Phòng trà ca nhạc Sài Gòn xưa: Bà bầu bất cần đời và phòng trà đại gia


Theo báo chí, Khánh Ly là một bà bầu bất cần đời và hay thay đổi chương trình. Điều này làm cho Queen Bee độc đáo và không giống những phòng trà khác…

NHỮNG PHÒNG TRÀ HAY NHẤT SÀI GÒN

Ca sĩ Sài Gòn xưa – Tứ trụ Sài Gòn

4 NỮ CA SĨ SÀI GÒN XƯA – MỸ NHÂN SÂN KHẤU

Từ giã thời đi hát chân đất, Khánh Ly “lừng khừng” (báo chí gọi cô là ca sĩ lừng khừng nhất nước) đặt chân vào lĩnh vực phòng trà để làm bầu Queen Bee, sau khi Jo Marcel tạo dựng cơ ngơi Ritz. Đây là sự làm “bầu phòng trà” một cách bốc đồng.

Khánh Ly kể trên một tờ báo rằng khi thấy Jo Marcel trả lại Queen Bee để xây dựng Ritz thì cô liền chộp lấy cơ hội này vì đang bắt đầu chán hát cho Tự Do. Cô hùn tiền với một người bạn để ký hợp đồng thuê Queen Bee và khai trương phòng trà vào tháng 3.1970.

Ngày khai trương Queen Bee chật ních khách nên khách mời và khách mua vé vô cùng lộn xộn. Queen Bee nằm trên tầng hai của khu Thương xá Eden. 7 giờ tối thì chiếc thảm đỏ lót chân được trải ra để mời khách sành điệu đến thưởng thức giọng ca “không còn đi chân đất”.

Queen Bee bên cạnh giọng ca Khánh Ly, Thái Thanh, Thanh Thúy còn có các ca sĩ Xuân Sơn (nổi tiếng với bài Mùa thu cho em), Bạch Lan Hương (xuất thân từ ban nhạc Tuổi Xanh của Kiều Hạnh), Phương Hồng Hạnh – một đệ tử của nhạc sĩ Nguyễn Đức – ban Việt Nhi.

Ngoài những giọng ca chủ lực trên, Queen Bee còn có một dàn nhạc “bao”: The Shotguns – thường được gọi vui là ban “sút gân”, được xem là ban nhạc duyên dáng sống động của sân khấu phòng trà Sài Gòn. Trước đây, The Shotguns là một ban nhạc trẻ chơi trong các club Mỹ, đã nhiều lần trình diễn trên đài truyền hình Mỹ (tại VN). Ngọc Chánh – trưởng ban sử dụng organ, là người có công chuyển hướng toàn ban chơi nhạc Mỹ sang nhạc Việt. Ban nhạc còn có Nguyễn Ánh 9, người gầy ốm đánh đàn piano, Hoàng Liêm: lead guitar, Duy Kiêm: bass guitar, Lưu Bình: trống.

Ca sĩ Khánh Ly trước 1975

Ca sĩ Khánh Ly trước 1975

Theo báo chí, Khánh Ly là một bà bầu bất cần đời và hay thay đổi chương trình. Điều này làm cho Queen Bee độc đáo và không giống những phòng trà khác, dù trang trí không bằng Ritz, vì bà bầu ca sĩ 26 tuổi này hết lòng vì khách: “Bỏ ra 700 đồng tới đây cũng xót ruột lắm chứ nên bổn phận của bà bầu là phải làm cho khách quên sự xót ruột đó đi”.

Dù là “một bà bầu đau khổ”, nhưng bà bầu kiếm cũng “khẳm địa”. Trừ mọi chi phí và tiền cát sê cho các ca sĩ, trong đó trả nhiều nhất cho Thái Thanh là 110.000 đồng, thì mỗi tháng Queen Bee cũng lời gần một triệu.

Phòng trà Maxim’s ẢNH: T.L

Phòng trà Maxim’s
ẢNH: T.L

Maxim’s – phòng trà đại gia

Phòng trà Maxim’s tọa lạc ngay địa điểm của nhà hàng Maxim’s bây giờ. Phòng trà này không chỉ có ca nhạc mà còn có ăn uống dành cho giới thượng lưu, sang trọng lúc đó. Dưới sự điều khiển của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ, phòng trà này có những màn nhạc kịch có chất lượng nghệ thuật cao.

Độc đáo của Maxim’s là mỗi đêm, chương trình văn nghệ của Hoàng Thi Thơ đều cống hiến cho khán giả những màn vũ dân tộc độc đáo. Những chiếc nón quai thao thi đua bay lượn, xoay tròn theo điệu hát dân ca cổ truyền, những cô gái Việt ngày xưa mặc áo tứ thân đang hát đối đáp cùng những chàng thư sinh áo the, khăn nhiễu. Đó là nét đặc biệt của Maxim’s với tài dàn dựng của Hoàng Thi Thơ.

Maxim’s có cái dáng và không khí của sân khấu nước ngoài. Có nhiều màn vũ cũng như ca kịch có tính cách Á Đông như tiết mục Cô gái điên (Xuân Dung, Mỹ Phương, La Thoại Tân và Ngọc Đức). Thường xuyên cho thay đổi một tháng một chương trình. Có nhiều phòng trà đến chỉ uống nước và xem ca nhạc. Với những giọng hát tốt nơi đó thu hút khách nghe nhạc, thờ ơ với món ăn. Có những nơi người ta chỉ ăn. Nhưng đến Maxim’s người ta vừa ăn và vừa xem.

Với những gương mặt ca sĩ và kịch sĩ ấn tượng như La Thoại Tân, Ngọc Đức, Túy Hoa, Phi Thoàn, Khả Năng, giọng ca tenor của Cao Thái và dàn vũ nữ xinh đẹp, thực khách tha hồ mãn nhãn và cười thoải mái. Nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ từng tự hào là tại miền Nam này không ai viết nhạc kịch như ông. Nhạc kịch, hài hước, vũ nữ xinh như mộng đã tạo cho Maxim’s một thương hiệu và là nơi chỉ giới nhà giàu mới đặt chân vào.

Vào tháng 5.1972, trên một tờ báo ở Sài Gòn chạy một cái tít rất thương cảm “Phòng trà ca nhạc bị đóng cửa. Giao Linh bán phở, Chế Linh Út Bạch Lan bán cà phê”.

Không phải tờ báo này giựt tít thê thảm như trên để bán báo mà do sau khi ban hành tình trạng thiết quân luật chính quyền đã ra lệnh cấm tổ chức các buổi trình diễn ca vũ nhạc và đóng cửa phòng trà ca nhạc. Biện pháp này làm tê liệt các sinh hoạt của giới nghệ sĩ, đặc biệt là các nghệ sĩ thuộc bộ môn tân nhạc và một thiểu số thuộc bộ môn cổ nhạc, vì một số ít phòng trà có tổ chức các chương trình cổ nhạc.

Thế là một giai đoạn thịnh hành của phòng trà ca nhạc phải chấm dứt và các ca sĩ, nhạc công phải đi hát nhiều cho các đại nhạc hội, còn các ông, bà bầu phòng trà thì ngáp vắn, ngáp dài để chờ thời mở cửa phòng trà trở lại.

Theo thanhnien.vn


Hãy chia sẻ cho bạn bè qua: