Khu tứ giác Eden thuở ấy


Cư dân ở bốn tầng trên, tầng trệt là các cửa hàng quay ra bốn mặt phố. Rạp xi-nê Eden rộng thênh thang ở trung tâm khu tứ giác được lấy làm tên chung cả khu. Dãy hành lang ngang dọc trong thương xá cũng mang tên Passage Eden. Dọc hai bên hành lang vào rạp xi-nê từ cửa chính phía đường Tự Do và từ cửa phía đường Lê Lợi là các cửa hàng hạng sang của thương xá Eden, chủ yếu bán quần áo thời trang, giày dép, đồ da cao cấp…

Chuyện ít biết về Sài Gòn xưa: Đại lộ Charner – Nguyễn Huệ, chốn cực phẩm phong lưu

Chuyện ít biết về Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn

Thương xá Eden xưa.

Thương xá Eden xưa.

Rạp Eden tuy cửa chính hướng ra đường Tự Do nhưng vẫn có hành lang ăn thông qua Lê Lợi, Nguyễn Huệ. Các panô lớn giới thiệu phim đặt quay ra phía đường Nguyễn Huệ, thu hút người xem, cạnh tranh với rạp Rex hiện đại, sang trọng đối diện bên kia đường.

Dù rạp Eden với tầng lầu rộng thênh thang ba bậc nhưng ghế đã cũ sờn, lại ít chiếu phim mới, chiếu thường trực nên khán giả của Eden chủ yếu sinh viên, viên chức trung lưu và nhất là các cặp tình nhân thường kéo nhau lên lầu bậc cao nhất để tâm sự! Hai rạp này sau năm 1975 vẫn tiếp tục chiếu phim mười mấy năm nữa mới “hoàn thành nhiệm vụ” rồi chuyển đổi công năng.

Đường Tự Do đoạn ngang qua khu tứ giác Eden có hai nhà hàng Pháp nổi tiếng. Đó là quán La Pagode nằm ngay ngã tư Tự Do – Lê Thánh Tôn và quán Givral ở góc Tự Do – Lê Lợi. Tiếng là nhà hàng nhưng khách ăn thì ít, chủ yếu là cà phê mang phong cách Pháp – thuộc loại sang trọng nhất nhì Sài Gòn bấy giờ.

Givral còn là hiệu bánh Pháp nổi tiếng nên khách thường vừa uống cà phê vừa nhâm nhi patéchaux, croisans. Quán La Pagode – được các văn nghệ sĩ gọi nôm na là quán “Cái Chùa” – dịch từ La Pagode – là điểm hẹn của những tên tuổi lừng lẫy trong giới văn nghệ bấy giờ như kịch tác gia Vũ Khắc Khoan; nhà văn Mai Thảo, Thanh Nam, Nguyễn Đình Toàn; nhà thơ Nguyên Sa, Thanh Tâm Tuyền…

Họ đến đây chủ yếu trò chuyện văn chương, hoặc có khi ngồi một mình nhâm nhi ly cà phê hay kêu chai bia 33 ngồi ngó mông lung ra đường, hoặc nhìn xéo qua ngã tư về phía nhà thờ Đức Bà là những vòm cổ thụ cao vút của Công viên Chi Lăng chênh chếch như một ngọn đồi. Mấy năm trước, những cổ thụ trong Công viên Chi Lăng đã bị chặt bỏ, công viên trở thành một khoảnh sân của trung tâm thương mại Vincom.

Còn cánh nhà báo, phóng viên, thông tín viên các hãng tin nước ngoài thường tụ tập ở Givral do quán này nằm đối diện tòa nhà Quốc hội (nay là Nhà hát TP), rất thuận tiện lấy tin và gặp gỡ các dân biểu, nghị sĩ, chính trị gia.

Kể cả ngồi ở Givral có thể nhìn ra khoảnh công viên nhỏ trên đường Lê Lợi, ngay trước tòa nhà Quốc hội, nơi thường có những cuộc biểu tình của sinh viên. Và cả các cuộc họp báo đột xuất của những chính trị gia đối lập. Vì vậy Givral được cánh phóng viên, thông tín viên đặt tên là “Radio Catinat” (Catinat là tên đường thời Pháp, sau năm 1954 đổi là Tự Do, sau năm 1975 đổi là Đồng Khởi). Nhà báo Phạm Xuân Ẩn của tạp chí Time là khách thường xuyên của Givral bởi văn phòng tạp chí Time nằm trên lầu một khách sạn Continental ở bên kia đường, đối diện Givral.

Nhà báo Phạm Xuân Ẩn là một điệp viên cao cấp mang hàm đại tá nhưng mãi sau này mọi người mới biết. Ông được gọi là “điệp viên hoàn hảo”, được phong tướng và là một vị tướng tình báo huyền thoại. Nhiều nhà báo phương Tây gọi ông là “Tướng quân Givral”. Quán Givral cũng là nơi nhà văn người Anh Graham Greene, tác giả tiểu thuyết nổi tiếng Người Mỹ trầm lặng, đã từng ngồi. Phim Người Mỹ trầm lặngdựng từ tiểu thuyết của ông cũng có cảnh quay một tiểu đoạn ở đây. Có thể nói các quán La Pagode và Givral là những địa chỉ văn hóa lịch sử đáng được lưu giữ.

Ngay cả chiếc cầu thang cũ của tòa nhà thương xá Tax trên đường Nguyễn Huệ người ta còn bảo tồn nữa là…

Theo Plo


Hãy chia sẻ cho bạn bè qua: