Các công trình ở Sài Gòn sau trăm năm vẫn còn sử dụng


Sau một thế kỷ, Nhà thờ Đức Bà, Nhà hát Thành phố, Hồ Con Rùa vẫn tồn tại và phục vụ nhiều công năng khác nhau.

Nhà thờ Đức Bà: Kiệt tác kiến trúc 138 năm tuổi giữa Sài Gòn

Sự thật giờ mới biết về bức phù điêu chợ Bến Thành

Chợ Bến Thành
Chợ được khởi công xây dựng năm 1912 đến cuối tháng 3/1914 thì hoàn tất, ban đầu nằm bên bờ sông Bến Nghé, cạnh một bến sông gần thành Gia Định (bấy giờ là thành Quy, còn gọi là thành Bát Quái). Bến này dùng để hành khách vãng lai và quân nhân vào thành, vì vậy mới có tên gọi Bến Thành và khu chợ có tên từ đó.
Hiện tại, xung quanh chợ là hàng rào “lô cốt” dài hàng trăm mét của dự án Xây dựng tuyến đường sắt số 1 (tuyến Bến Thành – Suối Tiên)

Nhà hát Thành phố
Nhà hát TP HCM hay gọi tắt là Nhà hát Thành phố được khánh thành vào ngày 1/1/1900. Đây được coi là công trình tiêu biểu và tốn kém nhất ở Sài Gòn thời Pháp thuộc, do kiến trúc sư Pháp Ferret thiết kế.
Hiện nay, Nhà hát Lớn là nơi tổ chức biểu diễn sân khấu chuyên nghiệp như opera, múa ba lê, ca nhạc, kịch nói, cải lương… cho các đoàn nghệ thuật trong và ngoài nước.

Dinh Thượng Thơ
Dinh Thượng thơ được xây năm 1860, theo kiến trúc thuộc địa Pháp, gồm một dãy nhà chính giữa, nhìn ra đường Lý Tự Trọng (quận 1), nối với hai dãy nhà hai bên tạo thành hình chữ U. Bên trong có bốn cầu thang gỗ dẫn lên tầng, nằm gần cổng ra vào và hai góc của tòa nhà.
Tính từ lúc được nâng cấp lần cuối (năm 1890) đến nay đã gần 130 năm, song tòa nhà vẫn giữ được hai chiếc cổng sắt thiết kế tinh xảo và lối vào lát đá xanh. Nếu tính về lịch sử khi mới được xây dựng lần đầu thì công trình đã gần 160 tuổi.
Dinh Thượng thơ Nội vụ, trước 1975 là trụ sở Bộ Kinh Tế, hiện tại là trụ sở Sở Thông Tin và Truyền thông TP HCM. Hiện Dinh nằm trong cuộc tranh luận bảo tồn hoặc đập phá để xây công trình khác.

Nhà thờ Đức Bà
Nhà thờ Đức Bà có tên đầy đủ là Vương cung thánh đường chính tòa Đức Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội. Ngày 7/10/1877, Giám mục Isidore Colombert đã đặt những viên đá đầu tiên để khởi công xây dựng nhà thờ và công trình được hoàn thành 3 năm sau.
Hiện tại, nhà thờ trong quá trình trùng tu kéo dài 2 năm.

Bưu điện Thành phố
Tọa lạc tại Công trường Công xã Paris (quận 1), Bưu điện trung tâm Sài Gòn được người Pháp xây dựng trong khoảng 1886 – 1891. Công trình mang phong cách châu Âu kết hợp với nét Á Đông theo bản vẽ của kiến trúc sư Villedieu cùng với người trợ tá Foulhoux.
Công trình đã trải qua nhiều lần thay đổi màu sơn, hiện mang màu vàng nhạt và là điểm tham quan nổi tiếng với du khách nước ngoài.

Trụ sở UBND TP HCM
Công trình được xây dựng từ năm 1898 đến 1909 do kiến trúc sư Femand Gardès thiết kế dựa theo những lầu chuông ở miền bắc nước Pháp.
Thời Pháp thuộc, tòa nhà này có tên tiếng Pháp là Hôtel de ville hay Dinh xã Tây trong tiếng Việt. Dưới thời Việt Nam Cộng hòa, tòa nhà được gọi là Tòa đô chánh Sài Gòn, địa điểm làm việc của các quan chức cấp cao và diễn ra các cuộc họp của chính quyền nội đô.
Từ sau 30/4/1975 đến nay, tòa nhà trở thành nơi làm việc của UBND TP HCM. Nằm ở trung tâm Sài Gòn và ngay đầu phố đi bộ Nguyễn Huệ, tòa nhà ghi dấu ấn trong nhiều bức ảnh của du khách.

Cầu Mống
Cây cầu kiên cố này nằm ở trung tâm thành phố, vắt ngang qua kênh Tàu Hủ – Bến Nghé, nối liền quận 1 và quận 4. Được xây vào những năm cuối của thế kỷ 19, cầu Mống hiện là một trong những chiếc cầu lâu đời nhất ở Sài Gòn.

Khách sạn Continental
Công trình được Pierre Cazeau, một nhà sản xuất vật liệu xây dựng người Pháp, xây dựng vào năm 1878, hoàn thành vào năm 1880.
Khách sạn được xây dựng theo lối kiến trúc Pháp, cao 4 tầng gồm 86 phòng. Gần 140 năm tuổi, khách sạn vẫn giữ được vẻ sang trọng với kiến trúc tường gạch, trần nhà cao và phòng khách rộng rãi.

Theo vnexpress


Hãy chia sẻ cho bạn bè qua: