Mãi thơm danh tiếng Cù Là


Ngày nay không còn tìm thấy dấu vết khu dân cư người Miến thuở nào, thay vào đó là cụm Di tích Cách mạng Chùa Cù Là đồ sộ

Xà bông Cô Ba sắp trở lại thị trường

1.001 kiểu quảng cáo ấn tượng của người Sài Gòn xưa

Cùng với dầu Nhị Thiên Đường, dầu gió B/S Tin, dầu Cù Là đã đi vào tiềm thức người Việt Nam từ Nam chí Bắc, đóng góp vào việc bảo vệ sức khỏe cho mọi gia đình.

Có mặt khắp nơi

Dầu Cù Là nổi danh trong Nam ngoài Bắc đến nổi cứ loại nào có tác dụng chữa bệnh dưới dạng dầu cao đều được gọi là Cù Là, bất kể xuất xứ. Miền Bắc nổi tiếng có cao Sao Vàng, cao Bồ Câu Trắng; nhập khẩu thì có dầu Con Hổ của Singapore, dầu Thanh Lương của Trung Quốc…

Chị em bà Lê Kim Nga - Lê Kim Phụng và tổng đại lý của dầu Cù Là Mac Phsu tại Sài Gòn trước đây

Chị em bà Lê Kim Nga – Lê Kim Phụng và tổng đại lý của dầu Cù Là Mac Phsu tại Sài Gòn trước đây

Được Xí nghiệp Dược phẩm trung ương 3 đưa vào sản xuất từ thập niên 1960, cao Sao Vàng đã trở thành người bạn đồng hành của không chỉ người Việt Nam mà còn của nhiều người tiêu dùng trên thế giới.

Cao Sao Vàng từng một thời là sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang Liên Xô và nhiều nước Đông Âu. Không rõ vì lý do gì mà sau khi khối Đông Âu tan rã thì ngay ở trong nước, cái tên cao Sao Vàng cũng gần như mất hút, thị trường chỉ bán với giá 2.000 đồng/hộp vẫn chẳng ai mua.

Mãi thơm danh tiếng Cù Là - Ảnh 2.

Dầu Con Hổ (Tiger Balm) đựng trong hộp sắt 5 g, từng lưu hành cả trăm năm nay, được dân ta ở nhiều nơi coi như thứ thuốc “đau đâu thoa đó” vô cùng hiệu nghiệm, đặc biệt có tác dụng xua đuổi côn trùng cho trẻ nhỏ. Từ “dầu Con Hổ” đã phổ biến đến mức đi vào từ ngữ Trung Quốc, mang tính châm biếm, chỉ những người lắm tài nhưng không tinh thông nghề gì.

Một thời, người ta cứ lầm tưởng dầu Con Hổ có xuất xứ Hồng Kông. Thực ra, người sáng lập thương hiệu dầu Con Hổ là ông Hồ Văn Hổ (1882-1954), người Hẹ ở tỉnh Phúc Kiến – Trung Quốc, Hoa kiều ở Myanmar. Ông đã cùng người em là Hồ Văn Báo thành lập nhà thuốc Vĩnh An Đường sản xuất dầu Con Hổ và nhiều loại thuốc gia dụng khác, bán rộng khắp ở Trung Quốc và các nước Đông Nam Á. Hai anh em nhà họ nhanh chóng phất lên.

Hoàng thái tử lưu vong sản xuất Cù Là

Theo tác giả An Chi trong sách “Chuyện Đông chuyện Tây” thì “Cù Là là tên mà người xưa ở miệt dưới (miền Tây Nam Bộ) dùng để gọi nước Miến Điện. Trước đó, có một loại dầu cao mang nhãn hiệu Mac Phsu, sản xuất tại Miến Điện, được ưa chuộng khắp Nam Bộ, nên mới được gọi là dầu Cù Là (dầu được sản xuất từ nước Cù Là). Sau này, danh từ dầu Cù Là được dùng rộng rãi để chỉ tất cả các loại dầu cao”.

Từ tháng 11-1889 tới tháng 9-1921, Hoàng thái tử Myingun Min của Myanmar đã sống lưu vong tại Sài Gòn. Người Pháp cho hoàng thái tử sống ở Sài Gòn và chu cấp tiền bạc để có thể sau này sử dụng ông chống lại thế lực người Anh. Sau cuộc chính biến của Myingun Min ở cố đô Mandelay thất bại, hoàng thái tử đã “hết giá trị sử dụng”, người Pháp bỏ mặc, ông phải sống tự lực và lưu vong ở Sài Gòn suốt 32 năm.

Theo Niên giám Đông Dương 1908, Myingun có địa chỉ ở đường Paul Blanchy (nay là đường Hai Bà Trưng, TP HCM): “128. M. Mingonn, prince de Birmanie”. Những năm sau này, địa chỉ này không còn thấy nữa.

Ông hoàng Myingun có ba vợ, bao gồm một người Việt Nam. Bà Daw Phyu, con gái của Hoàng thái tử Myingun, đã lập gia đình với chồng người Việt và mở hãng dầu Mac Phsu dựa trên nền tảng công thức nấu dầu Cù Là của nhà vợ là Hoàng gia Myanmar. Dầu này có màu xanh lá cây, nổi tiếng khắp Đông Dương, cạnh tranh trực tiếp với dầu Tiger Balm màu đỏ và dầu Nhị Thiên Đường.

Dầu của bà Daw Phyu thời đó được quảng cáo khắp nơi ở miền Nam Việt Nam như trên báo, trên bảng quảng cáo đặt tại các chợ nổi tiếng An Đông, Thái Bình… với tên gọi dầu Cù Là, dầu Gió hay dầu Bạc Hà chữa trị “tứ thời cảm mạo”. Tuy cùng xuất xứ Myanmar nhưng dầu Cù Là Mac Phsu xuất hiện muộn hơn và có nguồn gốc độc lập, chẳng liên quan gì đến dầu Con Hổ.

Tổng đại lý của dầu Cù Là Mac Phsu tại Sài Gòn trước đây nằm trên đường Frère Louis (nay là đường Nguyễn Trãi, quận 1), gần nhà thờ Huyện Sĩ, cách cổng xe lửa (nay đã bỏ) chỉ mấy căn phố. Sau năm 1975, công ty sản xuất dầu Mac Phsu không còn hoạt động, bà Daw Phyu và đa số con cháu đã đi định cư ở nước ngoài.

Ngưng sản xuất từ năm 1975, những tưởng dầu Cù Là Mac Phsu bị khai tử. Nào ngờ, 2 phụ nữ là hậu duệ của dòng dõi hoàng tộc Myanmar tại Việt Nam vẫn âm thầm gầy dựng lại sự nghiệp của cha ông. Họ là hai chị em bà Lê Kim Nga và Lê Kim Phụng, hiện đều ở tuổi trên dưới 70.

Nấu dầu Cù Là gồm những công đoạn rất phức tạp. Người Myanmar có tục lệ chỉ truyền nghề cho con gái nên 2 bà là truyền nhân đời thứ 3, được truyền nghề trực tiếp từ ông ngoại. Điều thú vị là tuy cả 2 bà đều là cháu của cố Hoàng thái tử Myingun nhưng lại có cha là người Việt Nam nên nhãn hiệu Mac Phsu đã gần như “bản địa hóa” hoàn toàn. Họ đã đăng ký sản xuất từ năm 2013 với nhãn hiệu Con Công.

Dấu vết “xóm Cù Là”

Sơn Nam – nhà văn phong thổ miền Nam, quê Kiên Giang – trong truyện ngắn “Xóm Cù Là” có những mô tả cụ thể: “Dân trong xóm sống vui vẻ tập trung tại ngã tư, nơi gặp gỡ tự nhiên của hai con rạch cong queo và dùng đến ba thứ tiếng: tiếng Việt, tiếng Miên, tiếng Triều Châu. Các vị bô lão cho biết xưa kia, vài người mộ đạo đã cất ngôi chùa tại ngã tư. Một vị tướng nhà Nguyễn từng tá túc tại chùa, dâng cho chùa một tượng Phật nhỏ mà ông đã thỉnh tại xứ Cù Là”. Chùa Cù Là có tên từ đó.

Theo chỉ dẫn của nhà văn Sơn Nam như lần theo dấu chân chim hồng trên tuyết, tôi đến xóm Cù Là, thuộc làng Vĩnh Hòa Hiệp, huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang – cách TP Rạch Giá 13 km. Gần đó có xóm Tà Niên, nổi tiếng với nghề dệt chiếu. Trước năm 1975, tôi từng coi cuốn truyện dài “Cô gái Tà Niên”. Tà Niên nổi tiếng là nơi sản sinh nhiều người đẹp miệt Lục tỉnh, chỉ có làng nghề thì đã mai một.

Ngày nay, không còn tìm thấy dấu vết khu dân cư người Miến thuở nào, thay vào đó là cụm Di tích Cách mạng Chùa Cù Là đồ sộ.

Với sự chỉ đạo của Ban Khmer vận Tỉnh ủy Kiên Giang, vào lúc 5 giờ 30 phút sáng 10-6-1974, sư sãi cùng đông đảo đồng bào đã đổ ra lộ 12 (nay là Quốc lộ 61). Đi đầu đoàn biểu tình là 4 vị sư Khmer dương cao cờ Phật giáo, kế đến là các vị sư mang tấm biểu ngữ đỏ với dòng chữ “Trả tự do cho các vị sư bị bắt đi quân dịch” bằng 2 thứ tiếng Việt và Khmer. Khi đến cầu Tà Niên, họ xảy ra xung đột với cảnh sát. 4 nhà sư dẫn đầu đã anh dũng hy sinh.

Năm 2012, tỉnh Kiên Giang đã trùng tu ngôi chùa, xây dựng bửu tháp, truy tặng danh hiệu liệt sĩ cho 4 nhà sư này và lấy 10-6 là ngày lễ hội truyền thống hằng năm. Đây là ngôi chùa Khmer theo phái Nam tông. Tôi đến chùa vào đúng ngày lễ hội 10-6 nên khách hành hương tấp nập.

Thời gian phôi pha, người Cù Là đã tứ tán nhưng danh tiếng dầu Cù Là vẫn trường tồn, tượng trưng cho mối tình hữu nghị của nhân dân 2 nước Việt Nam – Myanmar.

Vọng trong đồng dao

Ở miền Nam, chắc nhiều người vẫn nhớ ngày nhỏ chơi trò “bòn bon” vừa rờ rẫm đoán ai với ai vừa cười hế hế. Trò “bòn bon” kèm bài đồng dao: “Bòn bon – sô-cô-la – bánh tây – sữa hột gà – dầu Cù Là – bánh trung thu…” – toàn những món tuổi thơ thòm thèm, trừ dầu Cù Là. Trong bài đồng dao này, có nơi còn hát rõ cả hiệu “dầu Lù Là Mác Su”.

Theo nld


Hãy chia sẻ cho bạn bè qua: