có hơn 40 km đường cao tốc, trong khi có tới 80% khối lượng hàng hóa phải vận chuyển bằng đường bộ tới các cảng tại TP Hồ Chí Minh để xuất khẩu. Đây chính là “điểm nghẽn” lớn nhất của vùng, ảnh hưởng lớn đến các mục tiêu phát triển bền vững ĐBSCL.

Gần 10 năm trở lại đây, tình trạng ùn tắc giao thông xảy ra liên tục, nhất là những ngày lễ tết. Qua khảo sát cho thấy, tuyến Quốc lộ 1 một số đoạn chưa được đầu tư mở rộng. Tuyến cao tốc phía Đông mới chỉ hoàn thành 40km từ TP HCM đến Trung Lương, còn đoạn Trung Lương đi Cần Thơ đến nay mới đang triển khai.

Tuyến đường Hồ Chí Minh đi trùng tuyến N2 chưa được đầu tư và nối thông theo quy hoạch. Tuyến N1 mới hoàn thành khoảng 90km từ Châu Đốc – Hà Tiên, còn lại chưa được triển khai thi công. Trục hành lang ven biển phía Đông còn một số điểm thường xuyên ùn tắc giao thông như cầu Rạch Miễu, phà Đại Ngãi…

Các chuyên gia cho rằng, tuyến đường bộ từ TP Hồ Chí Minh về ĐBSCL, nhất là Quốc lộ 1 đang phải chịu quá tải, trong khi các tuyến đường hỗ trợ lại chưa kết nối được với nhau vì chưa hoàn thiện… Chưa kể, với mạng lưới đường thủy, dù được đánh giá có nhiều lợi thế nhưng việc đầu tư cũng đang hạn chế, khả năng kết nối không đồng bộ.

Ông Lê Văn Nưng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, cũng như nhiều lãnh đạo địa phương trong vùng mong mỏi dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng sớm được thực hiện vì, “Khu vực ĐBSCL sẽ mở ra nhiều triển vọng phát triển kinh tế cũng như giải quyết tình trạng ách tắc giao thông bấy lâu nay. Do đó, An Giang sẵn sàng hỗ trợ đơn vị thực hiện sớm triển khai dự án như công tác giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư cho người dân có đất bị ảnh hưởng”, ông Nưng nói.

Ông Lê Tiến Dũng, Giám đốc Sở GTVT TP Cần Thơ, cho rằng tuyến cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng hình thành sẽ mở ra nhiều lợi thế cho Cần Thơ nói riêng và các tỉnh trong khu vực ĐBSCL nói chung.

“Tuyến cao tốc này nằm giữa Quốc lộ 91 và đường Bốn Tổng – Một Ngàn sẽ tạo hành lang phát triển mới về kinh tế – xã hội cho Cần Thơ. Điều đầu tiên là giải quyết được bài toán vận tải hàng hóa, hành khách nhanh chóng và thuận tiện. Thứ hai là kết nối các tỉnh, thành: An Giang, Đồng Tháp với Cần Thơ, Sóc Trăng, Bạc Liêu cũng như kết nối từ Campuchia đến các tỉnh, thành trong khu vực với thời gian di chuyển rút ngắn, hàng hóa được thông thương. Đồng thời, tuyến cao tốc mới này cũng quan trọng trong việc bảo vệ an ninh, quốc phòng”, ông Dũng nói.

Đẩy mạnh kết nối hạ tầng, thúc đẩy phát triển kinh tế vùng

Từ sau khi có Nghị quyết số 120/NQ-CP của Chính phủ, cả Chính phủ và các Bộ, ngành địa phương đã tập trung mạnh nguồn lực để phát triển mạnh giao thông cho vùng.

Mới đây Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường cao tốc Mỹ Thuận-Cần Thơ, giai đoạn 1, quy mô 4 làn xe (tại Quyết định số 839/QĐ-TTg ngày 16/6/2020). Theo đó, tổng chiều dài tuyến này khoảng 22,97km (thuộc địa phận tỉnh Vĩnh Long và Đồng Tháp); điểm đầu kết nối với cầu Mỹ Thuận 2 và điểm cuối tại nút giao Chà Và, kết nối với quốc lộ 1 hiện hữu (tỉnh Vĩnh Long). Dự án được đầu tư xây dựng theo hình thức đầu tư công với tổng mức đầu tư hơn 4.827 tỉ đồng từ nguồn vốn ngân sách Trung ương. Dự kiến được khởi công trong năm 2020, cơ bản hoàn thành năm 2022.

Ngoài ra Bộ GTVT cũng kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ quan tâm, tập trung nguồn lực cho vùng ĐBSCL. Mục tiêu nhằm tăng cường kết nối giao thông vận tải giữa TPHCM với các tỉnh trong vùng, đáp ứng nhu cầu vận tải hành khách và hàng hóa, đặc biệt là xuất nhập khẩu hàng hóa, nâng cao giá trị các sản phẩm chủ lực.

Với các tuyến cao tốc trục dọc, Bộ kiến nghị Thủ tướng bố trí ngân sách Nhà nước để tiếp tục thi công đoạn Trung Lương-Mỹ Thuận, đảm bảo tiến độ thông xe trong năm 2020; dự án đoạn Mỹ Thuận-Cần Thơ phấn đấu hoàn thành Quý II năm 2022.

Thông tin từ Bộ GTVT mới đây, Tổng Công ty Đầu tư phát triển và quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long (Tổng Công ty Cửu Long) đang lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi 2 dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc ở khu vực ĐBSCL, gồm Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng và Hà Tiên-Rạch Giá-Bạc Liêu. Đây là 2 dự án trọng điểm, mang tính cấp thiết để tăng tính kết nối và phát triển kinh tế – xã hội cho cả vùng.

Việc xúc tiến đầu tư 2 dự án nêu trên được xem là cấp thiết để đồng bộ hệ thống hạ tầng giao thông đường bộ, tăng khả năng liên kết vùng trong điều kiện giao thông khu vực hiện còn nhiều hạn chế.

Theo Tổng Công ty Cửu Long, việc đầu tư xây dựng mới tuyến cao tốc Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng sẽ góp phần hoàn chỉnh mạng lưới giao thông tại khu vực, đáp ứng nhu cầu vận tải trên tuyến hành lang theo trục ngang ven sông Hậu. Đồng thời, tạo ra sự kết nối các khu cảng tại Cần Thơ, Sóc Trăng, Bạc Liêu và các TP Cần Thơ, Long Xuyên, Châu Đốc cũng như các cửa khẩu quốc tế dọc biên giới giáp Campuchia… Bên cạnh đó, dự án cũng sẽ cải thiện và giảm ùn tắc giao thông, bảo đảm an toàn giao thông trong khu vực, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và bảo đảm an ninh quốc phòng khu vực Tây Nam Bộ.

Theo Đại Đoàn Kết


Hãy chia sẻ cho bạn bè qua: