Dấu ấn sông Sài Gòn trong lịch sử phát triển


Sông Sài Gòn theo thời gian đã trở thành một nét văn hóa, một hình ảnh khó quên với con người Sài Gòn.

Sông Sài Gòn ở thượng lưu bắt nguồn từ vùng Hớn Quản (Bình Phước), chảy qua hồ Dầu Tiếng (Tây Ninh), qua địa phận tỉnh Bình Dương rồi vào TP.HCM. Nó chảy đến mũi Đèn Đỏ (huyện Nhà Bè) thì nhập với sông Đồng Nai làm thành sông Nhà Bè. Tại đây, nó tách thành 2 nhánh Lòng Tàu và Soài Rạp. Sông Sài Gòn ra biển Đông qua cửa Cần Giờ. Tổng chiều dài là 256km, đoạn chảy qua TP.HCM là 80km. Sông Sài Gòn là nhân chứng lịch sử của Sài thành xưa và nay.

song-sg

Một góc sông Sài Gòn ngày nay

Được biết, trước kia khi hệ thống giao thông đường bộ chưa thông suốt, người dân vùng đất Nam Bộ xưa đi lại bằng việc men theo các con sông. Người dân vùng ven vào Gia Định làm ăn hay thăm nhau, đi theo đường biển vào cửa Cần Giờ, đến ngã ba sông Nhà Bè rồi rẽ phải vào sông Sài Gòn đến Gia Định. Xưa, sông Sài Gòn là mối giao thông huyết mạch nên nó giữ dấu ấn vai trò quan trọng trong văn hóa của Sài Gòn – Gia Định và TP. HCM ngày nay.

Đất Sài Gòn từ thuở khai sinh vốn đã rất nhộp nhịp, sau đó trở thành đô thị, trung tâm kinh tế sầm uất. Sông Sài Gòn là nhân chứng của nhiều thuyền tàu từ các địa phương, các quốc gia khác tìm đến để trao đổi hàng hóa. Ngày ấy, chủ yếu là lúa gạo, hàng nông sản.

Theo nhà sử học Trịnh Hoài Đức thì sông Sài Gòn xưa là nơi mà những tàu buôn và ghe thuyền trong và ngoài nước ra vào không ngớt, đầu tàu nối liền, đuôi cột buồm chi chít. Với triều đình nhà Nguyễn, sông Sài Gòn không những có vai trò chiến lược đối với vùng đất Gia Định, mà còn mang ý nghĩa quan trọng trong việc mở cõi phương Nam và nhiều lần gắn với điềm lành, được thiêng hóa.

Năm 1860, người Pháp cho xây dựng cảng bên bờ sông Sài Gòn để làm đầu mối các tuyến hàng hải từ Đông sang Tây. Ngày đó hai bên sông Sài Gòn nhộp nhịp bởi giao thương làm ăn với thế giới bên ngoài. Cái tên Hòn Ngọc viễn Đông dành cho Sài thành cũng ra đời từ đó.

Sài Gòn ngày nay đã thay đổi rất nhiều về diện mạo và đang trên đà phát triển. Sông Sài Gòn được xem như một chứng nhân cho sự phát triển ấy. Dòng sông này đã chứng kiến sự thay da, đổi thịt từng ngày của Sài Gòn. Niềm vui, nỗi buồn hay sự lột xác của mảnh đất này cũng được sông Sài Gòn thẩm thấu. Cách đây hơn 100 năm, chính từ khúc sông Sài Gòn này đã lưu dấu chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành ra biển tìm đường cứu nước. Hình ảnh bến cảng Nhà Rồng với con tàu Đô đốc Latouche Tréville vẫn vẹn nguyên trên sông, là nhân chứng của lịch sử giải phóng đất nước.

Ngày nay, khi hệ thống giao thông đường bộ đã phát triển, việc buôn bán, vận chuyển trên sông Sài Gòn vẫn tấp nập. Cùng với Bến Nhà Rồng, nhà mày đóng tàu Bason nằm ngay cạnh sông Sài Gòn chứng nhận sự thay da, đổi thịt của thành phố. Cũng trên dòng sông đó cụm cảng Sài Gòn là hệ thống cảng biển đóng vai trò là cửa ngõ của miền Nam trong các hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa. Hình thức du lịch trên sông Sài Gòn cũng được lãnh đạo thành phố đặc biệt chú ý. Các du thuyền, hoạt động về đêm, du khách có thể ngắm nhìn vẻ lung linh, thơ mộng và nghe về lịch sử trên dòng sông gắn liền với sự phát triển của thành phố.

Khúc sông Sài Gòn chảy qua thành phố uốn lượn như muốn đi vào từng ngóc ngách của vùng đất này. Chứng kiến những công trình lớn ngay cạnh con sông như tòa nhà cao nhất thành phố Bitexco, hầm vượt sông Sài Gòn đã trở thành niềm tự hào của người dân. Công trình Tân Sơn Nhất – Bình Lợi – Vành Đai Ngoài đang được thi công hứa hẹn sẽ mang đến một bộ mặt mới cho dự phát triển đô thị làm cho dòng sông thêm lung linh, huyền ảo như vốn có bao đời nay. Dòng sông bây giờ hiện đại như chính đô thị Sài Gòn nhưng vẫn không hề mất đi tính lịch sử vốn có của nó.

Nguồn: Hạ Huyền


Hãy chia sẻ cho bạn bè qua: